NAYPYITAW, Myanmar (NV) .- Các nước thành viên tổ chức ASEAN có vẻ nôn nóng muốn giải quyết tranh chấp biển đảo Biển Đông với Trung Quốc, kêu gọi thi hành những điều từng cam kết.
Các tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị tàu hải giám của Trung Quốc chận đường, không cho tiến về phía giàn khoan HD981 trong cuộc đối đầu hồi giữa Tháng 5-2014. (Hình: AFP/Getty Images)
Một bản dự thảo tuyên bố chung dự trù sẽ được đưa ra vào cuối cuộc họp thượng đỉnh ASEAN vào tuần tới, vào các ngày từ 9 đến 13-11-2014, thúc hối các thành viên giải quyết tranh chấp biển đảo một cách hòa bình với Trung Quốc.
Bản dự thảo mà đài VOA có được từ một viên chức cấp cao thành viên ASEAN có lời lẽ như vẻ các thỏa thuận về quan điểm đã đạt được từ các bên tham dự.
“Chúng tôi bầy tỏ sự quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, từng làm tăng căng thẳng ở khu vực. Chúng tôi tái khẳng định sự quan trọng của sự hợp tác khu vực để duy trì ổn định và hòa bình, cổ võ an ninh hải hành và an ninh, và tự do lưu thông, kể cả trong và bay bên trên Biển Đông”.
Tài liệu dự thảo viết như thế và viết tiếp rằng “Chúng tôi tái khẳng định cam kết tập thể của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc về hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải cũng như sự thi hành đầy đủ và hiệu quả bản Tuyên Bố Ứng Xử của các bên trên Biển Đông (DOC) trong sự toàn diện (của văn bản DOC). Chúng tôi ghi nhận sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông (COC) và nhấn mạnh sự quan trọng của việc duy trì đà đàm phán và thảo luận thăm dò cho một sự kết luận sớm cho bộ COC.
Bản DOC đã được các nước ASEAN ký với Trung Quốc từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ vì Bắc Kinh đòi hỏi chỉ đàm phán với từng nước một chứ không chịu đàm phán với các nước tranh chấp như một tập thể để dễ lấy thế nước lớn chèn ép.
Tình hình Biển Đông có vẻ lắng xuống khi Bắc Kinh rút giàn khoan Hải Dương HD981 ra khỏi khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa trước các phản ứng từ phía Việt Nam. Nhưng những dấu hiệu khác cho thấy các bên liên quan tranh chấp đều ngấm ngầm tăng cường vị thế và phòng thủ.
Một số hình ảnh vệ tinh chứng tỏ Bắc Kinh ở đầu này thì hút cát đá lòng biển mở rộng đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa cướp của Việt Nam từ đầu năm 1974. Đồng thời kéo dài phi đạo của phi trường ở đây để các loại máy bay cỡ lớn có thể lên xuống. Ở đầu kia thì Bắc Kinh cho hút cát đá lòng biển biến một số bãi đá ngầm, cướp của Việt Nam năm 1988, thành các đảo nhân tạo cỡ lớn có đủ cả cầu càng và phi trường.
Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN xác nhận bên lề một phiên họp quốc hội gần đây mà ông cũng là một 'đại biểu' rằng Việt Nam cũng có thực hiện một số việc ở Trường Sa mà ông gọi là “tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho lực lượng đóng quân trên đảo để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trên đảo...” theo tường thuật của tờ Thanh Niên ngày 23/10/2014.
Đài Loan thì hô hoán rằng Việt Nam đang làm một đảo nhân tạo ở Trường Sa rộng bằng 11 sân đá banh. Không thấy phía Hà Nội bình luận gì vệ chuyện này.
Sok Touch, một nhà phân tích chính trị và là Viện trưởng viện đại học Khemarak ở Cam Bốt nói với Đài VOA rằng các nước ASEAN không thể giải quyết được các vụ tranh chấp chủ quyền biển Đông vì các nước thành viên ASEAN có hệ thống chính trị khác nhau và có những ưu tiên khác nhau về ngoại giao. Đó chính là các rào cản để họ không thể thống nhất quan điểm, có cùng một mục đích để giải quyết tranh chấp Biển Đông. (TN)
11-05-2014 6:26:23 PM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment