Tìm hiểu kỹ hơn các “con đường “làm ăn” từ RTYT tại làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội, một nơi thu gom và sơ chế RTYT, phóng viên Pháp luật Việt Nam chứng kiến những sự thật kinh hoàng, khi hàng đống lớn RTYT nguy hại đang được các hộ dân nơi đây tái chế…
Rác thải y tế tại Bệnh viện Nhi Trung Ương
“Mỗi nơi một kiểu…”
Theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế, RTYT nguy hại chứa các yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu những chất thải này không được tiêu hủy an toàn. Với những đặc thù như vậy, RTYT luôn phải được kiểm duyệt sát sao giữa các Bộ, ban ngành liên quan. Tuy nhiên, hiện trạng xử lý RTYT, đặc biệt là RTYT nguy hại ở các đô thị lớn, và ở các cấp khác nhau lại có sự khác nhau. Đây là một phần nguyên nhân chính trong việc rò rỉ RTYT nguy hại ra môi trường.
Theo khảo sát của phóng viên Pháp luật Việt Nam tại một số cơ sở y tế trong cũng như ngoài công lập, hầu hết các bệnh viện (BV) chưa có những biện pháp phù hợp để thu gom và xử lý RTYT. Nếu như những BV tuyến trên được đầu tư các trang thiết bị hiện đại và đồng bộ thì các cơ sở y tế tuyến dưới lại có quy trình thu gom và xử lý thủ công, thiếu thống nhất.
Tại BV Nhi Trung ương, một trong những cơ sở được đánh giá là hoàn thiện về quy trình lưu giữ, bảo quản RTYT nguy hại, hệ thống thu gom rác đã được hoàn thiện về cơ sở vật chất từ phòng chứa rác, kho lạnh đến phòng thiết bị, khu xử lý rác thải, thiết bị chứa chất phóng xạ… Ngược lại, ở những BV tuyến dưới đa số không có những kho bãi đủ yêu cầu kỹ thuật để chứa rác. Một cơ sở y tế nằm giữa Thủ đô như BV Xây dựng (Thanh Xuân – Hà Nội) cũng vậy.
Rác thải y tế được để ở hành lang Bệnh viện Xây Dựng
Cơ sở vật chất của BV Xây dựng không đến nỗi quá xập xệ, nhưng BV lại tận dụng một nhà kho đã cũ hỏng, ẩm thấp, nhỏ hẹp để chứa RTYT nguy hại. Trong khi đó, theo Quyết định 43, nhà lưu giữ RTYT phải có mái che, có hàng rào bảo vệ, có cửa và có khóa, không để súc vật, các loài gặm nhấm và người không có nhiệm vụ tự do xâm nhập…, đó là chưa kể đến vô vàn điều kiện bảo quản khác (mà chúng ta không đưa vào quy chế xử lý RTYT). Thực tế, tại đây, nhà kho không đảm bảo yêu cầu nào về bảo quản RTYT nguy hại và bất kỳ ai cũng có thể ra vào kho một cách dễ dàng…
Đây không chỉ là chuyện riêng của BV Xây dựng mà còn là tình trạng chung của rất nhiều BV, đặc biệt là các BV tuyến huyện. Việc thu gom và xử lý RTYT phụ thuộc rất nhiều vào tài chính của mỗi BV. Theo Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Nhi Trung ương Lê Kiến Ngãi: “Mỗi ngày BV Nhi Trung ương có khoảng 200 đến 300kg RTYT. Nghĩa là mỗi tháng sẽ có khoảng 5 – 6 tấn rác các loại được thải ra, tùy từng thời điểm. Vì thế hàng tháng BV phải chi cho công tác thuê công ty xử lý và bảo quản dao động từ 80 – 100 triệu đồng”… Đây là số tiền không nhỏ và vì thế không phải cơ sở y tế nào cũng có thể duy trì được. Mặc dù lượng RTYT thải ra hàng ngày tại BV tuyến dưới không nhiều như các BV tuyến trên nhưng hàng tháng họ vẫn phải trả hàng chục triệu đồng cho chi phí xử lý RTYT, dù là xử lý theo kiểu thủ công truyền thống (đào đất chôn lấp hay dùng lửa thiêu đốt). Bên cạnh đó là khó khăn chồng chất đối với các cơ sở y tế như quỹ đất hạn hẹp, nhân lực hạn chế…
Ông Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi Trung Ương
Trục lợi từ rác thải y tế
Mặc dù Bộ Y tế đã có không ít văn bản quy định, hướng dẫn về xử lý RTYT, RTYT nguy hại trong các cơ sở y tế, cũng như đưa ra chế tài cụ thể xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Nhưng với nhiều lý do khác nhau và bằng nhiều con đường, hình thức khác nhau, RTYT vẫn len lỏi vào đời sống, tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa sức khỏe con người, hủy hoại môi trường sống…
Ông Nguyễn Thành Trung – Phó Đội trưởng Đội 6 – Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội nhận xét: “Nhiều cơ sở y tế chưa nhận thức được sự nguy hại của RTYT, bên cạnh đó nhiều cá nhân còn bất chấp các quy định của pháp luật, dùng rất nhiều thủ đoạn tinh vi đưa rác từ các cơ sở y tế đi ra thị trường để kiếm lời…”.
Ông Trung cho biết thêm, việc phát hiện và xử lý vi phạm trong việc thu gom và xử lý RTYT mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành khác nhau. Bởi các đối tượng “vụ lợi” từ RTYT nguy hại thường thay đổi quy luật cũng như phương thức hoạt động khác nhau để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. “Trong đó có sự tiếp tay của các nhân viên y tế tại các cơ sở đó!”.
Tìm hiểu kỹ hơn các “con đường “làm ăn” từ RTYT tại làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội, một nơi thu gom và sơ chế RTYT, phóng viên Pháp luật Việt Nam chứng kiến những sự thật kinh hoàng, khi hàng đống lớn RTYT nguy hại đang được các hộ dân nơi đây tái chế.
Rác thải y tế được chứa trong nhà kho không đảm bảo quy trình bảo quản và tiêu hủy ở làng Triều Khúc
Mặc dù đã được sơ chế qua nhưng những túi ni lông chất cao ngất ngưởng vẫn bốc mùi hôi thối nồng nặc – tàn dư của các hóa chất lưu cữu trong đó. Tiếp xúc với môi trường này, chúng tôi thấy khó thở và ho sặc sụa…
Trong vai người nhà của một bác sĩ đang làm việc tại một BV có tiếng ở Hà Nội có “hàng” muốn bán, chúng tôi tiếp cận một chủ cơ sở thu gom và sơ chế RTYT. Người đàn ông, chủ cơ sở này tiết lộ về những “mối hàng” vốn có. Anh này cũng rất tự tin khi nói về nguồn gốc của số chai lọ và bơm kim tiêm y tế đã qua sử dụng. Theo anh, “có hợp đồng mua bán hẳn hoi và nguồn gốc cũng rất rõ ràng…”. Tuy nhiên, khi được hỏi về chủ nhân của số RTYT nguy hại trên, anh lắc đầu: “Ai có bán mà chẳng được, mình chỉ mua về thôi…”.
Theo những người làm nhựa lâu năm ở Triều Khúc, ống tiêm và ống dịch truyền đã qua sử dụng được cấu tạo từ nhựa chất lượng cao. Vì thế, nó được coi là “nhân tố vàng” trong việc chế biến hạt nhựa và tạo độ dính cho nhựa tái chế. Hiểu rõ điều này nên rất nhiều chủ cơ sở mua bán đồng nát, ve chai sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua RTYT. Theo chủ một cửa hàng thu gom nhựa ở Thanh Trì tên Chiến, một kilogam nhựa y tế có giá dao động trong khoảng 14 – 18 nghìn đồng, gấp 3- 4 lần giá nhựa thông thường trên thị trường.
Lân la đến các tụ điểm được coi là “thủ phủ” của đồng nát và buôn bán ve chai, kết quả chúng tôi thu được chỉ là số 0 tròn trĩnh, bởi lẽ, theo “dân trong nghề” cho biết, RTYT tuy sẵn có nhưng chỉ người làm việc trong BV hoặc có mối quan hệ thân thiết với các cơ sở y tế này mới có được.
“Thế giới ngầm” trong “làng” buôn bán rác thải y tế…
Tìm hiểu những “quy luật ngầm” trong giới buôn bán RTYT ở làng ve chai Triều Khúc, chúng tôi gặp lại chủ cơ sở tên Chiến. Nghe chúng tôi khẳng định sẽ thành mối hàng cố định trong tương lai và đề nghị anh cung cấp tên và địa chỉ những “mối hàng” thân thiết chuyên cung cấp nhựa cho anh, Chiến mới chia sẻ những điều mà ít khi anh nói về mối làm ăn của mình.
Chiến cho biết, người cung cấp hàng cho anh là một sỹ quan quân đội đã về hưu và có quan hệ rất thân thiết với các BV lớn, nhỏ trên nhiều địa bàn khác nhau. Cũng nhờ đó mà “hàng” của anh luôn đều đặn hàng tháng. Anh cũng tiết lộ, số RTYT trong kho của anh là rác thải được thu gom từ rất nhiều cơ sở khác nhau ở ngoại thành Hà Nội. Và người đứng sau những đường dây mua bán này không ai khác chính là sỹ quan đã về hưu trên. Tuy nhiên, anh nhất quyết không tiết lộ thông tin liên lạc của nhân vật này…
Chiến quay sang hỏi chúng tôi: “Chú có bao nhiêu?”. Tôi nói chỉ vài tạ, anh ta lắc đầu quầy quậy: “Tưởng chú có thế nào chứ nhiều ngày cao điểm anh nhập về cả tấn, vài tạ bõ bèn gì”. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi RTYT được “tuồn” ra ngoài nhiều như thế mà dường như cơ quan chức năng không hề hay biết?.
Triều Khúc chỉ là một trong số ít những cơ sở thu gom và sơ chế RTYT. Họ chỉ có mối hàng được “tuồn” về từ các tỉnh ven Hà Nội. Vậy số RTYT khổng lồ từ các BV ở Hà Nội được vận chuyển đi đâu?. Rất có thể chúng sẽ được chuyên chở đến những làng nghề, khu tái chế rác thải tương tự. Và hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng người dân và môi trường sống sẽ còn dài dài…
No comments:
Post a Comment