Monday, December 8, 2014

Dân Quảng Nam tự đào hầm, dựng gác tránh bão và lũ

ĐÀ NẴNG 7-12 (NV) .- Dân chúng cư trú tại những vùng thường xuyên bị bão, lũ tàn phá ở Quảng Nam đang thi nhau đào hầm tránh bão và dựng gác tránh lũ để tự cứu mình.   

Miền Trung chống bão, lũ: Người xuống hầm, gia cầm lên gác
Chuồng heo trên “lầu” của bà Huỳnh Thị Phương. (Hình: Tiền Phong)

Theo tờ Tiền Phong, những chiếc hầm tránh bão và những cái gác tránh lũ ở nhiều nơi tại Quảng Nam đang càng ngày càng kiến cố.

Làng Hà My Đông, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là một vùng nghèo khó nằm sát biển. Đất trong làng đã được chính quyền hứa cấp cho chủ đầu tư một số dự án du lịch nên dân làng không được phép xây dựng hay sửa chữa nhà cửa. Cũng vì vậy, mỗi khi có bão, Hà My Đông thành bình địa vì nhà cửa cũ kỹ, xiêu vẹo, dân làng Hà My Đông hoàn toàn không có chỗ trú bão.

Đó cũng là lý do khiến ông Nguyễn Tự, quyết định đào hầm tránh bão. Hầm sâu 1,5 mét, rộng 7 mét vuông, 4 trụ hầm được đổ bê tông. Nhờ vậy, năm 2013, gia đình ông Tự không phải dắt díu nhau chạy bão. Thấy đào hầm tránh bão có hiệu quả, nhiều gia đình trong vùng bắt chước. Hiện nay, riêng làng Hà My Đông có hơn 20 hầm tránh bão.

Theo tờ Tiền Phong, trong hơn 20 hầm tránh bão vừa kể ở làng Hà My Đông, hầm tránh bão của ông Lê Tư được xem là kiên cố nhất. Hầm này sâu 2,5 mét, rộng 9 mét vuông, vách dày đến 25 cm, có thể chứa khoảng 15 người.

Ông Lê Tư bảo rằng, chi phí làm hầm hết 15 triệu, nhà không đủ tiền nên phải đi vay và đa số hầm đã được làm ở thôn Hà My Đông đều làm bằng tiền đi vay. Bấm bụng mà vay để có thể sống sót sau những trận bão.

Tuy chế độ Hà Nội đã chi hàng ngàn tỉ cho các dự án, kế hoạch thuộc “Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” nhưng những dự án này không đem lại chút phúc lợi nào cho những vùng thường xuyên bị bão lũ tàn phá.

Trong khi dân làng Hà My Đông, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vay tiền làm hầm trách bão thì dân chúng xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, cũng thuộc tỉnh Quảng Nam vay tiền dựng gác tránh lũ.

Xã Duy Phước nằm cạnh sông Thu Bồn và xưa nay là vùng rốn lũ ở Quảng Nam. Mỗi năm dân Duy Phước phải đối diện với hai hoặc ba trận lũ lụt lớn. Trước đây, sau mỗi trận lũ dân Duy Phước trắng tay vì lúa, hoa màu, gia cầm, gia súc bị lũ cuốn mất. Gần đây, dân Duy Phước dựng gác để nuôi bò, heo, gà, vịt khi lũ đổ về.

Một số người bắt đầu làm “lầu” bằng bê tông để nuôi gia cầm, gia súc. Một trong những người như vậy là bà Huỳnh Thị Phương, ngụ ở thôn Mỹ Phước, xã Duy Phước. Gia đình bà Phương vẫn ở trong một căn nhà tồi tàn nhưng gần 100 con heo thì đang ở trên “lầu”.

Bà Phương bảo rằng, từ khi đưa heo lên lầu, dẫu cho lũ dìm nhà cửa, ruộng vườn nhưng heo vẫn không ướt chân. Đợt lũ gần nhất, bà Phương còn cho cả gia súc, gia cầm trú nhờ trên “lầu”. Bà và gia đình cũng rút lên “lầu” ở chung với heo để tránh lũ.

Ông Nguyễn Nghi, người đang nuôi 20 con vừa trâu, vừa bò lai trên “lầu” cho biết, người thì có thể ở nhà xập xệ, nhưng chỗ ở cho trâu bò phải cao ráo mới còn cái mà ăn để sống.

Viên chủ tịch xã Duy Phước cho biết, trong hai năm qua, ở xã này có khoảng 100 gia đình dựng gác, làm “lầu” để nuôi gia súc, gia cầm. Ông ta hy vọng, giới hữu trách nghiên cứu và có hướng dẫn về các mẫu nhà chăn nuôi vượt lũ để dân chúng dựa theo theo đó xây dựng sao cho vừa an toàn, vừa không gây ô nhiễm môi trường.

“Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” được đề ra vào năm 2007, đến nay đã thực hiện được bảy năm nhưng những chuyện nhỏ như viên chủ tịch xã Duy Phước nêu ra vẫn chỉ ngừng ở mức “hy vọng”. (G.Đ)
12-07-2014 1:42:25 PM

No comments:

Post a Comment