Một nhân viên bảo vệ đứng trước lối vào trong trong buổi ra mắt phim The Interview ở Los Angeles, California, 11/12/2014.
Mike O’Sullivan
VOA-24.12.2014
Các giới chức tại hãng phim Sony loan báo rằng phim ‘The Interview’- tạm dịch ‘Cuộc Phỏng Vấn’, một bộ phim chế giễu lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, sẽ được trình chiếu tại một số rạp hát có giới hạn bắt đầu từ ngày mai, thứ Năm. Hãng phim đã ngưng phát hành bộ phim hài này hồi tuần trước sau khi các hệ thống rạp lớn từ chối, không trình chiếu bộ phim. Các giới chức thực thi công lực của Mỹ đã quy lỗi cho Bắc Triều Tiên về cuộc tấn công quy mô nhắm vào các máy tính của hãng phim. Bắc Triều Tiên bác bỏ mọi sự can dự, và theo bài tường thuật của thông tín viên Mike O'Sullivan của VOA, câu chuyện xoay quanh vụ này tiếp tục diễn biến như một bộ phim với một cốt truyện phức tạp.
Các bảng quảng cáo phim đang được tháo dỡ, nhưng các giám đốc điều hành công ty Sony cho biết họ đang thăm dò những đường lối khác để phát hành bộ phim - sau khi các chuỗi rạp chiếu phim lớn từ chối, không công chiếu bộ phim tiếp theo sau những lời đe dọa của các tay hacker.
Bộ phim hài có do các diễn viên Seth Rogen và James Franco đóng các vai chính, xoay quanh một câu chuyện hư cấu về một âm mưu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ để giết lãnh tụ Bắc Triều Tiên, qua tay của hai nhà báo.
Những nhân vật nổi tiếng Hollywood đã lên tiếng trên các trang mạng xã hội như Twitter về quyết định ban đầu của Sony, rút lại việc phát hành bộ phim tại các rạp hát.
Ngay cả Tổng thống Barack Obama cũng góp tiếng chỉ trích Sony, mặc dù ông dành những lời đả kích nặng nề nhất cho Bắc Triều Tiên. Tổng Thống Obama phát biểu:
"Một kẻ nào đó có thể trấn áp tinh thần người khác để họ phải thôi phát hành một bộ phim có tính châm biếm. Hãy tưởng tượng những gì mà những kẻ đó có thể thực hiện khi xem một bộ phim tài liệu mà họ không thích, hay nghe những bản tin mà họ không thích."
Ông Stanley Rosen là một nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Southern California chuyên nghiên cứu về điện ảnh châu Á. Ông đã được xem phim The Interview tại một buổi trình chiếu trước khi phát hành tại Hollywood. Ông nhận định:
"Bộ phim có thể làm cho khán giả cười ở một mức độ nhất định. Cùng lúc, ta có thể hiểu được vì sao bộ phim lại có tính cách xúc phạm tới người Bắc Triều Tiên, mà không những chỉ có người Bắc Triều Tiên, mà có lẽ cả người Á châu nói chung."
Ông Rosen nói bộ phim là một sự chế nhạo đối với một chế độ không biết cười và một nhà lãnh đạo không tự tin, luôn lo lắng về nguy cơ thay đổi chế độ. Ông Rosen nhận định tiếp:
"Họ tin chắc rằng đó là một mục tiêu chính của Hoa Kỳ. Đây là lý do tại sao họ muốn có một thoả thuận theo đó Hoa Kỳ công nhận rằng Mỹ chấp nhận hệ thống lãnh đạo tại Bắc Triều Tiên. Đó là điều mà chúng ta biết về Bắc Triều Tiên, và bộ phim này xoay quanh điều đó. "
Cho dù ai là thủ phạm vụ tấn công vào hãng Sony, các tập đoàn cũng đang ngày càng trở thành mục tiêu của các tay tin tặc tinh vi, theo lời ông Fengmin Gong thuộc công ty an ninh công nghệ cao Cyphort. Ông Gong nói:
"Bây giờ bạn đã thấy nhiều nhân tố xuất hiện. Đây không còn là những kẻ tin tặc ra tay vì muốn được nổi tiếng, mà là những người hành động với mục đích duy nhất là lợi ích tài chính, chuyên đánh cắp các bí mật của các công ty và các chính quyền. Điều đó có nghĩa là họ có rất nhiều nguồn lực. Họ có thời gian, không cần phải gấp rút."
Và rất khó mà phát hiện được những tay tin tặc này.
Tổng thống Obama đã thề sẽ đáp ứng trước hành vi tin tặc này. Và nhiều người đang tự hỏi liệu vụ Bắc Triều Tiên mất Internet suốt 10 tiếng đồng hồ hôm thứ Hai có phải là một phần của hành động đáp ứng đó của Hoa Kỳ hay không. Các giới chức Mỹ không xác nhận mà cũng không phủ nhận đã đóng một vai trò trong cuộc tấn công đó, trong khi Trung Quốc, một nguồn khác có thể gây ra vụ này, đã phủ nhận mọi sự can dự.
Trong khi đó, Hollywood đang chờ xem các chương kế tiếp của câu chuyện ngoài đời thực này.
No comments:
Post a Comment