Tom Hanks thủ vai một người vô tổ quốc bị mắc kẹt tại sân bay JKF, New York trong phim
The Terminal ra hồi 2004
Tòa Tối cao Anh quốc đang xử vụ kháng cáo của một người cải đạo sang Hồi giáo, vì lý do pháp lý được gọi tắt là B2. Ông này khiếu nại rằng chính phủ Anh đã khiến ông trở thành người vô tổ quốc. Thế nhưng điều đó có ý nghĩa ra sao, Tom de Castella tìm hiểu.
B2 từ Việt Nam tới Anh hồi còn là thiếu niên. Năm 21 tuổi, ông ta cải đạo thành người Hồi giáo.
Tháng 12/2011, Anh tước quốc tịch Anh với lý do ông này có liên quan tới chủ nghĩa khủng bố.
Bộ Nội vụ Anh nói ông ta có quốc tịch Việt Nam, nhưng Việt Nam lại không công nhận ông ta là công dân của mình. Do vậy, B2 nói nay ông trở thành người vô tổ quốc.
Vụ kiện của B2 rất phức tạp, nhưng nó đặt câu hỏi về ý nghĩa của việc trở thành người vô tổ quốc.
Nói một cách đơn giản thì đó có nghĩa là người không có quốc tịch.
Hầu hết mọi người có quốc tịch từ khi chào đời dựa vào nơi sinh hoặc tính theo quốc tịch của cha mẹ, hoặc theo lựa chọn của cha mẹ trong một số trường hợp.
Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc nói ít nhất có 10 triệu người vô tổ quốc. Nhiều người trong số họ sống ở các vùng sắc tộc bị phân biệt đối xử hoặc là những đối tượng bị ảnh hưởng từ những thay đổi pháp luật đột ngột.
Hiện ước chừng khoảng 800 ngàn người Rohingya trong tình trạng vô tổ quốc tại Myanmar.
Hàng chục ngàn người Haiti có lẽ nay cũng đang sống trong tình trạng vô tổ quốc tại Cộng hòa Dominic sau khi giới chức ra quyết định theo đó nói con cái của các đối tượng nhập cư không giấy tờ từ năm 1929 đều không được mang quốc tịch Dominic.
Hàng trăm ngàn người Rohingya đang sống trong tình trạng vô tổ quốc tại Myanmar
Là người vô tổ quốc thường có nghĩa là không có giấy tờ tùy thân, theo lời Ruma Mandal, chuyên gia luật quốc tế tại Viện nghiên cứu về chính sách đối ngoại Chattham House.
Xin giấy khai sinh cho con, đăng ký trường học, bệnh viện, tìm việc hay nhận trợ cấp xã hội, thuê căn hộ, v.v... tất cả đều sẽ trở nên khó khăn, bà nói. Nhất là việc đi lại hợp pháp ra nước ngoài hầu như là điều không thể.
Hồi đầu tháng, Trưởng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) ra chiến dịch nhằm chấm dứt tình trạng vô tổ quốc trong vòng mười năm.
Tại Anh quốc và một số quốc gia châu Âu, có một hệ thống được gọi là "xác định tình trạng vô tổ quốc" nhằm trao cho những người không có quốc tịch giấy định cư và cơ hội đi lại nước khác. UNHCR muốn có thêm nhiều nước khác áp dụng hệ thống này.
Đa phần, những người trở nên vô tổ quốc là do hoàn cảnh và do "không chủ ý" nhưng có những trường hợp là do bị tước quốc tịch.
Hồi 2003, giáo sỹ Hồi giáo cực đoan gây tranh cãi Sheikh Abu Hamza đã bị tước quốc tịch Anh sau khi nước này áp dụng việc cho phép tước quốc tịch đối với những người mang song tịch và bị cho là đã có hành động chống lại lợi ích của Anh quốc.
Tuy nhiên, tới 2010 ông này đã thắng kiện trong phiên phúc thẩm với lập luận rằng ông sẽ bị rơi vào tình trạng "vô tổ quốc" bởi trước đó ông đã mất quốc tịch Ai Cập.
Vị thẩm phán ra phán quyết rằng không rõ liệu Abu Hamza đã bị tước quốc tịch gốc của ông ta là Ai Cập trước hay sau khi bị Bộ trưởng Nội vụ Anh David Blunkett ra thông báo về dự định tước quốc tịch Anh.
Sự hiện diện của các công dân Anh tại Syria để gia nhập hàng ngũ của nhóm Hồi giáo cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) làm vấn đề càng trở nên phức tạp cho Anh.
Bộ trưởng Nội vụ Theresa May nói Anh sẽ không tước quốc tịch của các chiến binh IS sinh ra tại Anh bởi "việc một quốc gia khiến công dân của mình trở thành người vô tổ quốc là việc làm bất hợp pháp".
Tuy nhiên, chính phủ Anh có quyền tước quốc tịch của những người có quốc tịch Anh nhờ việc được cho phép nhập tịch tại Anh hoặc những người mang song tịch, nếu như Anh tin rằng hoạt động của những người này "làm phương hại nghiêm trọng tới những quyền lợi thiết yếu của Anh".
Luật Anh nói rằng Bộ trưởng Nội vụ nước này phải có một "niềm tin hợp lý" rằng những người bị tước quốc tịch sẽ không trở thành những người vô tổ quốc.
Tuy nhiên, Alison Harvey từ Hiệp hội Luật sư chuyên về Nhập cư nói "niềm tin hợp lý" là chưa đủ.
No comments:
Post a Comment