Thursday, November 6, 2014

Họa phước vì giá dầu

Ai được ai thua khi dầu thô sụt giá?

Hôm Thứ Hai, mùng 3, khi Saudi Arabia quyết định hạ giá dầu bán cho Mỹ, thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ tuột giá nặng vì các doanh nghiệp dầu khí sợ mất lời và còn bị lỗ. Nhưng vì sao khi giá dầu đã sụt mất 25% từ mấy tháng nay thì vương quốc Saudi, một đại gia trong tổ chức OPEC của 12 xứ bán dầu, lại không giảm lượng xuất cảng để giữ giá mà còn giảm giá bán cho Mỹ?

Thế giới đang chứng kiến chiến lược tinh vi của Hoàng Gia Saudi nhưng đấy là chuyện nhỏ lồng trong một chuyển động lớn hơn, là giá dầu thô đang sụt và còn sụt trong vài năm tới. Khi dầu mất giá thì xứ nào có lợi, xứ nào gặp họa, và các nước sẽ tính toán ra sao về một sản phẩm thuộc loại chiến lược nhất là dầu thô?

“Hồ Sơ Người Việt” sẽ tìm hiểu chuyện này, có khi là qua nhiều bài liên tiếp...

Cung và cầu

Giá dầu bắt đầu chuyển từ bốn tháng nay, nguyên do gồm có hai phần đối diện là cung và cầu.

Về lượng dầu được các nước sản xuất cung cấp trên thị trường, ta chú ý đến sản lượng gia tăng từ các nước như Libya, Iraq, Saudi Arabia và Nigeria. Nói chung, sản lượng của OPEC đều lên tới mức cao nhất kể từ hai năm nay.

Ngoài ra, từ Tháng Bảy, Hoa Kỳ bơm thêm dầu với nhật lượng (sản lượng một ngày) tăng gần nửa triệu thùng. Chiều hướng tăng cung tại Mỹ bắt đầu từ năm 2012, mỗi năm nhật lượng lại thêm triệu thùng và đà này còn tiếp tục trong nhiều năm tới. Một yếu tố đóng góp cho sức bật đó là cuộc cách mạng về kỹ thuật khai thác năng lượng ghìm trong đá phiến nằm sâu dưới lòng đất (fracking), dù đắt hơn phương pháp cổ điển thì vẫn còn có lời nếu giá dầu còn cao.

Khi muốn bán dầu cho Mỹ với giá rẻ hơn giá bán cho Á Châu, Saudi Arabia có thể nhắm vào khía cạnh phí tổn sản xuất ấy: nếu dầu giảm giá thì các doanh nghiệp Mỹ hết muốn đầu tư vào loại kỹ thuật hiện đại mà đắt hơn. Cho đến nay, khi giá dầu giảm từ 115 đồng xuống tới 80 đồng một thùng, các doanh nghiệp Mỹ chưa có chiều hướng thay đổi và tiếp tục tìm thêm nhiều giếng để khai thác cho những năm tới.

Một khía cạnh then chốt khác về phần cung là vị trí của các nước trong nhóm OPEC, nơi bán ra một phần tư lượng dầu cho thế giới.

Trong OPEC, chỉ có Saudi Arabia, Kuweit và United Arab Emirates (UAE) là có thể tự ý giảm bớt số cung để làm giá; các nước kia như Algeria, Iran, Iraq, Libya, Nigeria và Venezuela đều cần tiền và cố sản xuất để bán. Vì thế, số cung từ nhóm này khó giảm trong thời gian tới.

Nhìn trên tổng thể thì người ta phải chú ý đến một sự thể khác. Chìm trong khói lửa và biến động từ hơn 10 năm nay, khu vực Trung Ðông có nhiều quốc gia như Iraq, Iran và Libya đang hồi phục lại khả năng sản xuất để kiếm tiền nhưng số cung của họ cũng có hạn. Chính là các nước Bắc Mỹ, như Hoa Kỳ, Canada và cả Mexico mới thật là nhà sản xuất thể chi phối số cung.

Nhìn qua vế cầu thì từ 15 năm nay, Bắc Mỹ lặng lẽ thay đổi hiệu năng tiêu thụ, là dùng ít dầu khí hơn để đạt cùng một sản lượng kinh tế. Âu Châu và Nhật Bản cũng vậy, có cải tiến hiệu năng dù chậm hơn. Tức là khối công nghiệp hóa đang thoát dần khỏi sự ép buộc về xăng dầu nhờ phương pháp sản xuất thuộc loại “hậu công nghiệp.” Hiện tượng đó làm giảm số cầu trong dài hạn.

Trong tương lai trung hạn thì các nước Âu Châu và Nhật còn chật vật về kinh tế, và rủi ro của khối Euro cùng nạn suy trầm tại Pháp, Ý, Ðức càng khiến số cầu về năng lượng sẽ phải giảm.

Ðã vậy, một quốc gia vẫn ngốn dầu như rồng cuốn là Trung Quốc ngày nay gặp khó khăn sau khi lên tới đỉnh vào năm 2008. Xứ này bị nguy cơ khủng hoảng hoặc hạ cánh tan tành, và nếu khéo lách thì cũng phải giảm đà tăng trưởng để cải cách. Trong mọi trường hợp thì số cầu về dầu khí cũng sẽ giảm ít ra trong một hai năm tới.

Khi cung vẫn tăng mà cầu giảm thì giá dầu phải sụt và sụt mạnh hơn đà tiết giảm của số cầu. Ðấy là hiện tượng bắt đầu xảy ra từ Tháng Sáu vừa qua - và sẽ còn tiếp tục.

Kẻ thua vì giá sụt...

Từ khi nhân loại biết khai thác dầu khí cho công nghiệp thì khu vực Trung Ðông giữ một vị trí chiến lược vì sản xuất ra loại thương phẩm này. Nhưng dù là xứ nào ở đây cũng cần dầu thô để công nghiệp hóa, chẳng phải xứ Trung Ðông nào cũng có dầu!

Khi giá dầu sụt thì nhiều nước bán dầu bị thiệt mà các nước cần dầu, ngoài vùng Vịnh Ba Tư, lại bị chấn động vì sự trồi sụt thăng giáng bất ngờ của thị trường. Kinh tế các quốc gia đó sẽ lao đao với hậu quả lan qua chính trị, tôn giáo và chiến tranh lẫn khủng bố.

Trong các nước bán dầu, vài đại gia có thế lực nhất đã tích được một lượng dự trữ ngoại tệ rất cao nên còn có thể xoay trở khi dầu sụt giá, điển hình là Saudi Arabia hay Kuweit, UAE. Các nước kia, như Iran, Iraq và Libya, thì chẳng vậy mà còn sợ bị thất thâu khi giá dầu hạ vì ngân sách quốc gia quá lệ thuộc vào nguồn thu này.

Nói chung thì Trung Ðông và cả nhóm OPEC đều hết khả năng làm mưa làm gió nhờ võ khí dầu thô, là trường hợp bi đát của Venezuela, một xứ bao cấp cực tả đòi cải tạo kinh tế vì có dầu thô.

Trường hợp điêu đứng kia là Liên Bang Nga.

Nếu Saudi Arabia gom được một lượng dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 740 tỷ đô la để đối phó với đời thì Liên Bang Nga của Tổng Thống Vladimir Putin chỉ có ngoại tệ dự trữ gần 440 tỷ đô la. Và kể thêm loại quỹ dự phòng khác thì chỉ có gần 600 tỷ dằn lưng khi ngân sách lại quá lệ thuộc vào dầu khí, với hy vọng hòa vốn nếu dầu thô ở mức trăm đồng.

Trong ngắn hạn thì nếu giá dầu tuột dưới mức 90 đồng một thùng là Putin xanh mặt, như đã xảy ra năm 2009 sau khi thế giới bị Tổng suy trầm năm 2008. Năm đó, kinh tế Nga bị khủng hoảng sau khi suy trầm. Năm nay, Nga đang bị suy trầm và lại còn quần thảo với Hoa Kỳ và Âu Châu về đòn cấm vận sau khi tấn công Ukraine. Ðấy là khi các đại tổ hợp quốc doanh về năng lượng cầu cứu, và ban tham mưu của Putin thì phân vân với kế hoạch đầu tư gần 80 tỷ đô la để gia tăng khả năng quân sự vào năm tới.

Khi dầu thô sụt tới 80 đồng và còn thấp hơn nữa, ban tham mưu chung quanh Putin sẽ xét lại cái thế bách chiến bách thắng của lãnh tụ! Nhiều người bắt đầu nói đến kỷ nguyên “hậu Putin”...

Người được nhờ giá sụt

Khi hàng được giá thì nhà sản xuất có lời và khi xuống giá thì người tiêu thụ thấy đời dễ thở. Sự thể cũng tương tự trên bình diện chiến lược của các nước, dù bên trong từng quốc gia lại có nhà sản xuất và giới tiêu thụ phản ứng khác nhau.

Vốn thiếu năng lượng tự túc, lại mới bị thiên tai đánh vào hệ thống sản xuất nguyên tử năng, Nhật phải thường xuyên lo về hóa đơn mua dầu, nhất là khi kinh tế trải hơn 20 năm bị suy sụp sáu đợt. Ngày nay, Chính quyền của Thủ Tướng Shinzo Abe vất vả tiến hành cải tổ cơ chế kinh tế xã hội đồng thời kích thích sản xuất để vượt thoát. Một trong các biện pháp táo bạo là tăng thuế tiêu thụ lần thứ nhì với kết quả sẽ chứng kiến lập tức, và chi phối tư thế chính trị của thủ tướng.

Ðấy là lúc dầu thô sụt giá.

Kết quả là hai mặt. Doanh nghiệp sản xuất bớt phí tổn năng lượng. Giới tiêu thụ mua hàng rẻ hơn và nhiều hơn sẽ kích thích sản xuất, như ông Abe kêu gọi. Nhưng hậu quả bất ngờ là nhờ dầu giảm giá mà kinh tế khó đạt tiêu chí lạm phát 2%.

Lý do rắc rối là chính quyền muốn bơm tiền kích thích và khuyến khích tiêu thụ khi nói trước là nên mua hàng mau mau vì giá sẽ tăng. Nếu lạm phát không lên tới 2% mà thế giới còn nguy cơ giảm phát, disinflation, thì chánh sách kinh tế của ông Abe, được gọi là “Abenomics” sẽ trở ngại.

Tại Ðông Á, dầu thô giảm giá là tin mừng cho một nước tiêu thụ là Trung Quốc, phản diện của nước láng giềng bán dầu là Nga. Kinh tế Tầu bị nhiều khó khăn cùng cực vì giá nhà và đầu tư về địa ốc hay xây cất đều sụt nên bám lấy hy vọng xuất cảng để bù vào khoảng trống. Nhờ dầu thô sụt giá, sản phẩm xuất cảng có thể rẻ và dễ bán hơn - nếu có người mua trên thị trường Âu-Mỹ, là điều chưa chắc! Cũng nhờ giá dầu giảm mà loại hàng bền như xe hơi, đồ điện gia dụng v.v... sẽ rẻ hơn trong tương lai sau 12 tháng và góp phần nâng sức tiêu thụ nội địa như chủ trương của chính quyền Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.

Nhưng sự thể bên trong lại rắc rối hơn. Ba đại gia dầu khí là PetroChina, Sinopec và CNOOC đều đầu tư vào năng lượng tại xứ khác và thành... nhà sản xuất nên sẽ mất lời khi dầu thô sụt giá. Ngược lại, nhờ sẵn vốn trong tay, họ tung tiền mua dầu với giá hạ trên thị trường để thêm tiếng nói và ảnh hưởng trên thị trường năng lượng. Những xoay chuyển ấy sẽ gây tranh cãi trong nội bộ chính trường và được phản ảnh ra ngoài như những luồng tin trái ngược...

Sau cùng, dù bài viết có hạn thì cũng nên nhắc đến lợi thế của Ðông Nam Á. Khu vực này đang lo vì Hoa Kỳ hết bơm tiền theo phương pháp Quantitative Easing và kinh tế Trung Quốc khó tăng quá 5-6% trong vài năm tới. Giữa cơn tuyệt vọng thì dầu giảm giá lại là tin vui. Nhiều chính quyền như Thái Lan hay Mã Lai Á bớt tiền trợ giá xăng và khỏi bị dân chửi trong khi ngân sách cứ bội chi...

Kết luận ở đây là gì?

Nhiều chính quyền đều nói phét về những thành tích không có. Bây giờ, dầu thô giảm giá, xứ nào cũng phải tính lại và nói lại. Tính sai thì chết, còn nói sai thì chẳng sao, nếu dân không biết!

11-05-2014 3:37:44 PM
Hùng Tâm

No comments:

Post a Comment