Wednesday, December 24, 2014

Sinh viên kiếm cơm mùa Giáng Sinh

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 2014-12-24
Noel 2010 tại thương xá Tax - giờ chỉ còn trong ký ức
 Noel 2010 tại thương xá Tax - giờ chỉ còn trong ký ức  RFA
Sài Gòn mùa Đông, không còn cái lạnh đầy thi vị và lãng mạn của một hòn ngọc Viễn Đông xưa, một Sài Gòn mùa Đông ngập phố ngập phường, người Sài Gòn tập sống chung với lũ lụt, gián, chuột cống và cá rô phi… Một Sài Gòn xưa phai dấu, một Sài Gòn khác đang hiện hồn, nhảy ốp đồng giữa thành phố ba trăm năm tuổi này. Giáng Sinh Sài Gòn cũng không còn thi vị như xưa, đây là mùa kiếm cơm của những sinh viên nghèo, những sinh viên xa nhà, thậm chí cũng là mùa kiếm cơm của nhiều sinh viên không nghèo về vật chất nhưng lại thích kiếm tiền bằng cách cho mướn thân. Đương nhiên, chữ thuê mướn thời bây giờ ở Sài Gòn cũng đổi màu.
Sinh viên nghèo kiếm cơm mùa Giáng Sinh
Một sinh viên tên Nguyệt, đang học năm thứ ba ở trường đại học khoa học xã hội và nhân văn Sài Gòn tại 12 – Đình Tiên Hoàng, chia sẻ: “Đa số mấy người họ cần tiền thì phải tranh thủ những ngày lễ Tết, những ngày người ta nghỉ thì họ lo họ làm để kiếm thêm tiền. Bởi vì những ngày Tết thì người ta trả lương hậu hĩnh hơn và công việc cũng nhiều hơn. Đa phần sinh viên ở quê thì chịu khó làm để gửi một phần về quê, hoặc là trang trải một phần cho mình. Nhưng thường thì chỉ bám trụ được tới ngày Mồng Một Tết. Có một số nơi thì họ ở lại bán hết Tết luôn, tại vì ngày xưa kinh tế còn tốt thì bà con còn nghỉ sớm ăn Tết rồi mở cửa muộn, nhưng giờ họ cả năm đã ế rồi nên họ bán qua Tết, không nghỉ luôn!”
Theo Nguyệt, kể từ đầu tháng 12 dương lịch, sinh viên các trường đại học ở Sài Gòn bắt đầu tìm việc làm, đặc biệt là sinh viên xa nhà thường tìm việc ráo riết trong dịp này để làm kiếm tiền mua vé xe về Tết. Hơn nữa, phần đông sinh viên Sài Gòn gốc miền Trung làm thêm tất bật bởi sau mùa mua gió, kinh tế gia đình của họ gặp nhiều khó khăn, khoản viện trợ từ cha mẹ cũng eo hẹp đi phần nào. Chính vì vậy, họ phải tăng công suất làm việc.
Có nhiều bạn sinh viên làm thêm đến ba bốn việc trong một ngày và bỏ lớp trong suốt thời gian từ đầu tháng 12 cho đến lúc thi học kì, mọi mối liên hệ với nhà trường chỉ thông qua lịch học, thông báo và những bài vở của bạn bè được photocopy lại. Thường thì họ chọn lịch làm việc theo kiểu từ 5h sáng bắt đầu đi dọn dẹp, bày biện bàn ghế quán cà phê, phụ pha chế và phục vụ khách cho đến 9h sáng thì tiếp tục đến quán cơm để dọn dẹp, lau chùi chén bát, sau đó ăn qua quýt một dĩa cơm và chuẩn bị bưng cơm phục vụ khách đến ăn trưa. Buổi chiều lại sang quán nhậu để làm việc tiếp cho đến 10h đêm, thậm chí có khi làm đến 12h đêm cho đến lúc khách ra về.
Thường thì những ngày cuối tuần, các sinh viên này lại tiếp tục đi làm cho các nhóm nấu ăn phục vụ đám cưới trong thành phố. Với công việc bắt đầu từ 12h trưa, làm cho đến 10h, có khi 12h đêm, họ được trả công mỗi người từ bảy chục ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. Đó là mức giá chung của các nhóm tiệc cưới trả cho sinh viên. Công việc của họ ở đây chủ yếu là bưng bê, khuân vác các nồi nước lẩu, bình gas, bếp gas, sắp xếp bàn ghế, lau chùi chén bát, dĩa, ly và khi khách đến thì bưng bê thức ăn, gắp đá bỏ cho khách. Tiệc tan thì các sinh viên lại lau dọn vệ sinh khu tiệc cưới, sau đó lại khuân vác mọi thứ ban đầu trở về chỗ cũ.
Với lịch làm việc chật cứng và công suất làm việc cao, có nhiều sinh viên xuống ký, mất sức phải nhập viện, đó là chuyện rất bình thường của sinh viên Sài Gòn xa nhà và đặc biệt trong mùa Giáng Sinh này, nhiều bạn sinh viên nữ không lựa chọn công việc nặng nhọc giống như sinh viên nam, họ đã tham gia dịch vụ cho thuê mướn bản thân. Có rất nhiều người chọn loại dịch vụ này.
Cho thuê mướn bản thân, khỏe và có nhiều tiền
Đó là lời nhận xét của một sinh viên tên Hương, đang học năm thứ hai trường đại học luật Sài Gòn. Hương cho biết thêm: “Nói chung là có nhiều kiểu cho thuê, như đi chơi cho vui hoặc đi chơi với bạn bè, nói chung là muôn kiểu trá hình nên cũng khó nói lắm. Chẳng hạn là có hai ba ông sếp thuê bốn đến năm người rồi cùng đi chơi cho vui!”
Theo Hương, dịch vụ cho thuê bản thân trong giới sinh viên hiện nay đang nở rộ trên đất Sài Gòn, nhất là trong dịp Giáng Sinh này và sẽ kéo dài cho đến hết Tết âm lịch. Hình thức cho thuê bản thân cũng như phương cách cho thuê rất đa dạng, phức tạp. Thường thì giới sinh viên nữ cho thuê nhiều nhất, cũng có vài sinh viên nam điển trai tham gia loại dịch vụ này. Nếu đối tượng cho thuê của sinh viên nữ là một số người nhà giàu, giới có tiền, thậm chí nhà doanh nghiệp nước ngoài đang sống xa nhà thì đối tượng thuê của sinh viên nam thường là những bà nhà giàu chết chồng, li dị chồng hoặc cô đơn triền miên, sống đến năm mươi, sáu mươi tuổi rồi vẫn chưa kiếm được chồng mặc dù tiền bạc rủng rĩnh túi.
Và loại hình cho thuê bản thân cũng lắm điều phức tạp, nhiều cô gái làng chơi cũng trá hình sinh viên, lên các trang mạng rao cho thuê bản thân. Đương nhiên là nhóm trá hình sinh viên này ít khi nào được thuê bởi giới có tiền đánh mùi rất nhanh về đối tượng họ sắp thuê. Chính vì vậy, các cô làng chơi trá hình chỉ được các cậu ấm tập tọ ăn chơi, thuê đi du lịch để du hí với nhau trong vài ngày với mức chi phí từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng trên một tuần có bao ăn ở.
Trong khi đó, những sinh viên có nhan sắc và một số cô chiêu chấp nhận cho thuê bản thân với giá tiền cao ngất ngưởng, chỉ riêng một đêm Giáng Sinh, người thuê phải trả cô gái mình thuê từ 5 triệu đồng đến bảy triệu đồng chỉ đển nắm tay đi chơi, tặng quà Giáng Sinh và có thể đi xem phim, sau đó đưa về khách sạn.
Nhưng cũng theo Hương, cái giá phải trả cho việc để người khác thuê bản thân cũng không phải nhỏ, vì không hiếm trường hợp khách yêu cầu phải đi khách sạn với họ và đặt điều kiện nếu không đi thì chỉ nhận một nửa số tiền đã thỏa thuận. Vì muốn cho thuê bản thân để kiếm nhiều tiền và không phải chung chi cho ai nên đa phần các nữ sinh viên chấp nhận điều kiện thứ hai của khách để kiếm đủ số tiền đã thỏa thuận và nhận thêm tiền bồi dưỡng.
Ngược lại, nếu chấp nhận nộp thuế cho những đường dây cho thuê bản thân có tổ chức hẳn hoi thì không bị khách quấy rối nhưng mức thuế đóng cho chủ quản đường dây này có khi cao trên 50% số tiền kiếm được từ khách. Chính vì vậy, có đường dây cũng mất tiền mà không có đường dây nhưng xui xẻo cũng mất tiền, chỉ có một cách là mất phẩm hạnh thì tiền còn nguyên trong túi.
Mùa Giáng Sinh lại về trên đất miền Nam, chắc Chúa sẽ buồn lắm khi nhìn các con của Ngài càng lúc càng thay đổi theo chiều hướng thực dụng và lạnh lùng với đồng loại, vạn vật!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment