Thursday, October 30, 2014

Nguy cơ giảm phát

043_dpa-pa_50168286.jpg
Ảnh minh họa nền kinh tế Liên minh châu Âu. AFP photo
RFA 29.10.2014
Không chỉ tại Nhật Bản và Âu Châu, nhiều khối kinh tế trên thế giới đang bắt đầu nói đến một nguy cơ khác, là nạn giảm phát, một hiện tượng trái ngược với lạm phát với ảnh hưởng tệ hại không kém.
Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về hiện tượng đó qua những phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Từ vài tuần nay, dường như giới quan sát kinh tế bỡ ngỡ vì cùng lúc lại xảy ra nhiều hiện tượng trái ngược mà thính giả của chúng ta cần được giải thích. Thưa ông, trước hết là việc dầu thô sụt giá mạnh trên thế giới, trong vài tuần đã giảm khoảng 30 đô la một thùng. Khi năng lượng hạ giá thì phí tổn sản xuất cũng giảm nên có thể là điều tốt cho giới tiêu thụ vì họ thừa tiền mua cái khác và giúp cho sản xuất kinh tế. Nhưng không chỉ có dầu thô sụt giá mà nhiều mặt hàng khác cũng thế nên người ta bắt đầu nói đến một mối nguy khác, đó là nạn thiểu phát hay giảm phát, là điều đã xảy ra cho kinh tế Nhật Bản và đang xảy ra tại nhiều nước Âu Châu. Vì vậy, kỳ này xin đề nghị ông giải thích cho hiện tượng đó là gì.
Về định nghĩa, "giảm phát" hay "deflation" là khi hàng hóa giảm giá mà vẫn bán không chạy và là biểu hiện của nạn suy thoái kinh tế với tình trạng thất nghiệp cao và doanh nghiệp phá sản.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, ta nên chú ý tới định nghĩa, xem một hiện tượng nào đó là cái gì và trong phạm vi đó thì còn phải nhớ rằng ngôn từ của chúng ta có giới hạn nên thường xuyên phải tìm ra những từ mới, trước đây chưa hoặc là ít dùng. Tôi xin đề nghị vài định nghĩa như sau:
Trong một giai đoạn khá lâu tới mấy chục năm, ta nghe nói đến "lạm phát" là khi vật giá gia tăng vì có quá nhiều tiền để mua quá ít hàng. Tại Việt Nam, giới lãnh đạo kinh tế thời đó không có kiến thức tối thiểu về kinh tế học nên lý luận rằng "lạm phát là hiện tượng đặc thù của tư bản chủ nghĩa" chứ kinh tế xã hội chủ nghĩa không bị lạm phát. Sự hiểu lầm này vẫn chưa chấm dứt cho đến khi Việt Nam bị khủng hoảng vì lạm phát tới 700% sau những sai lầm về chính sách "giá lương tiền" vào các năm 1986-1987. Hai chục năm sau, Việt Nam lại có lần bị lạm phát nữa khi vật giá gia tăng quá 20% vào năm 2008 vì sai lầm trong quản lý vĩ mô. Nói chung, nỗi e sợ về nạn lạm phát là hiện tượng phổ biến đã từng làm nhiều chế độ sụp đổ khiến người ta quên mất một hiện tượng trái ngược. Đó là "giảm phát", một mối nguy cũng đã từng xảy ra.
Về định nghĩa, "giảm phát" hay "deflation" là khi hàng hóa giảm giá mà vẫn bán không chạy và là biểu hiện của nạn suy thoái kinh tế với tình trạng thất nghiệp cao và doanh nghiệp phá sản.
Vũ Hoàng: Thưa ông, ở trong nước, nhiều người cũng dùng chữ "thiểu phát" thì đấy có là cùng một hiện tượng không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng ngôn ngữ chỉ là quy ước, và mỗi khi gặp một hiện tượng gì mới trên thế giới được các nước khác đặt tên rồi thì ta mới tìm cách phiên dịch sao cho đúng và dễ hiểu rồi từ đó sẽ được chấp nhận. Tôi cứ hay nói đùa rằng đó là "có mặt thì đặt tên".
Chữ "inflation" thì ai cũng đã quen dịch thành "lạm phát". Nhưng khi vật giá tăng chậm hơn thì ta có thể gọi là "dis-inflation", hoặc như tờ The Economist của Anh vừa bày ra một từ mới vào tuần qua là "lowflation". Nội dung có nghĩa là giá cả có tăng mà tăng chậm hơn tiêu chí hay dự báo. Gặp trường hợp đó, tôi nghĩ là chữ "thiểu phát" có thể là một từ thích hợp với hàm ý "thiểu" là ít hơn. Nhưng khi giá cả không tăng, dù là nhanh hay chậm hơn trước, mà lại giảm tức là bị hiện tượng "deflation", thì nên dùng từ "giảm phát" mà ta đã có từ trước 1975, và chính xác hơn.
Vũ Hoàng: Với quy ước này rồi thì ta qua phần nội dung để tìm hiểu vì sao lại có rủi ro giảm phát như giới phân tích kinh tế đang báo động. Ông giải thích thế nào về hiện tượng đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vừa rồi, ông nhắc đến giá dầu thô đã sụt mạnh. Tôi xin mở ra nhiều mặt hàng khác gọi chung là "thương phẩm" hay "commodity" mà Việt Nam cứ mơ hồ dịch sai thành "hàng hóa". "Commodity" là các loại nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất như xăng dầu, kim loại như đồng thau, quặng sắt, nông sản như ngũ cốc, đậu tương, nước cam, v.v... được thị trường buôn bán với nhau dưới dạng rời hay để xá. Thề rồi, ngoài dầu thô, người ta còn nghiệm thấy hiện tượng chung là từ ít lâu nay các thương phẩm trên thế giới đều sụt giá mạnh.
Chúng ta thấy ra hiện tượng "vòng luẩn quẩn" theo thế biện chứng hay "tương hằng", là tự nuôi nhau trong một vòng xoáy đi xuống, ngày một nhanh và một sâu hơn.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Lý do là số cung thì vẫn tăng mà số cầu lại giảm. Số cầu sở dĩ giảm vì kinh tế nhiều nơi trì trệ, đầu tư không tăng, tiểu biểu là trường hợp kinh tế Trung Quốc, một xứ đói ăn và khát dầu và thèm nguyên liệu mà nay bị tồn kho ế ẩm. Từ nhiều năm qua, diễn đàn này của chúng ta có cảnh báo hiện tượng thương phẩm sụt giá vì Trung Quốc làm các nước xuất khẩu nguyên nhiên vật liệu như Úc hay Brazil đều bị thiệt hại. Điển hình là giá quặng sắt sụt rất mạnh, có khi chỉ còn 50 đô la một tấn, việc ấy khiến ta nhớ đến hai tai họa song hành của dự án bô xít tại Tây nguyên!
Vòng luẩn quẩn
Vũ Hoàng: Thưa ông, vì sao vật giá đã sụt mà vẫn bán không chạy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta thấy ra hiện tượng "vòng luẩn quẩn" theo thế biện chứng hay "tương hằng", là tự nuôi nhau trong một vòng xoáy đi xuống, ngày một nhanh và một sâu hơn.
Khi thấy hàng hóa hạ giá liên tục thì ta có xu hướng chờ đợi, tạm hoãn mua để được giá rẻ hơn. Nhà tiêu thụ mà chần chờ như vậy thì ở đầu kia nhà sản xuất bị tồn kho ế ẩm và cần trả nợ nên phải cố bán tháo, là bán còn rẻ hơn nữa, nên càng khiến nhà tiêu thụ thấy mình có lý. Và hai bên từ từ dìm nhau xuống vực vì nhà tiêu thụ mặt hàng này có thể là nhà sản xuất mặt hàng khác. Kết quả là kinh tế không bị suy trầm, là tăng trưởng thấp hơn, mà bị suy thoái, là không tăng mà còn giảm. Hậu quả là doanh nghiệp sa thải nhân viên làm thất nghiệp tăng rồi vỡ nợ vì không thể trả các khoản nợ đáo hạn và sau đó phá sản, dẫn tới khủng hoảng vì ngân hàng mất nợ. Hiện tượng giảm phát dây chuyền đầy kinh hoàng như vậy đã xảy ra trong vụ Tổng khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào những năm 1929-1933.
Vũ Hoàng: Trở lại chuyện thực tế ngày nay thì vì sao sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 tại Hoa Kỳ, rồi Tổng suy trầm toàn cầu vào các năm 2008-2009, các nước trên thế giới đều có nhiều biện pháp kích thích kinh tế mà tình hình lại có vẻ u ám như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng ban đầu chỉ là sự trùng hợp vì tai họa xảy ra cho từng khu vực, nhưng vì kinh tế thế giới đã đi vào trạng thái "nhất thể hóa" hay "toàn cầu hóa", cho nên tác động dây chuyền đã cùng xảy ra cũng theo kiểu vòng xoáy đi xuống.
Trước hết, kinh tế Nhật Bản đã từng bị suy trầm và giảm phát khá lâu trong gần hai chục năm liền và mới chỉ có những biện pháp thoát hiểm khá táo bạo từ hai năm nay và chưa có kết quả. Sau đó, khối Euro lại bị khủng hoảng từ những năm 2009-2010 và tới nay chưa dứt khiến nhiều quốc gia bị nạn thiểu phát và các nước lâm nạn ở miền Nam thì thật sự bị giảm phát. Khác với Nhật Bản là một xứ thuần chủng và người dân giữ tinh thần ái quốc và kỷ luật là rau cháo có nhau để cùng hứng chịu tai họa, Âu Châu là một tập thể nhiều quốc gia buôn bán với bên ngoài. Khi mà khối kinh tế này bị suy trầm và không thể tiêu thụ hàng xuất khẩu của xứ khác thì các nền kinh tế trông chờ vào việc xuất khẩu đều bị họa lây, là trường hợp Brazil hay Trung Quốc. Ta nên nhớ xứ này vốn dĩ đã bị đình trệ với đà tăng trưởng thấp hơn và đang phải chuyển hướng.
Trong năm năm qua, các quốc gia đều cố đối phó với bài toán đó qua các biện pháp kích thích như tăng chi, bơm tín dụng hoặc thậm chí in tiền cho các ngân hàng dư thanh khoản cho vay ra, vậy mà tình hình vẫn chẳng khá hơn. May lắm thì Hoa Kỳ là một ngoại lệ, mà vẫn chưa chắc!
Vũ Hoàng: Thưa ông, khi đó, người ta còn lo rằng việc ào ạt bơm tiền kích thích có khi lại gây ra lạm phát như trường hợp đã thấy tại Việt Nam. Thế thì vì sao thế giới không bị lạm phát mà nay lại lo sợ hiện tượng trái ngược là giảm phát?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả là ban đầu khi thấy tiền nhiều và rẻ được bơm ra thì ai cũng sợ rủi ro lạm phát. Nhưng tiền bơm ra lại không đẩy mạnh đầu tư và ngân hàng dư thanh khoản cũng thiếu người vay để đưa vào sản xuất nên đem tiền mua trái phiếu kiếm lời. Lý do chính thì có thể là vì thị trường hay các nhà đầu tư sản xuất vẫn chưa thấy tin tưởng và đấy là một lý do thuộc về chính trị của các chính quyền lâm nạn. Khi tình hình thiếu sáng sủa như vậy thì bình thường ra, các ngân hàng trung ương đã có thể áp dụng biện pháp tiền tệ cố hữu là hạ lãi suất. Khốn nỗi, lãi suất các ngân hang trung ương Âu-Mỹ và cả Nhật Bản đều đã hạ tới sàn, là tiếp cận với số không nếu tính thêm lạm phát, cho nên người ta hết đất lùi hay sức bật.
Riêng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản hay cả Trung Quốc, chỉ số gia tăng giá tiêu dùng đều thấp hơn tiêu chí về lạm phát nên người ta mới lo sợ là sẽ thấy nạn giảm phát tái xuất hiện.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Cuối cùng thì hiện tượng suy trầm đã xảy ra, tức là đà tăng trưởng sản xuất cứ giảm dần mà vật giá lại không tăng. Riêng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản hay cả Trung Quốc, chỉ số gia tăng giá tiêu dùng đều thấp hơn tiêu chí về lạm phát nên người ta mới lo sợ là sẽ thấy nạn giảm phát tái xuất hiện.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, rồi đây sự thể sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nếu nhớ lại từ đầu thì mình phải công nhận rằng các chính quyền và cả hệ thống ngân hàng trung ương của các cường quốc đều bị bất ngờ ngay từ đầu mà vì lý do chính trị, ít ai dám công nhận như vậy. Bây giờ, trước nguy cơ giảm phát tai hại này, các nước đều khó giải quyết vì tâm lý bất an và bi quan của thị trường. Những cuộc tranh luận đang bùng nổ về các giải pháp, thí dụ như giữa các nước cột trụ của Âu Châu là Đức, Pháp, Ý, hoặc trong Quốc hội Hoa Kỳ trước ngày bầu cử chỉ khiến người ta thêm âu lo về khả năng ứng phó của chính quyền.
Trong khi đó và ta trở lại vấn đề chính của nhiều quốc gia đang phát triển, kể cả Trung Quốc và Việt Nam, giai đoạn vừa qua lại là giai đoạn tích lũy nợ nần chẳng kém gì các nước Âu Châu. Trong môi trường lạm phát thì khách nợ có lời vì được trả tiền ít hơn. Trong cảnh giảm phát thì khách nợ chết kẹt vì phí tổn trả nợ sẽ tăng, tức là càng mắc nợ nhiều thì càng dễ vỡ nợ. Hậu quả sẽ là khủng hoảng tài chính ngân hàng dẫn tới việc doanh nghiệp phá sản dây chuyền và thất nghiệp tăng vọt. Xứ nào mà thiếu ổn định xã hội sẽ bị loạn trước tiên.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về việc phân tích này.

No comments:

Post a Comment