Wednesday, January 7, 2015

Bầu cử Hồng Kông : Chính quyền lấy ý kiến cử tri đợt cuối, đối lập lên án mị dân

RFI-Trọng Thành
Ngày 07-01-2015 19:11

media
Nghị sĩ đối lập mở dù phản đối ngay tại Nghị trường ngày 07/01/2015.Reuters

Hôm nay, 07/01/2014, chính quyền Hồng Kông chính thức lấy ý kiến cử tri lần thứ hai về thể thức bầu cử trực tiếp lãnh đạo đặc khu trong tương lai. Tiến trình cải cách bầu cử mà chính quyền cho là một bước tiến « lịch sử » bị nhiều nghị sĩ đối lập và lãnh đạo phong trào đòi dân chủ cho Hồng Kông tố cáo là một « thủ đoạn tuyên truyền quy mô lớn ».

Tài liệu về cải cách thể thức bầu cử tham khảo ý kiến cử tri Hồng Kông lần thứ hai được đưa lên mạng để tất cả công dân đều có thể bình luận. Đây là đợt tham khảo ý kiến cuối cùng, trước khi dự thảo này được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Lập pháp. Nội dung chủ yếu của lần lấy ý kiến này liên quan đến thành phần của một ủy ban, có trách nhiệm tuyển chọn các ứng cử viên vào chức vụ đứng đầu chính quyền đặc khu.

Vòng tham khảo ý kiến công dân về cải cách thể thức bầu cử đã được tiến hành lần thứ nhất hồi tháng 5/2014, với sự tham gia của nhiều đại diện chính giới và xã hội dân sự. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính quyền Trung Quốc chấp thuận thể thức phổ thông đầu phiếu tại khu vực vốn là thuộc địa Anh Quốc. Tuy nhiên, dự kiến sẽ chỉ có từ hai đến ba ứng cử viên có thể được tham gia tranh cử, sau khi được sự chấp thuận của một ủy ban đặc biệt, mà dư luận cho rằng đa số thành viên là người thân Bắc Kinh. Quy định nói trên gây phẫn nộ trong dân chúng Hồng Kông, khiến hàng trăm nghìn người xuống đường phản đối trong suốt hơn hai tháng mùa thu 2014.

Ngay sau cuộc thảo luận tại Hội đồng lập pháp đặc khu Hồng Kông để bàn về dự thảo thể thức bầu cử, hàng chục nghị sĩ đối lập đi ra với các « ô dù màu vàng » (màu của phong trào phản kháng), như một dấu hiệu bày tỏ thái độ phản đối.

Hôm qua 06/01, trả lời AFP, nghị sĩ đối lập Kwok Ka-ki (Quách Gia Kỳ) cho biết « những ai muốn đều có thể tham gia cuộc tuyển chọn ứng cử viên, nhưng chắc chắn họ sẽ bị loại ». Nhà phân tích chính trị Hồng Kông Ma Ngok (Mã Nhạc) nhận định : « Chính quyền cố tạo ra ấn tượng là có nhiều không gian để thảo luận, nhiều ứng cử viên thuộc các xu hướng khác nhau có thể tham gia, nhưng ủy ban tuyển chọn sẽ giữ vai trò kiểm soát ».

Về phần mình, người đứng thứ hai trong chính quyền Hồng Kông, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), cảnh báo « sẽ là ảo tưởng khi cho rằng có thể làm lập trường của Bắc Kinh thay đổi », và « nếu văn bản (cải cách bầu cử) này không được chấp nhận, thì tiến trình dân chủ hóa Hồng Kông sẽ bị đẩy lùi (…) tới năm 2022 ».

Để được chấp nhận, dự thảo cải cách phải được hai phần ba nghị sĩ trong Hội đồng Lập pháp chấp thuận. Nhiều nhà tranh đấu dân chủ nói họ sẵn sàng từ chối cuộc bầu cử trực tiếp lãnh đạo đặc khu năm 2017, nếu thể thức này không thực sự dân chủ.

Theo nhà phân tích Sonny Lo (Lô Triệu Hưng) (giáo sư Viện giáo dục Hồng Kông), hiện tại còn quá sớm để nói về số phận của cuộc cải cách này, nhưng cũng cho rằng một số nghị sĩ đối lập có thể bỏ phiếu thuận, dưới áp lực của công luận. Ông Sonny Lo bình luận : « tại Hồng Kông, mọi người có thái độ thực tế, đa số muốn có một cuộc tranh luận tích cực về cải cách chính trị ».

Chính quyền ra báo cáo về phong trào biểu tình, cảnh sát gây áp lực với các lãnh đạo sinh viên

Trong khi chờ đợi, hôm qua, lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh kêu gọi không tổ chức các cuộc biểu tình mới và cảnh báo các hoạt động phản kháng sẽ không làm chính quyền thay đổi. Cũng hôm qua, chính quyền đặc khu Hồng Kông công bố bản báo cáo dài 220 trang gửi Bắc Kinh, thuật lại diễn biến của phong trào biểu tình phản đối, chiếm giữ trung tâm thành phố hồi mùa thu và thái độ của công luận.

Theo AFP, bản báo cáo của chính quyền tuy thừa nhận sự tồn tại của các quan điểm khác nhau về cải cách bầu cử Hồng Kông, nhưng khẳng định « nguyện vọng chung » của dân chúng Hồng Kông đi đúng theo Hiến pháp của Hồng Kông và các quyết định của Bắc Kinh về cải cách chính trị tại vùng lãnh thổ bán tự trị này.

Nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập Sin Chung-kai (Đan Trọng Giai) lên án báo cáo chỉ được đưa ra nhằm ủng hộ quyết định của chính quyền trung ương và xuyên tạc quan điểm của các cư dân Hồng Kông. Lãnh đạo sinh viên Lester Shum (Sầm Ngao Huy) ví báo cáo nói trên với « một bài tập cắt và ghép tin trên báo của học sinh cấp hai », và chê trách thái độ lẩn tránh các vấn đề chính trị của chính quyền.

Hôm qua, lãnh đạo phong trào sinh viên Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), 18 tuổi, cho biết anh và một số lãnh đạo sinh viên khác bị cảnh sát yêu cầu trình diện để phục vụ điều tra, nhưng không cho biết các lý do cụ thể. Hôm thứ hai 05/01, cơ quan tư pháp Hồng Kông ra văn bản khởi tố đối với 20 nhà hoạt động, tham gia vào phong trào phản kháng hồi tháng 11/2014.

No comments:

Post a Comment