(Xã hội) - Dù không đạt được đột phá ở hội nghị ARF, Mỹ vẫn sẽ hợp tác với Úc giám sát chặt chẽ các hoạt động gây căng thẳng trên Biển Đông.
Tình hình biển Đông tối 11/8: Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ tình hình trên biển
Ngày 11/8, một ngày sau khi Trung Quốc khăng khăng bác bỏ đề xuất “đóng băng” các hành động khiêu khích trên Biển Đông do Mỹ đưa ra tại hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEA (ARF), một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẽ giám sát chặt chẽ mọi hành động trên Biển Đông để xem “các bước hạ nhiệt căng thẳng” có được thực hiện hay không.
Tuyên bố trên được quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng John Kerry vừa tới Sydney (Úc) để gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và các quan chức Úc nhằm bàn bạc về tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh mạng.
Ông Kerry đã không thể thuyết phục được Trung Quốc ngừng các hành vi khiêu khích ở Biển Đông
Tại hội nghị ARF vừa qua, đề xuất đóng băng các hành động khiêu khích trên Biển Đông do Mỹ đưa ra đã vấp phải sự lãnh đạm của Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Đây được xem như một bước lùi của Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Căng thẳng trên Biển Đông bắt đầu lên cao từ hồi tháng Năm, khi Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Đề xuất của Mỹ và Philippines đưa ra trong hội nghị ARF lần này là nhằm ngăn chặn những hành động như vậy, cũng như các hành vi xây dựng, đào đắp trên những hòn đảo trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy nhiên nỗ lực này của Mỹ đã vấp phải rào cản không chỉ từ phía Trung Quốc mà từ ngay cả một số thành viên của ASEAN vốn có quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã từng thành công trong việc sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép ngăn chặn các hành động của ASEAN về vấn đề Biển Đông, chẳng hạn như vụ chủ nhà Campuchia ngăn cản một hội nghị ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông năm 2012.
Sau khi thất bại trong việc thuyết phục Trung Quốc ngừng các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông tại ARF, có vẻ như Mỹ đang muốn tăng cường hợp tác với Úc để giám sát chặt chẽ các hoạt động trên vùng biển chiến lược này.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đang lên kế hoạch có những hành động tiếp theo sau các chủ đề đã được thảo luận tại hội nghị ARF, và họ sẽ tiếp tục nêu vấn đề này tại một hội nghị tới đây giữa ASEAN và Trung Quốc.
Ông Kerry và người đồng cấp Úc Bishop trở về Úc sau hội nghị ARF
Hai vị ngoại trưởng cũng sẽ ký một thỏa thuận về việc triển khai lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tới Úc để tham gia các cuộc diễn tập và huấn luyện quân sự chung trong các lĩnh vực như phòng chống thảm họa. Dự kiến đến năm 2017, Mỹ sẽ có khoảng 2.500 binh sĩ đồn trú ở Úc để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đối phó với xung đột và thảm họa trong khu vực.
Từ lâu, chính sách xoay trục châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khiến Trung Quốc vô cùng khó chịu, bởi Bắc Kinh coi đây là nỗ lực để ngăn cản ảnh hưởng về ngoại giao, quân sự, chính trị ngày càng lớn của họ trong khu vực.
Thứ hai, 11/08/2014 18:56
Nguồn Khampha.vn
No comments:
Post a Comment