Thursday, April 30, 2015

Lễ tưởng niệm các binh sĩ Mỹ và Đồng Minh hy sinh ở Việt Nam

Nguyễn Khanh, RFA
2015-04-30

tuong-niem-622.jpg
Lễ tưởng nhớ những chiến binh hy sinh ở chiến trường Việt Nam ở thủ đô Washington DC hôm 30/4/2015.RFA

Nhân dịp tưởng niệm ngày 30 tháng Tư năm nay, một trong những sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại là tổ chức buổi lễ tưởng nhớ những chiến binh Mỹ hy sinh ở chiến trường Việt Nam. Từ địa điểm buổi lễ ở thủ đô Washington.

Hy sinh cho tự do

Trước lễ đài, mọi người bùi ngùi nhớ đến 58,000 binh sĩ Hoa Kỳ hy sinh ở chiến trường Việt Nam, những người đã chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng tự do.

Phần lớn những người nằm xuống là những thanh niên rất trẻ, trong đó có những người mới tốt nghiệp trung học, cũng có người vừa học xong đại học, cũng có người mới lập gia đình, và cũng có người nằm xuống mà không nhìn thấy mặt của đứa con đầu lòng.

Trưởng Ban tổ chức, Cô Nguyễn Thị Ngọc Giao cho biết:

“Buổi lễ ngày hôm nay là để tưởng niệm 40 năm ngày 30/04/1095, là ngày chúng ta – những người miền Nam Việt Nam bị mất nước vào tay cộng sản.  Cho đến ngày hôm nay vẫn còn rất nhiều người tại Việt Nam phải chịu đau khổ dưới chế độ cộng sản.

Nhưng hôm nay tại Tượng đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Washington DC chúng ta tỏ lòng cảm ơn những người đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam.

Ngoài các chiến sĩ Hoa Kỳ, chúng ta còn trân trọng vinh danh và ghi ơn các chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa và tất cả các chiến sĩ Đồng Minh. Điều này một lần nữa muốn nói rõ rằng chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến giữa những người Việt với cộng sản.

Và chúng ta hôm nay đứng đây cám ơn các chiến sĩ Hoa Kỳ và Đồng Minh đã chiến đấu cùng với chúng ta; trong khi đó cuộc chiến chống lại cộng sản tại Việt Nam vẫn còn đang tiếp diễn.

Với chiếc ba lô đeo sau lưng và khẩu súng cầm trong tay, họ bước lên máy bay rời nước Mỹ để đến một vùng đất thật xa lạ mang tên Việt Nam, vùng đất mà có lẽ hầu hết đều không biết nằm ở vị trí nào trên bản đồ thế giới.

Vì lý tưởng bảo vệ tự do, họ chấp nhận rời mái nhà thân yêu, giã từ người thân, để đi đến vùng đất xa lạ đó, hãnh diện cầm súng chiến đấu với những người không nói chung ngôn ngữ, không cùng một màu da với họ.

Ông Cựu quân nhân Mỹ tên Grant McLure kể lại câu chuyện này với Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi:

“Tôi là Grant McLure, trưởng toán liên lạc với quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Làm việc trong nhóm chúng tôi có những người Việt Nam. Nhóm gồm cả cố vấn quân sự lẫn dân dự, chẳng hạn như tôi làm việc với toán quân y phục vụ ở Ban Mê Thuột từ 1969 đến 1971. Hôm nay chúng tôi có mặt ở đây để bày tỏ lòng kính trọng với những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa mà chúng tôi đã có dịp làm việc chung trong thời chiến tranh”.

Những kỷ niệm chiến trường

Nhiều mẩu chuyện ngắn ngủi khác cũng được nhiều người kể lại khi nói về người bạn đồng minh của mình 40 năm trước đây. Có người nhắc lại lần đầu tiên đi hành quân chung với anh lính Mỹ, có người nhắc lại chuyến trực thăng đổ quân xuống giữa rừng già do một anh phi công Mỹ cầm lái, cũng có người nhắc lại chuyện từng cầm máy truyền tin gọi cho đơn vị pháo binh Hoa Kỳ để nhờ bắn yểm trợ.


Các cựu binh tham dự Lễ tưởng nhớ những chiến binh hy sinh ở chiến trường Việt Nam ở thủ đô Washington DC hôm 30/4/2015. RFA PHOTO.

Nhưng quan trọng nhất, điều mà những người Việt có mặt trong buổi lễ tưởng niệm muốn nói đến vẫn là tình đồng đội giữa người lính Việt Nam Cộng Hòa và người lính Mỹ.

Riêng với ông Trần Ngọc Huế, kỷ niệm mà ông bao giờ quên là những ngày sát cánh cùng các người bạn đồng minh trong trận chiến kéo dài nhiều ngày để lấy lại thành phố Huế:

“Tôi muốn kể lại một kỷ niệm mà tôi với người cố vấn Mỹ của tôi hồi tôi chỉ hy Đại đội Hắc Báo trong trận Mậu Thân để đánh tan sự chiếm đóng của quân cộng sản tại thành phố Huế.

Tuần đầu tiên thì chúng tôi, Đại đội Hắc Báo, không có cố vấn vì cố vấn trưởng của tôi lúc đó phải chống cự với sự tấn công của quan cộng sản tại căn cứ ở phía Nam Sông Hương. 10 ngày sau thì ông cố vấn này đã qua với chúng tôi; và lúc đó chúng tôi rất vui mừng là đã có một người bạn đồng minh ở bên cạnh hổ trợ để cùng nhau chia sẻ những gánh nặng như là tải thương, như là yêu cầu những phi pháo của phía Mỹ.

Chúng tôi rất là cám ơn những người đồng minh đó từ phía Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và Sư đoàn 101 Nhảy dù của Mỹ đã cùng các quân binh chủng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã lấy lại Thành Huế sau 26 ngày đêm bị quân cộng sản vây hãm, đem lại sự thanh bình cho người dân Huế cho đến năm 1975.”

Bùi ngùi, xúc động

Không ai bảo ai, trong nhìn ánh mắt của những người tham dự, mọi người dường như muốn nói lên rằng điều đau buồn nhất là cuộc chiến Việt Nam đã không được quyết định ở chiến trường, mà lại được quyết định ở chính trường Washington.

Những ánh mắt đó như thầm bảo không chỉ người lính của quân đội miền Nam mà ngay chính những người lính Mỹ đã phải chiến đấu, chấp nhận mọi gian khổ, kể cả chấp nhận hy sinh chính thân xác của chính mình, cũng không được quyền chiến thắng.

Vì thế, ánh mắt của những người Việt có mặt trong buổi lễ tưởng niệm như thầm bảo với những người bạn Mỹ đã nằm xuống cho lý tưởng tự do rằng: chúng tôi không bao giờ quên những gì bạn đã làm cho đất nước chúng tôi, và xin hứa với các bạn rằng con đường chúng ta đã đi dù còn dài đến đâu đi chăng nữa, nhưng cuối cùng, chắc chắn chúng tôi sẽ đi cho đến đích.

Buổi lễ không chỉ là dịp để Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại cám ơn sự hy sinh cao cả của những người bạn đồng minh Hoa Kỳ, mà cũng là dịp để một số binh sĩ Mỹ gặp nhau, nhắc lại đoạn đường chiến đấu mà họ đã trải qua, đặc biệt với toán binh sĩ của Đại Đội C, Trung Đội 3, Tiểu đoàn 1/9 Thủy Quân Lục Chiến, ngày 30 tháng Tư năm nay là dịp để họ nhắc lại cũng ngày này 40 năm trước đây, họ chính là toán binh sĩ Mỹ cuối cùng lên chiếc trực thăng cất cánh từ Tòa Đại Sứ Mỹ:

“Chúng tôi thuộc toán binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến cuối cùng được đưa vào Saigon hôm 25 tháng Tư 1975, giữ trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Tòa Đại Sứ Mỹ. Anh em chúng tôi hãnh diện đã làm tròn trách nhiệm cho tới phút chót, đồng thời cũng hãnh diện đá giúp di tản được một số người ra khỏi Việt nam vào giờ chót”.

Một cựu quân nhân trong toán là ông Carl Stroud còn cho chúng tôi xem hình chụp 2 lá cờ, một Mỹ, một Việt Nam Cồng Hòa, mà ông mang ra được từ Tòa Đại Sứ. Hai lá cờ này hiện đang được giữ ở Viện Bảo Tàng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Cũng cần nói thêm là ngoài 58,000 binh sĩ Mỹ hy sinh ở chiến trường Việt Nam còn có gần 2,000 binh sĩ nằm trong danh sách mất tích.

40 năm sau ngày cuộc chiến kết thúc, các toán tìm kiếm mới thu nhặt được hơn 700 thi hài, và không thể biết đến bao giờ mới tìm được hài cốt của những người lính cuối cùng, để đưa họ về an nghỉ ở nơi mà họ đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành, trước ngày họ rời quê nhà để lên đường sang Việt Nam chiến đấu.

(Nguyễn Khanh, tường trình từ Washington).

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/in-memo-of-us-soldiers-who-died-in-vn-04302015155758.html/tuong-trinh-le-tuong-niem-binh-si-my-va-dong-minh-hy-sinh-o-viet-nam

Báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2014

Hải Ninh, phóng viên RFA
2015-04-30

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, trụ sở ở bang California, Hoa Kỳ chuẩn bị công bố báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2014
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, trụ sở ở bang California, Hoa Kỳ chuẩn bị công bố báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2014-RFA files

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, có trụ sở ở bang California, Mỹ, chuẩn bị công bố báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2014. Hải Ninh có bài phỏng vấn với tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, điều hợp viên của mạng lưới. Mở đầu, ông Bá Tùng cho biết điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo nhân quyền năm nay như sau:

Nguyễn Bá Tùng: Thưa quý khán thính giả, thì cũng như mọi năm, báo cáo nhân quyền tiếp theo nói lên sự vi phạm nhân quyền của nhà nước đối với người dân ở trong nước. Nhưng mà như chị cũng đã biết năm 2014 có nhiều hoạt động của giới đấu tranh nhân quyền, cho nên song song nói đến những cái vi phạm, chúng tôi còn nói đến những hoạt động của những anh chị đấu tranh cho nhân quyền ở trong nước, đó là điểm đặc biệt của báo cáo năm nay. Như chị đã biết, trong năm 2013 thì vấn đề bạo hành đối với những nhà đấu tranh nhân quyền ít hơn năm 2014. Chúng tôi có thể nói rằng không có một nhà đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2014 khi xuất hiện mà không chịu sự hành hạ, truy đuổi và bạo hành của nhà nước. Đó là cái điểm hạn chế, cái sự gia tăng của nhà nước đối với những nhà đấu tranh nhân quyền ở trong nước. Năm 2014 có những phong trào như “nhà báo độc lập” được hình thành, rồi chiến dịch “chúng tôi muốn biết”, rồi những cái cà phê nhân quyền. Tất cả những hoạt động sôi động đó làm cho người trong nước và đặc biệt chúng tôi ở Hải ngoại cũng cảm thấy nức lòng vì chúng tôi biết rằng cái công cuộc đấu tranh ở trong nước càng ngày càng nhịp nhàng hơn, càng có tổ chức hơn.  Đó là cái câu trả lời của chúng tôi đối với câu hỏi của chị.

Hải Ninh: Thưa ông, dường như các nhóm hoạt động nhân quyền trong nước đang ngày càng trưởng thành tuy nhiên đi kèm với nó là sự đàn áp của giới chức trong nước. Vậy mạng lưới nhân quyền có thể giúp gì cho những nhà hoạt động ở Việt Nam?

Nguyễn Bá Tùng: Các nhà đấu tranh ở trong nước khi dấn thân vào con đường nguy hiểm này thì đều đã chấp nhận những rủi ro những đau khổ của việc đấu tranh. Còn chúng tôi ở ngoài này, những người ở hải ngoại có nhiệm vụ phụ trợ, phụ trợ bằng nhiều cách. Chúng tôi có thể tiếp xúc với các giới hữu trách ở các quốc gia ở giới dân chủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế để mà qua họ mình gây áp lực được với nhà nước Việt Nam trong vấn đề nương tay với nhà đấu tranh trong nước. Tôi nghĩ đó là những điều mình chỉ có thể làm được như vậy thôi.

Hải Ninh: Xin trở lại báo cáo năm 2014 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam. Trong 6 năm kể từ khi ra báo cáo này, ông có thấy tình hình nhân quyền ở Việt Nam có thay đổi gì không và thay đổi theo chiều hướng nào?

"Chúng tôi có thể nói rằng không có một nhà đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2014 khi xuất hiện mà không chịu sự hành hạ, truy đuổi và bạo hành của nhà nước"-Nguyễn Bá Tùng

Nguyễn Bá Tùng: Nói một cách cụ thể hơn, chẳng hạn như so sánh năm 2013 và 2014 và báo cáo nhân quyền của mạng lưới nhân quyền nêu lên thì chúng tôi thấy vấn đề đàn áp nhân quyền càng tồi tệ hơn. Không phải là chúng tôi nói theo kiểu tuyên truyền mà chúng tôi có những con số. Chẳng hạn như án tử hình, số người bị kết án tử hình và chờ ngày thi hành án là 742 người, tăng hơn 58 người so với thời ký đó năm 2013. Rồi vấn đề bạo hành của công an, trong năm 2013 chúng tôi ghi nhận 13 trường hợp người dân bị chết trong đồn công an, nhưng trong năm 2014 có thêm 24 trường hợp. Rồi vấn đề đối với những nhà đấu tranh cho nhân quyền thì như tôi nói khi nãy, chúng tôi có thể nói rằng không có nhà đấu tranh nhân quyền nào ở trong nước trong năm 2014 mà không có một lần bị công an truy đuổi rồi là hành hung. Rồi vấn đề buôn người chẳng hạn, thì trong 6 tháng đầu năm năm 2014 so với 6 tháng trong năm 2013 tăng thêm 16%. Đó là số liệu của nhà nước. Thì như vậy đó là một vài con số để cho thấy rằng vấn đề nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2014 nó tồi tệ hơn trong năm 2013.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, điều hợp viên của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam

Hải Ninh: Theo như ông nói thì có vẻ như tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tăm tối. Tuy nhiên, Việt Nam đã gia nhập hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, chẳng phải những động thái bắt bớ, đàn áp trên khiến bộ mặt của họ xấu đi hay sao?

Nguyễn Bá Tùng: Thật sự như thế này chị, không phải nhà nước không biết điều đó, vì họ biết được điều đó nên họ làm mọi cách để mà có một bộ mặt tôn trọng nhân quyền. Chẳng hạn như đối với vấn đề tù nhân, trong năm 2014 họ đã thả 12 tù chính trị, nhưng đồng thời họ đã bắt vào 55 người và kết án 44 người. Nói giống như ông Brad Adams của Human Rights Watch có nói đó, cái việc làm nhà nước giống như cái cộng quay, ra đường này vô đường khác. Rồi vấn đề cho phép tập hợp quyền biểu tình, trong lúc nhà nước muốn làm đẹp hình ảnh của mình cho những nhóm đồng tính luyến ái diễu hành trên đường phố Sài Gòn Hà Nội, nhưng đồng thời họ lại bắt bớ những người biểu tình chống đối Trung Quốc xâm lược, đòi tự do ngôn luận. Nói tóm lại là nhà nước cố gắng hết sức để chứng tỏ rằng mình tôn trọng nhân quyền với vai trò của một thành viên của hội đồng nhân quyền, nhưng đồng thời đó là những cố gắng nửa vời, không thành thực, tôi nói những điều đấy, nhà nước không thành thực trong vấn đề cải thiện vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Họ muốn giữ cái độc quyền là Đảng chính trị, muốn độc tôn vấn đề lãnh đạo chính trị, thì không có cách nào khác bằng cách bóp miệng người dân, không cho người dân nói. Để bảo đảm quyền độc tôn lãnh đạo chính trị họ phải đàn áp, đó là cái điều tất yếu.

"Các nhà đấu tranh ở trong nước khi dấn thân vào con đường nguy hiểm này thì đều đã chấp nhận những rủi ro những đau khổ của việc đấu tranh. Còn chúng tôi ở ngoài này, những người ở hải ngoại có nhiệm vụ phụ trợ, phụ trợ bằng nhiều cách"-Nguyễn Bá Tùng

Hải Ninh: Trong báo cáo, ông có đưa ra những khuyến nghị dành cho chính phủ Việt Nam. Theo ông, chính phủ Việt Nam có thể thực hiện điều nào trong danh sách khuyến nghị đó để có thể cải thiện đáng kể bộ mặt nhân quyền của Việt Nam?

Nguyễn Bá Tùng: Tôi nghĩ rằng cái tiên quyết nếu nhà nước có quyết tâm là điều 4 hiến pháp. Điều 4 hiến pháp là cái nguồn gốc của mọi sự xấu, tất nhiên là họ bảo vệ quyền lãnh đạo của Đảng, và vì muốn bảo vệ sự độc tôn lãnh đạo của Đảng và họ đã tìm mọi cách để bóp nghẹt tiếng nói của người dân, từ mọi quyền, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tất cả mọi thứ quyền đã được quy định trong Tuyên ngôn dân quyền họ đều bóp nghẹt, bởi vì họ muốn họ là lực lượng lãnh đạo duy nhất như hiến pháp hiện nay ở điều 4 quy định. Đó là điều mà tôi thấy đó là nguồn gốc của mọi sự việc.

Hải Ninh: Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị đối với thế giới và các tổ chức quan tâm. Đó là những khuyến nghị gì, thưa ông?

Nguyễn Bá Tùng: Trong khuyến nghị của bản báo cáo năm nay chúng tôi có nói đến một cái trường hợp cụ thể đối với chính quyền Hoa Kỳ chẳng hạn. Chính quyền Hoa Kỳ thì có nhiều cái đòn bẩy để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam chẳng hạn như là hiệp ước xuyên Thái Bình Dương Mậu Dịch đó thì nếu như nhà nước Hoa Kỳ mà đặt vấn đề nhân quyền là một giá trị như truyền thống của họ, thì họ có thể ép buộc nhà nước Việt Nam tôn trọng một cách cụ thể chẳng hạn như thả tù chính trị, vấn đề quyền của người công nhân phải được ghi vào trong cái hiệp định về Mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương. Đó là những điều mà chính phủ Hoa Kỳ có thể làm được.

Hải Ninh: Vâng, xin cảm ơn ông đã dành cho đài Á châu Tự do cuộc phỏng vấn này.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2014-huma-riht-reporti-in-vn-04302015124634.html/04302015-2014-huma-riht-reporti-in-vn.mp3


Nhớ người thương binh VNCH

(Bài viết cho mục Hồi Ức 30 Tháng Tư và Ðời Tị Nạn)

LTS - Người viết bài này là một cựu nữ sinh từng tham gia nhiều hoạt động xã hội từ khi còn đi học và nay tiếp tục góp sức trong các công cuộc thiện nguyện. Cô tin rằng nói về những kỷ niệm của 40 năm quốc hận, cần phải nhớ đến các thương phế binh VNCH hãy còn sống ở quê nhà.


Hai thương phế binh VNCH trong dịp nhận quà và xe lăn do Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn trao tặng. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Nước Mỹ, tháng 4 năm 2015

Bốn mươi năm sau cuộc đổi đời, những người dân miền Nam nước Việt còn trong nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới đang sống lại những tháng ngày hồi tưởng.

Ai đó đang hồi tưởng về Tháng Tư Ðen, về những tháng ngày đánh tư sản, đổi tiền, kinh tế mới, về bắt bớ, lao tù và học tập cải tạo. Nhưng cũng có ai đó đang có những phút lắng lòng để nhớ đến những người thương binh VNCH, những người trai của một thời ly loạn thuở nào, họ đã không may mắn phải bỏ lại chiến trường một phần thân thể.

Họ cũng thiếu may mắn nhận sự trợ giúp của chính phủ Mỹ để ra đi. Họ vẫn còn ở lại. Họ vẫn còn phải đối diện từng ngày với khó khăn, đói nghèo và cả sự bạc đãi của nhà nước mới.

Tất cả chúng tôi, những người ngày xưa được hưởng sự yên lành trong cuộc sống và sự an bình của cuộc đời hiện tại, đều xin được nhớ về các anh.

......

Hằng năm cứ vào mùa hè, Hội HO & Cứu Trợ Thương Phế Binh Quả Phụ Tử Sĩ VNCH và Trung Tâm Asia lại tổ chức đại nhạc hội tại Nam hoặc Bắc California để quyên góp một số tiền gởi về giúp các anh thương phế binh cùng cùng các quả phụ tử sĩ của người lính VNCH. Hành động này hy vọng đã nói lên được nghĩa cử của những người xa xứ lời “Cảm Ơn Anh.”

Phải, chúng tôi nơi đây không bao giờ quên các anh, chúng tôi sẽ cố gắng và còn cố gắng nhiều hơn nữa để một phần nào đền trả món nợ ân tình mà chúng tôi đã vay nơi các anh (dù các anh chưa một lần đòi trả).

Sau cuộc đổi đời, đã tròn 40 năm, ngót hơn nửa đời người, chắc hẳn các anh buồn nhiều lắm phải không? Chắc hẳn các anh đã bao lần tự trách, rằng xã hội này, quê hương này đã quên mình rồi...! Nhưng các anh ơi làm sao mà chúng tôi quên được, những người trai trẻ ngày nào đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, các anh đã không ngần ngại bỏ lại sau lưng gia đình, mẹ già, em dại, và đôi khi phải bỏ lại cả người yêu nhỏ bé để làm tròn bổn phận người trai thời ly loạn.

Nào Quang Trung, Dục Mỹ, nào Ðồng Ðế, Chi Lăng; nào là “quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”...

Các anh có còn nhớ không, những mùa Xuân tiền đồn, những người em gái hậu phương chúng tôi đã thêu cho các anh từng chiếc khăn tay nhỏ, nắn nót viết cho các anh những lá thư xuân thắm đượm ân tình hậu phương. Và rồi những giọt nước mắt ân tình đã rơi thật nhiều lúc phải chia tay các anh khi mặt trời xế bóng. Tiền đồn heo hút, hoa mai vàng nở rộ và và màu xanh bộ quân phục của các anh đã nhòe trong mắt các em rồi - Xe chạy cuốn bụi mù, bóng các anh khuất dần sau những cánh rừng xa lắc đó. Ðâu có ai quên các anh.

Ðất nước Việt Nam mình triền miên chinh chiến, các anh phải xa trường, xa lớp, xa bạn bè, xa gia đình, để trở thành người lính cầm sung bảo vệ quê hương, để canh cho giấc ngủ trẻ thơ đêm đêm khỏi phải giật mình, để cho bước chân của các em nhỏ tung tăng vui vẻ đến trường, để cho mẹ bình an ra chợ sớm và cho cha trồng xới liếp rau xanh. Công khó của các anh làm sao mà nói hết...

Chiến tranh không phải là trò đùa, nhưng chính chiến tranh lại là trò đùa khắc nghiệt nhất khi mà cùng một mẹ sinh ra; Nhưng bên này “Anh lớn lên anh đi làm lính chiến, bảo vệ xóm, bảo vệ làng, bảo vệ giậu mồng tơi” - còn bên kia “Anh lớn lên anh đi làm giải phóng, giải phóng xóm, giải phóng làng, giải phóng giậu mồng tơi”... (Trích từ bài thơ “Giậu Mồng Tơi” của tác giả Giang Hữu Tuyên)

Rồi từ nghịch lý đó mà các anh cứ phải miệt mài với đời lính chiến, trên khắp mọi nẻo đường từ Nam ra Bắc mà chúng ta đi hoài không tới. Miền Nam thanh bình với đồng lúa phì nhiêu hay miền Trung nắng gió đất cày lên sỏi đá, các anh cứ phải miệt mài bảo vệ. An Lộc, Khe Sanh, cổ thành Quảng Trị, rồi Dakto, Charlie,... các anh đã đi qua, có anh đã nằm lại mãi mãi không trở về, hoặc có khi anh trở về trên đôi nạng gỗ.

Nước mắt mẹ hiền đã khóc thật nhiều cho các đứa con mình. Có những đứa con mẹ được vuốt ve cỗ quan tài phủ lá Quốc kỳ. Có những đứa con mẹ ngóng trông hoài không thấy tăm hơi. Còn anh, nước mắt mẹ đã rớt thật nhiều nhưng nào đâu có làm an lành được vết thương nơi chiến trận của anh. Anh trở thành thương binh, người thương binh VNCH.

Ngày đó chúng tôi nhớ ơn các anh, xã hội tri ân các anh và cuộc đời vẫn âm thầm trả ơn các anh từng ngày. Thế rồi một đêm thức dậy, chúng tôi đâu rồi? Xã hội nát tan. Cuộc đời đổi chủ. Các anh với tấm thân tàn phế làm sao vào cuộc để tìm kiếm miếng ăn. Sau cuộc chiến xã hội xếp hàng với những chia ly, tan tác, đói nghèo, thì người thương binh ngày nào còn có ai lo lắng cho nữa. Mùa Xuân 1975 đã trở thành mùa hạ để cho “Quê hương đau, nắng Hạ cũng buồn.”

Giờ đây các anh phải đi hát dạo, đi bán vé số để kiếm sống qua ngày. Hằng năm nơi đất nước Hoa Kỳ trong ngày Lễ Cựu Chiến Binh, có các người lính cũ với bộ quân phục ngày nào, trên ngực áo đầy huy chương đón nhận những vòng hoa, những tràng pháo tay và những cái cúi đầu - họ luôn nở nụ cười trên môi, rạng rỡ và hãnh diện vô cùng với màu cờ sắc áo...

Nhìn thấy họ tươi cười mà lòng quặn thắt khi nghĩ về các anh. Các anh cũng là người lính cũ, nhưng sắc áo, màu cờ, đâu rồi? Không còn ai choàng vòng hoa hay dành cho anh một cái cúi đầu với lời nói Cảm Ơn Anh. Ôi nỗi buồn không tên chỉ mình anh lặng lẽ ấp ủ!

Dạo đó vào thập niên '80, có đôi lần chúng tôi gặp hai người thương binh đi hát dạo trên đường phố Sài Gòn. Anh thương binh cụt giò đàn cho anh thương binh mù hát bài ca “Giã từ vũ khí.” Một lần hỏi thăm và được nghe tâm sự, một anh nói rằng trong xã hội mới này mặc bộ đồ lính VNCH có người không cho tiền vì họ ghét, nhưng không sao, tiền dù có ít nhưng mình vẫn mặc được sắc áo của mình ngày nào để nhớ về một thời chinh chiến. Ôi chua xót quá, cũng là ý nghĩ về màu cờ sắc áo mà sao người thương binh VNCH của tôi có tâm tình buồn bã đến thế. Ðúng là “quê hương đau, nắng hạ cũng buồn.”

Các anh ơi, giờ đây sau nhiều chục năm nơi đất lạ, chúng tôi đã có điều kiện để đền trả ơn anh. Một tập thể nhỏ của Trung Tâm Asia, một bà mẹ già với mái tóc bạc phơ, đang ngồi lại để cùng với tất cả những ai có lòng - tay góp bàn tay - chúng tôi đang chắt chiu thu góp từng đồng gởi về để phần nào giúp các anh nơi quê nhà khốn khó. Quê nhà là các anh. Cõi lạ là chúng tôi và chúng ta cùng chung một nỗi buồn...

Xin các anh an tâm, hãy vui lên vào những tháng năm cuối đời.

Chúng tôi nơi đây nguyện sẽ dùng nước mắt không phải để buồn để khóc, mà để rửa sạch những vết thương long cho các anh. Chúng tôi sẽ cố gắng đền trả ơn anh. Xin gởi về các anh những ân tình thắm đậm và lời cám ơn cao trọng nhất.

Tâm tư người xa xứ

Mùa Xuân California 2015

Theo Người Việt-04-28-2015 7:36:38 PM
Lê Châu

Thượng Viện California thông qua nghị quyết về TPB VNCH

SACRAMENTO, California (NV) - Nghị Quyết SJR 5, do Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn đề nghị, kêu gọi chính phủ Mỹ cho phép thương phế binh VNCH định cư tại Hoa Kỳ, vừa được Thượng Viện California thông qua hôm Thứ Năm, 30 Tháng Tư, thông cáo báo chí của văn phòng nữ dân cử gốc Việt này cho biết.

 
Các thương phế binh VNCH đến nhận quà tại chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Theo thông cáo, SJR 5 yêu cầu chính quyền liên bang tái thực hiện Chương Trình Tái Ðịnh Cư Vì Lý Do Nhân Ðạo và Chương Trình Ra Ði Trong Trật Tự. Sự tái thực hiện này sẽ cho phép thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa và con cái của họ đang sống ở Việt Nam được nộp đơn xin định cư tại Hoa Kỳ.

Các chương trình này trước đây cho phép những người Việt Nam từng bị tù trong các trại tập trung, người Việt Nam từng làm việc cho chính quyền, các công ty, hoặc các tổ chức của Hoa Kỳ trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, được phép định cư tại Mỹ. Tuy nhiên, nhiều thương phế binh không nằm trong chương trình này, bởi vì họ không bị đưa vào các trại tập trung, vì họ bị thương tật trước khi cuộc chiến kết thúc. Thành ra, họ không đủ số năm bị tù để được tái định cư theo quy định của hai chương trình này.

Hàng ngàn thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, còn gọi là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và gia đình họ vẫn còn đang sống tại Việt Nam, và thường xuyên bị chính quyền Cộng Sản đàn áp, không có việc làm, không có nhà ở, và con cái không được đi học, theo thông cáo.

Cũng theo thông cáo, để giải quyết vấn đề này, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn đã tổ chức một cuộc họp báo vào Tháng Mười Hai, 2014, cho biết bà dự định vận động các thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ tái thực hiện Chương Trình Tái Ðịnh Cư Vì Lý Do Nhân Ðạo và Chương Trình Ra Ði Trong Trật Tự đối với thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa cùng với con cái của họ.

“Nghị quyết này chiếu một tia sáng vào một kẽ hở, mà trong đó, hàng ngàn thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ quên. Ðây là những người đã chiến đấu rất can đảm bên cạnh đồng minh Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn được trích lời nói. “Là một người tị nạn, đến quốc gia này để trốn chạy sự đàn áp của chế độ Việt Nam Cộng Sản, tôi xin chân thành cảm ơn các đồng viện đã ủng hộ và cùng tôi thông qua nghị quyết này.”

Hạ Viện California sẽ xem xét nghị quyết này trong những ngày tới. Và nếu được thông qua, SJR 5 sẽ được chuyển đến tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ, lãnh đạo Ða Số Thượng Viện Hoa Kỳ, chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, tất cả các thượng nghị sĩ và dân biểu liên bang của tiểu bang California, theo thông cáo.

Ngoài ra, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn dự định đến Washington, DC, để đích thân gặp các thành viên Quốc Hội nhằm vận động cho SJR 5, cũng theo thông cáo.

“Chúng ta mới chỉ vượt qua một chướng ngại với SJR 5, nhưng tôi rất lạc quan, là nghị quyết này sẽ được lưỡng viện Quốc Hội California thông qua,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn được trích lời nói. “Tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho những người không có tiếng nói, và vẫn đang phải tranh đấu cho tự do của họ ở Việt Nam, cho tới khi chính phủ Hoa Kỳ phải cho họ một cơ hội định cư tại đất nước này.” (Ð.D.)

04-30- 2015 6:55:37 PM

Visa rắc rối, khách ngoại quốc vào Việt Nam giảm mạnh

SÀI GÒN (NV) - Thủ tục xin visa rắc rối, mất nhiều thời gian đã khiến lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam liên tiếp sụt giảm trong thời gian qua.

Chính sách visa du lịch Việt Nam, đặc biệt là các thủ tục rắc rối để xin visa là một trong những nguyên nhân khiến lượng du khách ngoại quốc đến Việt Nam không tăng mà liên tiếp sụt giảm. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2015, lượng du khách ước đạt 2 triệu lượt, giảm 13.7% so với cùng kỳ 2014.


Một buổi kiểm tra giấy tờ, làm thủ tục nhập cảnh cho du khách của tàu Aidaso vào cảng ở Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu tháng 1, 2015. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo Tuổi Trẻ, khi nhận định về hiện tượng lượng khách ngoại quốc liên tiếp sụt giảm trong 10 tháng qua, cơ quan quản lý du lịch Việt Nam đổ lỗi cho rằng nguyên nhân chính là do sự sụt giảm mạnh du khách Trung Quốc và Nga, trong khi tăng trưởng từ các thị trường khác không bù đắp được.

Song, thực tế chính sách visa du lịch mới là nút thắt cực kỳ bất lợi cho sự tăng trưởng của du lịch quốc tế tại Việt Nam.

Với gần 8 triệu lượt khách ngoại quốc vào Việt Nam mỗi năm, thị trường du lịch quốc tế của Việt Nam chỉ bằng một điểm đến là Pattaya và thua cả Phuket của Thái Lan. Còn Hồng Kông, Singapore đón khách du lịch nhiều gấp ba lần Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Sài Gòn nhận xét: “Ðối với khách du lịch, lệ phí visa mấy chục Mỹ kim không phải nhiều, nhưng các thủ tục rắc rối để xin visa thật sự làm người ta quan ngại và ưu tiên chọn đi các nước được miễn visa, hoặc có thủ tục làm visa ngay tại cửa khẩu.”

Ông Hoàng Hữu Lộc, chủ tịch hội đồng thành viên công ty Saigontourist, bổ sung, không chỉ vậy, việc quảng bá điểm đến quốc gia của Việt Nam còn quá yếu, nên hiệu quả quảng bá thương hiệu, dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng bị hạn chế. Các vấn đề về chất lượng, giá cả, môi trường du lịch, cơ sở hạ tầng giao thông... cũng cần được cải thiện hơn nữa. Nếu không tháo gỡ được những nút thắt này, ngành du lịch Việt Nam khó tăng trưởng.

Giải thích việc này, ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch cho rằng: “Chúng tôi cũng muốn thủ tục visa thuận lợi, đơn giản và miễn được càng nhiều nước càng tốt. Song, chúng tôi chỉ là cơ quan tiếp nhận và chuyển kiến nghị cho chính phủ. Sau khi chúng tôi phúc trình, chính phủ giao Bộ Công An và Bộ Ngoại Giao xem xét. Do đó, vấn đề này hiện thuộc thẩm quyền giải quyết của 2 bộ trên.” (Tr.N)
04-30- 2015 3:25:34 PM

Tìm hoài không ra nên 'chất phóng xạ là vô hại'

HÀ NỘI (NV) - Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân của Bộ Khoa Học-Công Nghệ Việt Nam vừa tuyên bố, thiết bị chứa phóng xạ loại Co-60 của nhà máy thép Pomina 3 “vô hại,” kể cả bị cháy nổ.


Tuyên bố vừa kể giống như Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân tự thóa mạ chính họ.

Ông Vương Hữu Tấn, người đội nón lá (bên phải), cùng tùy tùng bay từ Hà Nội vào để tìm thiết bị chứa phóng xạ bị mất ở một bãi rác tại huyện Tân Thành. Tìm không ra, ông ta tuyên bố nó vô hại. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

Hồi trung tuần tháng 4 năm 2015, sau khi xảy ra có tin, nhà máy thép Pomina 3 bị thất lạc thiết bị chứa phóng xạ loại Co-60, ông Vương Hữu Tấn, cục trưởng Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân từng nhấn mạnh, nếu phóng xạ vẫn nằm nguyên trong vỏ bọc thì không đáng ngại nhưng nếu vỏ bọc hư hỏng do tác động của ngoại lực hoặc bị đưa vào các cơ sở chế biến phế liệu để nấu chảy thì đó sẽ là thảm họa.

Cũng vào thời điểm đó, khi được hỏi về sự kiện vừa kể, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, khẳng định, giới hữu trách tại Việt Nam sẽ tìm mọi cách để thu hồi thiết bị chứa phóng xạ bị thất lạc vì “bảo đảm bảo an toàn cho dân chúng luôn là mục tiêu cao nhất.”

Tuy nhiên đến nay, giới hữu trách tại Việt Nam vẫn chưa thu hồi được thiết bị chứa phóng xạ bị thất lạc, Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân đổi giọng, bảo rằng nó “vô hại.”

Những thông tin có liên quan đến vụ thất lạc thiết bị chứa phóng xạ loại Co-60 của nhà máy thép Pomina 3 cho thấy, chế độ Hà Nội thiếu thành thật khi tuyên bố “bảo đảm bảo an toàn cho dân chúng luôn là mục tiêu cao nhất.”

Nhà máy thép Pomina 3 (tọa lạc tại khu công nghiệp Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), sử dụng 5 thiết bị chứa phóng xạ loại Co-60 để kiếm tra cả quá trình luyện thép lẫn chất lượng thép thành phẩm. Phóng xạ loại Co-60 có hoạt độ khoảng 233mCi. Ở khoảng cách 10 cm, loại phóng xạ này có thể tạo ra liều chiếu xạ là 2.5mSv/h trong khi tổng liều chiếu xạ đối với người bình thường không được quá 1mSv/năm. Dẫu phóng xạ loại Co-60 được lưu giữ trong hộp riêng nhưng tiếp xúc với thiết bị chứa loại phóng xạ này ở khoảng cách dưới 2 mét vẫn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Hôm 1 tháng 4, 2015, nhà máy thép Pomina 3, gửi công văn, thông báo với Sở Khoa Học-Công Nghệ và công an của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc bị thất lạc một trong 5 thiết bị có chứa phóng xạ loại Co-60.

Thêm ba ngày nữa, hôm 6 tháng 4, 2015, Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân của Việt Nam mới cử người và đưa thiết bị đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ tìm kiếm. Cũng tới lúc đó, cảnh báo về việc có thiết bị chứa phóng xạ bị thất lạc mới được gửi cho công chúng.

Ðáng lưu ý là theo báo cáo của nhà máy thép Pomina 3 thì thiết bị chứa phóng xạ bị thất lạc vào ngày 25 tháng 3 nhưng theo ông Ðào Ðức Hùng, nhân viên phụ trách an toàn bức xạ, đang làm thủ tục xin nghỉ việc thì chuyện thất lạc thiết bị chứa phóng xạ xảy ra từ... tháng 11 năm ngoái.

Ông Hùng tường trình, vào tháng 9 năm ngoái, sau khi thép lỏng trong một lò nấu thép tràn ra bên ngoài, ông Hùng đã đi mượn thiệt bị đo phóng xạ về kiểm tra thiết bị chứa phóng xạ đặt tại lò nấu thép đó và phát giác bức xạ cao hơn mức cho phép gấp nhiều lần. Cũng vì vậy, nhà máy Pomina 3 phải gỡ thiết bị chứa phóng xạ bị hư ra.

Vì nhà máy thép Pomina 3 không có kho riêng để lưu giữ thiết bị chứa phóng xạ nên thiết bị chứa phóng xạ được đem cất vào kho bình thường. Sau đó, do sợ bị nhiễm phóng xạ, công nhân không dám ra vào kho, lãnh đạo nhà máy thép Pomina 3 ra lệnh mang thiết bị chứa phóng xạ bị hư ra bỏ vạ vật ở bên ngoài.

Sáng 17 tháng 11 năm ngoái, ông Hùng phát giác thiết bị chứa phóng xạ bị hư biến mất. Ông báo cáo thì lãnh đạo nhà máy bảo ông... tự tìm. Sau Tết âm lịch, ông Hùng xin nghỉ việc vì sức khỏe sa sút. Khi làm thủ tục xin nghỉ việc, ông Hùng khuyên lãnh đạo nhà máy thép Pomina 3 nên báo với chính quyền việc mất thiết bị chứa phóng xạ. Nếu không, chính ông sẽ báo cho công an.

Ngày 1 tháng 4, 2015, nhà máy thép Pomina 3 báo cho công an chuyện thiết bị chứa phóng xạ bị thất lạc vì khi bàn giao công việc, ông Hùng... không giải trình được rằng tại sao lại thiếu một thiết bị chứa phóng xạ!

Tuy nhiều nhân chứng xác nhận, thiết bị chứa phóng xạ bị thất lạc từ tháng 11 năm ngoái nhưng lãnh đạo nhà máy thép Pomina 3 vẫn khăng khăng cho rằng, thiết bị chứa phóng xạ chỉ mới bị thất lạc hồi tháng 3 năm nay vì tháng 12 năm ngoái, Sở Khoa Học-Công Nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có đến kiểm tra định kỳ về các thiết bị chứa phóng xạ và có... biên bản ghi nhận các thiết bị chứa phóng xạ vẫn còn đầy đủ, nguyên vẹn!

Một viên đại tá, phó giám đốc công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từng cho biết, đã xác minh và xác định, hồi tháng 12 năm ngoái, đoàn kiểm tra của Sở Khoa Học-Công Nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ kiểm tra sổ sách, không kiểm tra thực tế! (G.Ð)

04-30-2015 5:25:49 PM

Xôn xao vụ cảnh sát giao thông giật điện thoại tài xế taxi

KON TUM (NV) - Một video clip dài khoảng 3 phút quay lại việc hai cảnh sát giao thông giật điện thoại của một tài xế taxi khi anh này muốn quay lại việc làm sai trái của họ đối với mình.

Clip ghi lại rất rõ sự việc 2 cảnh sát giao thông (CSGT), cự cãi gay gắt với một tài xế taxi của hãng Sun taxi, xung quanh có nhiều người dân theo dõi xảy ra vào ngày 24 tháng 4, diễn ra ở bùng binh Duy Tân, thuộc phường Duy Tân, thành phố Kon Tum.
Hình cắt từ clip. (Hình: báo Lao Ðộng)

Theo tin từ báo Lao Động, hai CSGT là Ðại Úy Bùi Hữu Trí và Thượng Sĩ Bùi Tiến Dũng cho rằng, anh N.X.T, tài xế taxi đậu xe sai quy định nên yêu cầu kiểm tra giấy tờ nhưng anh này phản ứng và lấy điện thoại quay lại, thì bị 1 trong 2 CSGT giật mất điện thoại di động. Tài xế T. yêu cầu CSGT trả lại và phản ứng việc một người đang thi hành công vụ nhưng không có thẻ ngành công an.

Theo anh T., khi 2 CSGT đến thì anh đang ngồi trong xe taxi nghe điện thoại, cửa xe đóng nên không nghe rõ 2 CSGT nói gì. Tuy nhiên, ngay sau đó anh T. liền mở cửa xuống xe và xin bỏ qua lỗi mình đậu xe không đúng quy định, nhưng 2 CSGT không chấp nhận. Cùng lúc đó, tại đây có rất nhiều taxi đậu sai mà không bị phạt.

Thấy chỉ mỗi mình bị phạt, anh N.X.T lấy điện thoại ra quay lại thì bị ông Trí giật điện thoại. Sau đó họ yêu cầu anh T. đưa xe về trụ sở làm việc. Thấy bất công, nhiều người dân cùng phản ứng thì ông Dũng nhảy vào ngồi luôn trong xe taxi.

Trao đổi với phóng viên Lao Ðộng ngày 30 tháng 4, lãnh đạo Phòng CSGT công an tỉnh Kon Tum cho biết, đã yêu cầu 2 CSGT trong clip làm tường trình, đồng thời xác nhận Thượng Sĩ Dũng chưa có thẻ ngành do “mới về công tác tại đơn vị.”

Luật Sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật Gia thành phố Sài Gòn cho biết, chưa cấp thẻ ngành mà đã giao nhiệm vụ, vậy là chưa đủ tư cách để làm việc. Trường hợp này người dân có quyền phản ứng và không hợp tác. Còn hành động giật điện thoại của người dân thì đã sai rõ ràng cần phải xử lý, không thể biện minh. Kể cả lãnh đạo CSGT tỉnh Kon Tum cũng cần phải nghiêm khắc xem lại chính mình. (Tr.N)

04-30-2015 3:30:47 PM

Philippines thách thức Trung Quốc về biển đảo

MANILA (NV) - Tướng Gregorio Pio Catapang Jr., tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines vừa lên tiếng thách Trung Quốc chứng minh Philippines đã bồi đắp bãi đá thành đảo nhân tạo như Trung Quốc.


Riêng Việt Nam thì chưa có ý kiến nào về cáo buộc của Trung Quốc.

Sau khi bị cộng đồng quốc tế chỉ trích kịch liệt vì vẫn thản nhiên bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo rồi biến các đảo nhân tạo này thành một chuỗi căn cứ quân sự nhằm khống chế biển Ðông, mới đây, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đột nhiên lên tiếng tố cáo Việt Nam và Philippines “xây dựng trái phép” tại biển Ðông.


Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines trưng dẫn các bằng chứng tố cáo Trung Quốc xây dựng trái phép nhằm thay đổi nguyên trạng biển Ðông. (Hình: BBC)

Ông Hồng Lỗi bảo rằng, Việt Nam và Philippines đang lấp biển, xây phi đạo, cảng, bãi phóng hỏa tiễn, khách sạn... trên 20 hòn đảo và bãi đá ở biển Ðông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc “lo ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối những hoạt động xây dựng trái phép đó” vì quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Ông ta còn yêu cầu các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật, “chấm dứt các phát biểu cũng như hành động xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Trung Cộng,” bởi hai lẽ, một là những quốc gia này không có liên quan đến tranh chấp chủ quyền và hai, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại biển Ðông “hoàn toàn hợp pháp và chính đáng.”

Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines đã lên tiếng phản bác cáo buộc vừa kể ngay lập tức. Tướng Gregorio Pio Catapang Jr. khẳng định, Philippines giữ nguyên trạng các khu vực mà Philippines kiểm soát. Tuy có thể xây phi đạo nhưng Philippines không làm mà chờ quyết định của Tòa án Trọng tài về Luật Biển.

Tướng Catapang nói thêm, Trung Quốc cần trưng ra bằng chứng để chứng minh các cáo buộc là có căn cứ.

Liên quan đến cáo buộc của Trung Quốc, Phó Ðô Ðốc Alexander Lopez của Hải Quân Philippines, nhận định, cáo buộc của Trung Quốc chỉ nhằm hạ uy tín của Philippines trong quá trình chờ Tòa án Trọng tài về Luật Biển đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên biển Ðông.

Càng ngày, phản ứng của cộng đồng quốc tế càng có vẻ bất lợi cho Trung Quốc.

Một ngày trước khi cáo buộc Việt Nam và Philippines “xây dựng trái phép trên biển Ðông,” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã bày tỏ rằng Trung Quốc “vô cùng lo ngại” về Tuyên bố chung của ASEAN.

Trước nay, ASEAN thường xuyên né tránh bày tỏ quan điểm về tranh chấp chủ quyền trên biển Ðông giữa Trung Quốc và một số quốc gia thành viên khác của khối này như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Tuy nhiên mới đây, trong tuyên bố chung của giới lãnh đạo ASEAN sau khi kết thúc cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 26, tại Malaysia, giới lãnh đạo ASEAN công khai bày tỏ sự “lo ngại sâu sắc” về việc bồi đắp các bãi đá tại biển Ðông thành đảo nhân tạo và cho rằng, những hoạt động thay đổi nguyên trạng biển Ðông làm xói mòn sự tin cậy, cũng như gây phương hại cho hòa bình, an ninh, ổn định ở biển Ðông.

Giới lãnh đạo ASEAN yêu cầu ngoại trưởng các quốc gia ASEAN nhanh chóng xử lý vấn đề đó thông qua việc xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Ðông.

Song song với việc nhấn mạnh rằng Trung Quốc “vô cùng lo ngại” về Tuyên bố chung của ASEAN, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn nhắc nhở, Trung Quốc đã rất kiềm chế trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển Ðông. Ðồng thời lập lại là những tranh chấp đó không hề liên quan đến quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. (G.Ð)
04-30-2015 2:40:41 PM

Chuyện khiếu kiện kéo dài 27 năm của Dân Oan Lê Thị Kim Thu: Chuyện dài “Tân Cường Hào Ác Bá”

Lê Thị Kim Thu (Danlambao) - Video về bà Võ Thị Chí Liên, vợ ông Nguyễn Hoàng Tấn, (người chiếm đất của tôi), xem trời bằng nắp vung, chửi bới đe dọa giết cả gia đình tôi và tuyên bố: “Nhà mày ở đây, nhưng xác mày ở Hà Nội, tao hứa trước sau gì tao cũng giết mày”; cũng như chỉ vào ông cán bộ Hiền nói rằng: “Từ nay sắp tới thằng nào đến nhà tao, tao chặt chân từng thằng”; chửi thêm huyện xã không là cái đinh gì; và hơn nữa y thị còn chửi chính quyền làm cái L*** gì tao!?

Ai ăn cướp đất ai???


Chửi tôi đồ ăn cướp đất, phản động, bán nước, ăn cướp cho giặc, là sự chụp mũ, vu khống, và cố tình đẩy tôi vào cuộc chiến mà các bẫy đã giăng để cuối cùng tôi là “người thua cuộc”. 

Nguồn gốc đất này, do Nguyễn Thiệu đi Vùng Kinh Tế Mới năm 1975 khai phá. Năm 1978 ông Thiệu bán lại cho bà Phạm Thị Chuột sử dụng làm rẫy. Năm 1983, phóng đường từ ngã ba Trị An (Hố Nai), vào đường 767 thị trấn Vĩnh An, đất bà Chuột được đền bù theo chính sách nhà nước quy định. Sau khi phóng đường xong. Đầu năm 1984 khu vực đất này được cấp cho nhiều cơ quan: Hạt Kiểm Lâm, bến xe Trị An..., vì nhiều đá lớn không ủi nổi, nên bỏ hoang. Sau đó, cơ quan Ban Đại Diện Công Trình Thủy Điện Trị An của tỉnh, xin khu vực này khoảng 6.000m2, cấp cho 3 nhân viên trong cơ quan không có nhà ở là anh Phạm Thanh Bình (lái xe), kế anh Trần Xuân Phỉ (bí thư chi đoàn), và tôi (nhân viên văn phòng) mỗi người 2.000m2, liền kề. Trường hợp anh Phỉ vừa nhận đất, thì có QĐ UB tỉnh chuyển về Xuân Lộc nhận công tác, phần đất này giao lại cho UB xã Cây Gáo, rồi xã cấp lại cho ông Lương Văn Nhân, bộ đội hưu trí. 

Lúc này, g/đ tôi còn ở nhờ vào cơ quan BĐD CTTĐTA vì đất ở khu phố 3, đi Vùng Kinh Tế Mới, khai phá khoảng 20.000m2 ở cầu Cứng, bị giải tỏa làm công trình thủy điện Trị An. Chính quyền lấy đất, không có QĐ thu hồi đất, không đền bù, không tái định cư, không hoán đổi đất khác để g/đ tôi sinh sống, nên cả g/đ không có nhà ở, phải ăn nhờ, ở đậu, trôi nổi ở địa phương, trong khi đó chính quyền dùng đất đã cướp phân chia cho cán bộ vừa ở vừa bán. Đó là sự việc chính mà tôi phải bỏ cả tuổi xuân, xuôi ngược Bắc Nam đi tranh đấu đòi công lý. 

Còn phần đất mới này do BĐD CTTĐTA cấp cho nhân viên, không dính líu gì trong việc đền bù thưa kiện đất đai bị chiếm ở cầu Cứng. Được cấp đất ai cũng yên ổn, điển hình ông Bình đất vừa ở và bán, ông Nhân hiện vẫn đang sống gần nhà, duy chỉ có mình gđ tôi bị dính vào việc tranh chấp. Thiết nghĩ, sau này chính quyền lợi dụng vụ này để làm cái tròng, buộc tôi vào “mê hồn trận” để tôi không còn thời gian hơi sức, tiếp tục thưa kiện mảnh đất lớn ở cầu Cứng (ba mặt tiền đường), tờ bản đồ số 33. Nếu thua, gđ không có một tấc đất cắm dùi, phải rời bỏ địa phương ra đi, nếu quay trở về đòi đất thì chính quyền sẽ vịn lý do bỏ đất hoang hóa, và giao cho người khác sử dụng là hợp lý! Họ hành hạ gđ tôi đủ điều cả mấy chục năm nay, kể cả bỏ tù nhưng tôi không chùng bước. Càng ở tù, càng khoét sâu hận thù, tôi càng quyết liệt. Và bây giờ đến giai đoạn cuối là phải giết tôi để xóa sạch mọi chứng tích như nhiều lời hăm dọa trong quá khứ và hiện tại.

Trở lại mảnh đất được cấp (không phải được đền bù trong việc cướp khoảng 20.000m2 đất ở cầu Cứng), gđ tôi đã vất vả cất nhà ở từ ngày 3 tháng 9, năm 1984. Đất này hoang sơ, nằm trên mỏ đá, cất nhà lên sập xuống, phải cại bỏ bằng tay từng viên đá lớn mới đào được lỗ chôn cột nhà được. Đất đã bỏ hoang mà BĐD CTTĐTA không biết của ai, nên khi cấp có điều kiện là nếu có ai ra nhận đất thì phải bồi thường công khai phá 1 đồng/1m2, do ông Vũ Lai chủ tịch xã Cây Gáo đã đưa ra qui định trên. Mấy tháng sau, bà Chuột đến nhận là chủ đất. Do tôi bận đi học đánh máy ở Biên Hòa, mẹ hẹn chờ tôi về, rồi mẹ bệnh phải đi cấp cứu nằm viện, khi về thì thấy bà Mai Thị Ngọc Châu, (cháu bà Lượng), đã cất cái chòi nhỏ bên hông đất của tôi. 

Cái cày đã đặt vào con trâu, bà Chuột đi cùng bà Lượng đến nhà tôi, xin thông cảm để cho bà bán 1 nửa (tức 1.000+m2), vì hoàn cảnh khó khăn, con vừa qua đời. Cũng vì tình người nên tôi để cho bà Chuột bán 1 nửa, phần còn lại 1.000m2 của tôi, và bà Chuột không lấy tiền công khai phá như qui định. Việc thỏa thuận giữa tôi và bà Chuột đã xong. Sau này bà Chuột bán lại cho bà Mai Thị Ngọc Châu 400m2 giá 6 đồng/1m2, còn lại 600m2 bà Chuột bán cho bà Hoàng Thị Liên 80 tuổi, hiện con trai bà Liên đang ở (không phải bà Võ Thị Chí Liên, vợ ông Nguyễn Hoàng Tấn).

Vì thương tình bà Chuột tôi mới dễ dãi để bả bán 1.000m2, nếu tính ra để tôi bán, tôi sẽ kiếm nhiều tiền hơn. Cũng vì vậy mà sự thương cảm của tôi đã biến thành tranh chấp với hàng xóm mấy chục năm nay khi mà họ muốn lấy hết đất của tôi, cộng thêm sự xen vào có mục đích của chính quyền vì nhiều lý do, thành ra diện tích ở của tôi thay đổi liên tục theo nhiều sự khác nhau của quyết định, văn bản, bản đồ. Trên giấy tờ của các “Quan”, tôi có tới 2.265m2, (hiện tại nhà tôi đang ở và sử dụng chỉ có khoảng hơn 700m2, ), và có khi tôi ở trên mảnh đất ảo, vì các bản đồ “ảo”, có nghĩa là nhà tôi không nằm trên miếng đất nào trong giấy tờ. Chính quyền cho nhân dân đăng ký chứng nhận CNQSDĐ, tôi đã đăng ký từ năm 1999 đến nay vẫn chưa được cấp chứng nhận CNQSDĐ. Đó là cái “mê hồn trận” mà tôi bị chính quyền đẩy vào. Cuối tháng 3 năm 2015, chính quyền cho tôi đăng ký lại, chẳng biết khi nào mới có sổ đỏ!?

Từ đó cho đến nay, đất tôi ở và xây dựng đã thành khoảnh, không một ai nói tôi cướp của ai, không một giấy tờ chứng minh tôi cướp đất và chính quyền cũng không chế tài về tội ăn cướp. Nhưng chỉ tội là đất tôi vẫn còn đang tranh chấp, chính quyền đá qua đá lại như quả bóng, không giải quyết dứt khoát cội rễ để biết rõ ai ăn cướp của ai? Đó cũng chính là một tệ nạn ở nông thôn do bọn “Tân Cường Hào Ác Bá” hoành hành. Họ có giây mơ rể má từ địa phương đến trung ương, cấu kết với nhau để cướp đất đai của những người cô thế, nhất là những gia đình Việt Nam Cộng Hòa. Nó cũng là cái hệ lụy do chính chính quyền gây ra đã làm khổ biết bao nhiêu dân oan trong đó có gia đình tôi!

Rồi chuyện bắt đầu xảy ra, khi tôi đang bị ở tù vào ngày 14-8-2008 tại Hà Nội vì biểu tình đòi lại đất đai, đòi công lý thì ở nhà hai bên hàng xóm xây tường ngoằn ngoèo bao quanh “căn nhà duy nhất bằng ván ọp ẹp của gđ tôi”. Lý do rất đơn giản là chính quyền rỉ tai cho họ là tôi sẽ bị ở tù mọt gông không có ngày về vì tội “phản động”, nên hai bên hàng xóm vô tư xây tường bao chiếm, ăn cướp có bảo kê. 

Ngoài đường nhìn vào bên tay phải (phía Bắc), ông Hoàng Tất Được (CB tham mưu pháp lý cho UB Huyện Vĩnh Cửu), cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sơn Trà, cướp hẳn thửa đất số 54 tờ bản đồ 88, diện tích 496,8m2, mà mẹ tôi đã đứng tên đăng ký CNQSDĐ từ năm 1999, nhưng không được cấp sổ đỏ với lý do đất đang tranh chấp từ năm 1989, và chính quyền không một lần mời giải quyết dầu có rất nhiều đơn khiếu nại. Phía bên tay trái (phía Nam), đang tranh chấp đất này với vợ chồng ông Trần Văn Thọ (dì bà Châu), rồi đến bà Mai Thị Ngọc Châu từ ngày 2 tháng 8 năm 1988 vì đã lấn sang đất của tôi, tiếp theo sau này với vợ chồng Võ Chí Liên + Nguyễn Hoàng Tấn (Tấn là côn an bị nghỉ việc là người mua đất của bà Châu). Trong lúc tôi được ngồi tù ở Hà Nội, Liên+Tấn xây tường ngoằn ngoèo bao chiếm thêm đất. Nhiều lúc xây lén lấn chiếm, tôi phát giác và ngăn cản thì ông Tuấn Anh (chồng bà Châu), xuống giọng năn nỉ tôi “xin thêm miếng đất”. Nhiêu đó cũng đủ thấy họ không coi luật pháp ra gì khi ngang nhiên chiếm đất mà không bị tù tội. Tôi đã có đơn tố cáo ông Tuấn Anh vào ngày 8-12-2010, nhưng không ai giải quyết!

Hết án tù ở Hà Nội ngày 14-11-2009, tôi liền nộp đơn cho chính quyền thông báo đập tường. Tôi đã đập bức tường đó 2 lần khi mà nhiều đơn khiếu nại xin được giải quyết mà chính quyền địa phương giả điếc làm ngơ. Lần thứ ba, vào ngày 26-3-2012, tôi đập một phần nhỏ bức tường nhỏ mới xây lại rất kiên cố và ngay ngắn, khác với những bức tường cũ, trị giá thiệt hại đến 13.611.500 đồng theo định giá của chính quyền, thì gia đình tôi 3 người và 2 anh em người phụ giúp bị bắt ở tù. Tôi thì bị 2 năm tù, còn những người khác ít hơn. Đây là vụ án dân sự, nhưng chính quyền cố tình biến thành hình sự để bắt cả nhà tôi phải ở tù như bà Liên đã từng hăm dọa ngày 26-3-2012: “Tao cho cả nhà mày đi tù, đất của tao là đất của nhà nước”. Thế là cả nhà tôi bị ở tù.

Ra tù lần này vào ngày 6-7-2014, tôi tiếp tục thưa kiện vì chính quyền quá cố ý, bất công, tàn ác trong việc không giải quyết những bức tường xây trái phép của vợ chồng Liên+Tấn và những năm tù trái luật dành cho gia đình tôi. Và tôi yêu cầu chính quyền địa phương đến đo đạc để xác định lằn ranh vì tôi đã trưng ra rất nhiều giấy tờ, hình ảnh xưa cũ để xác minh rằng Liên+Tấn chiếm đất trong khi họ chỉ có 398m2, mua lại của bà Mai Ngọc Châu, mà tại sao lại xây tường bao quanh lấn chiếm thêm.

Nói rõ thêm là cán bộ xuống đo đạc là vì tôi có cả tấn đơn thưa kiện chớ không phải vì thương tình con kiến nhỏ này. Đo đạc thì họ cứ đo, chứ việc có giải quyết hay không thì hạ hồi phân giải vì việc đo đạc đã xảy ra vài chục lần bởi thị trấn, huyện, tỉnh, côn an,... chớ không phải mới vừa có. Lần này tôi thách chính quyền ba cấp (thị trấn, huyện, tỉnh), mời luật sư báo chí làm chứng, để tranh luận công khai với tôi việc đo thực tế đất cho ra diện tích 2.265m2 đất theo những bản đồ của chính quyền, mà tôi đang có trong tay!?

Tóm tắc sự việc xảy ra trong video sáng vào lúc 8giờ 30 phút sáng ngày 23-4-2015, tại tổ 3-khu phố 6-thị trấn Vĩnh An như sau: Do việc bà Võ Thị Chí Liên (vợ của Nguyễn Hoàng Tấn người đã mua 398m2 của bà Mai Ngọc Châu), ra sức ngăn cản cán bộ đo đạc, chửi bới và hăm dọa giết tôi vì có cán bộ đến đo đạc:

Chỉ có 398m2, sau khi bán đã bán 398m2 cho vợ chồng Liên+Tấn thì làm sao bà Châu vẫn còn đất xây một căn nhà vào tháng 9 năm 2009 cho Tuấn Anh (chồng bà Châu), đang ở nguyên vẹn phía sau. Vậy đất ở đâu để có 398m2 vừa bán vừa ở ?! 

Rồi vợ chồng Liên+Tấn cũng chỉ có 398m2 mua lại của bà Châu, thì tại sao lại xây những bức tường ngoằn ngoèo lấn sang hết diện tích 1.000m2 đất của tôi nhiều lần có côn an, đầu gấu bảo kê mà không bị xử phạt theo BLHS? Tội lấn chiếm đất trái phép cũng không bị xử lý theo luật đất đai?

Tôi chỉ có đập 1 phần nhỏ bức tường mới xây lần thứ ba mà tôi bị lãnh 2 năm tù, hai em trai và 2 người phụ giúp cũng ở tù. Còn bà Châu+Kiệt và Liên+Tấn thì sao???

Quyển sổ đỏ của bà Mai Thị Ngọc Châu sang nhượng cho Liên+Tấn được làm một cách quá nhanh chóng trong vòng 20 ngày trong khi đất đang tranh chấp, đã vi phạm Khoản 3 Điều 30 của luật đất đai về qui trình cấp giấy CNQSDĐ? Sao không có biên bản xác định vị trí ranh giới đất? Trong sổ đỏ chỉ ghi chiều ngang chiều dài, không có tứ cận Đông Tây Nam Bắc, nên sổ đỏ này đặt ở vị trí nào cũng được? Sao không xét xử quyển sổ đỏ này vì nó mà g/đ tôi 5 người ở tù, tổng cộng 60 tháng tù giam?

Và bây giờ, bà Liên hăm dọa giết tôi sao không bị xử lý theo Điều 103 BLHS?. Chửi và thóa mạ cán bộ và nhà nước, sao không bị xử theo luật?. Chửi tôi phản động không căn cứ, sao không xử?. Chửi tôi bán nước, sao nhà nước không quan tâm? Vì rõ ràng y thị chửi chính quyền bán nước. Bán nước thì phải cầm quyền, có quyền lực trong tay, trong khi tôi chỉ là một cô gái nhà quê, thì câu chửi đó ám chỉ nhà nước là đúng nhất? 

Trở lại việc bị chửi bới và bị hăm dọa thì tôi đã bị rất nhiều lần. Có những lần tôi thâu được bằng chứng và gởi cho ông Trung tá Nguyễn Văn Ru (Trưởng côn an thị trấn Vĩnh An), để tố cáo, nhưng mọi chuyện vẫn là “em RU con bà Rù”. Giả sử như tôi chỉ một lần hăm dọa giết người như “chuyện đập bức tường của tôi là đúng 100%”, thì chắc phải bị ở tù mọt gông để hàng xóm vô tư chiếm đất đai.

Căn cứ vào những việc trên thì mới thấy rõ rằng có một cái gì ở đằng sau lưng bà Châu và vợ chồng Liên+Tấn, nên việc bà Liên nói rằng có sổ đỏ; cấp trung ương, cấp tỉnh, quan tòa đã phán; chửi bới tôi là ăn cướp, phản động, bán nước; hăm dọa giết tôi; nói rằng xã huyện này không là cây đinh gì hết; và còn chửi chính quyền làm cái L*** gì tao, mà vẫn bình chân như vại thì xem ra y thị coi chính quyền không có ký lô gam nào cả! 

Câu hỏi đặt ra: Trong video bà Liên nói rằng: “Tao có tiền, tao mua UB tỉnh Đồng Nai cấp giấy tờ cho tao đàng hoàng”, vậy hỏi bà được cấp đất trong diện nào?; “TW đã giải quyết rồi”, vậy hỏi TW nào?; “Tòa án Tỉnh (Tòa Phúc Thẩm), chịu dưới sự chỉ đạo về phiên tòa của tôi”, vậy ai chỉ đạo? Nếu không có câu trả lời với bằng chứng thì tất cả có phải do bà Liên “chỉ đạo” bằng thủ tục “đầu tiên” hoặc “uy quyền” cho chính quyền không? 

Cuối cùng việc ai cướp đất của ai? Tôi khẳng định 100%, thửa đất 53 tờ bản đồ 88 tổng diện tích 1.400m2, do tôi đã đăng ký CNQSDĐ từ năm 1999, đo bao chung với bà Mai Thị Ngọc Châu. Sau đó bà Châu tách ra thửa 327, có diện tích 398,2m2 (400m2), và được cấp giấy CNQSDĐ vào ngày 10-12-2009. Thửa đất này đã bán lại vợ chồng Liên+Tấn vào ngày 30-12-2009. Hiện thửa 53 tờ bản đồ 88, diện tích còn lại 1.000m2 là của tôi đang có nhà ở, và đường ranh phải tính từ tâm của cái giếng nhà bà Châu mà trước đây hai nhà đã đào chung. Vậy kết quả là bà Châu sau khi bán 398m2 vẫn còn một căn nhà phía sau, Ông Tuấn Anh (chồng bà Châu), đang ở được xây vào tháng 9 năm 2009, phải được tính vào diện tích 398,2m2 nào của bà Châu đã bán cho Liên+Tấn?. Nếu căn cứ đo đạc theo những bằng chứng trung thực thì ai ăn cướp đất của ai? Nếu tôi cướp đất của Liên+Tấn hoặc của bà Châu, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Để kết luận, nếu như chính quyền làm đúng thì gia đình ông Đoàn Văn Vươn đâu có bắn súng hoa cải để phải ngồi tù. Nếu như chính quyền làm đúng thì g/đ ông bà Nguyễn Trung Can + Mai Thị Kim Hương ở Long An bị buộc phải kháng cự quyết liệt để rồi tất cả được ở tù. Và nếu như chính quyền làm đúng thì tôi đâu có mất cả tuổi xuân đi khiếu kiện để trở thành con kiến nhỏ và cũng là cái gai của tỉnh Đồng Nai và TW.

Hỡi ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng! Nếu tôi là người thứ ba nối bước theo gđ ông Đoàn Văn Vươn, gđ ông Nguyễn Trung Can, và sau đó cả chục, cả trăm, cả ngàn dân oan khác khắp cả nước tiếp nối thì ông nghĩ sao? Ông có thể nghĩ rằng một vết nứt nhỏ của vách tường có thể làm sụp đổ “thành trì cách mạng” của ông không? Vết nứt đó chính ông cũng đã công nhận nó hiện hữu như việc ông công nhận là vụ gđ ông Vươn do cán bộ làm sai; cũng chính ông khi làm phó thủ tướng đã ra liền tù tì 4 công văn có tên và ý kiến chỉ đạo của ông để giải quyết chuyện của tôi với những dấu mộc đỏ chói rất “hùng dũng” và “Tấn Dũng”, nhưng về địa phương các cán bộ quăng vào sọt rác; và thêm nữa là vụ g/đ ông Nguyễn Trung Can, rồi ông cũng sẽ nói rằng do cán bộ làm sai. Đó là những vết nứt trên bức tường “thành trì cách mạng” của ông. Mong ông mở mắt xuống những vụ đã qua để bịt vết nứt đã có, đừng để tôi và những dân oan khác là những vết nứt tiếp theo.

Còn về chính quyền địa phương, (thị trấn, huyện và tỉnh), đã hành hạ tôi mấy chục năm nay vì những lý do không rõ ràng, thì việc bà Võ Thị Chí Liên với những bằng chứng không chối cải được là chửi bới, hăm dọa người khác, và xem thường luật pháp thì các ông có những biện pháp gì để giử lấy bộ mặt nhà nước do dân, vì dân, lo cho dân hay là các ông vẫn còn úp mặt vào cái L*** của Võ Thị Chí Liên như y thị đã chửi thẳng vào mặt các ông?

Từ những bằng chứng nêu trên, nếu gia đình tôi có bị xảy ra như: tai nạn, ám sát thì nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước tòa án quốc tế về vấn nạn này! Và những lời tôi kể trên đều có những bằng chứng, nhân chứng trên giấy tờ, hình ảnh và video.

Kính,


____________________________________________

Xin xem bài báo và những link về việc oan sai của tôi:


1. DO-LTKT: Bị Bắt (phần 1) 

2. DO-LTKT: Bị Bắt (phần 2) 

3. DO-LTKT: Tuyệt Thực Trong tù 

4. DO-LTKT: Ra Tòa Sơ Thẩm 

5. DO-LTKT: Bị Kết Án 2 Năm Tù 

6. DO-LTKT: Chống Án

7. DO-LTKT: Ra Tòa Phúc Thẩm phần I 

8. DO-LTKT: Ra Tòa Phúc Thẩm phần II

Diễn văn ăn mừng 30/4: Nguyễn Tấn Dũng chửi Mỹ, cảm ơn Trung Cộng

CTV Danlambao - Đánh dấu 40 năm ngày CS cưỡng chiếm miền Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có bài diễn văn quan trọng bày tỏ sự cảm ơn đối với Trung Cộng và Liên Xô, nhưng vẫn đồng thời mạnh miệng chửi bới 'đế quốc Mỹ'.

Những tuyên bố trên được đưa ra tại một buổi lễ ăn mừng lớn của đảng CSVN tại Sài Gòn vào sáng ngày 30/4/2015. Trong bài diễn văn được truyền hình trực tiếp trên cả nước, ông Dũng nói:

"Tại buổi lễ trọng thể này, một lần nữa chúng ta chân thành cảm ơn các nước XHCN, nhất là Liên Xô, Trung Quốc".

Người đứng đầu nhà nước Việt Nam cũng không quên tố cáo những 'tội ác dã man' của 'đế quốc Mỹ' trong cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm tại miền Nam. Đây cũng chính là cuộc chiến mà ông Dũng tham gia rất sớm (từ năm 12 tuổi) và giữ vai trò là một y tá quân y.

"Đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, đàn áp tàn bạo Cách mạng miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc. Chúng đã gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta", ông Dũng phát biểu.

Dù mạnh miệng chửi bới 'đế quốc Mỹ', nhưng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đang là sui gia với một cựu viên chức dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà - những người luôn bị chế độ cộng sản gọi là 'tay sai Mỹ - Nguỵ'. Con rể ông Dũng cũng là một người mang quốc tịch Mỹ.
Hàng loạt quan chức chóp bu CS tham gia buổi diễu binh ăn mừng chiến thắng. Ảnh: AP

Thông thường, người phát biểu trong những buổi lễ ăn mừng lớn như dịp 30/4 sẽ phải là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dự kiến sẽ có chuyến công du Mỹ vào tháng 5 sắp tới.

Do đó, việc để thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai công kích Mỹ sẽ hạn chế những bất lợi đối với ông Trọng trong chuyến đi cầu cạnh nước cựu thù.

Trên thực tế, CSVN đang rất cần Hoa Kỳ hỗ trợ để làm đối trọng trước sự xâm lược ngày một gia tăng của Trung Cộng tại Biển Đông. Dù mạnh miệng chửi bới Mỹ, nhưng CSVN rất cần Mỹ.

Cũng trong bài diễn văn ăn mừng chiến thắng, người đứng đầu nhà nước cộng sản cũng trình bày chủ trương 'khép lại quá khứ, hướng tới tương lai'. Dẫn lại di chúc Hồ Chí Minh, ông Dũng kêu gọi "không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc, vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân".

Trong vai trò thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã dùng quyền lực để âm mưu xoá bỏ nghĩa trang quân đội Biên Hoà - nơi an nghỉ của những người lính Việt Nam Cộng Hoà. Cũng chính ông Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thư cho thủ tướng Canada bày tỏ sự 'bức xúc' về đạo luật 'Ngày Hành Trình đến Tự Do'.

Đối với nhiều người dân Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một biến cố đau thương của dân tộc. Tuy nhiên, đảng CSVN vẫn tiếp tục khắc sâu thêm nỗi đau này bởi những màn ăn mừng rầm rộ của kẻ chiến thắng.

Những lời kêu gọi 'hoà hợp, hoà giải' như trên cũng chẳng còn lừa được ai.


Cảnh lố lăng trong buổi diễu binh ăn mừng chiến thắng của đảng cộng sản. Ảnh: AP Photo/Na Son Nguyen

Sự lãng phí nguồn tài nguyên quí giá nhất của quốc gia

Thái Sơn (Danlambao) - Trong tất cả các nguồn tài nguyên của quốc gia thì con người là nguồn tài nguyên quí giá nhất. Chúng ta là người Việt, vậy chúng ta hãy xem nguồn tài nguyên này được sử dụng có đúng mức để đem lại sự thịnh vượng cho quốc gia chưa?

Trải qua 40 năm, số phận lịch sử nghiệt ngã đã đẩy dân tộc Việt Nam vào hoàn cảnh mà giờ đây người Việt ta có mặt hầu như khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên trong cái rủi lại có cái may. Gần đây có rất nhiều người Việt ở Mỹ, Canada, Úc... đã thành công trên tất cả các lãnh vực khác nhau trên khắp thế giới… Riêng trong lãnh vực chính trị, có người đã trở thành dân biểu, thượng nghị sĩ... Người Việt hải ngoại đã mang lại niềm vinh quang cho dân tộc Việt để an ủi cho những nổi đau thương mất mát trong 40 năm qua do Đảng Cộng Sản độc quyền cai trị.

Những người này, họ và gia đình họ đã trốn chạy khỏi Việt Nam để đi tị nạn chính trị Cộng Sản từ sau 30 tháng 4 năm 1975. Giá như những người này mà còn ở lại Việt Nam thì liệu họ có làm được gì không? Câu trả lời chắc chắn là họ sẽ không làm nên trò trống gì cả. Bởi một lẽ dễ hiểu là ở xứ này, Đảng Cộng Sản nắm độc quyền sinh sát trên tất cả lãnh vực của đời sống xã hội. Tất cả những khuynh hướng đối lập hoặc khác ý thức hệ của họ đều bị đè bẹp, đàn áp. Những ai không chịu đựng nổi thì chỉ có con đường trốn chạy ra nước ngoài tìm kế sinh nhai. Vậy là Đảng Cộng Sản đã loại hẳn những công dân này ra ngoài bên lề xã hội, họ bỗng trở thành “phế phẩm” không dùng được.

Một câu hỏi đặt ra là: Đất nước Việt Nam này có phải là thuộc về sở hữu độc quyền của một nhóm Đảng Cộng Sản không? Nếu đúng vậy thế thì tại sao trong sử sách cha ông ta có ghi là dân tộc ta có hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước qua rất nhiều triều đại nào là đời Lê, Lý, Trần, Nguyễn...? Chẳng lẽ lại là sai hay sao? Hay Đảng Cộng Sản việt Nam muốn sửa lại lịch sử rằng hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước kia phải sửa lại là do duy nhất công lao của “triều đại” Đảng Cộng Sản? Tôi nghĩ Đảng Cộng Sản Việt Nam hãy huy động những tay hùng biện giỏi nhất của họ để giải đáp những thắc mắc này cho dân Việt Nam sao cho tâm phục khẩu phục nhất nếu như họ muốn nắm giữ độc quyền cai trị đất nước này mãi mãi!

Từ 1975 đến 1995 có hàng triệu người bỏ nước ra đi, đa số bị cướp, hãm hiếp và chết trên biển cả, số ít còn lại may mắn được các xứ tự do cứu vớt cho tị nạn, con số thống kê khoảng 839 200 người, (nguồn wikipedia).

Đó là hoàn cảnh của những người chạy trốn khỏi Việt Nam, thế còn những người xấu số không chạy trốn khỏi Việt Nam được thì sao?

Sau năm 1975, trong khi quân dân cán chính Việt Nam Công Hòa bị đi “học tập cải tạo” trong các trại tù khổ sai thì thân nhân, con cái của họ ra sao?

Với cái chủ trương chính sách “thi lý lịch”, con cái của thành phần chế độ cũ bị phân biệt đối xử, và trở thành những công dân “hạng hai” bởi chính sách phân chia lý lịch để xét tuyển đi học đại học dựa theo tiêu chuẩn lý lịch của cha mẹ chứ không dựa vào năng lực của bản thân người đó, cho nên con cái của thành phần chế độ cũ thì dù có học giỏi cỡ nào thì cũng không bao giờ vào đại học để thăng tiến trên con đường công danh sự nghiệp và ra “làm quan”, nên họ đã phải chỉ biết “cày sâu cuốc bẫm” ở mảnh ruộng nếu ở miền quê, hoặc đi làm công nhân nếu như ở thành thị, hoặc cả gia đình họ đều bị đẩy lên miền núi nơi rừng thiêng nước độc để trở thành công dân “hạng hai”, tức là những người “bị trị”, để phục vụ cho “giai cấp thống trị”, là thành phần gia đình cán bộ theo Đảng Cộng Sản.

Ngoài ra chuyện chạy trường, chạy lớp (nếu là học sinh), chạy chức, chạy quyền (nếu là công chức), chạy án (nếu bị vào tù)… tất cả đều dựa vào tiêu chuẩn tiền, và quyền thế để đánh giá chứ không dựa vào phẩm chất, năng lực thật sự của người đó, thì thử hỏi đó có phải là sự lãng phí nguồn tài nguyên lớn nhất và quí giá nhất của quốc gia không? Một xã hội mà tài năng, trí tuệ, chất xám trở thành vô dụng, “trí thức là cục phân” như lời Mao Trạch Đông nói thì làm sao xã hội phát triển lên được, nước ta mà không nghèo nàn lạc hậu thì mới là lạ đó.

Hãy nhìn lùi về quá khứ vào những thập niên 1950, 1960... thời kỳ “xây dựng xã hội chủ nghĩa” ở miền Bắc, bao nhiêu người bị chết, bị tù đày trong “công cuộc cải cách ruộng đất”, trong chiến dịch “đánh nhân văn giai phẩm”, trong “vụ án xét lại chống Đảng”, rồi sau năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, phân chia giới tuyến 17 khoảng 2 triệu người chạy trốn khỏi miền Bắc di cư vào Nam để trốn chạy Cộng Sản. Rồi sau 1975, sau “chiến dịch đổi tiền”, rồi “chiến dịch đánh tư sản” để cướp tài sản của gia đình theo chế độ cũ… bao nhiêu triệu người Việt Nam bỏ nước vượt biên trốn chạy khỏi nước, số may mắn sống sót đến được bến bờ bên kia, những người xấu số bị hải tặc tấn công, hãm hiếp hoặc bị sóng cuốn xuống lòng đại dương mà vẫn chưa thống kê hết.

Vậy có phải Đảng Cộng Sản Việt Nam lãng phải nguồn tài nguyên của đát nước một cách khủng khiếp nhất không?

Thử góp một giải pháp để “knockout” Đảng Cộng Sản: “lấy độc trị độc”

Một thời gian dài rất nhiều những Đảng phái chính trị người Việt ở hải ngoại hoạt động chống phá Cộng Sản Việt Nam trong 40 năm qua có làm được gì không?

Hởi những người công dân Việt Nam yêu nước, hãy làm một công việc cụ thể để góp một bàn tay lật đổ Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Chúng ta hãy nhìn lại xem Đảng Cộng Sản họ giành lấy chính quyền bằng cách nào không? Có phải họ đánh thắng Việt Nam Cộng Hòa bằng con đường quân sự không? Có phải vì họ nhận viện trợ vũ khí của Liên Xô, Trung Cộng nhiều hơn Việt Nam Cộng Hòa nhận của phe đồng minh không? Và sau 1973 khi Việt Nam Cộng Hòa bị Mỹ cắt viện trợ nên thua không?

Chưa hẳn là như vậy đâu? Bởi vì họ thắng Việt Nam Công Hòa bằng quân sự chỉ trong thời gian ngắn từ khi Mỹ đem quân vào miền Nam thôi, Chứ trước khi Mỹ đưa quân vào, và sau năm 1975 khi chiến tranh kết thúc, họ bị thua nặng nề trong xây dựng kinh tế vậy mà tại sao họ vẫn còn nắm giữ quyền cai trị đất nước? Thử hỏi họ vẫn nắm quyền cai trị có phải là bằng con đường tuyên truyền để lừa bịp quần chúng không?

Tôi lấy một sự kiện lịch sử hẳn quí vị đã biết để chứng minh như sau: ta hãy đi ngược dòng thời gian lại thời gian năm 1963 lúc cuộc đảo chánh, quí vị có biết là do ai đạo diễn không? Chính Cộng Sản đã lăn lỏi vào trong hàng ngũ Phật giáo để tuyên truyền, dẫn đến “phong trào tranh đấu chống đàn áp Phật giáo”, rồi phong trào “đem bàn thờ Phật xuống đường” lan khắp nơi, làm cho người Mỹ lầm tưởng là có đàn áp Phật giáo thật sự, lợi dụng tình huống đó Cộng Sản đã mượn tay người Mỹ lật đổ chính phủ đệ nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Lúc đó phải đoàn Liên Hợp Quốc điều tra xong phát hiện không hề có đàn áp Phật Giáo, thì sự việc đã rồi. Vậy là Cộng Sản đã thành công, trong khi đó biết bao nhiêu toán Tình Báo, Biệt Kích, Thám Báo do Việt Nam Cộng Hòa đào tạo đã hầu như thất bại hoàn toàn khi xâm nhập vào xã hội miền Bắc (Hồi Ký Thép Đen là một sự kiện điển hình). Điều này chứng tỏ Cộng Sản họ rất am tường Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, trong khi Việt Nam Cộng Hòa thì chẳng am tường về Cộng Sản. Vì vậy là Cộng Sản rất thành công trong việc thâm nhập vào các tổ chức dân sự của Việt Nam Cộng Hòa. Vậy có phải là Cộng Sản rất tài giỏi trên mặt trận thông tin tuyên truyền không? Có phải Cộng Sản rất tài giỏi trong việc bịa đặt, nói láo, xuyên tạc không? Chính vì vậy mà Cộng Sản rất sợ không dám ban hành Luật Biểu Tình, mặc dù họ cứ hứa hoài, và mới đây ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nêu rõ “Hiến Pháp Việt Nam quy định người dân có quyền biểu tình, đồng thời cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định nhưng hiện mới chỉ có nghị định của Chính phủ quy định. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật này cần tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng chương trình; nghiên cứu kỹ và chỉ nên xin lùi thời điểm trình dự án luật.” (nguồn http://www.baomoi.com), thế nhưng vẫn chỉ là là hứa suông. Bởi vì họ rất sợ các tổ chức tranh đấu cho tự do dân chủ lăn lỏi vào trong các tổ chức dân sự, như chính họ đã từng làm với thời Việt Nam Cộng Hòa.

Ngoài ra còn rất nhiều sự kiện lịch sử để chứng minh sự xảo trá của Cộng Sản. Như họ kêu gọi rất nhiều các Đảng phái khác tham gia chính phủ lâm thời năm 1945 để huy động tài lực cho cuộc chiến, nhưng thực ra các Đảng phái đó chỉ là những tay chân của họ núp dưới những tên gọi khác nhau, và sau đó họ dẹp bỏ hết những tổ chức đó để giành quyền độc tôn lãnh đạo. Hoặc sự kiện thứ 2 là vào năm 1954, chính họ đã cài người ở lại nằm vùng không chịu rút quân về bên kia vĩ Tuyến 17, để rồi sau đó lập ra cái gọi là: “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam” để biện minh là do chính nhân dân miền Nam lập ra để lật đổ chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa, mà thực chất cái tổ chức đó là do họ đẻ ra mà thôi. Nói về lừa bịp thì Cộng Sản họ là bậc thầy, bởi vậy họ mới đàn áp, cai trị dân Việt đến bây giờ bằng trò lừa bịp “đạo đức Hồ Chí Minh” để làm bình phong che đậy lối sống tham ô, tham nhũng, cướp đất của dân một cách hợp pháp dưới cái chiêu bài “đất đai là sở hữu toàn dân”, nhưng “Đảng quản lý”, và “Đảng định đoạt”,… rồi đến bây giờ họ cắt đất, giao biển cho Tàu Cộng.

Ngày nay nhờ có internet mà tất cả những chuyện “thâm cung bí sử” mới lộ ra mà mọi người mới biết được sự gian trá của Đảng Cộng Sản Việt Nam, qua những tác phẩm nổi tiếng như: “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức, “Đèn Cù” của Trần Đĩnh, “Những Lời Trăn Trối” của Trần Đức Thảo, hay nhiều tác phẩm hồi ký trong tù của Nguyễn Thư Hiên, Đặng Chí Bình, và rất nhiều tác phẩm quí giá khác… Rất tiếc những tác phẩm hay như vậy lại có quá ít người biết đến, bởi vì số lượng người Việt sử dụng internet rất nhiều tuy nhiên số người có trình độ cao có thể vượt tường lửa để vào xem những nguồn thông tin trái chiều còn hạn chế lắm, mặc khác những người lớn tuổi mắt kém họ không thể đọc sách trên mạng được, chi bằng xem video trên Youtube hấp dẫn hơn và có sức thuyết phục hơn rất nhiều.

Quí vị có biết sở dĩ Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt dự án phát triển truyền hình ra Hải ngoại với ngân sách 20 triệu Mỹ kim cho người Việt hải ngoại xem có phải ông ta muốn tấn công người Việt hải ngoại bằng công cụ truyền thông không? Vậy thì tại sao người Việt hải ngoại chúng ta rất giàu có lại không tấn công lại họ bằng công cụ truyền thông về trong nước? Chúng ta có một lực lượng Việt Kiều hải ngoại hùng hâu thì tại sao chúng ta không cùng nhau biến những tác phẩm hay như vậy thành những kịch bản phim hay rồi thuê các diễn viên Holiwood đóng để đưa ngược lại về nước cho đồng bào trong nước xem?

Tôi khẳng định rằng những ai không thấu hiểu được Cộng Sản thì sẽ chẳng bao giờ hạ gục họ được! Và chính những người dân ở trong nước từng sống với Cộng Sản mới có thể là lực lượng hùng hậu hạ gục được họ, bởi chỉ có những kẻ “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Chúng ta chỉ có thể “hạ knockout Cộng Sản Việt Nam bằng con đường mà chính Cộng Sản Việt Nam đã dùng để đoạt lấy quyền cai trị độc tôn của họ mà thôi! Chúng ta hãy “lấy độc trị độc”, Tôi cho rằng chúng ta những người Việt Nam yêu nước sẽ không bao giờ thắng nổi Cộng Sản Việt Nam nếu chúng ta không thắng họ trên mặt trận truyền thông. Tôi nghĩ chúng ta nên ủng hộ con đường đấu tranh trên mặt trận truyền thông của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.

Rất mong người Việt chúng ta hãy gạt bỏ những bất đồng cá nhân, hoặc bất đồng giữa các nhóm mà cùng góp sức vào đại cuộc.

Sài Gòn ngày 29/4/2015