Thursday, April 30, 2015

Mỹ - Nhật tính tuần tra chung Biển Đông, Bắc Kinh tức giận

WASHINGTON (NV) .- Bắc Kinh tức giận la lối rằng Biển Đông không phải là chỗ để Mỹ và Nhật biểu diễn mối quan hệ đồng minh, khu vực Trung Quốc coi như “ao nhà” của họ. 

 
Bản đồ Biển Đông có hình “Lưỡi Bò” mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền. (Hình: Business Insider)

Theo các thông tấn quốc tế, lực lượng quân sự của Nhật Bản đang cân nhắc chuyện hợp sức với Hoa Kỳ tuần tra bằng máy bay trên Biển Đông, nơi các hoạt động của Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo với cả cảng biển và phi trường tầm cỡ lớn cho mục đích quân sự khống chế toàn khu vực.

Tin cho hay các cuộc bàn thảo dẫn đến từ kế hoạch của Nhật Bản dự trù đóng một vai trò tích cực hơn đối với an ninh khu vục bên ngoài sự phòng vệ anh ninh nội địa của họ. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến Mỹ tuần này với những thay đổi trong chính sách quốc phòng giúp Tokyo can dự trực tiếp vào vấn đề an ninh bên ngoài lãnh thổ.

Hiện chưa có các chi tiết cụ thể về một kế hoạch tuần tra chung Biển Đông như thế. Tuy nhiên, nếu nó thành hình, nhiều phần các máy bay tuần tra biển của Nhật sẽ xuất phát từ đảo Okinawa, một đảo phía nam nước Nhật, một nguồn tin chính phủ Nhật Bản giấu tên tiết lộ.

Không kể hai nước Việt Nam và Philippines lên tiếng phản đối mạnh mẽ, các nước khác trong khu vực và có quyền lợi hải hành trên Biển Đông cũng đều lên tiếng đả kích hành động bá quyền nước lớn của Bắc Kinh. Tất cả 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc cướp của Việt Nam từ các năm 1988 đến 1995 hiện đang được gấp rút xây dựng thành các đảo nhân tạo.

Hoa Kỳ đã bắt đầu các chuyến bay tuần thám trên Biển Đông với các phi đội sử dụng máy bay P-3 Orion  và P-8 Poseidon với các khả năng phát hiện tàu ngầm, tàu mặt nước và khả năng tấn công tiêu diệt từ trên không. Các phi đội này đều đồn trú tại căn cứ Mỹ ở Okinawa.

Nhật Bản cũng có một phi đoàn tuần tra biển sử dụng 70 máy bay P-3 Orion và dự tính sử dụng thêm trong vòng 5 năm tới khoảng 20 máy bay tuần tra Kawasaki Heavy (7012.T) P-1 đang được Nhật chế tạo. Những chiếc P-1 này có tầm bay xa gấp đôi P-3 với trang bị điện tử tối tân hơn.

“Các tranh chấp về Biển Đông là giữa Trung Quốc và các nước khác tuyên bố chủ quyền trong khu vực nên không cần các người bên ngoài xía vào.” Bài bình luận của Tân Hoa Xã ngày 29/4/2015 phản ứng nhanh chóng khi tin nói trên được chuyển đi khắp nơi. Đây là lập luận cũ chẳng có gì khác trước của Trung Quốc.

Bài bình luận của Tân Hoa Xã đả kích Nhật Bản là sẽ vô ích khi đang cố dùng vấn đề tranh chấp Biển Đông để làm người ta quên đi các vấn đề lịch sử để lại từ Thế chiến Thứ Hai. Bài bình luận nhắc nhở cả Tokyo và Hoa Thịnh Đốn “nên thể hiện các cam kết bảo vệ hòa bình và thịnh vượng của thế giới với các hành động thật sự”.

Cùng một lúc phản ứng giận dữ với việc Mỹ và Nhật liên kết tuần tra chung trên Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc họp báo tố ngược lại là cả Việt Nam cũng như Philippines, đã từ lâu, từng bồi đắp đảo, xây dựng phi trường, bố trí hỏa tiễn, xây dựng cơ sở ở khu vực Trường Sa mà Bắc Kinh gọi là “hành động bất hợp pháp”.

Trong khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền với các bằng chứng lịch sử “không thể tranh cãi” về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc lại ngang ngược hơn, tuyên bố hơn 80% Biển Đông là của họ theo hình “Lưỡi Bò” mà nhiều khu vực ăn sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước khác, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Bên cạnh việc đổ vạ ngược lại cho Việt Nam và Philippines, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi bầy tỏ “quan ngại sâu sắc” về lời tuyên bố chung của khối ASEAN phản ứng đối với hành động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc.

Bản tuyên bố của chủ tịch tổ chức ASEAN sau phiên họp thượng đỉnh kỳ thứ 26 tổ chức ở Malaysia vừa qua bầy tỏ “quan ngại sâu sắc của một số lãnh đạo nước thành viên về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông”. Bản tuyên bố của ASEAN cũng “tái khẳng định sự quan trong của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do lưu thông trên biển cũng như bay qua không phận Biển Đông”.

Giống như nhiều lần trước, Hồng Lỗi lập lại lời tuyên bố rằng hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông “hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.”

Trong khi các nước khác chỉ lên tiếng phản đối hoặc đe dọa tuần tra giám sát, Bắc Kinh ráo riết xây dựng, đặt các nước khác trong sự đã rồi. Một số chuyên viên phân tích thời sự từng báo động Bắc Kinh sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông như đã từng làm trên biển Hoa Đông, khi các căn cứ quân sự lớn ở Trường Sa đã hoàn tất. (TN)
04-29- 2015 3:30:33 PM

No comments:

Post a Comment