(NLĐO) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thảo luận về tình hình biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông trong ngày 1-10.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết tình hình căng thẳng nhất ở Hồng Kông kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả năm 1997 “chắc chắn sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự” Mỹ-Trung.
Hôm 30-9, các nhà làm luật ở Quốc hội Mỹ phê phán việc cảnh sát Hồng Kông dùng hơi cay và dùi cui để trấn áp nguồi biểu tình cuối tuần trước.
Với lời lẽ cứng rắn, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez đã viết thư gửi cho đặc khu trưởng Lương Chấn Anh yêu cầu ông phải bảo đảm, tôn trọng quyền được biểu tình của người dân Hồng Kông.
Chủ tịch tiểu ban Nhân quyền Hạ viện Mỹ Chris Smith cho biết một nhóm đặc biệt được thành lập để theo dõi tình hình nhân quyền ở Hồng Kông.
Xe buýt trở thành nơi người biểu tình bày tỏ ý kiến cá nhân. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, các quan chức quân sự cấp cao Mỹ cũng để ý phản ứng của Trung Quốc trước các cuộc biểu tình, hy vọng sẽ không dẫn đến một cuộc đàn áp lớn như tại quảng trường Thiên An Môn 25 năm trước. Ngoài ra, các quan chức Mỹ đã phủ nhận cáo buộc từ phía Trung Quốc rằng Washington can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.
Phát biểu trước các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh trước thềm ngày Quốc khánh 1-10, ông Tập Cận Bình cho biết chính phủ của ông sẽ “kiên định áp dụng nguyên tắc “1 nước 2 chế độ”, sẽ “bảo vệ” sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông.
Chuyên gia Lý Hỉ Căn thuộc trường ĐH Thành phố Hồng Kông nhận định sự kiện vừa nêu mang tính biểu tượng, thể hiện “sự đoàn kết và ổn định”. Ông Lý cho rằng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình nhằm xoa dịu công chúng trong tương lai khi “hổ lớn” hơn bị sa lưới.
Người biểu tình bên ngoài quảng trường Kim Tử Kinh Ảnh: SCMP
Trong khi đó, hàng chục ngàn người biểu tình vẫn cố thủ trên các con đường ở Hồng Kông và tuyên bố họ sẽ không giải tán cho đến khi Trung Quốc cho phép họ tổ chức bầu cử dân chủ. Nửa đêm qua (30-9), phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm” đã mở một khu vực biểu tình mới ở khu kinh doanh cao cấp Chiếm Sá Chủi (Tsim Sha Tsui).
Bên ngoài quảng trường Golden Bauhinia (Kim Tử Kinh) ở quận Loan Tử, nơi kỷ niệm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc và là địa điểm diễn ra lễ chào cờ lúc 8 giờ ngày 1-10 (theo giờ địa phương), những người biểu tình đã tạo thành 1 hàng rào người. Để bảo vệ cho các quan chức tại lễ Quốc khánh ở quảng trường này, hàng trăm nhân viên cảnh sát được triển khai.
Nhóm sinh viên biểu tình mang tên Học dân (Scholarism) tuyên bố rằng ngày 1-10, nhóm này sẽ xuất hiện bên ngoài buổi lễ để phản đối nhưng không có ý định đối đầu với cảnh sát.
Đúng hẹn, thủ lĩnh của nhóm trên - Joshua Wong - dẫn đầu các bạn trẻ thực hiện cuộc biểu tình trong im lặng với hai tay đan chéo trên đầu theo biểu tượng ruy-băng vàng trong khi cờ Trung Quốc và cờ Hồng Kông được kéo lên.
Joshua Wong (đeo kiếng, hàng đầu) dẫn đầu cuộc biểu tình im lặng trong khi lễ kỷ niệm quốc khánh diễn ra. Ảnh: SCMP
Một người biểu tình không rời vị trí bất chấp cơn mưa tối 30-9. Ảnh: Twitter
Nếu các cuộc biểu tình tiếp tục kéo dài, nó sẽ ngày càng thu hút người tham gia nhiều hơn và đồng nghĩa với việc thêm nhiều hoạt động nữa trong thành phố sẽ bị gián đoạn.
Sáng 1-10, cảnh sát Hồng Kông xác nhận rằng Chánh Thanh tra quận Đông Andrew Philips tử vong sau khi tự bắn bên trong đồn cảnh sát khu Bắc Giác rạng sáng nay.
Theo cảnh sát, ông Philips đã không tham gia vào bất kỳ hoạt động của cảnh sát liên quan đến Phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm”. Người này để lại 1 lá thư tuyệt mệnh nhưng không đề cập đến lý do tự sát.
Hình ảnh cuộc biểu tình ở Hồng Kông hôm 29-9 nhìn từ trên không.
Thứ Tư, 09:28 01/10/2014
Nguồn: YouTube/ABC News
No comments:
Post a Comment