VOA-04.11.2014
Website chuyên về du lịch Travel+Leisure xếp Việt Nam vào vị trí thứ 6 trong tổng số 22 điểm đến dành cho khách du lịch độc hành. Dựa trên 2 chỉ số đánh giá là chỉ số an toàn và chỉ số hạnh phúc, có thể nói đó là một tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam, một ngành hái ra tiền nếu khai thác và tận dụng một cách thông minh. Sỡ dĩ tôi dùng cụm từ “một cách thông minh” là vì tôi thấy các ông lớn ở Việt Nam rất thích dùng cụm từ “một cách triệt để”, cá nhân tôi không thích lắm, vì không phải cái gì “triệt để” cũng sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.
Mới đây, Lonely Planet cũng xếp Washington D.C. - thủ đô của Hoa Kỳ - vào vị trí hàng đầu trong cuộc bầu chọn các thành phố du lịch vào năm 2015. Bản thân tôi cũng có một thời gian sống gần Washington D.C. (tôi sống ở thành phố Arlington, Virginia – cách đó khoảng 8 cây số). Theo tôi thấy thì Washington D.C. là một thành phố thanh bình và yên tĩnh. Mặc dù là thủ đô của Hoa Kỳ, nhưng D.C. không sôi động náo nhiệt, nó có một vẻ gì đó rất học thuật và trí thức, giống như chính bản chất của một thủ đô của một cường quốc. Điều tôi thấy thú vị nhất là Washington D.C. có rất nhiều viện bảo tàng, từ bảo tàng của chính phủ cho đến các hệ thống bảo tàng của tư nhân, và gần như đây là một đặc sản du lịch của Washington D.C. Bản thân một viện bảo tàng cũng đã là một kho kiến thức về lịch sử, văn hóa, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên… Do đó, với 226 viện bảo tàng (số liệu thống kê năm 2014 của Matthew B. Gilmore) ở thủ đô này, Washington D.C. tự hào cung cấp cho du khách kho tàng kiến thức phong phú và đa dạng về cả ngành, lĩnh vực và số lượng, chiều sâu lịch sử. Khác với các đô thị khác ở Texas hay các tiểu bang khác, Washington D.C. có hệ thống phương tiện di chuyển công cộng cực kỳ thuận tiện. Hệ thống tàu điện ngầm cùng với xe bus phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân cực kỳ hiệu quả. Phải nói, phương tiện di chuyển là một yếu tố quan trọng khi du khách lựa chọn đến một thành phố. Có lẽ nhờ có món đặc sản viện bảo tàng, các địa điểm tham quan mang tính chính trị, và hệ thống phương tiện công cộng hoàn thiện mà Washington D.C. đã trở thành điểm đến hàng đầu trong năm 2015.
Ngẫm lại mới thấy, Việt Nam chúng ta chưa chọn ra được một đặc sản nổi bật nào cho từng thành phố du lịch nổi tiếng. Chúng ta cứ loay hoay với du lịch biển đảo, du lịch khám phá, du lịch tâm linh, du lịch thành phố… như định nghĩa của Tổng Cục Du lịch Việt Nam trong bộ nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam. Nếu nhận diện thương hiệu là như vậy, thì chúng ta chẳng có gì nổi bật so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philippines. Nếu nói du lịch biển đảo, chắc chắn Indonesia và Philippines mạnh hơn chúng ta về cách thức quảng bá. Du lịch khám phá thì Malaysia lại càng mạnh. Du lịch đô thị/thành phố thì Singapore tất nhiên là số 1. Vậy chúng ta làm sao để nổi bật hơn so với những quốc gia láng giềng đó? Chúng ta đang lãng phí một tài nguyên quý giá mang cả yếu tố văn hóa và yếu tố xã hội, và cũng là một hạt nhân giúp Việt Nam được nhận ra trên bản đồ du lịch thế giới. Đó là ẩm thực.
Ẩm thực Việt Nam từ trước đến nay luôn được các chuyên gia có uy tín đánh giá cao về khẩu vị, cách thức chế biến và nguyên vật liệu. Thế nhưng đó là ở góc độ các chuyên gia, còn ở góc độ khách du lịch thì chưa nhiều người biết đến. Nếu như ẩm thực Trung Hoa, ẩm thực Nhật Bản và mới đây nhất là ẩm thực Hàn Quốc đã dần phổ biến khắp thế giới thì ẩm thực Việt Nam cũng chỉ quanh quẩn hương vị quê nhà.
Lúc còn ở Mỹ, tôi có cảm giác ẩm thực Việt Nam chỉ là những nhà hàng bán phở nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp. Đa số mỗi tiểu bang đều có nhà hàng Việt Nam nhưng có vẻ như chỉ phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng người Việt hay lớn hơn chút nữa là cộng đồng người châu Á ở Mỹ. Tôi thấy ẩm thực Trung Hoa lại được trang hoàng với quy mô lớn hơn trong các nhà hàng to đùng, phục vụ chuyên nghiệp. Còn nhà hàng Nhật Bản thì đẳng cấp thôi rồi, vừa trang trí đẹp lại vừa phục vụ chuyên nghiệp. Còn ở phân khúc nhà hàng bình dân thì đã có các nhà hàng Thái. Các nhà hàng Việt quanh năm suốt tháng chỉ trưng biển bán phở, cho nên phở tự dưng được quảng cáo mạnh mẽ và được biết đến nhiều trên thế giới là vậy. Nhưng ẩm thực Việt đâu phải chỉ có mỗi món phở.
Sự kiện cô gái gốc Việt bị khiếm thị Christine Ha giành chiến thắng trong chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực hàng đầu của Mỹ Master Chef đã làm nức lòng những người yêu ẩm thực Việt Nam. Thành công đó như một cú hít đánh vào khán giả toàn cầu của chương trình. Như một luật bất thành văn, tiếng nói truyền thông thế giới thuộc về người Mỹ và phương Tây. Vì vậy sự kiện một cô gái khiếm thị lần lượt đánh bại tất cả các đối thủ giỏi để giành chiến thắng Master Chef Mỹ như một chút phép mầu khiến thế giới càng chú ý và tò mò hơn về nền ẩm thực của một quốc gia nhỏ bé. Thực tế cho thấy, những ai từng đến và nếm thử ẩm thực Việt Nam đều bị ấn tượng mạnh với những món ăn nhiều hương vị của quốc gia này.
Tôi còn nhớ ngôi sao hạng A của Trung Quốc Từ Tĩnh Lôi đã có hẳn một bài blog để đặc tả duy nhất món bánh mì tẩm mật chiên giòn rụm của Hà Nội trong một lần đến thăm thành phố này. Xin thông tin thêm là ngoài danh hiệu là ngôi sao điện ảnh hàng đầu Trung Quốc, Từ Tĩnh Lôi còn là một hot blogger của quốc gia tỷ dân này và thu hút hàng trăm triệu người theo dõi. Cô đã so sánh món ăn này như những thứ bình dị trong cuộc sống, tuy nhìn đơn giản nhưng lại ngon vô cùng và nếu có lỡ đánh rơi rồi thì lòng nuối tiếc hùi hụi dù cho giá mua một cái bánh mì tẩm một chiên giòn chỉ có vài nghìn đồng tiền Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia ưa chuộng ăn uống và ăn uống cũng là một nghệ thuật. Cách chế biến món ăn của người Việt cũng khá cầu kì, nhưng tựu chung cũng xoay quanh một phương pháp, đó là phương pháp cân bằng âm dương. Cũng giống như người Trung Quốc, người Việt phân loại thực phẩm theo ba thuộc tính: hàn, nhiệt và thanh. Khi chế biến các món ăn, người Việt chỉ cần lưu ý các thuộc tính đó của thực phẩm mà đưa vào công thức giúp cân bằng âm dương và giúp món ăn thanh nhã, ngon miệng và có lợi cho sức khỏe.
Các đầu bếp nổi tiếng thế giới cũng đã bị quyến rũ bởi món ăn Việt. Nhiều người trong số họ chẳng ngần ngại mà cho rằng các món ăn Việt là những điều tuyệt vời mà trước khi lìa đời, một người cần phải nếm thử. Chẳng phải vô lý mà Taco Bell, công ty chủ quản của những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, đã chọn món bánh mì Việt Nam để phát triển hẳn một thương hiệu nhà hàng thức ăn nhanh mới và cũng chẳng ngần ngại đặt cho nó một cái tên hết sức Việt – Banh Shop. Các nhà kinh doanh lớn đều rất khôn ngoan và những gì họ ra mắt đều phải trải qua một giai đoạn thăm dò và nghiên cứu lâu dài.
Thêm nữa, đất nước Việt Nam trải dài từ Nam chí Bắc, từ cao nguyên đến vùng biển, thực phẩm và nguyên liệu chế biến phong phú. Trái cây thì quanh năm, mùa nào trái đó. Thực sự có thể nói là thiên đường ẩm thực. Cũng nên nhớ rằng ăn uống là một trong những tứ khoái của con người, và ăn uống cũng được đưa vào hạng mục quan tâm hàng đầu của dân mê du lịch. Do đó, Việt Nam nên tận dụng điều đó để vừa quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới, vừa kéo khách du lịch đến thăm và thưởng thức nền ẩm thực phong phú và đáng kinh ngạc này.
Từ “Việt Nam – Vẻ đẹp tiềm ẩn” cho đến “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” cho thấy ngành du lịch Việt Nam chưa có một hướng đi cụ thể, cứ mãi loay hoay với mấy cái “vẻ đẹp” chung chung dễ nhầm lẫn với các quốc gia châu Á khác. Tại sao chúng ta không khai thác một báu vật mà ông cha ta đã nghìn năm đúc kết và phát triển - nền ẩm thực phong phú và tuyệt vời, nền ẩm thực mà một khi đã nếm thử thì chỉ muốn ăn mãi. Mà những gì là mãi mãi đều đồng nghĩa với lâu dài. Thêm nữa ẩm thực cũng là một thương hiệu quốc gia mà khi khai thác được thì tính độc đáo và đặc trưng của nó sẽ không nhầm lẩn đi đâu được.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment