Thursday, November 6, 2014

Bảo mẫu hành hạ trẻ em gây nhức nhối

giu-tre-622.jpg
Một trung tâm giữ trẻ tư nhân tại TPHCM, ảnh minh họa.RFA PHOTO
Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
RFA-2014-11-06
Tình trạng bảo mẫu hành hạ trẻ em ở các nhà trẻ tư nhân cũng như một số cơ sở dạy trẻ nhà nước đã làm dấy lên nỗi lo chung của xã hội về hiện tại và tương lai. Nếu như hiện tại, kiểu sống vô cảm, tàn nhẫn đã lấn sân đến tận các bảo mẫu, những người làm công việc nuôi dưỡng từ thể xác đến tâm hồn của các em nhỏ thì vấn đề nhân cách của những em nhỏ từng bị các bảo mẫu hành hạ sẽ ra sao trong tương lai là câu hỏi gây nhức nhối đến những bậc làm cha làm mẹ, đến xã hội.

Tính vô cảm và nạn hối lộ

Một người tên Thúy, sống ở quận 12, Sài Gòn, có con đang độ tuổi gửi trẻ, chia sẻ:
“Nói chung là làm nghề bảo mẫu thì phải được đào tạo kỹ mới làm được, ở mình thì họ hơi lôm côm. Nguyên nhân chính là do sự vô cảm của xã hội mình nó nhiễm vào từng cá nhân bảo mẫu, một cách không có ý thức. Vậy nên khi họ bộc phát những hành động như vậy thì bản thân họ, thứ nhất là họ thiếu tự chủ, thứ hai là nếu họ nghĩ như vậy là tội ác thì họ đã không làm rồi. Mỗi ngày, những vấn đề của xã hội làm họ vô cảm, họ trở nên phi nhân tính, khi họ bạo hành như thế với các thiên thần - trẻ em. Ở các nước thì những bảo mẫu được đào tạo rất kỹ, nghiêm túc thậm chí lương của họ có thể là cao nhất trong giáo dục , nhưng ở mình thì ngược lại, đời sống của các bảo mẫu không được đảm bảo, dần dần... Nói chung là rõ ràng để xảy ra những việc như vậy thì tôi thấy tệ lắm!”
Nguyên nhân chính là do sự vô cảm của xã hội mình nó nhiễm vào từng cá nhân bảo mẫu, một cách không có ý thức.
-Chị Thúy
Theo bà Thúy, hiện tượng bảo mẫu hành hạ trẻ em không còn là trường hợp cá biệt ở một số nơi mà là hiện tượng xã hội đã đi đến chỗ phổ biến khắp mọi hang cùng ngõ hẻm Việt Nam. Ngay cả em gái của bà về làm dâu xứ Bắc cũng than thở về tình trạng này, báo chí cũng đôi lần nói về chuyện bảo mẫu xứ Bắc hành hạ trẻ em một cách man rợ, không còn gì để nói.
Và miền Nam, đặc biệt là thành phố Sài Gòn, theo bà Thúy dự đoán thì có vẻ như không có bất kì cơ sở nuôi dạy trẻ nào không tiềm tàng nguy cơ hành hạ trẻ em. Lý giải về điều này, bà Thúy đưa ra hai giả thuyết: Tình trạng xã hội bị băng hoại nhân tính và; Nạn hối lộ đã tiếp tay cho thói phân biệt đối xử và tàn nhẫn với trẻ em.
Ở khía cạnh xã hội bị băng hoại, một phần do giáo dục, phần khác do cạnh tranh khốc liệt, do cơ chế tham ô, hối lộ và toa rập quá cao, con người chỉ còn biết nghĩ đến lợi nhuận và làm giàu bất chấp lương tri có ray rứt hay không. Chính điều này dẫn đến xã hội dần trở thành một guồng máy quay cuồng mất hết nhân tính, và càng về sau, con người càng phải sống trong một sinh quyển thiếu tình người, thiếu lòng yêu thương. Chính vì vậy, việc các bảo mẫu, về mặt chữ nghĩa là bà mẹ thứ hai nuôi giữ trẻ lại đối xử tàn tệ với trẻ em chỉ là hệ quả của một xã hội băng hoại tận gốc rễ.
Nạn hối lộ, nếu chỉ nhìn bên ngoài thì người ta cứ nghĩ rằng nó chỉ diễn ra ở các quan chức và một số cơ quan nhà nước, trên thực tế thì nạn hối lộ đã len vào tận chân tơ kẽ tóc của bất kì người nào, không chừa một ai, làm chức lớn thì hối lộ lớn, làm chức nhỏ thì hối lộ nhỏ, không làm chức nào cũng hối lộ cho quan chức hoặc hối lộ giữa những kẻ không chức quyền với nhau nhằm bôi trơn một số quan hệ nào đó. Tiền hối lộ ở Việt Nam cũng giống như dầu nhớt bôi trơn động cơ xe, việc hối lộ các bảo mẫu cũng nằm trong hệ lụy này.
giu-tre-400.jpg
Ảnh minh họa chụp trước đây. RFA PHOTO.
Thường thì cha mẹ nào cũng thương con và lo lắng khi con mình đến lớp, nhất là các lớp vỡ lòng hay đến nhà trẻ, chính vì thế cha mẹ hay gửi gắm con cái cho các bảo mẫu, cô giáo mầm non. Cũng vì nếp nghĩ và thói quen hối lộ, đút lót bởi sống quá lâu trong văn hóa hối lộ, đút lót nên người ta không ngần ngại trao phong bì cho các bảo mẫu, giáo viên mầm non để con mình được chăm sóc kĩ hơn, tốt hơn. Và đương nhiên muốn con mình được tốt hơn, cha mẹ phải có tiền, mà trong một lớp mầm non, có mấy trẻ em có cha mẹ đủ tiền để đút lót cho bảo mẫu, giáo viên?
Đặc biệt là các lớp mầm non, nhà giữ trẻ ở những khu công nghiệp, những xóm nghèo, trẻ em ở đây toàn con nhà khó khăn, thiếu thốn, việc chi trả tiền hằng tháng cho con đi học đã khó khăn lắm rồi, lấy đâu ra tiền để bỏ phong bì. Có lẽ chính vì thế mà hầu hết các cơ sở nuôi dạy trẻ từng bị phanh phui hành hạ trẻ em đều nằm ở các vùng nghèo khó, hơn nữa, những em bé bị hành hạ mà báo chí trong nước đã nêu đều có hoàn cảnh cha mẹ khó khăn, làm công nhân hoặc lao động phổ thông. Những dấu hiệu này cho thấy trẻ em Việt Nam đã bị phân biệt đối xử ngay từ lúc bước vào giai đoạn giáo dục vỡ lòng.

Tương lai sẽ về đâu?

Một người mẹ khác tên Liên, sống ở quận Tân Bình, Sài Gòn, có con đang độ tuổi mẫu giáo, chia sẻ:
“Khi họ học nghề chẳng hạn như sư phạm mầm non đi, nhưng mà họ không được truyền lửa, truyền thông điệp tình yêu trong nghề nghiệp đó thì khi họ ứng xử như vậy, họ không thấy có gì áy náy hay ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của họ. Phụ huynh khi lo cho con mình thì thường tặng quà, còn với họ, thu nhập của họ không được cao nên khi nhận những món quà đó, họ thấy đôi khi còn nhiều hơn cả tiền lương của họ nữa, vậy nên không tránh khỏi những đứa trẻ mà cha mẹ có tiền thì được đối xử tốt hơn, luôn được thiên vị, còn những đứa trẻ con nhà nghèo thì... Nói chung là những trường quốc tế, trường tư thục thì ít xảy ra tình trạng đó hơn là trường nhà nước thì thu nhập của giáo viên mầm non, bảo mẫu thấp nên không tránh khỏi tình trạng họ muốn kiếm thêm từ phụ huynh, tâm lý mà...!”
Khi họ học nghề chẳng hạn như sư phạm mầm non đi, nhưng mà họ không được truyền lửa, truyền thông điệp tình yêu trong nghề nghiệp đó thì khi họ ứng xử như vậy, họ không thấy có gì áy náy.
-Chị Liên
Theo chị Liên, sự thiệt thòi bao giờ cũng dành cho người nghèo, không có quyền thế. Một gia đình người làm công nhân khu công nghiệp như chị với thu nhập cả hai vợ chồng mỗi tháng chưa đầy bảy triệu đồng cho cả hai vợ chồng, mọi chi tiêu, điện nước, chỗ thuê trọ, ăn uống và tiền đến nhà giữ trẻ của con chị cũng chỉ trông vào chưa đầy bảy triệu đồng, thiếu trước hụt sau. Đôi lúc chị cũng muốn dành phong bì cho cô bảo mẫu để con chị được chăm sóc tốt nhưng dành mãi cũng không đủ, nhiều khi dành được vài trăm ngàn, định bỏ phong bì thì con chị lại bệnh, cuối cùng, chị đành bỏ qua khoản này.
Đương nhiên khi bỏ qua khoản phong bì cho bảo mẫu, anh chị luôn sống trong bất an về con mình bởi vì khu vực chị sống từng có nạn bảo mẫu hành hạ trẻ em. Và cha mẹ của đứa bé bị hành hạ vốn là bạn cùng công ty với chị Liên, cặp vợ chồng này cũng nghèo khổ, vất vả, không có tiền để gửi gắm con. Chính vì không có tiền gửi gắm con nên con của các gia đình nghèo luôn bị phân biệt đối xử, luôn phải chịu hành hạ. Điều này làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em rất nặng nề.
Chị Liên bày tỏ sự lo lắng của mình trong tình trạng phân biệt đối xử với trẻ em nhà nghèo như hiện tại. Tương lai, các thế hệ mới sinh ra lớn lên sẽ phân biệt đối xử với nhau rất nặng nề và nhân cách của chúng cũng sẽ bị méo mó bởi ngay từ nhỏ, chúng đã sống trong sự phân biệt đối xử, sống trong bạo lực và hành vi man rợ. Nỗi đau này là món quà của xã hội hiện tại dành tặng cho đất nước tương lai.
Nói đến đây, chị Liên bật khóc.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment