Cửa khẩu Mộc Bài Tây Ninh- RFA
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
RFA- 2014-10-30
Thời gian gần đây, các ổ mại dâm và đường dây tổ chức buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc tại Tây Ninh hoạt động ráo riết, nhiều phụ nữa bị lừa bán sang Trung Quốc vì có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì ham tiền và phần khác là vì ngờ nghệch, không biết gì, chân ướt chân ráo lên các thành phố lớn làm thuê, cuối cùng bị dụ dỗ trôi về Tây Ninh và nhận kết cục đau lòng là bị bán cho Trung Quốc.
Tôn giáo bị chiếu cố, tội phạm được bỏ ngỏ
Một thiếu tá công an đã về hưu hơn sáu năm nay ở Tây Ninh chia sẻ: "Nói là nói vậy thôi chứ khi nó bể rồi mới quan tâm. Chứ nó đâu có rảnh đâu mà quan tâm, thành ra nó đâu diệt được tận gốc. Đúng là phải diệt từ mầm mống, nhưng cái này bể ra nó mới diệt thành ra đâu diệt được. Nó đi qua cửa khẩu qua Campodia, nhưng đó là trường hợp quá cảnh thôi. Nó không có passport, nó đi đường lậu, qua đó nó bàn giao cho người khác. Theo nhận định của tôi thì nó điều tra nó cũng biết vậy, qua đó rồi nó mới đi nước thứ ba."
Theo ông thiếu tá công an này, chuyện mại dâm đã có mặt ở Tây Ninh từ rất sớm bởi vì sau 1975, thị xã Tây Ninh trở thành vùng xôi đậu, vừa là nơi của những tín đồ thuận thành của đạo Cao Đài sinh sống lại vừa là nơi của các đầu gấu, ma cô và dân buôn lậu hoạt động, càng về sau, các ổ mại dâm càng phát triển mạnh ở đây bởi không có vùng đất nào vừa hoang vắng lại có đường rừng giao thoa với các tỉnh khác cũng như có biên giới kết nối với nước Campodia như Tây Ninh.
Khi có biến, bọn tội phạm chỉ cần băng các rừng cao su để chuyển sang địa bàn tỉnh khác hoặc trốn sang Campodia theo đường cắt rừng, mọi chuyện trở nên khó khăn đối với các cơ quan an ninh. Càng về sau, hoạt động tội phạm ở Tây Ninh càng phát triển. Có hai nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát tội phạm ở đây: Sự tĩnh lặng của tôn giáo và; Sự quản lý không chặt chẽ của nhà cầm quyền.
Ở nguyên nhân thứ nhất, ông cựu sĩ quan công an này cho rằng đa phần những tín đồ tôn giáo, từ Cao Đài cho đến Phật Giáo, thậm chí Thiên Chúa Giáo đều ít quan tâm đến chuyện thị phi xã hội, đặc biệt là những chuyện nhạy cảm họ càng không quan tâm bởi triết lý về duyên nghiệp, nhân quả hay định mệnh của các tôn giáo không cho phép các tín đồ xắn tay làm những chuyện không thuộc về chức năng của họ mà lại dính đến nhà cầm quyền. Tố cáo người khác kiếm cơm bằng nghề mại dâm cũng là điều mà các tín đồ ngại can thiệp nhằm giữ sự an tĩnh luân hồi.
Lợi dụng sự an tĩnh của tôn giáo, những kẻ bất hảo thường tìm đến Tây Ninh như một mảnh đất dung thân an toàn để hoạt động. Nhưng, cũng theo ông cựu sĩ quan này, còn một vấn đề khác khá nhạy cảm là đạo Cao Đài ở Tây Ninh phát triển rất mạnh và đã nhân rộng trên toàn thế giới, Tòa Thánh Tây Ninh trở thành chiếc nôi tâm linh của tín đồ Cao Đài toàn thế giới. Chính vì vậy, mọi sự giám sát của ngành công an nhắm vào tôn giáo nhiều hơn là tội phạm.
Và đôi khi sự nở rộ tội phạm trên mảnh đất thiêng Tây Ninh cũng nằm trong một chủ trương nào đó nhằm kìm hãm sự phát triển của tôn giáo cũng như làm giảm uy tín của miền đất thánh này. Cho đến khi mọi sự đã đi vượt tầm kiểm soát, ngành an ninh mới loay hoay tìm cách đối phó, khống chế.
Nhưng đó cũng là sự đã rồi, đã có rất nhiều cô gái miền Tây bị bán sang Trung Quốc theo đường dịch vụ việc làm ngoài luồng, dắt mối làm osin, phụ giúp việc nhà, bị dụ dỗ lên Tây Ninh để sang Campodia theo đường du lịch, sau đó gặp các tay môi giới tại Campodia, lại trở về Việt Nam để đi sang Trung Quốc theo đường du lịch hoặc tìm cách đi thẳng từ Campodia sang Trung Quốc, bi kịch số phận của họ phủ xuống từ đó.
Thậm chí, việc mua bán nội tạng cũng diễn ra với tầng suất rất cao ở tây Ninh. Đó là nhận định của một cựu sĩ quan công an Tây Ninh mà theo ông kết luận thì việc này có tay của một số sĩ quan công an cao cấp ở tỉnh này nhúng vào.
Tình trạng rối rắm ở cửa khẩu Mộc Bài
Ông Phó, cư dân lâu năm của Tây Ninh, chuyên buôn hàng hóa từ Campodia về Việt Nam, chia sẻ: "Trung Quốc thì nó đi theo hướng đó. Qua bên Campodia thì đa phần thì họ đi buôn bán, còn lại là casino, gái gú, qua mấy khu ăn chơi bên đó toàn người Việt. Người Việt mình bên đó nhiều, nhưng đa số mình phải qua môi giới, tức là mình nhờ một người nào bên đó có chức quyền đứng ra lo hết, về mặt pháp lý, còn mình chỉ làm thôi, rồi tới tháng mình trả mấy đó. Đường dây nó cũng núp dưới bóng môi giới, một trùm nào đó bên đó."
Theo ông Phó, việc tội phạm có đất hoành hành trên Tây Ninh là chuyện đương nhiên, nó giống như hệ quả tất yếu của mọi thứ tiêu cực do nhà nước gây ra. Đặc biệt là cửa khẩu Mộc Bài giáp giới giữa Việt Nam và Campodia, có thể nói rằng sự tham ô, hối lộ trắng trợn ở cửa khẩu này là môi trường tốt nhất cho nạn buôn người phát triển.
Đơn giản, bất kì người nào đi qua cửa khẩu Mộc Bài, khi làm thủ tục xuất cảnh hoặc nhập cảnh, đều phải kẹp tiền trong cuốn sổ hộ chiếu. Thấp nhất là 10 ngàn đồng, trung bình từ 20 đến 50 ngàn đồng, có những trường hợp đặc biệt phải kẹp đến tiền triệu. Khi làm thủ tục, nhân viên hải quan rút tiền trong hộ chiếu bỏ vào ngăn kéo và đóng dấu, cho đi qua.
Số tiền kẹp trong hộ chiếu càng cao, khả năng được duyệt giấy tờ để qua cửa càng sớm và đối tượng bị soi chiếu kĩ lưỡng ở hầu hết các cửa khẩu Việt Nam đều là đối tượng có dính líu đến chính trị, có từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc và từng hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Những đối tượng còn lại dễ dàng qua cửa, thậm chí đi rất nhanh nếu số tiền kẹp trong hộ chiếu cao hơn so với mọi người.
Các nhóm tội phạm buôn người đã dựa vào kẽ hở này, đưa các phụ nữ Việt Nam sang nước khác bằng con đường du lịch, chúng chỉ cần mua cho những con mồi tội nghiệp chiếc vé du lịch ở các hãng lữ hành, và trước đó là làm cho mỗi con mồi một hộ chiếu. Khi đưa con mồi đi, chúng chỉ cần nhét hơi nhiều tiền vào sổ hộ chiếu, mọi chuyện coi như trót lọt.
Và một khi tham nhũng, hối lộ, đút lót còn là vấn nạn của đất nước thì chuyện các nhóm buôn người tha hồ tung hoành ở Tây Ninh là chuyện đương nhiên, không có gì để bàn. Bởi, suy cho cùng, cách quản lý thiếu trách nhiệm của nhà cầm quyền đã đẩy đất nước này đi từ tệ nạn này sang tệ nạn khác!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment