Monday, December 8, 2014

Biểu tình tại Hồng Kông: Ba Sinh viên đã ngừng tuyệt thực

Ba sinh viên, từ phải sang, Joshua Wong, Prince Wong và Isabella Lo phát biểu với giới truyền thông trong cuộc tuyệt thực của họ tại khu vực bị chiếm đóng bên ngoài trụ sở chính phủ ở Hồng Kông vào hôm thứ Ba, ngày 2 tháng 12 năm 2014. (Ảnh Internet)
 Larry Ong 8 Tháng Mười Hai , 2014
Ba sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ của Hồng Kông  đã kết thúc cuộc tuyệt thực của mình sau khi được tư vấn về y tế.
Bộ ba sinh viên của nhóm Scholarism, Joshua Wong, Isabella Lo và Prince Wong đã bắt đầu tuyệt thực vào hôm thứ Hai, ngày 1 tháng 12, nhằm buộc chính phủ Hồng Kông quay trở lại bàn đàm phán và khởi động lại các cuộc đối thoại về cải cách dân chủ ở thành phố bán tự trị này.
Cuộc tuyệt thực diễn ra tại Tim Mei Avenue, gần các cơ quan chính phủ. Đến cuối cuộc tuyệt thực, cả ba sinh viên đã phải ngồi xe lăn.
Wong, 18 tuổi, thủ lĩnh nhóm Scholarism cho biết trên trang Facebook của mình rằng: “Kể cả khi tôi ngừng tuyệt thực, không có nghĩa là chính phủ có thể bỏ qua yêu cầu của chúng tôi”.
Wong chỉ uống nước lọc và một muỗng cà phê nước đường trong suốt 108 giờ tuyệt thực của mình.
Sau đó, nhóm Scholarism thông báo rằng một thành viên khác, Prince Wong, 17 tuổi, cũng đã kết thúc cuộc tuyệt thực của cô sau 118 giờ theo lời khuyên của các bác sĩ và đã được đưa đến bệnh viện. Trọng lượng của Wong đã giảm xuống còn 81 pounds (36,8 kg). Cô và Joshua Wong không có quan hệ huyết thống.
Một thành viên thứ ba, Isabella Lo, 18, đã kết thúc tuyệt thực trước đó sau 95 giờ.
Hai thành viên khác của nhóm Scholarism, Gloria Cheng và Eddie Ng, cả hai đều 20 tuổi, đã tham gia cuộc biểu tình tuyệt thực này vào giữa tuần trước và hiện giờ vẫn đang ngừng ăn.
Hôm thứ Sáu (5/12), các nhà lập pháp ủng hộ chính quyền trung ương là James Tien và Felix Chung, cùng một nghị sĩ độc lập Paul Tse, đã đến thăm các sinh viên tuyệt thực. Tien trước đó đã bị trục xuất khỏi một cơ quan tư vấn của chính quyền Trung Quốc, ông ta đồng ý sẽ chuyển yêu cầu của các sinh viên đến Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh về việc tổ chức một cuộc đối thoại công khai với chính phủ vào tuần tới.
Động thái biểu tình gần đây nhất của các sinh viên đã không làm lay chuyển Trưởng Đặc khu và chính quyền  Hồng Kông.
Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh đã tuyên bố trong một cuộc họp báo trước đó rằng việc tuyệt thực là “vô ích”, sau đó nói các sinh viên “giữ gìn sức khỏe “. Vị Trưởng Đặc khu thân Bắc Kinh này còn khẳng định rằng bất kỳ cuộc đối thoại nào đề xuất những thay đổi cho cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu năm 2017 khác biệt với quyết định của Ủy ban Thường vụ của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPCSC) ban hành ngày 31/8 là “không thực tế.”
Vào ngày 31/8, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã ra nghị quyết tuyên bố Hồng Kông có thể có phổ thông đầu phiếu, với điều kiện một ủy ban thân Bắc Kinh sẽ chọn ra các ứng cử viên do Bắc Kinh sàng lọc. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có quyền quyết định cuối cùng về kết quả bầu cử.
Quyết định này của Bắc Kinh đã khiến những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông nổi giận, dẫn đến một cuộc biểu tình lớn gần văn phòng chính phủ ở Tamar Park vào ngày 31/8. Một tuần biểu tình bãi khóa của sinh viên vào tháng 9 đã lên đến đỉnh điểm bằng việc chiếm Quảng trường Civic Square vào ngày 26/9. Joshua Wong của nhóm Scholarism và các sinh viên khác đã bị bắt giữ.
Trên đà biểu tình của các sinh viên, các nhà đồng sáng lập nhóm Chiếm Trung tâm bằng Tình yêu và Hòa bình đã triển khai kế hoạch chiếm giữ các khu vực bên ngoài các tòa nhà chính phủ và các tuyến đường chính trong thành phố tính đến ngày 28/9. Cảnh sát Hồng Kông cầm dùi cui và bắn hơi cay để giải tán đám đông những người biểu tình tại quận Admiralty, trong khi những người biểu tình dùng ô làm lá chắn. Sau sự kiện này, hàng chục ngàn người Hồng Kông đã đổ xuống đường, đánh dấu sự khởi đầu của phong trào Ô.
Những người biểu tình, trong đó phần lớn là sinh viên, yêu cầu có được quyền “phổ thông đầu phiếu thực sự” cho cuộc bầu cử chức Trưởng Đặc khu lần đầu tiên vào năm 2017, điều này trái ngược với cách thức bầu cử do Bắc Kinh kiểm soát. Họ cũng yêu cầu Trưởng Đặc khu mất lòng dân Lương Chấn Anh phải từ chức.
Tuy nhiên, sau gần 70 ngày hoạt động, các cuộc biểu tình đang suy yếu  rõ rệt. Sự ủng hộ của đông đảo người dân đối với các cuộc biểu tình đã từ từ lắng xuống sau khi chính quyền áp dụng chiến thuật “trì hoãn” để giải tỏa việc chiếm đóng và làm những người biểu tình và công chúng mệt mỏi. Vào tháng 11, các cuộc thăm dò được các trường đại học tại Hồng Kông tiến hành cho thấy công chúng muốn dừng việc chiếm đóng mặc dù họ vẫn ủng hộ các mục tiêu của phong trào.
Trong khu biểu tình của sinh viên cũng có sự chia rẽ giữa các nhóm sinh viên như Scholarism và Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông và những người biểu tình “tuyến đầu” đến từ nhiều nhóm khác nhau. Những người “tuyến đầu” đã cáo buộc các nhóm sinh viên chỉ giỏi phát biểu, tổ chức kém, và không nắm bắt thời cơ gây áp lực lên chính phủ khi phong trào vẫn được ủng hộ mạnh mẽ.
Trong khi đó, chính quyền được hưởng lợi trước phán quyết của tòa án dành cho các công ty tư nhân, trong đó thông qua việc dẹp bỏ một điểm biểu tình chính ở Mong Kok, và tàn nhẫn nghiền nát nỗ lực leo thang của phong trào khi bao vây các cơ quan chính phủ để ngăn Lương Chấn Anh và các công chức đến làm việc vào ngày 30/11. Ngày hôm sau, tòa án tối cao của Hồng Kông đã ban hành một phán quyết khác dành cho một công ty xe buýt, trong đó quyết định cho phá dỡ điểm biểu tình “Quảng trường Ô” tại quận Admiralty.
Khi tuyên bố tuyệt thực vào ngày 1/12, Joshua Wong của nhóm Scholarism đã cho biết đây là một hành động tuyệt vọng của những sinh viên “không còn nguồn lực để thúc đẩy các cuộc biểu tình.”
Hôm thứ Năm (4/12), Yvonne Leung, thành viên nhóm Liên đoàn Sinh viên nói rằng vào tuần tới nhóm sẽ quyết định liệu họ sẽ ở lại hay rút lui khỏi các đường phố.
Trước cảnh u ám trong trại sinh viên, những người biểu tình Mong Kok đang dần trở lại với quận buôn bán Mong Kok này để tham gia vào một cuộc “Cách mạng Mua sắm ” di động, việc này bắt đầu không lâu sau khi cảnh sát giải tán các khu lều của họ trên phố Argyle Street và Nathan Road.
Thành công của Chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh trong việc đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã tạo một ấn tượng sai giúp che đậy một cuộc đấu tranh quyền lực khốc liệt trong ĐCSTQ, giữa nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.
Các ngôn từ được sử dụng bởi các phe đã cho thấy cuộc đấu tranh đang diễn ra đằng sau hậu trường. Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh, một người ủng hộ phe Giang, cho biết ông ta sẽ chỉ đàm phán với phong trào Ô theo quy định của Luật Cơ bản của Hồng Kông và nghị quyết ngày 31/8 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Nghị quyết này đã được ban hành bởi người đứng đầu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Trương Đức Giang, một người ủng hộ khác của Giang Trạch Dân.
Tập Cận Bình đã tránh đề cập đến gói cải cách của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc dành cho Hồng Kông kể từ khi nó được công bố, nhưng lại ép Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh phải giải thích hướng phát triển nền dân chủ tại Hồng Kông theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và Luật Cơ bản của Hồng Kông.
The Associated Press đã đóng góp vào bài viết này

No comments:

Post a Comment