Wednesday, December 24, 2014

Giấc mơ khởi nghiệp và sáng tạo


Trần Vinh Dự
VOA-23.12.2014

Trong vòng vài tháng trở lại đây, chúng tôi có dịp làm giám khảo cho hai cuộc thi liên quan đến sáng tạo tại Sài Gòn. Đầu tiên là cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp (Demo Day) do Lãnh sự quán Hoa Kỳ tài trợ hồi tháng 9 và cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo (Best Innovators Award) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hồi tháng 11.

Điều thú vị khi làm giám khảo ở các cuộc thi này là cơ hội được biết đến đủ loại ý tưởng kinh doanh, từ những ý tưởng công nghệ phức tạp như chế tạo máy in 3D, phát triển các ứng dụng di động có khả năng định vị chính xác đến từng m2 trong các tòa nhà lớn, chế tạo đèn LED công suất cao phục vụ việc đánh bắt xa bờ của ngư dân hay phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động giúp cung cấp thông tin cho các bà mẹ về kỹ năng nuôi dưỡng trẻ sơ sinh…

Sự đa dạng về các ý tưởng khởi nghiệp cho thấy nhiều người trẻ Việt Nam ngày nay đang rất năng động với việc phát triển sản phẩm mới, tạo ra các giải pháp độc đáo cho xã hội, và làm giàu một cách chính đáng. Một số sản phẩm có giá trị thực tế cao, nhưng đa phần còn lại nằm trong nhóm các sản phẩm (có thể) thú vị về mặt công nghệ nhưng không có giá trị thực tế.

Một thí dụ khiến tôi nhớ mãi là một nhóm kỹ sư lập trình viết ra một ứng dụng di động (mobile app) dành cho người đi xe máy. Mục đích của các bạn này là sử dụng công nghệ định vị, lập ra một cơ sở dữ liệu các điểm sửa xe máy, những trạm xăng, những cửa hàng bán phụ tùng… ở các đô thị lớn, để người đi xe máy khi cần là có thể tìm ra ngay những cơ sở này mà không cần phải dừng xe hỏi đường người dân trên phố. Trên cơ sở lượng người dùng cao, nhóm tác giả dự kiến sẽ bán quảng cáo của các cửa hàng này để tạo doanh thu.

Đây có thể là một ý tưởng thú vị về công nghệ, nhưng hoàn toàn không khả thi về mặt kinh doanh vì viết ra một mobile app như vậy thì dễ nhưng để tạo dựng một cơ sở dữ liệu đủ lớn thì rất khó, chưa kể việc phải cập nhật thường xuyên (thử tưởng tượng các điểm sửa xe ở vỉa hè nhiều và thường xuyên thay đổi như thế nào). Ngay cả khi tạo được app và cơ sở dữ liệu tốt, thì giá trị của nó cũng không lớn vì với những thành phố đông dân như Việt Nam, việc dừng lại hỏi đường đến các cơ sở này là việc quá dễ dàng mà không cần phải có một mobile app mới làm được.

Trên thực tế thì việc phát triển một sản phẩm mới đến được với người dùng là việc đặc biệt khó, và không có công thức chung nào để đảm bảo thành công cả. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc bản lề của công việc này là phải bắt nguồn từ nhu cầu thực tế, chứ không phải thuần tuý từ sự hiểu biết về kỹ thuật của người phát triển sản phẩm. Từ nhu cầu thực tế có nghĩa là sản phẩm đó phải hướng đến việc giải quyết được một vấn đề trong thực tế mà chưa có sản phẩm nào giải quyết được hoặc sản phẩm mà mình tạo ra có khả năng giải quyết một vấn đề trong thực tế tốt hơn các sản phẩm (hoặc giải pháp) đang có.

Gần đây, các ứng dụng gây sốt trên thế giới như Uber hay Grabtaxi đã khiến những người tạo ra chúng thành các tỷ phú. Nó bắt nguồn từ chỗ các ý tưởng đều là những ứng dụng tuyệt hay, thực sự nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế của xã hội. Thí dụ Grabtaxi làm cho việc phân phối mạng lưới taxi hiệu quả hơn, còn Uber thì biến những chiếc xe hơi bình thường đang nhàn rỗi thành các cỗ máy kiếm tiền một cách dễ dàng cho chủ xe.



Nhiều bạn trẻ Việt Nam đang có nhiệt huyết và chủ động trong việc tạo ra các sản phẩm mới. Thế nhưng điều tôi thấy là phần nhiều trong số các bạn mà tôi gặp đang gặp phải một vấn đề về kết hợp sáng tạo công nghệ với tính nhạy bén thị trường. Có vẻ như các bạn này chỉ tập trung vào một vế là sự sáng tạo về công nghệ mà bỏ qua khía cạnh thị trường.

Đây là vấn đề lớn, và nó quay lại điểm khởi đầu là cỗ máy đào tạo các bạn trẻ ở Việt Nam – hay nói khác đi là hệ thống giáo dục. Một hệ thống giáo dục cứng nhắc sẽ khó lòng tạo ra được những con người với ý tưởng đột phá. Một hệ thống giáo dục thiên về hàn lâm sẽ khó tạo được những con người có được cảm nhận tốt về xã hội, về thị trường, và có được sự nhạy bén trong kinh doanh. Hệ thống giáo dục ở Việt Nam hiện nay vừa vẫn cứng nhắc vừa thiên về hàn lâm, vì thế không khó hiểu tại sao chúng ta ít có được những ý tưởng đột phá và những tỉ phú trẻ giàu lên nhờ những sản phẩm do chính họ tạo ra.

*Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment