Sunday, November 9, 2014

Bước đi của Trung Quốc nhằm đẩy Mỹ ra khỏi châu Á-TBD

(Baodatviet) - Trung Quốc đề xuất nghiên cứu thành lập Khu vực Tự do thương mại châu Á-TBD (FTAAP), tuyên bố góp 40 tỉ USD cho quỹ Con đường tơ lụa.

Trung Quốc đang thực hiện những bước đi cấp tập nhằm đối phó với ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là với chính sách xoay trục của Washington.
Trong diễn biến mới nhất, các quan chức cao cấp Trung Quốc đã “quyết định gửi các sáng kiến về việc thực hiện kế hoạch FTAAP” đến các cơ quan ngang bộ, và lãnh đạo kinh tế tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Đây được đánh giá là một trong những vấn đề trọng điểm được Trung Quốc đặt vào APEC đang được tổ chức ở Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong 1 cuộc họp báo về hội nghị APEC tại Bắc Kinh, Trung Quốc, 8/11/2014.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong 1 cuộc họp báo về hội nghị APEC tại Bắc Kinh, Trung Quốc, 8/11/2014.
Một điểm đáng chú ý trong đề xuất nghiên cứu thành lập FTAAP là nó được thúc đẩy trong lúc Mỹ cũng đang thảo luận với 12 nước khu vực châu Á – TBD.
TPP là một Hiệp định đối tác kinh tế Mỹ muốn thực hiện để mở cửa cho Washington có thể dễ dàng  tiếp cận thị trường châu Á – TBD. Mặc dù vậy, TPP sẽ không bao gồm Trung Quốc.
Reuters đánh giá TPP là “một kế hoạch toàn diện hơn”. Thế nên việc Trung Quốc chọn APEC làm thời điểm đưa đề xuất FTAAP cũng là một cách thu hút sự chú ý của khu vực về phía mình, tức tranh giành ảnh hưởng với TPP. Ngược lại, trong bài báo đầu tháng trước, The Wall Street Journal cho rằng Mỹ cũng đang ra sức ngăn việc Trung Quốc dùng APEC làm bàn đạp khởi động FTAAP.
Trong thời gian APEC diễn ra tại Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo kinh tế của 12 thành viên sẽ có buổi họp riêng thảo luận xung quanh TPP. Đây là cuộc thương thảo nằm ngoài chương trình của APEC, theo Reuters.
Các quan chức Trung Quốc sẽ không can thiệp vào cuộc họp TPP, song đã yêu cầu các nước tập trung vào APEC. “Các chủ đề tại APEC lần này rất phong phú và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hội nhập của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thành lập một khu vực thương mại tự do” – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với Reuters.
Đặc biệt, Trung Quốc cho thấy nước này muốn đứng ở vị thế một "đàn anh" khi muốn APEC dựa vào FTAAP để tất cả hình thành và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu của mình, từ đó đạt lợi ích kinh tế cao hơn thay vì hoạt động độc lập như hiện tại. Trung Quốc cam kết sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều hơn để đặt nền tảng cơ sở vật chất cho sự phát triển thịnh vượng trong khu vực. Đây là điểm ưu tiên trong kế hoạch “một vành đai và một con đường” mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2013 để thúc đẩy hợp tác kinh tế tại châu Á.
Mang tham vọng đem FTAAP đấu với Mỹ, trong một diễn biến khác, Trung Quốc cũng vừa tuyên bố góp 40 tỉ USD để xây dựng nguồn quỹ có tên Con đường tơ lụa nhằm phát triển cơ sở hạ tầng tăng cường khôi phục con đường giao thương huyền thoại, kết nối khu vực châu Á.
Phát biểu trong cuộc họp tại Bắc Kinh với các nhà lãnh đạo từ Bangladesh, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan và Tajikistan hôm 8/10, ông Tập Cận Bình nói mục tiêu của quỹ Con đường tơ lụa là để “phá vỡ nút thắt cổ chai trong kết nối” tại châu Á. Quỹ này rộng cửa hoan nghênh các nhà đầu tư từ châu Á cũng như bên ngoài khu vực tham gia vào.
Hiện không rõ quỹ Con đường tơ lụa hoạt động thế nào, khi nào thì bắt đầu hoạt động và cơ sở chủ yếu của nó ở đâu dù nhiều khả năng là tại Trung Quốc. Tân Hoa Xã cho biết quỹ này tập trung xây dựng đường giao thông, đường sắt, cảng, sân bay khắp Trung Á và Nam Á cả trên biển và trên bộ.
Trước đây, con đường tơ lụa bắt đầu từ Phúc Châu , Hàng Châu , Bắc Kinh qua Mông Cổ , Ấn Độ , Afghanistan , Kazakhstan , Iran , Iraq , Thổ Nhĩ Kỳ , Hy Lạp , xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường cũng đi đến cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Nó có chiều dài khoảng 6.437 km.
Nằm trong chuỗi tham vọng này, trước đó, tháng 10/2013, trong chuyến thăm một số nước Đông Nam Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn đưa ra một “sáng kiến”, kêu gọi các nước trong khu vực cùng hợp tác với Trung Quốc để xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21” – thực chất là tuyến đường biển huyết mạch nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương bằng cách đi qua Biển Đông và vượt qua eo biển Malacca.
Đây là một bước tiến mới nhằm từng bước “hợp lý hóa” đường lưỡi bò và tiến tới hoàn thành âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mục đích của đề xuất này còn nhằm đối trọng lại với chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ. Về mặt kinh tế, “con đường tơ lụa trên biển” là để chống lại TPP của Mỹ.
Với các động thái trên, rõ ràng Trung Quốc đang thách thức vai trò của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, theo giới quan sát, làm được điều này không phải dễ bởi Mỹ chắc chắn không ngồi yên để Trung Quốc phát huy ảnh hưởng của mình qua những sáng kiến trên.
Khải An

No comments:

Post a Comment