Người biểu tình cầm biểu ngữ 'Vì tôi yêu Hong Kong' trong cuộc biểu tình đòi dân chủ ngày 1/10/2014.
VOA-01.10.2014
Vào lúc Trung Quốc đánh dấu ngày Quốc Khánh hôm nay, một cuộc tụ tập chống đối của hàng ngàn người ở Hong Kong đòi cải cách bầu cử sâu rộng hơn cho thành phố cảng này đã phủ một bóng mờ lên các buổi lễ của Bắc Kinh.
Tại buổi thượng kỳ để đánh dấu ngày lễ tại Hong Kong, người biểu tình đã la ó và giơ dấu hiệu trỏ ngón tay xuống khi các máy bay trực thăng bay trên bầu trời. Cũng có những tiếng hô đòi nhà lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh đang dự lễ từ chức.
Không can dự vào lúc này
Ngay lúc này, Trung Quốc chủ yếu giữ thái độ không can thiệp vào các cuộc biểu tình mà ở lục địa là điều không thể nghĩ tới. Nhưng trong khi các cuộc biểu tình kéo dài, thì có nhiều phần chắc chúng sẽ trở thành một thách thức lớn hơn nữa cho Bắc Kinh, khiến giới hữu trách không còn mấy chọn lựa để đáp lại.
Nhiều quan ngại các giới chức Hong Kong có thể quay ra nhờ Bắc Kinh hỗ trợ để ngăn chặn các cuộc biểu tình.
Một số đã nêu ra quan ngại rằng các giới chức Hong Kong có thể quay ra nhờ Bắc Kinh hỗ trợ để ngăn chặn các cuộc biểu tình, và có khả năng sử dụng vũ lực. Trong khi những mối lo ngại về một cuộc trấn áp giống như Thiên An Môn đang được lan truyền, báo Global Times của đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách dập tắt những mối lo ngại về cách đáp ứng mạnh tay có thể có ấy.
Trong một bài xã luận tuần này tập trung vào cách thức các nhà hoạt động cấp tiên đang đe doạ đến hình ảnh và nền kinh tế của Hong Kong, báo này lập luận rằng Trung Quốc không còn là một nước giống như cách đây 25 năm nữa khi xảy ra vụ Thiên An Môn.
Bài xã luận nói Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc xử lý bất ổn xã hội và đã học được các bài học từ những nước khác.
Ông Bill Bishop, một chuyên gia phân tích về Trung Quốc và là nhà xuất bản Tin thư Sinocism China rất có ảnh hưởng, nói rằng vẫn còn quá sớm để nói Bắc Kinh sẽ đáp lại ra sao.
Ông Bishop chuyển tin nhắn qua Twitter hôm thứ tư rằng trong khi ông cảm thấy có phần chắc sẽ không tái diễn các sự kiện của năm 1989, bác bỏ khả năng ấy sẽ là một sự sai lầm.
Một quốc gia, hai chế độ
Những chiếc dù được dùng để chặn hơi cay của cảnh sát giờ đây phần lớn là dùng để che nắng, che mưa và như một biểu tượng của cuộc phản kháng đòi dân chủ.
Khi Anh Quốc bàn giao Hong Kong từ chế độ thuộc địa vào năm 1997, một hình thức chính quyền gọi là “một quốc gia, hai chế độ” đã được thiết lập để bảo đảm những quyền tự do cơ bản được tôn trọng.
Các cuộc tụ tập công cộng rất thường xảy ra tại thành phố cảng này, nhưng các cuộc biểu tình mà Hong Kong đang trải qua hiện nay là lớn nhất và mang tính đối đầu nhất kể từ khi được giao hoàn cho Trung Quốc và được tạo dựng thành một khu vực hành chính đặc biệt.
Trung Quốc đè nén mọi mưu toan thách thức thẩm quyền của mình, nhưng một lý do họ có thể giữ thái độ không can thiệp ngay bây giờ, theo nhận xét của các chuyên gia, là vì các yêu sách cơ bản của người biểu tình là đòi phổ thông đầu phiếu, chứ không phải là mưu toan thách thức hình thức chế độ đã sẵn có ở Hong Kong.
Ông Tô Hạo, một giáo sư trường Ngoại giao Bắc Kinh nói đó là vì mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc chứng tỏ một mức độ tự chế và không can thiệp.
Ông Tô nói: “Sẽ là điều bất xứng nếu chính quyền trung ương can thiệp trực tiếp, bởi vì dù gì, đó cũng là nội bộ của Hong Kong.”
Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh đến sự tin tưởng trong tuần này vào chính quyền ở Hong Kong và khả năng xử lý các vụ biểu tình. Nhưng, các nài tường thuật về đề tài này ở Trung Quốc tập trung vào lý do vì sao người biểu tình đưa ra các yêu sách ít hơn so với cách thức các hoạt động của họ là bất hợp pháp và đe doạ đến sự ổn định kinh tế và xã hội của Hong Kong.
Đe dọa ổn định kinh tế
Người biểu tình chặn con đường chính tại khu mua sắm Causeway Bay ở Hồng Kông.
Trung tâm tài chính của Châu Á lâu nay vẫn nổi tiếng là nơi đặt thương mại và kinh doanh lên trước chính trị, nhưng trong những năm gần đây, những mối lo ngại đã gia tăng, nhất là trong giới thế hệ trẻ hơn, về công ăn việc làm trả lương thấp và một luồng liên tục người từ Hoa lục đổ vào cạnh tranh về cơ hội.
Trong lúc này, có ít dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình châm ngòi cho những lời kêu gọi thay đổi chính trị ở Hoa lục.
Trung Quốc đã ngăn chặn việc thảo luận trên mạng về các cuộc biểu tình và những lời bình duy nhất được phép đăng tải là những lời lên tiếng ủng hộ lập trường của chính phủ và chỉ trích người biểu tình.
Tổ chức Ân xá Quốc tế tranh đấu cho nhân quyền cho biết có ít nhất 20 người đã bị bắt giữ trong 2 ngày vừa qua vì đã đăng các hình ảnh trên mạng kèm theo tin nhắn ủng hộ người biểu tình. Trong một thông cáo công bố hôm thứ tư, Ân xá Quốc tế kêu gọi phóng thích họ ngay tức thời và vô điều kiện. Tổ chức cũng nêu ra rằng có 60 người đã bị chính quyền triệu tập để thẩm vấn.
Chưa rõ của các cuộc biểu tình có thể tác động ra sao đến nền kinh tế Hong Kong. Và mặc dù một số người ở Trung Quốc đã dự đoán những thiệt hại to lớn do các cuộc biểu tình, nền kinh tế ở Hong Kong giống như phần còn lại ở Châu Á, vốn đã chật vật phải đối phó với tác động của nền kinh tế chậm lại của Trung Quốc.
Xem trực tiếp biểu tình ở Hong Kong:
No comments:
Post a Comment