Kinh tế vĩ mô ở Việt Nam có dấu hiệu ổn định trở lại
BBC- 4 phút trước
Kinh tế Việt Nam vẫn còn trong vòng lẩn quẩn chưa có lối ra với nhiều vấn đề nghiêm trọng chưa giải quyết được bất chấp những báo cáo lạc quan của chính phủ, một kinh tế gia từ trong nước nhận định với BBC.
Trước đó, trong một phiên họp thường kỳ, nội các của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định rằng kinh tế Việt Nam ‘đang tiếp tục đà phục hồi trong tất cả các ngành’ với các chỉ số như tăng trưởng GDP cao hơn, sản xuất công nghiệp tăng, lạm phát thấp, chỉ số giá tiêu dùng thấp..
Riêng về nợ công, Thủ tướng Dũng cho rằng vẫn an toàn vì ‘trong giới hạn cho phép’ mặc dù thừa nhận là nợ công có tăng nhanh trong thời gian qua. Ông Dũng cũng cam kết chính phủ của ông sẽ ‘dứt khoát kiểm soát nợ công’ trong giới hạn 65% GDP mà Quốc hội đã đặt ra, theo website chính phủ.
Ba vấn đề lớn
Trao đổi với BBC, bà Phạm Chi Lan, người từng nằm trong ban cố vấn về kinh tế cho thủ tướng, cho rằng đánh giá lạc quan của chính phủ là chỉ ‘căn cứ vào những con số của Tổng cục Thống kê và những phân tích của các bộ, ngành’.
Bà chỉ ra rằng chính báo cáo của chính phủ cũng đã chỉ ra ‘không ít những vấn đề lớn vẫn còn tồn tại’.
Theo bà Lan thì ba vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam hiện nay là sức khỏe của các doanh nghiệp, nợ công và nợ xấu của các ngân hàng.
Bà chỉ ra rằng nợ công của Việt Nam đã rất sát ngưỡng an toàn mà Quốc hội đặt ra và việc ngân sách dành ra đến 26% để trả nợ đã khiến bội chi ngân sách vẫn cao.
Bà dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết số doanh nghiệp ngưng hoạt động vẫn tăng so với năm trước chứng tỏ ‘hoạt động của doanh nghiệp nói chung vẫn hết sức khó khăn’ khiến việc đóng thuế của họ giảm mạnh.
“Nợ xấu của nền kinh tế vẫn còn rất lớn,” bà nói thêm.
Tuy nhiên, bà Lan cũng thừa nhận rằng ‘kinh tế vĩ mô có ổn định hơn’, rõ nét nhất là ‘lạm phát thấp’ mà bà cho là ‘chỉ số đáng mừng nhất của năm nay’.
Nhưng bà cũng lưu ý rằng lạm phát thấp phản ánh ‘sức mua đã xuống thấp’ và ‘đầu tư doanh nghiệp cũng xuống thấp’.
Do đó, bà Lan không tin tưởng lắm về việc chính phủ nói họ sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng là 5,8% trong năm nay.
“Liệu 5,8% có nói được thật sự xu hướng ở Việt Nam là hoàn toàn ổn định và có thể yên tâm với đà tăng trưởng tiếp tục hay không?”
“Không hiểu con số tăng trưởng này nguyên nhân là do đâu,” bà nói thêm, “Mức độ đầu tư nước ngoài đóng góp vào kinh tế Việt Nam là có hạn chứ không làm cho kinh tế phục hồi như vậy.”
“Trong khi khu vực trong nước là đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng thì vẫn còn khó khăn thì lấy đâu ra cơ sở để cho tăng trưởng Việt Nam tiếp tục lên trong những năm tới?”
Nợ công có an toàn?
Bà Phạm Chi Lan không yên tâm với tình hình nợ công Việt Nam
Kinh tế gia cũng nói bà ‘không thật sự an tâm’ với lời khẳng định về nợ công sẽ an toàn của chính phủ.
“Nếu cộng thêm nợ của doanh nghiệp nhà nước vào thì con số nợ công Việt Nam sẽ cao hơn rất nhiều chứ không phải 65% GDP,” bà phân tích.
Ngoài ra, theo bà Lan thì tình hình nợ công thực tế của Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với con số thống kê.
“Thời gian gần đây có tình trạng các địa phương, thậm chí cấp xã, cũng có thể có những khoản nợ doanh nghiệm như thường,” bà cho biết, “Khi họ muốn làm công trình này nọ họ sẽ thuê doanh nghiệp làm với cam kết sẽ có tiền ngân sách trả.”
Bà Lan cũng cảnh báo về khả năng trả nợ của Việt Nam là ‘rất đáng lo ngại’.
“Khu vực công đầu tư không hiệu quả và sử dụng không hiệu quả các nguồn tài chính. Họ không làm ra được của cải – nhân tố có thể trả nợ trong tương lai,” bà giải thích.
Ngoài ra, theo bà Lan, khối doanh nghiệp nhà nước vẫn đang làm ăn kém hiệu quả thì sẽ không đảm bảo phần nợ rất lớn của khối này sẽ được họ tự trả chứ không phải nhà nước đứng ra trả cho họ.
Vấn đề thứ ba trong khả năng trả nợ của Việt Nam là việc họ vay để đảo nợ, tức là phát hành trái phiếu vay tiền trong nước để trả những khoản nợ đã đến hạn. Bà Lan cho rằng các khoản vay để trả nợ như vậy ‘không làm ra sản phẩm để trả nợ’.
Chưa kể việc huy động trái phiếu trong nước để trả nợ nhiều như vậy còn làm ‘mất đi nguồn tín dụng có tiềm năng để cho doanh nghiệp vay’, bà Lan phân tích và nói thêm vay theo kiểu trái phiếu như vậy thì thời hạn trả nợ đến rất nhanh chỉ trong vòng 2, 3 năm càng làm việc trả nợ thêm khó khăn.
“Không có vốn vay thì càng dồn thêm gánh nặng cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp không cải thiện thì tình hình kinh tế không khá lên được,” bà nói.
Bà cũng phân tích rằng sau khi dành hết tiền để chi thường xuyên và trả nợ thì ngân sách chỉ còn lại 3% thì ‘làm sao đáp ứng nhu cầu đầu tư công’.
“Không có tiền đầu tư công, Nhà nước lại đi vay tiếp,” bà nói thêm. “Như vậy tạo thành cái vòng lẩn quẩn rất khó cho Việt Nam.”
“Trong thời gian tới nếu không cương quyết cắt giảm chi thường xuyên và cải thiện mạnh mẽ quản lý nợ công thì rất khó cho kinh tế Việt Nam khởi sắc.”
No comments:
Post a Comment