Anh Vũ, thông tín viên RFA 2014-08-11
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 19 tháng 6 năm 2013- AFP photo
Mối quan hệ VN và TQ thường được lãnh đạo cả hai phía ví như môi với răng.
Trong giai đoạn 1949-1975, TQ đã giúp VN rất nhiều về nhân lực và của cải; đặc biệt là về mặt trang bị quân sự trong các cuộc chiến tranh ở VN trong giai đoạn 1955-1975 với mục đích nhằm bành trướng ý thức hệ CS xuống phía nam.
Tuy nhiên mối quan hệ đó đã trải qua nhiều thăng trầm, mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979, và năm 1980 Hiến pháp VN đã ghi rõ và khẳng định TQ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm.
Gần đây, trong Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN của 61 đảng viên kỳ cựu có đoạn viết rằng: "Lãnh đạo đảng và nhà nước cần thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc".
Đánh giá về mối quan hệ Việt – Trung, Đại tá Phạm Xuân Phương nguyên sĩ quan cao cấp thuộc Tổng cục Chính trị, người đã ký tên trong Thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng CSVN thấy rằng: quan hệ VN-TQ hết sức phức tạp, cho dù TQ đã giúp VN rất nhiều, song sự giúp đỡ của họ đều nằm trong sự tính toán trong mưu đồ hòng thôn tính để thống trị VN. Theo ông, hiện nay mối quan hệ này đang xấu đi, khi TQ đang tiến hành chính sách gặm nhấm dần dần, để thực hiện một cuộc chiến tranh không tuyên bố đối với VN dưới nhiều hình thức.
Trung Quốc đã thực hiện một cuộc chiến không tuyên bố nhằm mục đích áp đặt và buộc Việt Nam phải khuất phục, đó là điều rõ như ban ngày.
- Đại tá Phạm Xuân Phương
Từ Hà nội, Đại tá Phạm Xuân Phương nói với chúng tôi:
“Trung Quốc đã thực hiện một cuộc chiến không tuyên bố nhằm mục đích áp đặt và buộc Việt Nam phải khuất phục, đó là điều rõ như ban ngày. Cho nên là chúng tôi cũng đã nhận thức một cách tỉnh táo, minh bạch rõ ràng rằng tình hình quan hệ giữa VN và TQ đang xấu đi một cách nghiêm trọng và nguy hiểm.”
Đại tá Nguyễn Đăng Quang, một sĩ quan công an đã nghỉ hưu và là người vừa ký trong Thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng CSVN cho rằng: trên thực tế mối quan hệ VN-TQ đã có nhiều biểu hiện phức tạp và không tin tưởng lẫn nhau. Trước 1975 vũ khí khí tài từ Đông Âu chuyển sang VN khi đi qua TQ đã bị phía TQ tịch thu một số thiết bị quan trọng, hay việc VN yêu cầu TQ rút binh lính và thiết bị quân sự ra khỏi Bắc VN, từ Lạng sơn đến Bắc giang là những ví dụ. Sau năm 1975 thì quan hệ đó đã trở nên vô cùng xấu, vì TQ không hài lòng với việc VN thống nhất đất nước, mà đỉnh cao là cuộc chiến Biên giới phía Bắc năm 1979. Từ năm 1990 khi hệ thống XHCN tan rã ở Đông Âu, buộc VN một lần nữa phải quay trở lại làm bạn với TQ. Song theo ông đó là mối quan hệ bất bình đẳng và TQ đã không ngừng có các hành động gây hấn vi phạm chủ quyền của VN.
Từ Hà nội, Đại tá Nguyễn Đăng Quang nói:
“Người VN luôn luôn nghi ngờ và cảnh giác với TQ, vì TQ không bao giờ từ bỏ âm mưu xâm chiếm VN. Hiện nay quan hệ giữa Trung quốc và Việt nam là rất xấu và điều này khó mà có thể giữ ổn định được trong quan hệ giữa hai nước”
Khi được hỏi lý do gì và nguyên nhân vì sao các đảng viên CS Việt nam đã không tin tưởng người đồng chí TQ, vốn là người đồng chí có cùng ý thức hệ CS?
Đại tá Phạm Xuân Phương thấy rằng thực tiễn lịch sử đã cho thấy những người cộng sản Trung quốc đã phạm phải rất nhiều sai lầm. Trong Đại cách mạng Văn hóa đã cho thấy tình đồng chí trong trong đảng CSTQ đã không còn, khi họ thẳng tay tiêu diệt lẫn nhau. Không những thế các hành động trên thực tế của chính quyền TQ đối với các quốc gia cùng ý thức hệ CS cũng không được họ tôn trọng và họ sẵn sàng gây chiến để thỏa mãn tham vọng bành trướng. Do đó theo ông không thể nói là TQ có cùng ý thức hệ cộng sản được.
Từ Hà nội, Đại tá Phạm Xuân Phương cho biết:
“Khi họ công khai điều quân đánh Liên xô, thành trì của cách mạng thế giới, công khai điều quân đánh Việt nam và họ công khai ủng hộ bọn Polpot - kẻ thù diệt chủng của nhân loại tiến bộ, thì làm gì họ còn ý thức hệ với chúng tôi nữa?”
Thế giới đã thay đổi
Đại tá Nguyễn Đăng Quang thấy rằng trên thực tế đã không ít người đã có nhận thức sai lệch, cho rằng lý do VN và TQ cùng chung ý thức hệ Cộng sản thì sẽ không có thể có việc TQ có các ý đồ xấu và âm mưu thôn tính VN. Theo ông, nên hiểu Trung Quốc luôn là đối tượng nguy hiểm, do vậy suy nghĩ nêu trên là sai lầm, song đáng tiếc nó là điều phổ biến thường thấy, đặc biệt là ở các lãnh đạo Đảng CSVN.Đại tá Nguyễn Đăng Quang cho chúng tôi biết:
“Dù chính quyền TQ đó là phong kiến, tư sản hay cộng sản thì họ cũng không từ bỏ và thay đổi ý đồ thôn tính VN là không thay đổi. Thực tế lịch sử đã chứng minh các nước CS đánh nhau nhiều chứ, ý thức hệ đâu có thể ngăn chặn được chiến tranh giữa hai quốc gia đâu? Tôi cho đó là cái ảo tưởng, cái không tưởng và là cái viển vông”.
Thế giới đã thay đổi, song họ vẫn cứ nghĩ rằng thế giới không thay đổi, họ cứ nghĩ TQ và VN có cùng ý thức hệ. Đó là họ nhầm, không có đâu.
- Đại tá Phạm Xuân Phương
Nói về lý do vì sao đa số các Đảng viên Đảng CSVN đã không tin tưởng và yêu cầu Đảng CSVN từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng để thoát khỏi Trung Quốc. Đại tá Phạm Xuân Phương thấy rằng: cần phải hiểu thế giới đã thay đổi, mọi lý luận và các quan điểm cũ của Đảng đã trở nên lạc hậu và giáo điều. Thực tiễn đã chứng minh các sai lầm của các quan điểm vốn được coi là nguyên tắc bất di bất dịch của Chủ nghĩa Cộng sản.
Đại tá Phạm Xuân Phương cho chúng tôi biết:
“Chúng tôi không tin tưởng vì thực tế đã diễn ra không như họ dạy chúng tôi, họ dạy chúng tôi nhiều lắm chứ. Họ dạy chúng tôi về tinh thần quốc tế vô sản, về Chủ nghĩa Marx-Lenin, họ dạy chúng tôi nhiều thứ lắm. Nhưng thực tế diễn biến theo sự cảm nhận của chúng tôi không phải là như vậy. Thế giới đã thay đổi, song họ vẫn cứ nghĩ rằng thế giới không thay đổi, họ cứ nghĩ TQ và VN có cùng ý thức hệ. Đó là họ nhầm, không có đâu.”
Người ta nói "Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn", đó là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam sửa đổi các sai lầm từ trong quá khứ.
No comments:
Post a Comment