RFI-Anh Vũ
Ngày 12-12-2014 14:22
Ảnh dân biểu Albert Chan hô khẩu hiệu lúc cảnh sát giải tỏa khu vực phía ngoài trụ sở chính quyền Hong Kong, ngày 11/12/ 2014.REUTERS
Cho đến ngày hôm nay, người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông đã bị giải tán hoàn toàn khỏi các khu phố sau hơn 7 chục ngày đấu tranh mà không đạt được kết quả nào.
Tuy nhiên nhiều nhà phân tích nhận thấy phong trào đòi dân chủ Hồng Kông đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm làm hành trang cho cuộc đấu tranh chính trị lâu dài và chính thống hơn.
Hơn hai tháng chiếm giữ, phong tỏa các vị trí quan trọng trong thành phố đòi thiết lập chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự cho đặc khu hành chính từ năm 2017, người biểu tình đòi dân chủ cho Hồng Kông không hẳn đã trắng tay. Ít nhất thì họ cũng đã gây được tiếng vang trên khắp thế giới, chính quyền địa phương cũng đã phải chấp nhận tham vấn dân chúng về thể thức bầu cử. Đòi hỏi mở rộng ủy ban tuyển chọn ứng cử viên vào vị trí lãnh đạo đặc khu cũng đã được hứa hẹn được nghiên cứu.
Từ chối chấp nhận tự do tuyển cử ở Hồng Kông, đảng Cộng sản Trung Quốc muốn khẳng định nguyên tắc bất di bất dịch đó là cho dù vùng đất thuộc địa cũ của Anh này có được hưởng quyền tự trị thì nay nó đang thuộc về Trung Quốc, đảng sẽ vẫn quyết định tương lai của vùng đất này. Ông Sebatian Veg, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Pháp về Trung Quốc đương đại tại Hồng Kông nhận định : « Bắc Kinh không muốn nhượng bộ những vấn đề cốt lõi ». Ý kiến này đã được nhật báo chính thức ở Trung Quốc China Daily khẳng định trong bài xã luận hôm nay rằng « Trên các vấn đề mang tính nguyên tắc, chính quyền trung ương sẽ không bao giờ nhượng bộ » và « cuộc cách mạng dù đã thất bại ».
Dẫu sao giới quan sát độc lập vẫn nhận thấy phong trào biểu tình với nòng cốt là lực lượng học sinh sinh viên và giới viên chức trẻ chưa phải đã mất tất cả. Cuộc đấu tranh vừa qua đã làm nảy sinh một thế hệ chứng tỏ họ là những chủ nhân thực sự của thành phố này. Thế hệ trẻ Hồng Kông đã làm được những việc chưa từng có, nhất là từ khi vùng đất này trở về với Trung Quốc. Trong vòng 11 tuần lễ, những người biểu tình đã thách thức Bắc Kinh bằng sự phản kháng ôn hòa.
Cái được nhất của phong trào đấu tranh đó là đã khơi dậy được ý thức chính trị trong giới trẻ Hồng Kông rằng phải tiếp tục cuộc đấu tranh này thì mới có được dân chủ, nếu không thì các quyền tự trị của vùng đặc khu này sẽ dần bị co lại cũng như các quyền dân chủ sẽ bị bóp nghẹt lại theo sự dẫn dắt của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.
Các lãnh đạo phong trào học sinh sinh viên, giới đại học hay chính trị không dừng cuộc đấu tranh của họ cho dù họ đã quả quyết sẽ không cần phải chiếm lại đường phố vì đã dự tính đến nhiều hành động mới để phản kháng.
Chuyên gia Sebatian Veg nhận định, giờ đây « cuộc trường chinh » bước vào các thiết chế đang đợi họ. Những người lãnh đạo phong trào sẽ phải tiến vào lãnh địa của giới chính trị, kinh tế, tư pháp, họ sẽ phải chiếm giữ những vị trí trong chính quyền để làm nền tảng cho cuộc đấu tranh lâu dài.
Các tham dò dư luận cho thấy Liên đoàn sinh viên Hồng Kông, đi tiên phong trong cuộc phản kháng vừa qua, giờ đây là một phong trào rất được lòng dân. Liên đoàng này có thể giới thiệu các ứng viên ra tranh cử cấp quận vào năm 2015, hoặc trở thành một lực lượng hậu thuẫn cho các đảng phái ủng hộ dân chủ.
No comments:
Post a Comment