VOA-07.11.2014
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đi dự các hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Trung Quốc, Miến Điện và Australia vào chủ nhật này trong chuyến đi 1 tuần lễ nhắm mục đích cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, tăng cường hàng xuất khẩu của Mỹ, và trấn an các đối tác Châu Á trước thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong vùng. Ông Obama sẽ đối mặt với những câu hỏi về quyết định của Hoa Kỳ chuyển trọng tâm quân sự qua Châu Á, trong đó có một số câu có liên quan đến chuyện liệu việc tái quân bình đó đã xảy ra hay chưa. Với quyền hạn bị giảm thiểu sau những thất bại của đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử quốc hội, các nhà phân tích cho rằng bất kỳ lời hứa hẹn hay trấn an nào mà tổng thống đưa ra với các đối tác Châu Á đều sẽ vấp phải sự hoài nghi. Thông tín viên VOA Luis Ramirez tại Toà Bạch Ốc ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Chuyến đi diễn ra tại một thời điểm lúng túng cho Tổng thống Obama. Với sự trỗi dậy mau chóng về kinh tế và các khả năng quân sự đang bành trướng ở vùng Thái Bình Dương, Trung Quốc ở thế sẵn sàng thách thức thêm nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nay đang bị yếu thế bởi các cuộc bầu cử.
Vài ngày trước khi lên đường đi dự một hội nghị thượng đỉnh kinh tế Châu Á ở Bắc Kinh và đối diện với một Quốc hội mới do đảng Cộng hoà chế ngự, ông Obama nói với các phóng viên rằng một trong các sứ mạng của ông ở Châu Á là thúc đẩy hàng xuất khẩu của Mỹ để tạo công ăn việc làm trong nước.
“Chúng ta cũng có thể hợp tác để tăng cường xuất khẩu và mở ra các thị trường mới cho các nhà sản xuất của chúng ta bán thêm hàng hoá do Mỹ chế tạo cho phần còn lại của thế giới. Đó là điều tôi sẽ tập trung vào khi đi Châu Á vào tuần tới.”
Nhưng thúc đẩy nghị trình ấy với phía Trung Quốc sẽ không phải là dễ dàng.
Trước khi đến Bắc Kinh, đã có những dấu hiệu thách thức sự khả tín đang chờ đợi tổng thống Hoa Kỳ. Một nhật báo chính thức của Trung Quốc nói một cách ngạo mạn rằng những thất bại bầu cử của đảng Dân chủ và quyền hạn bị giảm thiểu là hậu quả của những thất bại của ông Obama – và còn mô tả ông là yếu kém và tầm thường.
Các nhà phân tích nói đối với tổng thống Mỹ, Trung Quốc với quân đội đang bành trướng và những khẳng định về hàng hải trong các vùng biển Hoa Đông và Hoa Nam, tiêu biểu cho mối thách thức lớn nhất về an ninh khi nói về các yếu tố quốc gia.
Năm ngoái ở California, Tổng thống Obama và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý rằng họ cần có một mô hình mới về quan hệ giữa một thế lực đang tồn tại và một thế lực đang nổi lên.
Ông Tom Donilon, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Obama, nói rằng cuộc hội kiến sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo mang tính cách rất cấp thiết.
“Theo phán đoán của tôi đây là cuộc họp song phương quan trọng nhất mà tổng thống sẽ có trong năm nay.”
Nhưng nhà cựu ngoại giao Robert Daly trông đợi sẽ chẳng có gì ngoài những cuộc thảo luận lịch sự.
“Cho đến nay, không bên nào muốn nói rõ sẽ sẵn sàng đưa ra các thay đổi nào. Hoặc trong trường hợp Trung Quốc, họ sẽ không nói rõ họ không thích gì về tập hợp những sắp xếp hiện thời ở vùng tây Thái Bình Dương. Trung Quốc chưa hề đưa ra lời giải đáp rằng họ muốn đạt được những gì mà họ chưa đạt được trong tập hợp các sắp xếp hiện thời.”
Sau Trung Quốc, Tổng thống Obama sẽ lên đường đi Myanmar, tức Miến Điện, nơi ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo nước này và người đứng đầu phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi, người ông đã gặp ở Hoa Kỳ trong một chuyến thăm trước đây.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và tại một cuộc họp với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, ông Obama sẽ đối phó với các vấn đề về cam kết của Hoa Kỳ chuyển trọng điểm các lực lượng quân sự của Mỹ qua Châu Á.
Chuyến đi sẽ kết thúc ở Brisbane, Australia. Ông Obama sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20, nơi ông tính sẽ phát biểu về vai trò liên tục của Hoa Kỳ trong tư cách lãnh đạo ở Châu Á.
No comments:
Post a Comment