Wednesday, October 1, 2014

Ba viên chức Nhật Bản nhận tội hối lộ quan chức Việt Nam

TOKYO (NV) .- Ba viên chức cao cấp của công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã nhận tội hối lộ cho các quan chức nhà nước CSVN, Indonesia và Uzbekistan để được ưu tiên giành hợp đồng.


 Ông Trần Quốc Đông, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường Sắt quốc doanh, từng là Trưởng Ban Quan hệ quốc tế, Giám đốc Ban Quản lý các dự án của TCT Đường sắt CSVN. (Hình: báo GTVT)

Theo hãng tin Kyodo News hôm Thứ Tư 1/10/2014, ông Tamio Kakinuma (cựu Chủ tịch JTC, 65 tuổi), cựu giám đốc JTC, Tatsuro Wada (67 tuổi) và cựu cố vấn JTC là Koji Ikeda (58 tuổi) đã nhận tội trong phiên xét xử đầu tiên về vụ làm ăn bất hợp pháp này tại một tòa án ở thủ đô Tokyo.

Trong bản tuyên bố mở đầu phiên tòa, các công tố viên nói rằng các viên chức địa phương của các nước nói trên đã vòi viên chức JTC phải hối lộ mới có hợp đồng và rằng các bị cáo kể trên vẫn tiếp tục đưa hối lộ dù số tiền mặt bất minh đó đã bị viên chức sở thuế chính phủ Nhật khám phá hồi năm ngoái. Việc này đã làm cho công ty JTC lục đục trong nội bộ.

Lúc ban đầu khi tin tức bị báo Yomiuri Shimbun xì ra ngày 21/3/2014, số tiền hối lộ cho các quan chức Cục Đường Sắt CSVN là khoảng 80 triệu yen hay gần $800,000. Nhưng trong bản tin ngày 1/10/2014, công tố viên nói rằng số tiền hối lộ cho một số quan chức Cục Đường Sắt CSVN là khoảng 70 triệu yen hay khoảng $640,000 trong khoảng thời gian kéo dài từ năm 2009 đến năm 2014.

Cơ quan thuế vụ Nhật Bản đã khám phá ra vụ hối lộ này từ Tháng Tư 2013 và buộc JTC phải nộp các khoản thuế còn thiếu nhưng mãi một năm sau công chúng mới biến đến vụ việc.

Báo chí Nhật đưa tin dẫn đến các cuộc điều tra nội bộ của Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN. Bộ này ngày 27/3/2014 thành lập “tổ kiểm tra xác minh nghi án hối lộ 80 triệu yen của Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) liên quan đến dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội.”

Ban đầu, các ông cầm đầu Cục Đường Sắt CSVN viết bản tường trình trả lời các ông quan thanh tra của ngành đường sắt quốc doanh rằng họ cam đoan  “không dính líu đến tiêu cực cũng như tiếp tay cho hành vi hối lộ, nhận tiền của JTC”.

Qua các cuộc họp với phía Nhật và bị thông báo cắt viện trợ, nhà cầm quyền Việt Nam đã miễn cưỡng tống giam Trần Văn Lục, giám đốc ban quản lý dự án đường sắt của Tổng Công Ty Đường Sắt, sau đó bắt thêm một số người khác gồm cả phó tổng giám đốc Trần Quốc Đông, và ba viên chức cao cấp của Ban quản lý các dự án đường sắt là Phạm Quang Duy, Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái. Tổng cộng có 6 người hiện đang bị giam giữ, chờ xem phía Nhật kết án các viên chức ở JTC ra sao rồi mới tính.

Trước những chỉ trích của chính phủ Nhật về tình trạng tham nhũng, vòi vĩnh hối lộ của các chức sắc, chế độ Hà Nội đã nhiều lần thề thốt “coi trọng và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn ODA của Nhật Bản”. Nhưng vụ việc xảy ra ở Tổng Công Ty Đường Sắt quốc doanh không phải là lần đầu tiên và không phải lần đầu tiên Hà Nội thề thốt như thế.

Vụ tai tiếng ăn hối lộ của nhà thầu tư vấn Nhật PCI xây dựng dự án xa lộ Đông Tây ở Sài Gòn số tiền khoảng $820,000 hồi năm 2008 đã đem hai ông Huỳnh Ngọc Sỹ và Lê Quả vào tù. Hai ông này cũng chỉ bị truy tố khi chính phủ Nhật loan báo ngừng giải ngân cho các dự án đang thực hiện dở dang với ODA của Nhật.

Ngày 2/6/2014, Chính phủ Nhật Bản thông báo tạm đình chỉ cấp mới vốn vay ODA để tập trung giải quyết vụ việc Công ty Tư vấn xây dựng đường sắt Công nghệ giao thông Nhật Bản (JTC) (có trụ sở ở Tokyo) hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam. Đại diện hai nước đã mở cuộc họp về phòng chống tham nhũng trong các dự án ODA của Nhật Bản hôm 24/6/2014.

Để nối lại việc tài trợ cho các dự án phát triển hạ tầng cho Việt Nam, chính phủ Nhật buộc Hà Nội phải đưa ra giải pháp phòng chống tham nhũng mới, áp dụng cho tất cả các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam.

Luật chống cạnh tranh không bình đẳng có từ năm 1993 của nước Nhật cấm cung cấp tiền hoặc bổng lộc cho các quan chức nước ngoài. Nếu vi phạm sẽ bị kết án đến 5 năm tù và tiền phạt 5 triệu yen (khoảng $45,000), theo hãng tin Kyodo. (TN)
10-01-2014 4:27:38 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment