Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Xin nhắc lại: sổ phong thần, không phải sổ quân hàm phong tướng chút hư danh... “ảo” mà tiền dân đóng thuế “thật”. Phải nói nỗi lo lắng ngày đêm của nhân dân “tâm tư” là lọt vào sổ phong thần của cái mà “Chúng Tôi Muốn Biết”, nhưng thật tiếc là những vị được “tiếng” là đại biểu của nhân dân lại giả câm giả điếc không trưng yêu cầu chính đáng này ra. Thật tình, đối với dân đen thì “Ngài” Đại Tướng duy nhất của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam là Bộ Trưởng Quốc Phòng, nếu có đề xuất tung hứng: “Không phong Tướng, anh em tâm tư ghê lắm” thì thứ Quốc Hội bù nhìn này cũng sẽ lượm hứng mà thôi. Kẻ tung người hứng vốn rất đỗi nhịp nhàng, và dân ngu cu đen thì biết nhờ vào tay ai?
Phong Tướng để làm gì?
Chúng ta từ đầu làng cuối xóm của thôn dân, chí ít cũng phải hiểu rằng chẳng ai ra công bảo vệ đất nước mình, ngoài chính người dân của đất nước ấy phải tự biết bảo vệ, chiến đấu không ngừng.
Do đó, không lẽ chỉ vì sợ “anh em tâm tư” mà “Ngài” tha hồ chỉ đạo lạm phát phong tướng, chứ không phải vì nhu cầu phục vụ bảo vệ hòa bình gì đó chăng?
Nghĩ tủi thân cho dòng giống Lạc Việt, không ai còn nên hãnh tiến làm tên lính đánh thuê cho Tàu, cho Liên Sô, và đã dẹp tan những đế quốc sừng sỏ, bởi vì chúng ta đã thấy rất rõ vào lúc đất nước đang đối diện từng ngày với hiểm họa xâm lăng, những người chiến sĩ tinh nhuệ biểu hiện khí thế bỗng dưng mất tăm, mà lại đụng ngay một vị tướng cỡ “Đại Cồ” Việt Cộng. Oái ăm thay, một ông tướng chưa hề có một giai đoạn nào đã sống chết bên hàng ngũ “anh em” lực lượng vũ trang.
Chức này chắc không phải tự phong, như tay Tô Huy Rứa tự biên tự diễn ứng cử TBT. Không tự phong, nhưng hẳn có bài bản, kịch bản từ đâu đến. Cứ xem hiện tượng tướng tá mọc lên hà bà rầm, như nấm độc sau cơn mưa phe phái gấu ó bè đảng thì biết ngay.
Chẳng trách khi ngực áo đầy những mề đay, huy chương “ngược”, dính toàn máu của đồng bào, “đồng đội”, người ta lại đặt vào tay một kẻ nhát cáy cờ đến tay thì phất, chẳng cần thực chất vẫn lãnh tới tấp quân hàm ở vị trí lãnh đạo tối cao nhất, chỉ vì có thể giỏi lom khom tận tụy với thiên triều. Ai chẳng lạ gì những phút giây nghiêm chỉnh, đứng chào tay dáng quân đội (biết kiềm chế) trước bất cứ lần quốc ca nào của Đại Hán.
Chữ “kiềm chế” là của “Ngài” Đại Tướng khuyên nhủ “anh em”, khi lũ giặc dã tâm chiếm cứ thềm lục địa chủ quyền của đất nước mình, và cũng vì đối với riêng “Ngài”, biến động lịch sử HD981 chỉ là một chút hục hặc mâu thuẫn của nội bộ gia đình.
Vì vậy, phong tướng ở đây cũng chẳng để hù dọa ra uy được với ai. Nhất là chẳng có ông Tướng nào dám tỉnh người, quyết bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ đất đai tiền nhân.
Không có ông tướng nào đủ ngông nghênh kiêu hãnh, vì yêu những điều công bằng tốt đẹp mà ngang nhiên vận hành thay đổi như những ông Tướng ở Thái Lan.
Không có ông tướng nào thừa chiến lược để thoát khỏi chiếc bóng đè đen tối của 70 năm đã phủ chụp lên đầu dân tộc mình.
Phong tướng trong hòa bình là để chuẩn bị tiềm năng cho chiến tranh, hay chỉ để ngồi chơi xơi nước như cây kiểng vô hồn trước niềm đau của một dân tộc bé nhỏ, nhược tiểu luôn bị hiếp đáp bởi người láng giềng xấu bụng khổng lồ?
Ai tâm tư ai mới quan trọng?
Khi một chính khách cỡ “Ngài” Đại Tướng đem tâm tư mình dàn trải với tâm tư của “anh em” một cách khá quan tâm, trong khi họ chẳng có gì đáng để “Ngài” phải bận tâm, bận lòng phong chức phong tước chi cả, thì cũng nên đặt giả thuyết tại sao.
Chúng ta không biết “Ngài” Đại Tướng đã đọc ý tưởng trong đầu của họ lúc nào, để biết rằng chuyện “phong tướng” nếu bất thành sẽ làm họ “tâm tư” hay rơi vào tâm trạng dữ lắm!
Chính khách đời này muốn kéo “anh em” nào phò mình phong tướng hết thì cũng là chuyện thường tình thế thôi. Không đi kiếm hậu thuẫn, sao làm chính trị ra đòn với phản đòn được. Ai “đỡ” cho mình đây? Nhân dân thì không rồi, có ai coi nhân dân là đối trọng để mà lắng nghe, mà còn ngóc đầu cất lên tiếng nói không nhỉ?
Hết “Ngài” Thủ Tướng tung chưởng ban bố đề bạt thêm nhiều tướng tá, cho hậu thuẫn an ninh, quân đội của phe ta lên phơi phới, rồi bây giờ đến “Ngài” Bộ Trưởng Quốc Phòng đòi phong hàm thượng tướng, thiếu tướng cho cả giới học viện quốc phòng, giới soạn thảo khoa Mác-Lênin hết sức “quan trọng” gì đó nữa...
Có phong tướng “khanh hầu”, thì tiếng nói của nhân dân, cứ tri “tâm tư” cũng chỉ là... tâm tư thôi.
Lạ một điều là ai đó khỏi cần vào sanh ra tử chiến trường binh lược chi cho mệt. Thời trước khói lửa đầy mình chỉ leo lên được hàm tá, bây giờ khỏi cần đánh giặc mà chỉ cần gặp giặc cúi lạy như tế sao là có khi còn phong cả lên chức “Đại Cồ” Việt. Thảm!
Không thảm sao được, khi đường đường một đấng Bộ Trưởng QP có một không hai của Việt Nam, một lãnh đạo quân đội oai hùng Việt Nam tại Singapore hồi cuối tháng 5 năm nay, vào thời kỳ mốc điểm đớn đau nhất của dân tộc, khi quân bành trướng hạ khoan ngay vào tim mẹ đại dương Biển Đông, đã phải dịu giọng đấu hòa rằng quân đội Việt Nam và Trung Quốc cần phải kềm chế, tăng cường hợp tác và không để xảy ra những hành động mất kiểm soát.
Kẻ cướp vào tận nhà mình xin tí huyết, mình lại hạ nhục van xin chính mình và cả họ để được bắt tay hợp tác đối tác chi đó... thì không thể hiểu nổi. Thử hỏi nếu cỡ “nhuệ khí” này được tăng lên ba con số “Đại Cồ” tướng quân, thì những cái giá phải trả cho những “tài năng” hữu dũng vô mưu này liệu có tăng cường chiến lược đối phó, hay thuần túy chỉ là tăng cường danh xưng và quyền lực lương “lậu”?
Ba vị trí có cơ may được lên chức cỡ “Đại Cồ” ta là Bộ Trưởng Quốc Phòng, chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị và Tổng Tham Mưu Trưởng. Với chúng ta, hình ảnh của một vị tướng sao mà lẫm liệt oai phong. Đa số đã phải nhảy lên bàn thờ, trước khi đeo cho được trên ngực áo vai áo những ngôi sao tướng lãnh, và như thế hẳn phải trải qua bao nhiêu vùng lửa khói hiển hách rồi.
Được phong tướng mà không đi đôi với phong vị tiết tháo anh hùng, và chẳng bao giờ thể hiện nổi một chút anh-hùng-tính của một dân tộc vốn tự hào chống quân xâm lăng, thì cho dẫu có được trao tới hàm Đại Tướng cũng chỉ là hư vô, hư ảo, hư danh.
Một Đại Tướng quân đội nhân dân VN thì không thể không biết phục vụ vì (và cho) sự an lành của nhân dân, của Tổ Quốc trên hết, và có hay không sự tồn tại của một độc đảng cũng cầm bằng như gió thoảng mây bay, khi chính sự trường tồn của một dân tộc, một đất nước, một tổ quốc mời là điều tiên quyết. Tinh thần quân đội sẽ mất hết ý nghĩa, nếu chỉ dùng làm công cụ.
Muốn nhận lãnh vinh dự này, dù bất cứ nghĩa nào cũng không thể không nhận lãnh luôn trách nhiệm. Trách nhiệm đi kèm với quyền lợi. Những bổng lộc ưu đãi được gói trong chiếc hộp nhung bọc sắt quyền lực, hẳn cũng không phải là thước đo của những đánh đổi mưu chước mua chuộc, trám miệng những tấm lòng tướng sĩ đích thực vốn mang tâm nguyện không hèn nhát, không suy tôn tội ác.
Ở một đất nước đang quá bội thực bằng cấp tiến sĩ giấy, tiến sĩ ma, tiến sĩ tiền, mà vẫn chưa ai sản xuất nổi những cái tầm thường như cái đinh vít cho hãng Samsung, Hàn Quốc và bây giờ lại còn muốn quân đội phải bội thực thêm cả những huân chương chỉ biết ngồi rung đùi nơi máy lạnh... thì đúng là hết nước nói.
Còn những bậc thứ trưởng của lực lượng công an đang “vây khổn” quanh ta, là những vị được mệnh danh bạn dân, nghĩa là luôn chu toàn an ninh, an toàn địa phương cho dân sao mãi lo tranh giành chức thượng tướng, trung tướng nơi đâu mà quên hết “nghĩa tình” và bổn phận. Không có dân thì làm bạn với ai đây?
Có nhìn những hình ảnh đẹp của những người cảnh sát công an Hồng Kông chạy vội vã, hốt hoảng tìm cách rửa mắt rửa mặt cho giới trẻ đấu tranh của Hồng Kông, cũng như phong ảnh cô thiếu nữ và anh bạn dân che chung một cánh dù, dưới những giọt mưa đẹp như những giọt nước mắt của hạnh phúc, của Cách Mạng Dù ở Hồng Kông là chúng ta bỗng nao lòng muốn khóc. Nhìn lại bên mình đang phải đối diện hằng ngày, với những bóng tối dọa nạt của bạo lực công quyền, rồi tự hỏi liệu chúng ta có cần phải có nhiều tướng công an không hề biết thương dân, và làm sao để đào tạo cho ra hồn lớp người bạn dân đúng nghĩa cho dân nhờ.
Những Con Số
Trở lại vấn đề: nếu được xem là nhu cầu cần phải có lực lượng quân đội mạnh, như thời chiến chinh cần có tướng giỏi cầm quân chỉ huy chiến đấu hy sinh, vậy sao bây giờ tướng tá chỉ thấy mang tâm thức chưa đánh đã hàng (nhìn Gạc Ma 1988 sẽ biết). Và do đó bận lòng chi chiến sĩ còn nghĩ đến chuyện xung phong và ra trận đây chứ.
Cuộc chiến biên giới 1979 chừng như qua rồi, những con “ma chiến hữu” của nhà văn Mạc Ngôn có oán hận cũng qua rồi... bây giờ những câu chuyện bi tráng hào hùng ấy cũng đã không còn, cũng không làm gì mà sống lại được nếu mai kia giặc lại tràn vào nhà... thì chuyện phong tướng ào ạt liệu mang mục đích gì, khi chẳng còn ai có đủ khả năng thực sự muốn làm một điều gì tốt đẹp, gọi là ra trò ra trống cho dân?
Chúng ta tin vào sức mạnh của quân đội, nhưng tiềm năng ấy nếu không dựa vào chiến thuật, vũ khí sát thương, đối tác chiến lược... và khi sức mạnh gợi lòng chiến sĩ vẫn luôn là nền tảng đến từ dân trước hết, thì liệu lòng dân là ý trời bị cản trở thì làm sao gầy thêm sức mạnh để làm chùng xuống những tham vọng kiêu căng của kẻ bành trướng?
Thời mạt vận chắc đã đến. Khi cả những sư sãi cũng chẳng cần phải biết đến Kinh Phật, mà trong phiên họp quốc hội vào đúng ngày âm binh và phù thủy của lễ Cô Hồn 31/10 vừa qua, đã lên kiến nghị muốn Đảng và nhà cầm quyền cộng sản VN phải lo xây dựng quân đội mạnh cỡ quân đội của nước CHDCND còn sót lại trên hành tinh là anh Kim Ủng Ỉnh Bắc Triều Tiên này, cùng anh em đồng chí Vẹm và quan thầy đại ca đại hán.
“Sự cố” này sao mà hao hao như “câu chuyện” của Việt Nam: liệu muốn tăng sức mạnh quân đội Việt Nam, không lẽ cứ mỗi một việc phong tướng cho thật nhiều vào, mà không cần phải giới hạn đâu là tiêu chuẩn xem xét thâm niên quân vụ, đâu là tố chất nội lực của một vị tướng công an và quân đội v.v...
Ngay cả khi không hề chú trọng đến vấn đề chính trị, chúng ta cũng không thể không thắc mắc về hiện tượng “o bế, bồng bế” quân đội và công an, bằng cách tai hại nhất là cứ thăng cấp mà không kể đến năng lực thực chất của người đó ra sao.
Tuần qua, Bộ Công An vừa tặng thêm “bội tinh” Trung Tướng cho 8 vị, nâng con số lên 200 tướng “bạn dân”. Con số cấp tướng của quân đội VN cũng phải “hàng trăm, khác hẳn thời sau 75, chỉ ở hàng chục là 36 vị. Theo đà này, họ còn quy định con số tối đa là 415. Trong khi so với đám quan thầy với dân số khổng lồ, tính đến năm ngoái theo Tân Hoa Xã, Tàu cộng “đồng rận” cũng chỉ đào tạo được 191 tướng trong Quân Giải Phóng.
Nếu Việt Nam tăng cường thêm ba Đại Tướng Cồ Việt, thì không rõ các lời hứa thiêng liêng chung với Tổ Quốc của các vị này là gì.
Lý do chúng ta “théc méc” như vậy, chỉ vì còn nhớ hôm giữa tháng 10, “Ngài” Đại Tướng trong lần dẫn đầu 12 khuôn mặt tướng lãnh theo chầu rìa ở Trung Quốc cũng đã hứa (hẹn): “Khẳng định hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa 2 Đảng và 2 Nhà Nước.”
Hóa ra Đảng và Nhà Nước phong tướng thật nhiều, lên chức lãnh đạo cao cấp từ Bộ Trưởng Quốc Phòng nhảy lên T.B.T mấy hồi (ngoại trừ phải kỳ phùng địch thủ với chí ít là 4... “tay súng” tà tà ra tướng khác) nhưng kỳ thực chỉ muốn gọi kẻ thù truyền kiếp 1000 năm Bắc Thuộc (lần thứ 2?) là bạn và là mối quan hệ quan trọng của thứ ý thức hệ (đến cuối thế kỷ này cũng chưa hoàn thiện) của 2 Đảng... Để làm gì liệu trời mới biết, cũng như mới đây nghe đâu dư luận xôn xao công trình kinh doanh lấy của công “an ninh quốc phòng” làm của tư, thì nào phải chỉ một ông tướng (cướp) ra tay chụp giựt và “hốt” hết là “hốt” cho mình cơ!
Có điều nhân dân sẽ chẳng còn buồn lấn cấn với cái nhà “cuốc” hội “nghị gật” này, vì có lên tiếng đồng tình hay không thì cũng vô nghĩa, khi những phong tướng cho cả những “ngài” sản xuất kinh doanh, đơn vị kinh tế, học viện sư phạm giáo điều... đã là “danh tướng” thời XHCN. Không phải sao, khi “Ngài” Đại Tướng muốn phong thiếu tướng cho chủ nhiệm Khoa Mác-Lênin vì theo “Ngài” Phùng Quang Thanh: “Ban-soạn-thảo rất tâm tư”, và rồi thì: “...nếu khoa này không có thiếu tướng, thì tôi về thuyết phục anh em rất khó. Người ta sẽ hỏi là thế bây giờ khoa Mác-Lênin không quan trọng à?”
Tóm lại
Nói thật, nếu chỉ phong tướng để làm vừa lòng chính sách của chế độ, thì có lẽ trong tương lai không xa hẳn sẽ lắm vị bị thương tổn, cảm thấy hổ thẹn với lòng mình để sẵn sàng vất bỏ hết để trở về với lòng kính trọng thực sự của nhân dân.
Trở về trong vòng tay đón nhận của nhân dân, khi mọi sự đã không quá muộn, và chỉ có lúc ấy chữ Tướng Sĩ mới đồng nghĩa với anh hùng, và là anh hùng của dân tộc.
Chúng ta không thể sống mà không có khát vọng được từ chối làm thân nô lệ.
No comments:
Post a Comment