Sunday, October 12, 2014

CSVN chỉ vung tiền đầu tư, không giám sát

HÀ NỘI 12-10 (NV) - Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội, trong số từ 34,000 đến 36,000 dự án đang được thực hiện bằng ngân sách, chỉ có khoảng 60% thực hiện “báo cáo giám sát.”


Hai ngày sau khi khánh thành, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, dự án ngốn gần 1.5 tỉ Mỹ kim bắt đầu nứt. Chỉ sau một tuần, xuất hiện đến 9 đoạn bị lún trên cao tốc này. (Hình: Báo GTVT)

Tại hội thảo về việc xây dựng định hướng nhằm giám sát và đánh giá về đầu tư công cho giai đoạn từ 2015 đến 2020, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư CSVN, nhận định, bởi giám sát lỏng lẻo nên đầu tư công trong thời gian vừa qua không hiệu quả

Theo một số chuyên gia, các “báo cáo giám sát” mà Bộ Kế hoạch – Đầu tư của chế độ đã nhận cũng chưa ổn. Những qui định hiện hành giao việc giám sát cho chính chủ đầu tư. Bộ Kế hoạch - Đầu tư chỉ đảm nhận vai trò “tổng hợp các báo cáo giám sát” mà chủ đầu tư muốn thì gửi, không gửi cũng chẳng sao.

Thành ra hoạt động giám sát các dự án đầu tư bằng ngân sách dù có cũng không có hiệu quả vì thiếu hai yếu tố quan trọng là tính độc lập và sự chuyên nghiệp. Việc cho phép chủ đầu tư tự thực hiện “báo cáo giám sát” thì báo cáo đó thiếu tính độc lập và vì vậy, không bảo đảm sự khách quan và trung thực.

Dẫu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp của chế độ có quyền giám sát đầu tư công song trước nay, những cơ quan dân cử tại Việt Nam chỉ thực hiện vai trò này theo kiểu hành chính vì thiếu cả chuyên môn sâu lẫn kỹ năng giám sát chuyên nghiệp. Không thể nào phát giác dự án có được thực hiện đúng yêu cầu và tương xứng với vốn đầu tư hay không.

Các qui định hiện hành tại Việt Nam còn đề cập đến vai trò giám sát của “nhân dân” nhưng một số chuyên gia cho rằng, “nhân dân giám sát” chỉ là khẩu hiệu, bởi không có cơ chế để dân chúng thực hiện vai trò này.

Bởi chỉ vung tiền đầu tư chứ không muốn giám sát, tại Việt Nam, lãng phí trong đầu tư công vượt ngoài sự tưởng tượng của nhiều người.  

Cuối năm ngoái, chế độ Hà Nội công bố một thống kê về việc sử dụng ngân sách để đầu tư vào các “dự án trọng điểm”. Theo đó, chỉ trong vòng mười năm, Việt Nam đổ tiền xây 20 cảng biển quốc tế, 22 phi trường (có 8 là phi trường quốc tế), 267 khu công nghiệp (trung bình một tỉnh có 4 khu công nghiệp), 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1,757 dự án trong các lãnh vực giao thông, thủy lợi và di dân.

Tổng vốn đầu tư cho tất cả các “dự án trọng điểm” ấy ngốn hết khoảng 444 ngàn tỉ đồng và gần như toàn bộ các “dự án trọng điểm” đều bỏ hoang sau khi hoàn tất.

Hồi tháng 4 vừa qua, tại một cuộc thảo luận về việc sửa luật xây dựng hiện hành, Bộ trưởng Xây dựng CSVN thừa nhận, lãng phí đã trở thành phổ biến ngay từ định hướng xây dựng đến thực hiện dự án, có khi lên tới 100% giá trị công trình. Lãng phí là nguyên nhân khiến ngân sách bội chi và nợ nần của Việt Nam gia tăng.

Tại Việt Nam, năm nào chi tiêu cho đầu tư công cũng tăng so với dự tính  nhưng hiệu quả thì chẳng ra gì. Nhiều cựu viên chức và viên chức công khai thú nhận, đó là căn bệnh trầm kha trong quản trị, điều hành của nhà cầm quyền CSVN.

Vay mượn quá nhiều và dồn vốn vào những dự án vô bổ đã dẫn tới lạm phát. Lạm phát khiến chính quyền Việt Nam quyết định “thắt chặt chi tiêu” và điều đó làm doanh nghiệp phá sản hàng loạt, đẩy kinh tế Việt Nam đến chỗ lụn bại, ngân sách chẳng còn bao nhiêu nguồn để thu vào.

Bới liên tục bội chi trong khi ngân sách thất thu nghiêm trọng, chế độ Hà Nội ngưng chi cho những công trình phúc lợi thiết yếu phục vụ dân sinh. Rất nhiều dự án xây dựng, sửa chữa trường học, bệnh viện đang bị bỏ dở hoặc không thực hiện vì không được cấp tiền. Đến nay, vẫn chỉ có dân chúng lãnh nhận toàn bộ hậu quả, chưa có bất kỳ viên chức nào bị truy cứu trách nhiệm. (G.Đ)
10-12-2014 11:47:28 AM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment