Wednesday, December 24, 2014

Những công nghệ quốc phòng đi trước thời đại của Mỹ

(Baodatviet) - Sau loạt thử nghiệm đột phá về công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng, Mỹ tiếp tục khiến phần còn lại của thế giới 'choáng' với tiêm kích dùng cồn thay xăng.

Tiêm kích dùng nhiên liệu sạch
NavyNews dẫn nguồn tin từ Hải quân Mỹ cho biết, lực lượng này vừa có thử nghiệm mang tính đột phá khi cho tiêm kích hạm F/A-18 bay với vận tốc siêu thanh bằng nhiên liệu cồn rượu (ATJ).
Theo nguồn tin, Hải quân Mỹ kết hợp với tập đoàn Gevo - nhà sản xuất nhiên liệu isobutanol duy nhất trên thế giới, đã thử nghiệm thành công một chuyến bay siêu thanh sử dụng động cơ không dùng xăng tại Trung tâm Tác chiến Không Hải quân ở Patuxent River, Maryland.
Đây là thử nghiệm đầu tiên nhằm đánh giá một cách toàn diện hoạt động của động cơ sử dụng nhiên liệu ATJ pha xăng ở tốc độ siêu thanh (trên Mach 1) để chuẩn bị cho chiến đấu cơ F/A-18 chuyển sang sử dụng hoàn toàn nhiên liệu ATJ.
Hải quân Mỹ hiện đang tìm kiếm các loại nhiên liệu thay thế cho xăng trên các chiến đấu cơ nhằm tăng cường khả năng linh hoạt của các chỉ huy quân sự trên chiến trường và giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Các loại nhiên liệu thay thế được kiểm nghiệm và chứng nhận tại trung tâm Patuxent River với đội ngũ chuyên gia thuộc Đội Nhiên liệu Hải quân. Cuộc kiểm tra nhiên liệu ATJ trên chiến đấu cơ F/A-18 là một dấu mốc quan trọng để tiến tới việc tiêu chuẩn hóa quân sự loại nhiên liệu này. Nếu đạt tiêu chuẩn quân đội, nhiên liệu ATJ có thể chính thức được cung cấp cho Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ.
Tiêm kích F/A-18 của Hải quân Mỹ
Tiêm kích F/A-18 của Hải quân Mỹ
Nhiên liệu ATJ được hãng Gevo chế tạo tại nhà máy sinh học ở Silsbee, bang Texas, sử dụng nguyên liệu isobutanol tại cơ sở lên men ở bang Minnesota. Isobutanol là một hợp chất hữu cơ không màu, dễ cháy và có thể được sử dụng như một nhiên liệu sinh học thay thế cho xăng.
Ông Patrick Gruber, Tổng giám đốc Gevo cho biết: “Chúng tôi rất tự hào vì đã đóng góp vào thành công trong chuyến bay thử của Hải quân Mỹ sử dụng nhiên liệu ATJ. Đây là thành quả của 4 năm trời nghiên cứu, và chúng tôi đã chứng minh được rằng ATJ là nhiên liệu thay thế khả dĩ cho cả lĩnh vực quân sự và dân sự”.
Hệ thống phòng thủ 'cực độc' của chiến hạm Mỹ
Theo Tạp chí National Defense (Nga) dẫn nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ, Hải quân Mỹ vừa thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ độc đáo cho cụm tàu sân bay với tên gọi 'sương mù Pandarra'.
Hệ thống phòng thủ mới này có khả năng đối phó với bất kỳ mối nguy hiểm nào từ trên không, kể cả tên lửa hành trình. Nguồn tin cho biết thêm, cuộc thử nghiệm này đã được Mỹ tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 21 đến 25/6 tại đảo Guam.
Theo kịch bản của cuộc thử nghiệm, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ là USS Mustin và USS Wayne E Meyer được giao nhiệm vụ bảo vệ tàu tiếp liệu chuyên hỗ trợ cho tàu ngầm USS Frank Cable - được ngụy trang như một tàu sân bay.
Hai chiếc khu trục hạm đã bắn ra những đám mây sợi carbon được gọi là “sương mù Pandarra” để bảo vệ cho chiếc tàu không bị tên lửa hành trình (mô phỏng) đánh trúng. Tạp chí quân sự Nga còn mô tả ưu điểm của “sương mù Pandarra” đó là chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các hệ thống đánh chặn tên lửa khác đang được sử dụng.
Đại úy David Adams - trưởng bộ phận ý tưởng công nghệ thuộc Hạm đội 7 cho biết, các hệ thống phòng thủ dạng màn sương vẫn được phát triển và hoàn thiện. Sau khi hoàn thành việc nghiên cứu, nếu được đưa vào sử dụng hệ thống phòng thủ trên sẽ mở ra một trang mới cho lực lượng Hải quân Mỹ.
Theo kế hoạch, hệ thống phòng thủ mới này sẽ được trang bị trên các khu trục hạm lớp Arleigh Burke đầu tiên, Đại úy David Adams cho biết.
Hệ thống phòng thủ 'sương mù Pandarra' được thử nghiệm trên khu trục hạm
Hệ thống phòng thủ 'sương mù Pandarra' được thử nghiệm trên khu trục hạm lớp Arleigh Burke.
Đạn tự thay đổi hướng bay
Tờ Business Insider dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, Cơ quan Các dự án phòng thủ tiên tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) đã làm được điều gần như không thể và tưởng như chỉ có thể thấy trong phim, đó là chế tạo ra loại đạn có thể tự đổi hướng để bắn chính xác mục tiêu trong một môi trường bất lợi hay khi mục tiêu đang ẩn nấp.
Trong năm 2014, DARPA đã thử nghiệm thành công đạn cỡ 50 ly tự định hướng và thay đổi quỹ đạo khi đang bay. Đây là một cuộc thử nghiệm trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu có tên là “Đạn Chuyên dụng Siêu Chính xác”, viết tắt là EXACTO của DARPA. Dự án này có mục đích “phát triển những khí tài quân sự có tầm bắn xa hơn, giảm thiểu thời gian đối đầu trực tiếp với mục tiêu, và bớt đi những lần bắn trượt có thể làm lộ vị trí của người bắn”.
Loại đạn này có nguyên lý hoạt động tương tự như bom định hướng bằng laser được sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Vài tháng trước, DARPA đã thử nghiệm thành công đạn định hướng 50 ly với khoảng cách gần 2km. Đạn có những cảm biến quang học trước mũi nhằm thu thập thông tin khi bay đi và những hệ thống điện tử cho phép điều khiển cánh nhỏ của đạn, rất có thể sẽ bật ra khi đang bay.
Gần đây, chương trình EXACTO của DARPA đã tiến hành thử nghiệm bắn đạn thật, cho thấy khả năng dẫn đường khi đang bay của các loại đạn 50 ly. Một đoạn video đã được đăng tải, cho thấy đạn tự định hướng khi bay đến mục tiêu mà súng bắn tỉa với đạn thường không thể bắn trúng được.
Đoạn video cho thấy một cuộc thử nghiệm đạn định hướng của DARPA với súng trường được cố ý ngắm sang bên phải mục tiêu. Trong đoạn video này, đạn bay gần đến mục tiêu, thay đổi quỹ đạo bay và bắn trúng. Nếu công nghệ này được đưa vào sử dụng trong quân đội Mỹ, lính bắn tỉa sẽ không còn phải lo đến những lần bắn hụt do điều kiện thời tiết nữa.
Hòa Sơn (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment