(PLO) – Hôm 8-12, tờ Chindaily đưa tin, Trung Quốc dự định đưa robot thám hiểm lên Sao Hỏa vào năm 2020 và hoàn thành công trình trạm không gian có người lái trong 2 năm tiếp theo. Sau đó, vào năm 2030, Bắc Kinh sẽ trình làng tên lửa hạng nặng đầu tiên phục vụ cho chương trình thám hiểm không gian.
Thông tin về tham vọng mang tên “vũ trụ” được Chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) Lei Fanpei tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã sau sự kiện ra mắt CBERS-4.
Hôm 7-12, tại Trung tâm phóng Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây), Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa Trường Chinh-4B mang theo vệ tinh CBERS-4 lên quỹ đạo. Đây là vệ tinh thứ 5 trong chương trình Vệ tinh Tài nguyên Trái Đất giữa Trung Quốc và Brazil (CBERS) bắt đầu triển khai vào năm 1988.
Thám hiểm Sao Hỏa vào năm 2020
Sau khi công trình nghiên cứu về khả năng thám hiểm sao Hỏa thu được nhiều tín hiệu khả quan, Trung Quốc dự định sẽ gửi tàu thăm dò và robot thám hiểm chính thức khám phá hành tinh bí ẩn này.
Mặc dù chưa có thông báo chính thức về kế hoạch thăm dò Sao Hỏa, nhưng Lei hy vọng tên lửa Trường Chinh 5 đang trong giai đoạn phát triển sẽ mang theo tàu thăm dò lên quỹ đạo sao Hỏa vào năm 2020.
Trung Quốc âm mưu thống lĩnh “vũ trụ” với kế hoạch thám hiểm Sao Hỏa, xây dựng trạm vũ trụ và phát triển tên lửa hạng nặng. (Ảnh minh họa)
Kể từ chuyến hạ cánh thành công trên Mặt Trăng vào cuối năm ngoái, các nhà khoa học không gian Trung Quốc đang lên kế hoạch khám phá với điểm đến tiếp theo là “Hành tinh Đỏ”.
Tháng trước, Bắc Kinh cũng đã trình làng mô hình thực tế của robot thám hiểm Sao Hỏa tại cuộc triển lãm hàng không Trung Quốc năm 2014.
Trước đó, năm 2011, Trung Quốc đã từng tìm cách tiếp cận Sao Hỏa thông qua sự trợ giúp của tên lửa Nga nhưng thất bại do xảy ra tai nạn trong lúc di chuyển trên quỹ đạo.
Hoàn thành trạm không gian vào năm 2022
Hiện tại, chương trình trạm không gian có người lái của Trung Quốc vẫn đang tiến triển đều đặn. Các loại mô-đun, phương tiện và cơ sở mặt đất gần như đã chuẩn bị sẵn sàng.
Lei cho biết, mô-đun lõi và các phòng thí nghiệm không gian bao gồm Tiangong-2, tàu hàng Tianzhou-1, tên lửa Trường Chinh 7, tàu vũ trụ Thần Châu 11 sẽ hoàn tất quá trình kiểm tra trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, Trung tâm phóng vệ tinh mới ở Hải Nam đang trong giai đoạn hoàn chỉnh và sẽ sớm đi vào hoạt động. Được biết, đây là trung tâm phóng vệ tinh thứ Tư của Trung Quốc sau ba trung tâm quy mô lớn đặt tại Thái Nguyên, Tửu Tuyền và Tây Xương.
Dự kiến, phòng thí nghiệm không gian Tiangong-2 sẽ được phóng vào năm 2016 cùng với tàu vũ trụ Thần Châu-11 và tàu chở hàng Tianzhou-1. Sau đó, đến năm 2018, mô-đun thử nghiệm lõi của trạm sẽ được đưa lên quỹ đạo.
Như vậy, nếu tiến hành suôn sẻ tất cả các bước, tới khoảng năm 2022, trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc sẽ hoàn tất 100%. Trạm bao gồm ba phần - một mô-đun lõi gắn liền với hai phòng thí nghiệm trọng tải khoảng 20 tấn.
Phát triển tên lửa hạng nặng
Đề cập đến tên lửa hạng nặng, Chủ tịch CASC nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng, những bước đột phá về thiết kế và công nghệ then chốt đối với các tàu sân bay hạng nặng trong vòng bốn hoặc năm năm tới sẽ phục vụ cho việc phát triển tên lửa hạng nặng trong tương lai."
Cụ thể, các chuyên gia vũ trụ Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển động cơ hoạt động bằng oxy lỏng và kerosene có khả năng tạo lực đẩy 460 tấn. Bên cạnh đó, họ cũng đang tìm cách thiết kế và chế tạo động cơ chạy bằng hydro lỏng với lực đẩy tương đương 220 tấn.
Ông Lei hy vọng, quá trình chế tạo sẽ kết thúc sớm trong vòng 15 năm tới, tạo điều kiện để tên lửa hạng nặng thực hiện hành trình đầu tiên vào khoảng năm 2030.
Với khả năng chuyên chở tổng lượng hàng hóa 130 tấn lên quỹ đạo thấp của Trái đất, tên lửa hạng nặng thế hệ mới được mong chờ sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo vị thế nằm trong top các cường quốc thám hiểm không gian.
Thành Đạt (theo Chinadaily)
No comments:
Post a Comment