Wednesday, October 1, 2014

Tọa kháng

Nguyễn Hữu Nghĩa (Danlambao) - Trong thời gian gần đây, tôi để ý tới một từ ngữ khá mới: tọa kháng. Mới, nhưng dễ hiểu. “Tọa” là “ngồi”; “kháng” là “phản đối”, “chống lại”. Đó là những cuộc biểu tình mà người tham gia chỉ cần ngồi một chỗ, không phải di chuyển như biểu tình tuần hành, có người quen gọi là “biểu tình ngồi”.

Tọa kháng trái nghĩa với “tọa thị” trong câu “tọa thị bàng quan” (ngồi đó nhìn ngang) hay “điềm nhiên tọa thị” như người ngoại cuộc. Tọa thị là thái độ gần như “vô cảm” (lại một chữ mới), sống chết mặc bây. Tọa kháng là hành động có tính cách tích cực. Tọa kháng dưới chế độ cộng sản, dù không bạo động, đốt phá, vẫn có thể bị bắt bớ, thủ tiêu hay lôi ra tòa án nhân dân để tròng lên cổ một bản án có sẵn, với những tội danh hiểm ác như “gián điệp”, “phản động”, “chống phá nhà nước cách mạng”, v.v. và v.v.

Trong “tọa kháng”, có chữ “kháng” nghĩa là chống lại (phản kháng). Phản kháng (protest) mạnh hơn biểu tình (demonstration). Ở đâu có áp bức, bất công thì có đối kháng, phản kháng. Phản kháng mà bị đè nén, đàn áp, sẽ dẫn tới nổi dậy hay “tổng nổi dậy” -- một nhóm chữ không chỉnh về cách cấu tạo (nửa nôm nửa hán), nhưng cũng diễn tả được tính cách toàn diện hay toàn quốc.

Một khi đã tổng nổi dậy thì hai bên, tức bên đàn áp và bên phản kháng, sẽ tận dụng các phương tiện bạo động, rồi thì quân đội chia đôi, một bộ phận ngoan ngoãn cúi đầu tuân lệnh nhà nước, đàn áp dân chúng, và một bộ phận khác, có khi đông gấp bội, bảo vệ dân chúng chống lại công an cảnh sát và cả những đồng ngũ của họ trước đây.

Khi quân đội tham gia, nội chiến sẽ diễn ra và thường thường, sau đó các chế độ bạo ngược cáo chung. Đó là diễn tiến bình thường đã xảy ra trong lịch sử của nhân loại, khi bị đàn áp hung bạo và tàn khốc, người lính sẽ can thiệp, vì “quân” từ “dân” mà ra.

Người lính, cho dù mặc trên người bất cứ sắc phục gì, dù cầm trên tay vũ khí gì, dù đã bị tôi luyện, nhồi nhét vào đầu cách gì, họ vẫn là một con người. Họ có ông bà, cha mẹ, chú bác cô dì, anh em bè bạn, xóm diềng. Họ không thể chĩa súng vào dân chúng, thản nhiên bóp cò như những người máy, hay như đám công an cảnh sát tôi đòi, ưng khuyển của chế độ…

Nhìn ra xứ người với những người trẻ, rất trẻ, đang tọa kháng cho tương lai của họ, rồi ngắm lại hoàn cảnh quê ta; ôn lại dòng lịch sử hào hùng của dân tộc từ thời Triệu Trưng cho tới cận đại, lòng tôi đau thắt và bâng khuâng. Đâu rồi những chàng trai (và cô gái) nước Việt có trái tim trong ngực và vũ khí trên tay!


No comments:

Post a Comment