Hoa ngày hiến chương nhà giáo- RFA
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
RFA- 2014-11-19
Hằng năm, đến hẹn lại lên, cứ đến dịp 20 tháng 11, ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam, thầy cô và học sinh lại được dành cho một ngày để học trò đến thăm thầy cô cùng những đoá hoa dâng tặng, những lời chúc tụng thể hiện sự kính trọng và không ngoại trừ cả những gói quà chất nặng tình vật chất. Với một số học sinh con nhà khá giả, phong bì tặng thầy cô giáo là một thứ cơ hội để các em gần gũi với thầy cô và tự tin hơn trong học tập. Nhưng với những học sinh nghèo, những phong bì chở cả nỗi hanh hao, gầy guộc và đau khổ của các bậc làm cha làm mẹ phải chịu một cuộc đời lao động chật vật, sinh nhai lao đao.
Ai là người thầy đáng kính?
Một cô giáo tên Hải, hiện đang dạy tại một trường cấp hai ngoại thành Hà Nội, chia sẻ: “Bên trường chị thì thứ năm này sẽ có mít tinh kỷ niệm, nhưng chị không quan tâm. Chị cũng nghe thế thôi chứ chị không quan tâm, 20 – 11 của chị thì chị đi thăm thầy cô của chị, còn chị không quan tâm, học sinh đang học của chị không được phép đến nhà chị. Bao giờ nó ra trường, trở thành học sinh cũ thì nếu muốn, nó đến thăm thì hãy đến thăm.”
Theo cô Hải, việc có hay không có một ngày Hiến chương nhà giáo đối với cô không phải là quan trọng, nếu không nói là không cần thiết. Vấn đề chính vẫn là một môi trường giáo dục lành mạnh, trong trẻo. Nghĩa là một môi trường mà ở đó giáo viên yên tâm để dạy học, còn học sinh thì học hành một cách vô tư, có vui chơi, có học hành và không cảm thấy việc học là một thứ gì đó ngột ngạt và khó chịu.
Chị cũng nghe thế thôi chứ chị không quan tâm, 20 – 11 của chị thì chị đi thăm thầy cô của chị, còn chị không quan tâm, học sinh đang học của chị không được phép đến nhà chị. Bao giờ nó ra trường, trở thành học sinh cũ thì nếu muốn, nó đến thăm thì hãy đến thămMột cô giáo tên Hải
Nhưng để đạt được điều đó trong hiện tại, còn khó hơn cả việc bắt một con lạc đà chui qua lổ kim, rất khó. Cô Hải cũng đưa ra nhận xét rằng bấy lâu nay cô vẫn theo dõi vấn đề cải cách giáo dục và luôn quan sát các “nhà cải cách” giáo dục nhưng càng quan sát, càng theo dõi chỉ làm cho cô thêm thất vọng mà thôi. Bởi lẽ, từ xưa đến giờ, một số nhà giáo uy tín đều đưa ra quan điểm phải có người thầy tốt mới có những học sinh tốt.
Nhưng thử đặt vấn đề sâu xa hơn một chút, chúng ta luôn kêu gào rằng phải giáo dục, đào tao ra những người thầy tốt và điều đó đã diễn ra hàng chục năm nay càng khiến cho nền giáo dục càng ngày càng thực dụng và bệ rạc. Tại sao chúng ta chỉ đặt vấn đề ở chỗ đào tạo ra những thầy giáo tốt mà chúng ta không tự hỏi lấy đâu ra những vị thầy của những thầy giáo tốt? Đây mới là câu hỏi mấu chốt. Bởi lẽ, cần phải có những vị thầy dạy của các thầy giáo tốt mới cho ra những thầy giáo tốt và học sinh tốt, đó là qui luật.
Và khi hỏi về một vị thầy của các thầy giáo tốt, người ta buộc phải nói đến hệ thống tư tưởng trong giáo dục cũng như cái lõi, hạt nhân tư tưởng của nó. Hay nói khác đi là một nền giáo dục tốt phải có một hệ thống triết lý giáo dục thật tốt, khoa học và coi trọng nhân tính. Nếu một hệ thống giáo dục chỉ mãi miết chạy theo thành tích, bằng cấp và doanh thu thì đến một ngày nào đó, cả hệ thống giáo dục này sẽ chuyển hoá thành một thế lực phản giáo dục, và đây là thời điểm Việt Nam đang nổi trội tính phản giáo dục của mình.
Chính vì thiếu một hệ thống triết lý giáo dục xuyên suốt và nhầm tưởng tư tưởng Mác - Lê Nin là triết lý giáo dục nên càng ngày, cơ chế giáo dục Việt Nam càng lún sâu vào thực dụng, coi trọng vật chất nhưng lại thiếu vắng sự cao quí của tinh thần thông tuệ. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chuyện Việt Nam hiện tại rất khó tìm ra một người thầy đáng kính cho học sinh.
Tại sao chúng ta chỉ đặt vấn đề ở chỗ đào tạo ra những thầy giáo tốt mà chúng ta không tự hỏi lấy đâu ra những vị thầy của những thầy giáo tốt? Đây mới là câu hỏi mấu chốt. Bởi lẽ, cần phải có những vị thầy dạy của các thầy giáo tốt mới cho ra những thầy giáo tốt và học sinh tốt, đó là qui luật
Giáo dục sẽ đi về đâu?
Một thầy giáo khác, hiện đang dạy tại một trường chuyên ở Hà Nội, yêu cầu không nêu tên, chia sẻ: “Từ thời phong kiến đã có rồi, nó như một sự bồi đắp. Đó là một ngày để tôn vinh, để nhắc nhở một điều gì đó thì nên làm, thế giới họ vẫn làm. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay thì không nên làm vì nó bị phai mất rồi. Vì thành ra nó không phải là ngày để tôn vinh thầy giáo. Bởi người ta nghĩ thầy giáo trở thành một thứ tựa như là quan chức trong giáo dục, buộc anh hối lộ, anh mua bán.. Tất cả những mối quan hệ hiện nay, về đạo đức, tình cảm… đều có sự mua bán trong đó.”
Theo vị thầy giáo này, câu hỏi giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu là câu hỏi đáng nêu và cần giải quyết một cách triệt để, rốt ráo trong hiện tại nếu muốn đất nước này phát triển hoặc chí ít cũng không bị tụt hậu. Để giải quyết câu hỏi giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu, cần trả lời được ba vấn đề: Hình ảnh của người thầy trong tâm thức học trò; Giá trị kiến thức học trò đã lĩnh hội và; Cấu trúc giáo dục nền tảng.
Yếu tố thực dụng trong giáo dụng cũng như hệ thống tri thức tuy không lỗi thời nhưng lại biên soạn trên nền giáo án quá sức lỗi thời, lạc hậu đã khiến cho đại đa số học sinh mất hết cảm hứng đi học bởi ngay bản thân người thầy cũng không hứng thú gì trong việc đi dạy
Ở khía cạnh thứ nhất, hình ảnh của thầy cô giáo trong tâm thức học trò, có thể nói là tệ hại một cách thảm bại theo tỉ lệ một ngàn/ một trăm/ mười/ năm/ ba/ một. Nghĩa là một ngàn vị thầy thì có một trăm vị tạm gọi là có tư cách nhà giáo trong mắt học sinh, và trong một trăm vị đó, có mười vị được học sinh trân trọng nhưng chưa chắc đã được phụ huynh các em coi trọng bởi nhiều yếu tố nhạy cảm.
Trong mười vị đó, có thể có năm vị được cha mẹ học sinh cũng như các em học sinh coi trọng nhưng khó bề mà gần gũi, chia sẻ tri thức bởi khoảng cách về những yêu cầu tài chánh mua bán kiến thức của họ. Trong năm vị thì có ba vị rất có thể là những thầy giáo bao dung, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của học sinh và coi trọng lương tri nhà giáo. Và trong ba vị đó, chỉ có thể hy vọng có một vị nhà giáo bao dung, sẵn sàng chia sẻ tri thức cũng như coi trọng nhân cách, phẩm hạnh của con người, xứng đáng làm một vị thầy mẫu mực. Nhưng con số một này cũng chỉ mang tính ước lệ, chỉ là hy vọng thôi!
Và chính vì hình ảnh người thầy quá tệ hại trong học sinh cũng là tác dụng ngược của việc trao truyền kiến thức, nhân cách. Và, yếu tố thực dụng trong giáo dụng cũng như hệ thống tri thức tuy không lỗi thời nhưng lại biên soạn trên nền giáo án quá sức lỗi thời, lạc hậu đã khiến cho đại đa số học sinh mất hết cảm hứng đi học bởi ngay bản thân người thầy cũng không hứng thú gì trong việc đi dạy. Động cơ tiền lương và tiền dạy thêm để bù lỗ cho khoản đầu tư đút lót lúc vào nghề đã khiến các thầy cô dù không muốn cũng vắt học sinh ra nước để lấy tiền. Đó là điều đáng xấu hổ trong giáo dục Việt Nam.
Và, nói về cấu trúc nền giáo dục Việt Nam, chỉ có thể nói nhanh gọn một câu là cấu trúc giáo dục xã hội chủ nghĩa. Mà theo nhận xét của vị thầy giáo này, mọi cấu trúc giáo dục xã hội chủ nghĩa của các nước Cộng sản trên thế giới này đều mang lại một kết cục đáng buồn là tài năng và sự sáng tạo bị thui chột. Và hằng năm, cứ thêm một lần Hiến chương nhà giáo, lại thêm một lần suy ngẫm về giá trị phẩm hạnh của con người nói chung và của nhà giáo nói riêng!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment