(Baodatviet) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn phụ thuộc vào một thị trường sâu hơn nữa bởi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển rất mạnh.
Không có gì để dựa lưng!
Theo Tổng cục Thống kê, trong suốt 10 tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 35,6 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2013, nhập siêu từ Trung Quốc ước tính đạt 23,1 tỷ USD, tăng 17,6%.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 18,3 tỷ USD, tăng 20,4%; vải đạt 7,7 tỷ USD, tăng 13,4%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 3,9 tỷ USD, tăng 24,8%; ô tô đạt 2,8 tỷ USD, tăng 48%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 1,1 tỷ USD, tăng 93%.
Theo ThS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng, chỉ nhìn các con số nhập khẩu nói trên cũng cho thấy Việt Nam khó thoát khỏi sự lệ thuộc vào một thị trường, thậm chí còn lệ thuộc sâu hơn, nhất là khi Trung Quốc đã trở thành một nền kinh tế mạnh và chuyển sang giai đoạn phát triển công nghệ cao, đào thải những công nghệ cũ, lạc hậu.
Doanh nghiệp trong nước yếu thế mảng công nghiệp hỗ trợ |
"Trung Quốc luôn đi trước Việt Nam về công nghệ, họ thải công nghệ cũ ra sau đó đem bán và bán sang Việt Nam với giá rất rẻ. Cứ nhìn những con số nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu của Việt Nam thì đủ thấy kể cả trong trung hạn, Việt Nam vẫn cứ lệ thuộc vào thị trường này. Làm sao có thể chuyển hướng con tàu khi cứ thấy rẻ lại chạy theo?!
Đấy là chưa kể trong cấu trúc của kinh tế Việt Nam còn có doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả dứt khoát phải đi nhập máy rẻ, đặc biệt nếu có chút tiền lót tay, mà Trung Quốc thì sẵn sàng chi khoản này để bán được hàng, nên càng dễ ký.
Nếu là doanh nghiệp tư nhân thì sẽ khác. Họ bỏ đồng tiền của mình ra phải tính toán chi tiết xem kết quả thu lại thế nào, lời lãi bao nhiêu nên phải cân nhắc rất cẩn thận", ThS Bùi Ngọc Sơn nói.
Nhìn vào nội lực nền kinh tế Việt Nam, ông Sơn không giấu được cái nhìn bi quan bởi "chẳng có gì để mà dựa lưng!".
"Cứ cho rằng Việt Nam có mấy đồng bạc kiếm được từ GDP nhưng những thứ kiếm được nhiều nhất lại là của mấy doanh nghiệp thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chủ yếu dựa trên hàng hóa gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu, nghĩa là nó không hề bền vững. Doanh nghiệp trong nước thì cứ ráo mồ hôi là hết tiền, sau đó lại đi làm thuê, đào của trong nhà đem đi bán, trong tay không có công nghệ, thị trường tiêu thụ, kể cả tiêu thụ ở cấp tiêu dùng hay lĩnh vực sản xuất đều không có gì", ông Sơn thẳng thắn nhận xét.
Bởi vậy, Ths Bùi Ngọc Sơn cho rằng dẫu vấn đề giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường, cụ thể là Trung Quốc đã được thống nhất từ ý chí tới quyết tâm hành động nhưng nguyện vọng, ước mong, hô hào là một chuyện, còn thực tế có làm hay không lại là một chuyện khác.
"Việt Nam gần đây mới hô hào, cho dù muốn thay đổi đi chăng nữa thì đó vẫn phải là một chương trình kéo dài trong trung hạn, chứ một tháng, một quý hay một năm chốc lát đã quay ngoắt được một con tàu lớn. Về mặt kỹ thuật không bao giờ có chuyện đó. Hô thì rất dễ nhưng vướng mắc lớn nhất của Việt Nam là hô hào mà không làm gì cả, còn nền kinh tế thì vẫn phải vận hành theo lợi ích trên thực tế của nó, các nhà sản xuất vẫn phải chạy theo lợi nhuận và cái đó không thể trách họ được. Việc chuyển hướng con tàu kinh tế thế nào thuộc về vai trò của nhà nước", ông Sơn chỉ rõ.
Việt Nam có dám loại bỏ?
Ths Bùi Ngọc Sơn cho rằng, phải có một chương trình nghị sự lớn để bàn bạc từ đó đưa ra chương trình làm việc thay đổi công thức của nền kinh tế nhằm đa dạng hóa thị trường, giảm bớt sự lệ thuộc vào một nền kinh tế.
"Phải có chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế, cái gì không hiệu quả phải dám loại bỏ. Thí dụ, doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả thì phải rút bớt, loại bỏ, chuyển sang cho doanh nghiệp tư nhân làm. Cái gì ách tắc, như bất động sản chẳng hạn, hãy cho "chết" hẳn, bán ra bằng hết hàng thừa, rẻ đến đâu cũng phải bán. Ngân hàng nào kém phải thanh lọc lại để hệ thống nhanh chóng khỏe trở lại, tiếp ứng vào nền kinh tế, sau đó có hệ thống chính sách khuyến khích đi vào các loại công nghệ mà trong tương lai bền vững.
Ngoài ra, phải thay đổi lại cả nền giáo dục để đào tạo ra lực lượng lao động chất lượng, có hiệu quả. Chứ không thể như hiện nay sơn ô tô cũng không làm được, ốc vít cũng chẳng xong thì không thể dựa vào cái gì.
Phải có chương trình khuyến khích thị trường. Thứ nữa, như tôi đã nói nhiều lần, phải thay đổi chính sách tỷ giá. Với chính sách tỷ giá như hiện nay và với việc Trung Quốc đi trước, đang thanh lọc công nghệ thì Việt Nam không thể nào phát triển công nghiệp hỗ trợ, điểm cốt tử để Việt Nam chuyển hướng, không lệ thuộc vào Trung Quốc.
Phát triển được ngành công nghiệp đó, Việt Nam sẽ có được công nghệ ở cấp độ trung bình từ đó mới tiếp tục phát triển lên được. Còn không, chúng ta chỉ suốt đời đi "ăn bám", người ta bán cái gì thì mua và mua cái gì thì bán!".
Biết con tàu kinh tế đi mãi theo hướng ấy là dở và chuyển hướng chắc chắn sẽ tốn kém, không tránh khỏi có một vài va đập, nhưng thoát được thì mới tiến lên được, xác định được như thế thì Việt Nam mới dám làm", ông Sơn kết luận.
- Thành Luân
No comments:
Post a Comment