Nguyễn Quang Duy-Gửi tới BBC từ Úc
Giữa trung tâm thương mại Hong Kong, một khẩu hiệu thật lớn đến năm thước mỗi bề được hằng trăm bạn trẻ giương cao "They can't kill us all" (Họ không thể giết hết chúng ta).
Các bạn trẻ cũng thường xuyên hô vang "Họ không thể giết hết chúng ta" để nói lên quyết tâm đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.
Hong Kong một lãnh thổ thuộc Anh Quốc từ năm 1842 đã chuyển giao cho Trung Quốc năm 1997 với quy định dân chúng Hong Kong được hưởng quy chế tự trị ít nhất 50 năm hay đến năm 2047.
Trong vòng 150 dưới sự quản lý của người ngọai quốc, người dân Hong Kong được cho là chỉ biết kiếm tiền, chỉ sống vì tiền và ở đây tiền là tất cả. Nay đã đổi khác.
Con ông cháu cha
Đầu năm 1989, khi đang học Cao Học tại Viện Đại Học Quốc Gia Úc (Australian National University), tôi có dịp đã tiếp xúc với những sinh viên từ Trung Quốc ra hải ngọai để vận động cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, sau đó tôi đã giúp họ rất nhiều trong việc tổ chức biểu tình và ngọai vận nên cũng rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu.
Những người đứng đầu vận động đều thuộc thành phần “con ông cháu cha cộng sản” nên rất tự tin sẽ không bị đảng Cộng sản “tắm máu”. Điều này tôi đã công khai không tin ngay khi họ đưa ra chương trình.
Sau này mới biết chính con của Đại Sứ Trung Quốc tại Úc lúc ấy đã bị chết (mà không lấy được xác) tại Thiên An Môn.
Họ có tổ chức, có sửa sọan, có các thành phần từ Bộ Chính Trị hỗ trợ, rất ôn hòa, bất bạo động, biết chinh phục binh lính Trung Quốc…, nhưng vì quá lý tưởng và quá chủ quan nên đã thất bại.
Thành phần lãnh đạo sinh viên có thể cũng đã đánh giá sai sự hỗ trợ của những quốc gia Tây Phương, nên không vận động đúng mức.
Cùng lắm khi quân đội nổ súng thì ông Thủ tướng Úc Bob Hawke lúc bấy giờ chỉ rơi vài giọt nước mắt (khóc) và loan báo Úc sẽ nhận các sinh viên đang học tại Úc và sinh viên đã biểu tình tại Thiên An Môn nếu họ muốn xin tị nạn.
Thời điểm đã khác, hòan cảnh đã khác, địa điểm cũng khác và nhất là những người lãnh đạo đã khác nên xin chia sẻ một số nhận xét trong cuộc vận động lần này.
Quyền lợi và quyền lực
Đầu tiên là giới trẻ Hong Kong có nhận thức về chính trị hiểu rõ quyền lợi và quyền lực của họ khi dấn thân đấu tranh.
Một sinh viên Hong Kong cho báo chí biết, cô và gia đình rất sợ bị bắn chết như đã xảy ra tại Thiên An Môn nhưng không phải vì sợ mà cô sẽ phải hy sinh quyền được ứng cử và bầu cử tự do.
Chính vì sự sợ hãi khi cảnh sát tấn công các bạn trẻ đã giương cao và thường xuyên hô vang khẩu hiệu "Họ không thể giết hết chúng ta". Đó là một cách để các bạn duy trì trật tự và quyết tâm đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.
Các bạn trẻ rành công nghệ thông tin và sử dụng thành thạo mạng xã hội như một phương tiện truyền thông chính yếu. Họ biết sử dụng các thiết bị mới nhất nên ngay cả việc cắt mạng hay cúp điện vẫn không bị ảnh hưởng.
Mỗi bạn trẻ đã trở thành một chiến sĩ thông tin cho nhau vì thế mặc dù bị tấn công họ đã chủ động được tình hình cho đến khi cảnh sát phải rút lui.
Mặc dù rất mệt mỏi có người cho biết đã ít ăn ít ngủ cả tuần nhưng tất cả luôn giữ trật tự hàng ngũ.
Dự tính trước cảnh sát sẽ xịt hơi cay và bắn lựu đạn cay các bạn đã sửa sọan áo mưa, đồ che mũi, khăn và nước. Khi cảnh sát bắn nước vào tất cả các bạn đã đồng lọat nằm xuống để tránh và lại ngồi dậy tiếp tục đấu tranh.
Các hình ảnh vừa đẹp vừa khí thế của các bạn đã được truyền đi tòan thế giới.
Thông tin cũng đã nhanh chóng tạo thành nhều cuộc biểu tình nhỏ ở các khu vực khác. Hằng ngàn người phong tỏa một con đường chính băng qua vịnh ở Mongkok, hằng ngàn người biểu tình ở Causeway buộc cảnh sát phải chia lực lượng và cuối cùng phải rút lui.
Về phía cảnh sát Hong Kong xem ra họ đã phải gượng gạo thi hành lệnh từ Bắc Kinh nhưng rất chuyên môn và không có những cảnh đánh người biểu tình như vẫn xảy ra ở Việt Nam và Trung Quốc.
Một đặc điểm khác với các cuộc biểu tình tại Việt Nam là thay vì tập trung vào buổi sáng, tại Hong Kong tập trung vào buổi chiều tối như vậy sẽ có thêm người tham dự sau giờ làm. Nhiều người tham dự biểu tình không khác gì đi thăm khu phố trung ương.
Các hình ảnh về cung cấp lương thực và thức uống cho thấy mặc dù tự phát đòan biểu tình đã sinh họat trong tổ chức và có phân công công việc một cách rõ ràng.
Một hình ảnh khác đáng học hỏi là những người biểu tình luôn thu dọn vệ sinh các khu vực biểu tình và đưa ra trước công chúng nhiều khẩu hiệu xin lỗi đã làm cản trở giao thông hay cản trở công việc giao dịch.
Dù kiên quyết đấu tranh các bạn trẻ không lạc quan quá mức để tin rằng sẽ làm thay đổi quyết định của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Nhưng không phải vì thế mà họ không dấn thân cho nền dân chủ thật sự tại Hong Kong.
Thế giới hướng về
Tại tiểu bang Victoria mấy hôm nay, hàng trăm sinh viên học sinh đã tụ tập trước Thư Viện thành phố Melbourne để tỏ lòng ủng hộ tinh thần đấu tranh của người dân Hong Kong.
Tại Úc châu, ông Võ Trí Dũng chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do tại Úc Châu cũng vừa đưa ra một Thông Báo Báo Chí:
“Thể chế cộng sản đã lấy đi tự do và dân chủ Việt Nam, vì thế chúng tôi rất đồng cảm với lập trường cương quyết của người Hong Kong. Người Hong Kong không thể cho phép nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh cướp đi quyền tự quyết của họ. Vì đó là khởi đầu để họ phải mất đi các quyền khác rồi mất đi tự do.”
Ông cho biết Cộng Đồng kêu gọi thế giới lên tiếng và đứng về phía của người dân Hồng Kông để tránh một cuộc đổ máu như đã xảy ra tại Thiên An Môn.
Ông kêu gọi người Việt ngày 1-10-2014 mặc áo vàng hay thắt nơ vàng để chứng tỏ sự đòan kết ủng hộ người dân và những người biểu tình tại Hong Kong.
Hai khẩu hiệu khác được sử dụng rộng rãi trong cuộc biểu tình là "Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc" (Down with the Chinese Communist Party) và "Chúng tôi muốn phổ thông đầu phiếu!" (We want universal suffrage).
Thứ tư 1-10-2014 đã có hàng vạn người đổ về khu trung tâm và nếu không đạt được đòi hỏi người dân Hồng Kong sẽ tiếp tục đấu tranh, nền dân chủ Hong Kong sẽ mãi gắn liền với nền dân chủ tòan thế giới.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy từ Canberra, Úc.
No comments:
Post a Comment