Ngoại Trưởng Henry Kissinger và Tổng Thống Gerald Ford.
Mặc dù cuốn phim được giới phê bình Mỹ đánh giá rất cao, 96% trên Rotten Tomatoes, tôi vẫn có chút ngại ngần không muốn rủ bọn trẻ đi xem, sợ chúng chán với cuốn phim tài liệu kể về những sự kiện xảy ra lúc chúng chưa sinh ra đời. Tôi cũng không muốn chúng phải kinh nghiệm những khổ đau thế hệ trước đã trải qua dù là gián tiếp. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn tha thiết muốn cho chúng hiểu được tại sao cha ông chúng đã có mặt trên đất nước Hoa Kỳ này và tại sao thế hệ tôi vẫn còn khắc khoải và lo nghĩ về những gì đang xảy ra nơi cố quốc.
Trong hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, cuốn phim kể lại những nỗ lực tuyệt vọng và bi tráng của thủy quân lục chiến và nhân viên Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ nhằm di tản những công dân Việt Nam Cộng Hòa có khả năng bị trả thù khi quân đội Bắc Việt chiếm lấy miền Nam.
Cảnh tượng cả Mỹ lẫn Việt hốt hoảng chen lấn tìm đường di tản trước cuộc tiến quân của Bắc Việt trong những ngày cùng tháng tận của miền Nam đã làm người xem phim như sống lại những ngày tháng bi thảm đó, đau đớn như một lần nữa mất nước.
Ðạo diễn Rory Kennedy đã cố gắng xây dựng một đánh giá khá quân bình về trách nhiệm và đặc biệt là tư cách của những người Mỹ và Việt, ở cả vai trò quyết định hay nạn nhân của cuộc chiến. Tổng Thống Nixon cam kết sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công vi phạm hiệp định hòa bình nào của Cộng Sản Bắc Việt và bảo đảm tiếp tục chi viện cho Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ chế độ dân chủ của miền Nam. Nhưng những lời hứa trên văn bản này cũng chỉ là giấy lộn khi chế độ dân chủ tại Hoa Kỳ không chấp nhận một tổng thống như Nixon lạm quyền đi nghe lén đối thủ chính trị của mình.
Cảnh di tản tại Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Sài Gòn.
Ðại Sứ Martin cứng đầu không chịu chuẩn bị kế hoạch di tản vì mãi hy vọng về một giải pháp chính trị cho miền Nam và cũng không muốn thông tin về di tản sẽ làm dân miền Nam hoảng loạn. Nhưng trong vài ngày cuối, ông Martin lại ra lệnh cho thủy quân lục chiến Mỹ cho phép mỗi chuyến bay rời tòa đại sứ ra Hạm Ðội 7 chỉ được chở một số ít nhân viên Mỹ còn lại là người Việt Nam để di tản được càng nhiều người Việt càng tốt. Chính ông Martin đã chỉ lên chuyến trực thăng kế cuối rời tòa đại sứ khi biết rằng đã tận lực, không thể làm gì hơn cho số người Việt còn kẹt lại.
Tổng Thống Henry Ford cũng đã không quay lưng lại với Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn khi vào ngày 10 tháng 4, 1975 đã đọc diễn văn trước Quốc Hội Mỹ về tình hình Việt Nam và yêu cầu Quốc Hội chấp thuận một ngân khoản 722 triệu đô la để viện trợ khẩn cấp cho miền Nam Việt Nam. Và Quốc Hội Mỹ, mà nhiều người Việt Nam tỵ nạn sau này đã đổ lỗi cho Ðảng Dân Chủ lúc đó đang chiếm đa số, đã không đồng ý cấp viện trợ theo yêu cầu của Ford. Không phải vì họ thiên tả hay chủ hòa nhưng vì cả nước Mỹ đã quá mỏi mệt với cuộc chiến; họ không tin vài trăm triệu đô có thể thay đổi tình thế khi trong hơn 15 năm Mỹ đã đổ hàng tỷ đô la và 58 nghìn mạng sống con dân của họ mà vẫn không đạt được kết quả.
Cuốn phim cũng phần nào giải thích vì sao dân miền Nam lại hoảng loạn chạy trốn Cộng Sản. Chỉ trong 15 phút đầu, cuốn phim đã kể lại vắn tắt vụ thảm sát tại Huế trong Tết Mậu Thân, khi hàng ngàn người dân cố đô vô tội bị trói tay từng chùm và dẫn đi mất tích, và sau đó là cảnh những thân nhân vật vã than khóc trước những nấm mồ tập thể và những thi hài bó trong mảnh poncho. Nỗi ghê sợ của vụ thảm sát Mậu Thân và sau này là biến cố trên “đại lộ kinh hoàng” vào mùa Hè 1972 đã khiến người dân miền Nam bất chấp mọi giá phải bỏ chạy càng xa Cộng Sản càng tốt. Nỗi ám ảnh đó đã khiến người chạy loạn trao cho người thân hay thậm chí người lạ những đứa con còn nhỏ của mình để mong chúng được đem đến vùng đất an toàn và tự do mà bố mẹ chúng đã chọn để sống.
Sự hy sinh trong chia ly đó đã bắt đầu từ 1954, đến 1972, 1975, cho đến suốt thập niên 80, người Việt vẫn tiếp tục ra đi, dấn thân vào mọi hiểm nguy chết chóc băng rừng vượt biển để tìm đến những đất nước mà họ tin có thể tiếp tục được sống trong tự do và nhân phẩm.
Khi ra khỏi rạp, cô cháu hỏi tôi, “Trong những giờ phút cuối cùng ấy, người ta chen chúc nhau để được ra đi, thì ông ngoại ở đâu?”
Tôi nói cho cháu rõ vào những “last days” ấy tôi phải ở lại với đơn vị cùng với những người lính của tôi. Không phải ai cũng có cơ hội ra đi, và đi được. Cũng như số phận một sĩ quan trong quân đội VNCH trong phim là Trung Úy Phạm Hữu Ðàm bị kẹt lại phải đi “học tập cải tạo“13 năm trong nhà tù Cộng Sản, tôi cũng ở lại với 7 năm tù từ Nam ra Bắc. Còn đứa cháu trai nhỏ nhất thì ôm tôi và nói, “Con cám ơn ông ngoại!”Tôi không hỏi xem cháu nó cám ơn tôi về điều chi! Nhưng tôi cám ơn chúng đã “chịu khó” nghe tôi bỏ cả buổi tối đi xem cuốn phim này.
Bích chương “Last Days in Vietnam.”
Ðể biết thế hệ cháu tôi nghĩ gì về những gì đã xảy ra cho thế hệ cha ông của chúng sau khi xem phim, tôi có một yêu cầu là tất cả đều phải viết cho tôi một vài dòng cảm tưởng. Dưới đây là “bài thu hoạch”(!) của chúng, lẽ cố nhiên bằng Anh ngữ, xin tạm dịch:
“Thật là một kinh nghiệm không tưởng tượng được khi ngồi và xem bộ phim này trong một rạp hát với các cá nhân và cựu quân nhân đã có mặt tại miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó. Khi xem phim, tôi gần như có thể cảm thấy sự hoảng sợ mà tất cả người miền Nam đã trải qua khi họ cố gắng một cách tuyệt vọng để chạy trốn khi quân Bắc Việt đang tiến dần vào thành phố. Cuốn phim tài liệu này đã thực sự mở mắt cho tôi, một người Mỹ gốc Việt, để thấy rằng một sự kiện bi thảm như vậy đã xảy ra và để biết dù muốn hay không gia đình tôi đã phải sống qua tấn bi kịch này.” (HDP, 25 tuổi, 24 năm ở Mỹ)
“Cuốn phim ‘Những Ngày Cuối ở Việt Nam’ đã cho tôi biết về những ngày cuối cùng của cuộc chiến đã xảy ra như thế nào cho những người liên quan. Trước khi xem phim, tôi thực sự không biết những gì đã xảy ra trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến, nhưng bây giờ, tôi cảm thấy như tôi hiểu nó rõ ràng hơn. Ðiều khiến tôi cảm động là xúc cảm mạnh mẽ của ông tôi đối với những cảnh miêu tả trong phim. Việc ông tôi khóc khi xem cảnh hạ cờ Việt Nam trên những chiếc tàu hải quân Việt Nam tại vịnh Subic, cùng với cảnh mọi người hát quốc ca miền Nam Việt Nam đã giúp tôi hiểu sự quan trọng của cuộc chiến đối với những người liên quan. Thay vì chỉ là một phần của lịch sử mà tôi đã đọc trong các cuốn sách giáo khoa, cuộc chiến vẫn còn rất mới để còn có những ảnh hưởng đến ngày hôm nay. Tôi đã học được rằng ngay cả bây giờ, những ảnh hưởng của chiến tranh vẫn còn tồn tại và tác động đến cộng đồng Việt Nam, điều mà tôi đã không thực sự chú ý đến trước khi xem cuốn phim này.” (LKN, 19 tuổi, sinh ở Mỹ)
“Trước khi xem phim, tôi không biết thời điểm của những biến cố dẫn đến việc Việt Nam trở thành một quốc gia Cộng Sản. Tôi lớn lên chỉ biết rằng Ðảng Cộng Sản nắm quyền vào tháng 9 năm 1975; họ đã phá vỡ hiệp định hòa bình giữa miền Bắc và miền Nam, và miền Nam đã thua trận. Cuốn phim tài liệu rất có giá trị thông tin. Tôi đã biết được những thông tin mà trước đây tôi không thể tưởng tượng đã có ảnh hưởng đến cuộc chiến như thế nào, chẳng hạn như việc Cộng Sản đã thấy một cơ hội xuất hiện khi Nixon từ chức tổng thống! Bộ phim đã đào sâu các chi tiết như vậy, nhưng nó vẫn rất dễ hiểu. Tôi thậm chí đã khóc khi xem đoạn thuyền trưởng của một tàu hải quân Việt Nam đã phải hạ lá cờ quốc gia thua cuộc của mình để Cộng Sản khỏi nhìn thấy.” (HCP, 15 tuổi, sinh ở Mỹ)
Ðọc những dòng cảm tưởng của ba đứa cháu, tôi lấy lại niềm tin vào thế hệ trẻ lớn lên sau cuộc chiến và ở nước ngoài; chúng vẫn đủ tri thức và tấm lòng để hiểu những gì xảy ra cho quê hương và ông bà cha mẹ của chúng 40 năm trước. Có những điều tuổi trẻ cần quên, như lòng căm thù hay sự phản bội. Nhưng có những điều tuổi trẻ cần nhớ, như lý do chúng có mặt trên đất Mỹ này và nỗi khổ đau dân tộc của chúng vẫn đang gánh chịu trên quê hương Việt Nam. Tôi đã không đủ sức để kể một phần đời của mình cho chúng, thì thôi mượn cuốn phim của người để nói hộ những điều mình muốn nói với thế hệ mai sau.
Có những điều không nhớ thì sẽ không “lớn nổi thành người”...Việt Nam.
10-12- 2014 4:39:33 PM
Tạp ghi Huy Phương
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment