SÀI GÒN (NV) - Thực phẩm tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại nhưng việc kiểm nghiệm, kiểm soát lại rất hạn chế. Phải chăng đây là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư nhiều hiện nay?
Một cơ sở dùng thực phẩm ôi, thiu để tái chế rồi bán ra thị trường. (Hình: báo Thanh Niên)
Theo báo Thanh Niên, ngày 30 tháng 9, 2014, tại hội nghị chuyên đề “Vệ sinh an toàn thực phẩm trong tình hình hiện nay - Thực trạng và giải pháp,” người ta thấy hé mở nguyên nhân vì sao tại Việt Nam bệnh ung thư gia tăng không ngừng.
Tại hội nghị, bà Ðoàn Thị Thanh Xuân, chủ tịch Hội Cựu Thanh Niên Xung Phong Sài Gòn cho rằng, “An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề quan ngại nhất hiện nay của người dân. Bởi họ không biết dùng thực phẩm nào? Mua ở đâu cho an toàn? Người dân nghi ngờ do dùng nhiều thực phẩm bẩn chứa nhiều chất độc hại nên bệnh ung thư ngày càng lan rộng.”
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng Chi Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Sài Gòn thừa nhận: Lượng nông sản, thực phẩm đưa vào tiêu thụ ở thành phố Sài Gòn mỗi ngày chiếm 80%, nhưng chưa kiểm soát được nguồn gốc.
Hiện việc kiểm soát phần lớn là qua thử nghiệm nhanh, lấy mẫu tại 3 chợ đầu mối, nhưng số lượng mẫu lấy không nhiều, không mang tính đại diện. Bởi vậy, tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép, việc giết mổ gia súc gia cầm trái phép vẫn diễn ra. Gia súc gia cầm kém chất lượng vẫn tiếp tục đổ về Sài Gòn qua các cửa ngõ, các tỉnh lân cận, khó kiểm soát; tình trạng dùng nguyên liệu kém chất lượng trong chế biến suất ăn sẵn...
Giáo Sư Chu Phạm Ngọc Sơn, phó chủ tịch Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Sài Gòn, nhận xét, “Việc quản lý chất lượng thực phẩm vẫn còn lỏng lẻo. Các loại phụ gia thực phẩm, hóa chất, phụ gia công nghiệp...vẫn được mua bán tràn lan. Trong khi các phương tiện kiểm nghiệm hiện có chủ yếu dùng để kiểm tra các loại hóa chất cụ thể nghi ngờ nhắm đến, nên không nhận diện được các chất lạ, độc hại khác có trong thực phẩm.”
Ông Hòa đồng ý, “Lượng hóa chất, phụ gia hiện nay rất đa dạng, nên nhà nước không biết cơ sở sản xuất bỏ chất gì để tầm soát, mà chỉ đơn giản tầm soát những chất do Bộ Y Tế quy định. Do đó, công tác tầm soát chủ yếu dựa vào cảnh báo của nước ngoài.
Mặt khác, chờ cho đến khi phát hiện một chất lạ trong sản phẩm thì lúc đó nhà nước mới ban hành quy định kỹ thuật, xem có được sử dụng hay không. Chẳng hạn như vụ các chất tinopal, melamine, 3-MCPD...”
Ngoài ra, do chưa có hệ thống kho lạnh nên không có điều kiện lưu giữ các lô hàng khi thử nghiệm nhanh dương tính chất cấm để chờ kết quả định lượng. Ðiều này dẫn đến việc, khi có kết quả định lượng có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép thì lô hàng đó đã lưu thông ngoài thị trường.
Ông Sơn dẫn chứng số liệu ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam cứ tăng dần qua mỗi năm: Năm 2012 có 168 vụ, khiến 5,541 người bị ngộ độc, 34 người tử vong; năm 2013 có 5,348 người bị ngộ độc, 28 người tử vong trong 163 vụ; và 6 tháng đầu năm 2014 đã xảy ra 56 vụ khiến 1,874 người nhập viện, 16 người tử vong. (Tr.N)
10-01- 2014 2:05:58 PM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment