Friday, December 12, 2014

Từ Hong Kong đến biến đổi khí hậu: Nhìn lại một năm quan hệ Mỹ-Trung

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, 12/11/2014.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, 12/11/2014.
Scott Stearns
VOA-13.12.2014
Mỹ đang thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông trong khi đang nỗ lực cải thiện quan hệ thương mại với Bắc Kinh.

Sau hơn hai tháng biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, Washington tiếp tục kêu gọi thương thuyết về việc Bắc Kinh sàng lọc ứng viên bầu cử. Trung Quốc bác bỏ bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài trong cuộc đầu phiếu Hong Kong, khiến chính quyền Obama có rất ít cơ hội thay đổi tình thế, theo bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách Trung Quốc của tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

"Tôi nghĩ Mỹ tiếp tục bất nhất về vấn đề quyền chính trị và dân chủ tại Hong Kong và Trung Quốc tương quan với những sự ủng hộ mà Mỹ thể hiện đối với những vấn đề này ở những nơi khác trên thế giới. Và sự nhất quán, theo tôi, là hết sức quan trọng với Bắc Kinh."

Ở Biển Đông, nơi mà Việt Nam nói tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đâm vào tàu tuần tra của Việt Nam, những nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử đã bị các nhà lãnh đạo Trung Quốc chặn đứng với chủ trương giải quyết tranh chấp lãnh hải với từng nước riêng lẻ. Ông Michael Auslin, nhà phân tích của Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết:

"Đó là kế sách hoàn hảo để tiếp tục những cuộc đàm phán bất tận - bắt chước kế sách của Bắc Triều Tiên hay giờ là của Iran hoặc của bất cứ nước nào không thực sự muốn tuân theo một bộ quy chuẩn - để mở ra những cuộc đàm phán vô nghĩa và thực sự chẳng đi tới đâu. Nếu Trung Quốc thực sự muốn tuân thủ một bộ quy tắc ứng xử là họ làm thôi."

Mỹ có thể gây ảnh hưởng có hiệu quả hơn với Trung Quốc bằng cách tận dụng vị thế của mình là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, theo lời Thượng nghị sĩ Mỹ Sherrod Brown.

"Họ muốn tiếp cận thị trường của chúng ta, công nghệ của chúng ta, các trường đại học của chúng ta. Sức nặng của chính phủ Mỹ và của người tiêu dùng Mỹ có thể được sử dụng, nếu chúng ta chọn cách này, để có được sự thay đổi thực sự ở Trung Quốc."

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Brown nhận thấy Washington đang bớt quan tâm đến việc giao tiếp Trung Quốc.

"Tôi nghĩ nền kinh tế của chúng ta như thế này và tình trạng chia rẽ đảng phái phân cực đến mức Trung Quốc không còn khiến chúng ta phải chú ý tới nữa như là Trung Đông."

Nhà phân tích Justin Logan của Viện Cato cho biết đó một phần là do những vấn đề châu Á ở Washington đang bị vùng Trung Đông lấn át.

"Các đồng minh Đông Á nên thúc đẩy tư tưởng rằng đây là điều quan trọng cần làm. Tôi không rõ vì lý do gì mà các nước này không thể trở thành một đối trọng thành công với những nước Ả-rập vùng Vịnh, thấp hơn nữa là Israel, và đông đảo những chuyên gia Trung Đông ở Washington, những người khẳng định rằng khu vực này thật ra mới là trọng tâm chính đáng cho chiến lược của Mỹ."

Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình năm nay đã nhất trí về một kế hoạch đầy tham vọng nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính. Trong sự giao tiếp này với Trung Quốc, ông Obama cho biết ông đang khuyến khích Bắc Kinh tuân thủ những quy tắc giống như những nước khác "dù là trong thương mại hay trên biển." Ông nói rằng sự ổn định ở châu Á "phải không dựa trên phạm vi ảnh hưởng hay sự ép buộc," mà phải dựa trên những quan hệ liên minh vì nền an ninh chung của nhau.

No comments:

Post a Comment