Wednesday, December 24, 2014

Xăng Việt đắt hơn Mỹ: Dàn đồng thanh kêu lỗ... lạ

(Baodatviet) - Về mặt lợi ích, chẳng doanh nghiệp nào muốn giảm giá cả. Họ có thể vin vào cái cớ liên bộ tăng thuế để không phải giảm giá bán.

Kêu lỗ thì lạ quá!
Từ tháng 6/2014 tới nay, giá dầu thế giới đã giảm khoảng một nửa, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu đâu sẽ là mức sàn cho giá nhiên liệu này. Để đối phó với việc giá dầu thô giảm mạnh, dẫn đến nguồn thu xuất khẩu dầu thô và thu thuế nhập khẩu đều giảm, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định, kể từ ngày 6/12 điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng xăng dầu theo hướng tăng lên để bù cho khoản thâm hụt. 
Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng từ mức 18% tăng lên mức 27%, dầu diezen từ mức 14% tăng lên mức 23%, dầu hỏa từ mức 16% tăng lên mức 26%, dầu mazut từ mức 15% tăng lên mức 24%.
Với mức thuế trên, liên bộ cho phép doanh nghiệp giảm mức trích quỹ bình ổn từ 600 đồng/lít xuống còn 300 đồng/lít với tất cả các chủng loại xăng dầu.
TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) phân tích, nguồn thu từ xăng dầu đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước, hơn 100.000 tỷ đồng. Chính vì thế, khi giá xăng dầu giảm quá mạnh, ngân sách bị hụt thu, ảnh hưởng đến đầu tư công, nợ công.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, giá dầu thô sụt giảm mạnh có thể không ảnh hưởng tới thu ngân sách năm 2014 mà sẽ tác động tới thu ngân sách năm 2015 mà dự toán thu vừa mới được Quốc hội thông qua với giá dầu thô dự toán khoảng 100 USD/thùng. Trong trường hợp xấu giá dầu thô bình quân năm 2015 chỉ còn 40 USD/thùng, Việt Nam sẽ thiệt hại so với giá dự tính khoảng 120 nghìn tỷ đồng riêng từ khai thác và xuất khẩu dầu thô, ngân sách hụt thu từ dầu thô khoảng 60.000 tỷ đồng chưa kể khoản hụt thu từ giảm giá nhập khẩu và tiêu thụ xăng dầu.
Khi Nhà nước không tăng được nguồn thu thì phải tính đến phương án cắt giảm chi tiêu, ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp và người dân. Việc Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu xăng dầu là biện pháp đối phó với diễn biến giá dầu đang lao dốc trên thị trường thế giới, ổn định nguồn thu. 
Từ giữa năm tới nay, giá dầu thế giới đã giảm khoảng một nửa
Từ giữa năm tới nay, giá dầu thế giới đã giảm khoảng một nửa
Còn theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương, thông thường, khi giá xăng dầu thế giới tăng, có hai phương án: sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu và giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để mức tăng không quá lớn, giảm bớt thiêt hại cho người tiêu dùng và chi phí đó Nhà nước gánh chịu. Còn khi giá xăng dầu giảm, Nhà nước tăng thuế nhập khẩu để bù lại những thiệt hại trước đây.
Dù vậy khác nhau về quan điểm như vậy nhưng cả hai chuyên gia này đều cảm thấy "tức cười" khi chính các doanh nghiệp xăng dầu đồng loạt kêu lỗ. PGS.TS Phạm Tất Thắng nói: "Doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ thì lạ quá". Ông thẳng thắn, doanh nghiệp xăng dầu luôn có một dạng đồng thanh như trên, lúc nào cũng kêu lỗ, ngay cả lúc tăng giá liên tục. Ông Thắng đề nghị, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ các doanh nghiệp này có lỗ thật hay không.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Độ chỉ ra rằng, doanh nghiệp luôn kêu vì chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Không một doanh nghiệp nào muốn giảm giá xăng dầu, bởi thế, khi đề nghị bộ tăng thuế họ có thể vin vào cái cớ đó để không phải giảm giá.
"Tăng thuế hay không không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của doanh nghiệp vì tăng thuế bao nhiêu họ tăng giá bán bấy nhiêu và ngược lại. Giá vốn tăng thì giá bán tăng, giá bán là giá vốn cộng các loại thuế phí cộng với lợi nhuận định mức, nước nổi thì bèo nổi.
Độc quyền nên không cần giảm giá?
Trước ý kiến so sánh giá xăng Việt đắt hơn giá xăng Mỹ, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng đó là điều hiển nhiên và không nên so sánh như vậy bởi Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nên có chi phí vận chuyển, ngoài ra còn liên quan đến chính sách thuế của nhà nước. "Nếu Nhà nước áp thuế cao hơn Mỹ thì giá xăng Việt Nam cao hơn Mỹ cũng là chuyện bình thường".
Cũng theo ông Độ, suốt nhiều năm, mỗi lần giá xăng thay đổi liền dẫn đến một cuộc co kéo giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. 
"Nếu là thị trường xăng dầu cạnh tranh thật sự thì đã là chuyện có bao nhiêu bán bấy nhiêu tuỳ theo năng lực của doanh nghiệp, đã không có "ông lớn" nào chiếm 2/3 thị trường. Vấn đề mấu chốt của xăng dầu Việt Nam vẫn chưa được giải quyết, vẫn còn độc quyền và Nhà nước vẫn can thiệp bằng các biện pháp hành chính, được người nọ mất người kia, thuế cao thì dân thiệt, ngân sách và doanh nghiệp được lợi và ngược lại.
Đó là một cuộc co kéo và mỗi khi giá xăng thay đổi lại dẫn đến một cuộc co kéo khác, cứ loanh quanh như thế. Nếu cứ để độc quyền thì suốt ngày phải giải quyết chuyện giá cao-thấp, luôn phải đặt câu hỏi về số liệu, lợi nhuận... có minh bạch hay không. 
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, phải giảm bớt tính độc quyền nếu không, những vấn đề lâu nay vẫn đề cập về thị trường xăng dầu sẽ vẫn tồn tại vì cái gốc không được xử lý. 
"Nhà nước xác định xăng dầu là một mặt hàng đặc biệt và chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được phép kinh doanh, thậm chí trong đàm phán các doanh nghiệp nước ngoài chỉ được tham gia kinh doanh dầu nhờn mà không được phép kinh doanh xăng. Nói cách khác, Nhà nước đã dành thế độc quyền cho các doanh nghiệp. Nhà nước hy vọng với thế độc quyền như vậy, các doanh nghiệp sẽ là công cụ để Nhà nước quản lý và đảm bảo an toàn về năng lượng cho quốc gia.
Tuy nhiên, thực tế trong kinh tế thị trường mà bất cứ doanh nghiệp nào được rơi vào thế độc quyền thì người ta cũng sẽ phát huy tối đa lợi ích của độc quyền. Như giá xăng chẳng hạn, bởi độc quyền nên người ta chẳng cần phải giảm giá làm gì. Như vậy, nó mâu thuẫn với môi trường chung là chúng ta phát triển một nền kinh tế thị trường, thể chế thị trường".
  • Thành Luân

No comments:

Post a Comment