Wednesday, October 1, 2014

Mỗi người dân Việt Nam gánh thêm 83,77 USD nợ công

(Baodatviet) - Đến 9h30 sáng 1/10, nợ công Việt Nam tăng ở mức 84,32 tỷ USD, mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh 930,43 USD nợ công.

Như vậy, theo đồng hồ nợ công toàn cầu do Tạp chí The Economist công bố, đến thời điểm này nợ công của Việt Nam tăng 10,6%, chiếm 47,3% GDP. Điều này đồng nghĩa người dân Việt Nam sẽ phải gánh thêm 83,77 USD (khoảng 1,8 triệu)/người.
Cùng thời điểm này năm 2013, với tổng nợ công của Việt Nam ở mức 76,24 tỷ USD, nợ công lúc đó mà mỗi người dân Việt Nam phải gánh là 846,66 USD/người.
Chỉ tính từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2014, thống kê từ GDC cho thấy, nợ công Việt Nam đã tăng thêm tới 9,887 tỷ USD, tương đương trung bình gần 700 triệu USD/tháng, tăng thêm gần 100 USD/người.
Nợ công của Việt Nam tăng lên 930,43 USD
Nợ công của Việt Nam tăng lên 930,43 USD

Mới đây, ngày 10/4 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 477/QĐ-CP về kế hoạch vay, trả nợ công của Chính phủ năm 2014.
Trong đó, kế hoạch nợ là 208.833 tỷ đồng; kế hoạch vay gồm vay trong nước 367.000 tỷ đồng và kế hoạch rút vốn vay nước ngoài là 4.520 triệu USD (tương đương 95.800 tỷ đồng).
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Việt Nam nợ công bao nhiêu đều được công khai, song con số đã thực sự chuẩn chưa thì lại là chuyện khác.
Theo TS Vũ Quang Việt, cách tính đúng của nợ công phải bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ (cả trung ương, địa phương và DNNN); nợ để chi và nợ bảo lãnh; nợ ngân hàng, nợ qua phát hành giấy nợ như trái phiếu…
TS Vũ Quang Việt cũng lưu ý nợ trong nước và ngoài nước của doanh nghiệp nhà nước đã lên đến 50,1% GDP, số nợ này được Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì phải cộng vào số nợ quốc gia.
Nếu như vậy thì nợ quốc gia đã lên đến 106% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 65% GDP được Ngân hàng Thế Giới khuyến nghị.
Nếu tính theo số liệu cộng dồn của TS. Vũ Quang Việt, thì bình quân mỗi người Việt phải gánh khoảng 1,5 nghìn USD nợ công.

TS Phạm Thế Anh - trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết, hiện nay nợ công đã lên đến khoảng 90 tỉ USD. Quốc hội cũng đã đặt ra “ngưỡng an toàn” hay “giới hạn đỏ” về nợ công (65% GDP), tuy nhiên với việc thâm hụt ngân sách và đầu tư như hiện nay, chúng ta sớm muộn gì cũng sẽ tiến tới “giới hạn đỏ”. Đó là chưa kể nếu gộp cả nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì chúng ta đã vượt “giới hạn đỏ”.
TS Phạm Thế Anh tính toán, với 45 tỉ USD Việt Nam vay trong nước với lãi suất trung bình 10%/năm thì mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra khoảng 4-5 tỉ USD trả lãi. Khoảng 45 tỉ USD vay nước ngoài, lãi suất trung bình 2,5%/năm thì mỗi năm cần trên 1 tỉ USD nữa trả lãi. Như vậy, chưa tính trả gốc, riêng tiền trả lãi trung bình đã cần khoảng 6 tỉ USD/năm.
Trong một diễn biến mới nhất, thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều qua (30/9), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá lại tình hình nợ công và một số tiêu chí khác trong lĩnh vực tài chính.
Theo đánh giá của thường trực Chính phủ, hiện nay cách nhìn nhận, tiếp cận nợ công chưa thống nhất. Do đó, Bộ chức năng phải tính toán thật sát, đúng, báo cáo đầy đủ trước Quốc hội.
Thứ Tư, 01/10/2014 14:43
An An

No comments:

Post a Comment