Monday, December 8, 2014

Dự án 'nhạy cảm': Vì sao đúng quy trình mà vẫn... sai?

(Baodatviet) - Sau khi dừng dự án, cần phải có quyết định hủy bỏ ngay mọi quyết định cấp phép cho đầu tư...

Huế dừng dự án World Shine - Huế; Đà Nẵng dừng 3 dự án, cắt 'ngọn' một dự án thuộc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Silver Shore (do doanh nhân người Trung Quốc làm chủ) nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và các tướng lĩnh quân đội.
Tuy nhiên, điều Trung tướng Nguyễn Quốc Thước băn khoăn là dừng dự án rồi sẽ thế nào. "Bắt buộc phải hủy bỏ mọi quyết định đầu tư với các dự án này vì an ninh quốc gia, vì sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vì sự tồn vong của đất nước", Tướng Thước nhấn mạnh.
Mọi góp ý bị bỏ qua
Qua sự việc này, những người lãnh đạo địa phương cần phải nhận thức rõ ràng quan điểm, đường lối, chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ trong xây dựng phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, phát triển kinh tế phải đi cùng với an ninh quốc phòng, nếu một trong hai yếu tố trên bị suy yếu sẽ ảnh hưởng dến sự an nguy quốc gia.
Ảnh: TTO
Ảnh: TTO
Do đó, sau Huế, Đà Nẵng, các tỉnh thành trên cả nước phải rà soát lại tất cả những dự án có yếu tố nước ngoài, kiên quyết hủy bỏ những dự án có nguy cơ đe dọa tới an ninh - quốc phòng.
"Điều đáng tiếc là trước khi xảy ra vụ việc này đã có nhiều sự án, nhiều ý kiến lên tiếng góp ý, can ngăn nhưng địa phương đã bất chấp bỏ qua, giao đất cho người nước ngoài làm kinh tế. Những dự án này nằm ở vị trí 'nhạy cảm' sẽ rất nguy hại tới an ninh - quốc phòng. Huế là bài học cho những người làm lãnh đạo", Tướng Thước nói.
Từ vụ việc ở Huế, tướng Thước yêu cầu cần phải kiên quyết xử lý những người có trách nhiệm theo luật pháp.
Bởi lẽ, việc mạo hiểm cấp phép cho một dự án nước ngoài vào khu vực đất an ninh quốc phòng là hoàn toàn sai trái với chủ trương, đường lối. Bất kỳ lý do nào cũng không thể được chấp nhận. Nếu không kịp thời sữa chữa, đời con cháu sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.
Như nhiều lần lên tiếng, tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định, Đèo Hải Vân, mà đỉnh cao của nó là Bạch Mã (cao 1.030m) kéo dài ra phía đông khu vực mũi Cửa Khẻm, khu vực đang bị Huế “bán” cho nước ngoài 50 năm là địa bàn rất hiểm yếu. Khi nắm được Hải Vân thì không chỉ quân khu 5, quân khu 4 mà đất nước sẽ bị chia cắt làm đôi.
"Nó là cửa tử huyệt đối với sự tồn vong của quốc gia, tại sao nước ngoài họ lại đổ tiền vào đó hàng triệu USD để làm du lịch? Đằng sau du lịch là gì chúng ta đã nghiên cứu, tính toán kỹ chưa? Sao không kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an ninh quốc phòng?", tướng Thước bức xúc.
Nằm trong quy hoạch?
Trước thông tin Sở Xây dựng Đà Nẵng đã tiến hành rà soát các dự án thuộc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Silver Shore (do doanh nhân người Trung Quốc làm chủ) theo yêu cầu của Quân khu 5. Theo đó, có 3 dự án phải dừng và 1 dự án bị cắt "ngọn" với lý do để đảm bảo an ninh quốc phòng. Hầu hết các ý kiến đều nêu quan điểm biểu dương sự vào cuộc của Đà Nẵng là động thái tích cực, nhận thức đúng đắn, kịp thời.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về quy trình cấp phép có đủ, đúng mà rà soát vẫn phát hiện sai phạm.
Về vấn đề này, một lãnh đạo Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết, 3 dự án bị dừng và cắt ngọn đều nằm trong quy hoạch phát triển các dự án cho du lịch chứ không thuộc khu vực đất an ninh quốc phòng.
Việc Quân khu 5 yêu cầu ĐN rà soát các dự án ông chưa nắm được nhưng ĐN dừng 3 dự án và cắt ngọn một dự án có thể nằm ngoài quy hoạch hoặc vi phạm độ cao vì hầu hết các dự án tại ĐN đều nằm trong quy hoạch nên địa phương cứ vậy làm theo.
Vị này cho biết, trên thực tế quy trình cấp phép một dự án bao giờ cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng luật đầu tư. Ví dụ, những dự án đã nằm trong quy hoạch thì tuân thủ đúng quy hoạch để làm. Dự án nào chưa thuộc quy hoạch phải xin ý kiến của ủy ban để chấp thuận chủ trương. Đồng thời phải xem xét các yếu tố khác như năng lực nhà thầu, chủ đầu tư.
Đối với những dự án nằm trong quy hoạch đất an ninh quốc phòng thì phải xin phép bộ chỉ huy quân sự tỉnh . Tỉnh, thành phổ phải có trách nhiệm xin ý kiến cấp trên.
Quy hoạch đất cho an ninh quốc phòng cũng đã có quy hoạch rất rõ, khu vực nào là khu vực phòng thủ, khu vực nào là dành cho quân đội… do đó tất cả các dự án nào nằm trong khu vực này phải xin ý kiến của cơ quan quân sự địa phương và được cơ quan quân sự địa phương.
Thông qua kết quả thẩm định của cơ quan quân sự khi đó tỉnh mới quyết định có phê duyệt dự án đó hay không.
Tuy nhiên, dự án của Huế có thể thấy do họ làm không đến nơi đến chốn nên mới xảy ra vụ việc ầm ĩ vừa qua. Đối với dự án này ai cũng thấy, người thường cũng thấy đó khu vực địa hình trọng điểm có giá trị rất to lớn về an ninh quốc phòng.
Đối với thế trận phòng thủ, khu vực này có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ TP Đà Nẵng và TP Huế. Vì thế, những dự án nhạy cảm về quốc phòng an ninh phải được sự đồng ý của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phải có trách nhiệm báo cáo và xin ý kiến cấp trên.
Tuy nhiên, lý lẽ của Huế thì cho rằng dự án này nằm trong quy hoạch của Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô đã được phê duyệt nên họ mới cấp phép cho làm. Tuy nhiên, theo lẽ thường một dự án nằm ở vị trí nhạy cảm như thế thì cũng nên xin ý kiến của Bộ chỉ quy quân sự tỉnh. Đã là đất thuộc quy hoạch cho quốc phòng - an ninh bất cứ lý do gì cũng không được động vào.
Đúng quy trình
Trao đổi với báo Đất Việt, hầu hết các địa phương đều khẳng định khi cấp phép dự án cho chủ đầu tư nước ngoài đều tuân thủ theo đúng quy trình. Người quyết định phê duyệt cấp phép cuối cùng cho dự án là UBND tỉnh.
Ông Lê Đình Khánh – PGĐ Sở KHĐT Huế cho biết, Sở KHĐT chỉ chịu trách nhiệm quản lý chung, dự án du lịch World Shine - Huế thuộc khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Đó là dự án nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt và Ban quản lý đã làm theo đúng quy hoạch.
Trước ý kiến cho rằng, dự án này đã không được xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, ông Khánh cho biết "Đó là việc của BQL Lăng Cô, họ nói đã xin ý kiến rồi. Sở chỉ xem xét, thẩm định dựa trên hồ sơ".
Vị lãnh đạo sở cũng khẳng định, theo quy trình những dự án thuộc khu vực đất an ninh quốc phòng bắt buộc phải xin ý kiến của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, tuy nhiên bản thân họ nhiều khi cũng gặp phải khó khăn do không xác định được đâu là đất quốc phòng, an ninh.
Ông Lê Ngọc Tuấn – GĐ Sở KHĐT KonTum nói rõ về quy trình cấp phép dự án cho nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện từng bước, không có chuyện xuê xoa.
Sở KHĐT là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và xin ý kiến các cấp, các ngành liên quan. Cấp giấy phép đầu tư cho dự án cuối cùng là UBND tỉnh.
Về phía ông Lê Minh Thanh- GĐ Sở KHĐT Lạng Sơn cho biết, nếu nhà đầu tư cần đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh thì nhà đầu tư sẽ phải đề ra kế hoạch rồi gửi lên Sở KHĐT trình ủy ban xin chủ trương. Trên cơ sở chủ trương đấy, nhà đầu tư lập dự án sau đó Sở sẽ thẩm định cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trong trường hợp với dự án nằm trong khu vực nhạy cảm, Sở phải xin ý kiến của các cấp, các ngành liên quan. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng rà soát dự án.
Trước đó, Lạng Sơn cũng là địa phương đã cấp phép cho một dự án chủ đầu tư là người Hong Kong (Trung Quốc), sau đó đã phải dừng dự án. Sở dĩ có chuyện như vậy, ông Thanh giải thích là do Sở đã xin ý kiến nhưng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh không trả lời.
"Ví dụ như KonTum, họ gửi văn bản từ năm 2008 đến tận 2010 mới trả lời một câu là không cho một dự án nước ngoài nào được đầu tư trồng rừng. Theo nguyên tắc chỉ sau 1-3 tháng gửi hồ sơ, bên quốc phòng phải có văn bản trả lời.
Lạng Sơn cũng vậy. Chúng tôi mời cả bên an ninh quốc phòng, so sánh bản đồ quy hoạch đã kết luận đồng ý cho đầu tư rồi cuối cũng lại không đồng ý với bất kỳ dự án nào cả", ông Thanh nói. 
Thứ Hai, 08/12/2014 13:32
  • Vũ Lan

No comments:

Post a Comment