Wednesday, November 19, 2014

Kết thúc chuyện "Đại Gia Không Chết"

 Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brisbane. Australia đón tiếp các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cho hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane vào ngày 15 và 16, 2014
Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brisbane. Australia đón tiếp các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cho hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane vào ngày 15 và 16, 2014-AFP
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA 2014-11-19   
Tại thượng đỉnh tuần qua của nhóm G20, một kế hoạch kiểm soát tài chính được nguyên thủ của 20 quốc gia giàu nhất thế giới thông qua nhằm chấm dứt hiện tượng gọi là "doanh nghiệp quá lớn để có thể cho phá sản". Hiện tượng đó là gì và tại sao lại có một kế hoạch kiểm soát như vậy? Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, ta được biết là nhiều chính quyền phải tung tiền cấp cứu các ngân hàng bị nguy cơ phá sản để tránh nạn sụp đổ dây chuyền. Sáu năm sau, vào tuần qua tại hội nghị cấp cao của nhóm G-20 tổ chức ở thành phố Brisbane của Australia, nguyên thủ các nước đã phê chuẩn kế hoạch kiểm soát tài chính nhằm chấm dứt hiện tượng gọi là "quá lớn để sụp đổ". Xin ông phân tích cho thính giả của chúng ta một vấn đề quá chuyên môn như vậy. Hiện tượng gọi là "too big to fail" là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đang gặp một vấn đề kỹ thuật phức tạp và thật sự có chi phối sinh hoạt kinh tế tài chính mà nhiều người lại không được biết.
- Ta nhớ rằng trong vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Hoa Kỳ năm 2008, khi tập đoàn đầu tư Lehman Brothers hay bảo hiểm AIG bị nguy cơ vỡ nợ, và trước đó khi hai trong ba hãng xe lớn nhất của Mỹ là Chrysler và General Motors có thể phá sản, thì một vấn đề được đặt ra. Đó là nhà nước có nên lấy tiền thuế của dân để cấp cứu các doanh nghiệp ấy không? Vấn đề sở dĩ gây tranh luận không chỉ tại Hoa Kỳ mà ở bên Âu Châu và nhiều xứ khác là vì nếu nhà nước không cứu các đại doanh nghiệp ấy thì hậu quả sẽ lan qua khu vực khác. Đó là hiện tượng gọi là "quá lớn để có thể cho phá sản". Nhưng ngược lại, chính là do kích thước quá lớn với nguy cơ dây chuyền cho cả hệ thống kinh tế mà doanh nghiệp càng dễ ỷ thế làm liều, như các đại gia ỷ vào hậu thuẫn của nhà nước mà trở thành bất cẩn và lấy rủi ro lớn về kinh doanh. Tôi xin dùng một chữ cho thính giả của chúng ta dễ hiểu và dễ nhớ, đó là "hễ là đại gia thì không chết được".
Vấn đề sở dĩ gây tranh luận không chỉ tại Hoa Kỳ mà ở bên Âu Châu và nhiều xứ khác là vì nếu nhà nước không cứu các đại doanh nghiệp ấy thì hậu quả sẽ lan qua khu vực khác. Đó là hiện tượng gọi là "quá lớn để có thể cho phá sản
Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Về bối cảnh thì suốt sáu năm qua các quốc gia bị lâm nạn, từ Âu Châu đến Hoa Kỳ, đều cùng tăng cường kiểm soát để không cho khủng hoảng tái diễn. Nhưng việc kiểm soát ấy tập trung vào khu vực ngân hàng vì ngân hàng mà phá sản thì cả khách nợ lẫn chủ nợ đều mắc nạn. Người ta gọi nỗ lực đó là "chấm dứt chuyện đại gia không chết".
Vũ Hoàng: Một cách cụ thể thì kế hoạch kiểm soát này thành hình như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin nói tiếp về bối cảnh vì vấn đề này cực kỳ khó hiểu cho nhiều người trong chúng ta. Người ta nghiệm thấy một hiện tượng tâm lý chung là khi khủng hoảng bùng nổ, thí dụ như vụ Tổng khủng hoảng năm 1929-1933, các chính quyền và thị trường đều hốt hoảng và tăng cường luật lệ kiểm soát để khủng hoảng khỏi tái diễn.
- Như Hoa Kỳ thì có Đạo luật Ngân hàng mang tên hai tác giả là Glass-Steagal Act năm 1933 để quy định là các ngân hàng thương mại mà nhận tiền ký thác của công chúng thì phải tuân thủ những tiêu chuẩn chặt chẽ về đầu tư và tín dụng hầu không lấy tiền của thân chủ mà làm bậy và gây rủi ro vỡ nợ. Nhưng sau cơn khủng hoảng, khi mọi chuyện trở thành bình thường thì người ta lại phát huy sáng tạo theo kiểu "ngựa quen đường cũ" và tháo gỡ hệ thống kiểm soát nên gây ra những rủi ro khác. Đó là khi đạo luật Ngân hàng nói trên được Chính quyền Bill Clinton thu hồi năm 1999 để các ngân hàng thương mại vẫn có thể tham gia nghiệp vụ đầu tư. Mươi năm sau thì quả nhiên là khủng hoảng tái diễn vào năm 2008 - mà không chỉ riêng ở Hoa Kỳ.
- Khi ấy, các ngân hàng trung ương có nhiệm vụ kiểm soát nghiệp vụ của hệ thống ngân hàng bị đặt trước hai vấn đề khác biệt. Vấn đề thứ nhất là nhiều ngân hàng đã lấy rủi ro đầu tư quá lớn. Vấn đề thứ hai là các ngân hàng, cả đầu tư lẫn thương mại hay doanh nghiệp tài chính và chủ nợ trái phiếu, lại cho nhau vay quá nhiều. Họ dệt thành mạng lưới tín dụng chằng chịt, khiến một ngân hàng vỡ nợ thì kéo theo ngân hàng khác làm doanh nghiệp vay tiền ngân hàng bị ách tắc tín dụng là tìm không ra vốn luân lưu và khủng hoảng tài chính biến thành khủng hoảng kinh tế.
Nhưng sau cơn khủng hoảng, khi mọi chuyện trở thành bình thường thì người ta lại phát huy sáng tạo theo kiểu "ngựa quen đường cũ" và tháo gỡ hệ thống kiểm soát nên gây ra những rủi ro khác
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Thưa ông, khi ấy các nước đã giải quyết hai vấn đề khác biệt này ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một đằng thì chính quyền, là chính phủ, quốc hội và ngân hàng trung ương, phải tung tiền cấp cứu ngân hàng lâm nạn qua thủ tục tôi xin tạm gọi là "chuộc nợ" hay "bail out". Trong khi đó người ta biểu quyết các đạo luật kiểm soát nghiệp vụ ngân hàng để tránh rủi ro cho tương lai. Nhưng song song, các nước còn có một nỗ lực thứ ba rất khó hiểu là bắt các chủ đầu tư vào ngân hàng phải chịu một phần thiệt hại gọi là "bail in", tôi xin dịch là "châm vốn" cho dễ hiểu. Tức là nếu làm ăn bất cẩn thì phải chịu trách nhiệm chứ không thể ỷ vào cái lưới cấp cứu của nhà nước, tức là ỷ vào tiền thuế của dân vì nhà nước có bao giờ làm ra tiền đâu?
- Đấy là bối cảnh của những biện pháp cải cách đã được các Thượng đỉnh của nhóm G-20 biểu quyết vào các năm 2009, 2010. Một cách cụ thể thì các nước lập ra một Hội đồng Ổn định Tài chính năm 2009 và qua năm sau thì đề nghị của Thượng đỉnh G-20 tại Seoul được hiệp hội các ngân hàng chấp nhận và nâng cấp thành tiêu chuẩn Basel III. Nôm na là các ngân hàng sẽ phải có thêm tài sản đảm bảo những khoản tín dụng đã cho vay và tuân thủ việc kiểm soát khắt khe hơn.
Vũ Hoàng: Bây giờ thì có lẽ thính giả của chúng ta mường tượng ra một phần của vấn đề khi có tin là Chủ tịch của Hội đồng Ổn định Tài chính đã công bố một kế hoạch cải cách vừa được Thượng đỉnh G-20 chấp thuận tại Brisbane tuần qua. Thưa ông, kế hoạch đó gồm có những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ông Chủ tịch Hội đồng Ổn định Tài chính có phạm vi hoạt động toàn cầu hiện cũng là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh quốc. Hôm Thứ Hai mùng 10 vào tuần trước, ông ta có trình bày kế hoạch này nhằm giải quyết một lúc hai vấn đề khác biệt mà liên hệ với nhau như tôi vừa trình bày. Tức là thứ nhất giảm thiểu rủi ro của các ngân hàng với đòi hỏi phải gia tăng mức tài sản bảo đảm các nghiệp vụ cho vay và bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Thứ hai là đòi các chủ đầu tư phải tự châm vốn và nâng cao khả năng chịu lỗ chứ họ không thể trông cậy vào tiền thuế của dân. Mục tiêu thứ hai này là để mạng lưới tín dụng chằng chịt mình vừa nói ở trên sẽ có sức chịu đựng cao hơn và nếu sụp đổ thì tự bung ra từng mảng riêng chứ không lây lan qua kinh tế. Một cách nôm na dễ hiểu là nếu có gan làm giàu thì cũng phải có gan chịu lỗ.
Để kết luận thì hệ thống ngân hàng của Âu Châu có đầy kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ cao mà còn khủng hoảng thì loại ngân hàng tân tòng của TQ và VN mới chỉ xuất hiện sau này dưới sự bao che của đảng và nhà nước sẽ còn phải học nhiều kinh nghiệm về khủng hoảng
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Nếu chúng tôi hiểu không lầm thì từ nay các ngân hàng sẽ có thể vỡ nợ chứ không nhờ cậy vào chính quyền hay ngân hàng nhà nước. Thưa ông, có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một cách nôm na thì quả thật là như vậy. Nhưng kế hoạch này cũng làm nhiều ngân hàng thương mại xưa nay làm ăn cẩn trọng than phiền là vừa bị kiểm soát chặt chẽ hơn vừa phải dốc thêm tiền để đạt mức dự phòng rủi ro cao hơn.
Vũ Hoàng: Thưa ông, hậu quả của những biện pháp phức tạp này sẽ là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng ta khó có một câu trả lời chung vì tình hình ở mỗi nơi lại mỗi khác. Thí dụ như tại Hoa Kỳ hay Anh quốc, hệ thống doanh nghiệp có nhiều cách gọi vốn tinh vi và đa diện trên thị trường trái phiếu nên sẽ không gặp nhiều trở ngại. Tại Âu Châu, kế hoạch diệt trừ các đại gia ngân hàng ỷ thế làm liều có khi lại gây khủng hoảng cho khối Euro vì các doanh nghiệp loại trung và nhỏ thì chỉ huy động vốn kinh doanh qua hệ thống ngân hàng mà các ngân hàng đều sẽ bị kẹt vì phải tăng vốn. Trong ba chục ngân hàng loại lớn của thế giới, với khả năng gọi là gây họa cho cả hệ thống thì có 11 cái là ở tại Âu Châu. Kết cục thì biện pháp kiểm soát chủ yếu là nhắm vào các ngân hàng Âu Châu lại gây vấn đề cho kinh tế Âu Châu, ít ra là trong ngắn hạn và vì vậy lại gia tăng rủi ro khủng hoảng cho khối Euro.
Vũ Hoàng: Câu hỏi sau cùng, thưa ông, còn các ngân hàng Trung Quốc và Việt Nam thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng họ sống trong một thế giới khác!
- Trong 30 đại gia toàn cầu mình vừa nói ở trên thì có ba ngân hàng là của Trung Quốc. Nhưng đấy là các ngân hàng quốc doanh có nhà nước Bắc Kinh ở đằng sau và là công cụ cho chính sách tài trợ tăng trưởng kinh tế bất kể lời lỗ. Trung Quốc cũng chẳng tôn trọng gì những đòi hỏi cải tổ và kiểm soát của quốc tế và sẽ viện dẫn lý do là môi trường bên trong có khác thiên hạ. Vả lại, họ cũng chưa có một thị trường trái phiếu đủ rộng lớn để hỗ trợ yêu cầu tăng vốn của ngân hàng.
- Trường hợp Việt Nam cũng không khác vì hệ thống ngân hàng thương mại vẫn chủ yếu là do nhà nước làm chủ và chi phối. Nhiều ngân hàng thuộc loại cổ phần của tư nhân chỉ có cái vỏ là tư nhân chứ vẫn là cơ sở của tay chân nhà nước nên cứ ỷ thế làm liều. Lâu lâu mới có đại gia sa lưới thì cũng do những tranh đoạt quyền bính trên thượng tầng mà thôi.
- Để kết luận thì hệ thống ngân hàng của Âu Châu có đầy kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ cao mà còn khủng hoảng thì loại ngân hàng tân tòng của Trung Quốc và Việt Nam mới chỉ xuất hiện sau này dưới sự bao che của đảng và nhà nước sẽ còn phải học nhiều kinh nghiệm về khủng hoảng. Và thời của các "đại gia" vẫn chưa chấm dứt đâu, sau khi một mớ phải vào tù.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về một chương trình quả thật là rắc rối phức tạp.

No comments:

Post a Comment