Sunday, October 12, 2014

Tài liệu mới giải mật: Máy bay Mỹ gia tăng do thám TQ

LÊ LINH - Thứ Hai, ngày 13/10/2014 - 04:00
(PL)- Mỹ sử dụng máy bay RC-135U Combat Sent để do thám Trung Quốc.
Máy bay Mỹ do thám Trung Quốc với tần suất dày đặc. Tạp chí The Week của Anh ngày 9-10 (giờ địa phương) đã kết luận như trên sau khi nghiên cứu tài liệu mới giải mật của Bộ Tư lệnh không quân Mỹ.
Tài liệu giải mật nói về hoạt động của máy bay do thám có người lái cỡ lớn của Mỹ trong năm 2010.
Theo tài liệu, trong năm 2010, Mỹ đã sử dụng:
- 33 máy bay U-2 Dragon Lady làm nhiệm vụ do thám có trang bị máy ghi hình.
- 17 máy bay trinh sát RC-135V/W Rivet Joint chuyên nghe lén sóng vô tuyến.
- Hai máy bay trinh sát điện tử RC-135U Combat Sent chuyên giám sát radar.
- Ba máy bay trinh sát điện tử RC-135S Cobra Ball chuyên giám sát tên lửa đạn đạo.
Trong số đó Mỹ sử dụng máy bay RC-135U Combat Sent nhiều nhất để do thám Trung Quốc. Máy bay do hãng Boeing (Mỹ) sản xuất có trang bị các bộ cảm ứng đặc biệt.
Máy bay trinh sát RC-135U Combat Sent của Mỹ. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Theo không quân Mỹ, máy bay này làm nhiệm vụ cung cấp thông tin trinh sát điện tử cho tổng thống, bộ trưởng quốc phòng cùng các tư lệnh.
Với khả năng thu tín hiệu radar không quân, hải quân và bộ binh đối phương, máy bay sẽ kiểm tra dữ liệu và cung cấp các phân tích chiến lược cho quân đội Mỹ.
Theo tài liệu giải mật, từ tháng 6 đến tháng 9-2010, không quân Mỹ đã điều động các máy bay RC-135U Combat Sent đến Thái Bình Dương.
Tài liệu không nêu rõ máy bay trú đóng ở đâu nhưng có thể Mỹ điều động máy bay đến căn cứ không quân Kadena (Nhật) hoặc căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
Mỹ cũng sử dụng khá nhiều máy bay RC-135S Cobra Ball (do hãng Boeing sản xuất). Máy bay làm nhiệm vụ giám sát các tín hiệu và đường đi của tên lửa đạn đạo.
Theo tài liệu giải mật, từ ngày 23-6 đến 16-7-2010, máy bay này được triển khai đến căn cứ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương để giám sát các vụ phóng thử tên lửa của Trung Quốc.
Trung Quốc đã bố trí hàng ngàn tên lửa để uy hiếp lãnh thổ Đài Loan và sẵn sàng ngăn chặn tàu hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương cũng như đe dọa các căn cứ không quân Mỹ trong khu vực.
Sau chuyến công tác trên đảo Diego Garcia, các máy bay được điều về căn cứ Kadena trong hai đợt để giám sát Trung Quốc phóng thử tên lửa. Hai đợt kéo dài từ ngày 2 đến 7-11 và từ ngày 27-11 đến 29-12-2010.
Từ tháng 4 đến tháng 10-2010, không quân Mỹ cũng đã triển khai liên tiếp bốn đợt máy bay RC-135V/W Rivet Joint (hãng Boeing sản xuất) đến căn cứ Kadena để do thám Trung Quốc. Máy bay này chuyên nghe lén sóng vô tuyến.
Ngoài ra, tài liệu giải mật còn cho biết trong năm 2010, ba máy bay do thám U-2 Dragon Lady đã được bố trí thường trực ở Hàn Quốc để do thám CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7, một máy bay đã được điều sang căn cứ Kadena để do thám Trung Quốc.
Máy bay do hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, có tầm bay cao và xa hơn so với nhiều loại máy bay do thám có người lái. Máy bay sử dụng máy ghi hình rất lớn để chụp ảnh căn cứ quân sự như cách vệ tinh chụp ảnh Trái đất.
Trung Quốc đang xây dựng nhiều hệ thống radar mới nhưng chỉ với một máy bay RC-135U Combat Sent, Mỹ vẫn có thể nhận diện vị trí radar đồng thời chỉ ra cách né tránh, gây nhiễu hoặc tiêu diệt. Mỹ sử dụng căn cứ Kadena vì căn cứ này gần Trung Quốc và có khả năng cao là căn cứ tình báo, còn căn cứ Andersen chủ yếu dành cho máy bay ném bom.
34 phi vụ do thám đã được các máy bay RC-135U Combat Sent của không quân Mỹ tiến hành từ tháng 6 đến tháng 9-2010, chủ yếu do thám Trung Quốc. Trong số đó có 18 chuyến bay trên biển Hoa Đông, bảy chuyến bay trên biển Nhật và ba chuyến bay trên biển Đông.

LÊ LINH

No comments:

Post a Comment