Wednesday, November 19, 2014

Rồi sẽ chẳng có ai bị tinh giảm!

Đăng Bởi  - 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bộ máy nhà nước đã phình to hơn lúc nào hết, mà hiệu lực quản lý lại ngày càng xuống cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thừa nhận như vậy. Nhưng liệu những người không làm được việc có bị tinh giảm ra khỏi bộ máy?
Ông Nguyễn Thái Bình đã làm một việc mà ông tự nhận là “tấm gương” cho các bộ trưởng khác. Sau khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ hồi đầu nhiệm kỳ Chính phủ này, ông kể, bộ của ông “được cơ cấu” 6, rồi 7 thứ trưởng. Song, căn cứ vào những quy định hiện hành là cấp bộ chỉ được có 4 thứ trưởng, nên ông giữ đúng 4 vị phó cho mình.
“Cái gương này chưa được lan tỏa, rất là khó”, ông nói tại phiên chất vấn tại Quốc hội đầu tuần này. Động thái trên không chỉ duy nhất. Ông kể, ông đã “âm thầm: đi  khắp 63 tỉnh thành trong cả nước để kiểm tra, đốc thúc khâu tổ chức cán bộ, công chức trong hệ thống nhà nước. Song, tiếc thay, những nỗ lực đó bất thành: Bộ máy nhà nước đã phình to hơn lúc nào hết mà hiệu lực quản lý lại ngày càng xuống cấp, như các đại biểu Quốc hội phê phán.
Ở cấp trung ương với 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm nhiều so với 48 cơ quan năm 2002), số lượng cấp phó đã mọc ra đến mức báo động. Có vụ có 30 người thì có tới 24 người là vụ trưởng, hàm vụ trưởng, vụ phó, hàm vụ phó, còn lại số rất ít là chuyên viên. Báo cáo sơ bộ của 18 bộ, cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan thuộc Chính phủ cho thấy hiện có 329 lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên. Trong đó, hàm vụ trưởng là 96, hàm phó vụ trưởng là 150, hàm trưởng phòng là 76, hàm phó phòng là 17. Ông Bình thừa nhận, tính toán sơ sơ, các bộ hiện nay có bình quân 5,4 thứ trưởng, cao hơn so với quy định.
Ông kể, Bộ Nội vụ nhiều lần có kiến nghị với Ban cán sự Đảng của Chính phủ nên quy định cứng số lượng thứ trưởng, nhưng khi bỏ phiếu chỉ được “không quá bán”. Ông nói: “Bộ Nội vụ đề nghị số lượng ít nhưng các bộ đề nghị số lượng nhiều nên không gặp nhau được”.
bi tinh giam hinh anh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Câu chuyện ở cấp trung ương, như ông Bình thừa nhận, cho thấy vai trò của Bộ Nội vụ là quá mờ nhạt trong việc tổ chức cán bộ. Vì lẽ đó, mà đại biểu Bùi Thị An – thành phố Hà Nội truy vấn: “Cử tri hiện nay nói rất nhiều về sự lạm phát cấp phó kéo dài ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí mà lại không đúng quy định của Chính phủ về số lượng cấp phó”.
Ở cấp địa phương, tình hình còn trầm trọng hơn. Các chính quyền địa phương hiện đang có khoảng 20 sở, ngành. Thành viên UBND cấp tỉnh từ 9-13 người, trong đó 1 chủ tịch, 3-5 phó chủ tịch và 4-8 ủy viên; UBND cấp huyện có 7-9 thành viên; cấp xã có 3-5 thành viên. Quy định chính thức này cho thấy, số các cơ quan địa phương nhiều như thế nào nếu tính tất cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, trung ương không nắm được con số cụ thể là bao nhiêu. Ông Bình giải thích: “Lĩnh vực tổ chức các bộ được phân công, phân cấp mạnh mẽ và triệt để nhất, các bộ, ngành, địa phương có quyền quyết định. Thủ tương bây giờ chỉ quản diện thứ trưởng, tất cả các chức danh, chức vụ còn lại  đều phân cấp cho Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh”.
“Nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả các ban bệ, hệ thống như hiện nay thì vô phương tăng lương, không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này" - ĐB Trần Du Lịch.

Bộ Nội vụ, trong các báo cáo công khai của mình, ít khi đề cập đến số lượng cán bộ, công chức. Tuy nhiên, một báo cáo của bộ này gửi Quốc hội thừa nhận, kế hoạch biên chế công chức hàng năm của các bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Nội vụ luôn đề nghị tăng từ 9-11% so với biên chế công chức giao của năm trước.

Số lượng biên chế công chức hàng năm tăng mạnh như vậy cho thấy bộ máy nhà nước đã lớn tới mức nào. Đại biểu Trần Du Lịch nói: “Nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả các ban bệ, hệ thống như hiện nay thì vô phương tăng lương, không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì đừng nghĩ tới việc tăng lương, nâng cao phúc lợi cho người dân. Không tăng lương thì đừng bao giờ hi vọng thu hút được một lực lượng cán bộ viên chức là thành phần tinh hoa”.
Gần đây, Bộ Nội vụ tiết lộ về đề án giảm 100.000 cán bộ viên chức đến năm 2020. Bộ trưởng Bình cam kết “tiếp tục thực hiện tinh giảm biên chế những cán bộ, công chức không đáp ứng được nhu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ”. Song, theo báo cáo của chính Bộ trưởng Bình tại phiên trả lời chất vấn thì trong năm 2013, tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có 0,46%. Số còn lại đều là hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực.
Tương tự, đối với viên chức, tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ còn thấp hơn nữa, chỉ có 0,24%. Như vậy có nghĩa là sẽ chẳng có mấy người trong biên chế “bị tinh giảm”.
Tư Giang
(Kinh tế Sài Gòn)

No comments:

Post a Comment