Tôi đã ngu ngơ tự hỏi, lẽ gì mà mấy quốc gia như Nhật, Mỹ… cứ lôi các cty của mình ra xử tội hối lộ khi mà việc này xảy ra ở ngoài biên giới.
Các công ty, tập đoàn ấy hối lộ cho các quan chức nước ngoài để giành lấy thế thượng phong trong làm ăn, kinh doanh thì công việc làm ăn của họ sẽ phát đạt, đóng góp nhiều thuế hơn, làm giàu cho quốc gia của họ hơn.
Tóm lại là họ xấu ở chỗ khác chứ có xấu trong lãnh thổ nước mình đâu mà bỗng dưng khui ra, làm ầm ĩ lên để cả thế giới biết, khiến cho việc làm ăn của công ty, tập đoàn ít nhiều bị đình trệ và uy tín bị ảnh hưởng. “Xấu xa đậy lại” chứ ai lại đi “Vạch áo cho người xem lưng” thế.
Thế nhưng cái suy nghĩ thiển cận và hẹp hòi của tôi như vậy là rất sai.
Cty Y tế Bio-Rad của Mỹ đang bị điều tra hối lộ các quan chức nước ngoài trong đó có Việt Nam.
Tôi đã hơn một lần nghe nhà hàng xóm mắng (có thể là răn dạy) con, rằng “Đánh đĩ mười phương cũng phải biết chừa một phương để lấy chồng.” Nếu chấp nhận “Đánh đĩ mười phương….” kia như một câu châm ngôn tử tế và có giá trị thì cũng xem như đã thỏa hiệp với cái xấu, đồng lõa với một hành vi cụ thể: Trộm cướp ở đâu cũng được miễn là đừng ở đây.
Một thời, tầm nhìn của nhiều người chỉ từ nhà ra đến chợ là chấm hết. Câu “Khôn nhà dại chợ” để chê bai hay răn dạy con cháu, ở một góc nhìn rộng hơn, chính là việc cổ súy cho thói ranh mãnh, láu cá ở nơi khác, còn về nhà thì phải tử tế và trung thực.
Buồn thay, ở mình vẫn không thiếu cơ hội và điều kiện để “bảo tồn” cái quan điểm “xấu ở đâu cũng được miễn là với tôi (hoặc ở đây) anh chưa xấu”. Bởi vì các phạm trù khôn - dại, tốt - xấu…, một thời gian dài chỉ được xem xét và đánh giá ở trạng thái tĩnh, không có sự tác động và ảnh hưởng qua lại; trong một phạm vi hẹp là làng xã thuần túy nông nghiệp.
Việt Nam đã hội nhập, biên giới quốc gia chỉ có giá trị về chủ quyền, nên cách nghĩ như thế không còn phù hợp, bởi mọi thứ, mọi người, mọi việc đều liên quan và tác động lẫn nhau trong phạm vi không bị giới hạn bởi lãnh thổ. Nếu có hiệp định tương trợ tư pháp hoặc dẫn độ với các nước khác thì khi tôi phạm quốc tế xảy ra, sự phối hợp còn có. Nếu không thì vô cùng khó khăn, phức tạp.
Trộm của làng khác, nước khác, thì rồi một lúc nào đó sẽ làm chuyện đó ở chính làng mình, nước mình. Đây chính là nguồn cơn của bao tội lỗi và khổ đau.
Ra đời từ năm 1977, Foreign Corrupt Practices Act of 1977– FCPA (Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Hoa Kỳ) được xem là mối đe dọa đối với những vụ đi đêm của doanh nghiệp Mỹ với quan chức các nước. Theo luật FCPA, chủ doanh nghiệp có thể ngồi tù lên đến hàng chục năm. Để dàn xếp thoát khỏi cáo buộc, các doanh nghiệp phải đồng ý nộp phạt bộn tiền.
Siemens bị phạt 1,6 tỷ USD vì tội hối lội quan chức khắp thế giới qua môi giới những hợp đồng quan trọng; KBR-Haliburton bị phạt 580 triệu USD vì hối lộ quan chức Chính phủ Nigeria trong 10 năm, Daimler bị phạt 185 triệu USD vì hối lộ quan chức chính phủ trực tiếp và gian tiếp qua bên thứ 3 tại 22 quốc gia…
Ngoài ra còn nhiều quy định chống hối lộ và tham nhũng khác buộc các doanh nghiệp Hoa Kỳ phải chùn tay khi có ý định đi đêm. Vì thế vụ Bio-Rad hối lộ một vài quan chức Việt Nam bị khui ra là tất yếu.
Ứng xử với tội hội lộ như Mỹ, Australia, Nhật Bản vừa làm thời gian qua là để chấm dứt sự bành trướng của tham nhũng, nhằm đảm bảo quyền lợi (cho tất cả cá nhân, công ty, tập đoàn) cạnh tranh công bằng, bình đẳng khi làm ăn ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Đó là hành động cho sự bền vững trong môi trường kinh doanh toàn cầu; là hành động có trách nhiệm của bất kỳ quốc gia nào khi bước chân vào sân chơi thời hội nhập./.
Chủ Nhật, ngày 9/11/2014 - 11:54
Theo Ngô Thiệu Phong/VOV
No comments:
Post a Comment