Thursday, October 30, 2014

Giải quyết tranh chấp biển Đông bằng luật pháp vẫn bế tắc

BANGKOK (NV) .- ASEAN và Trung Quốc không đạt được tiến bộ nào tại hội nghị về DOC lần thứ 8, vừa diễn ra ở Thái Lan. Tháng tới, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Miến Điện sẽ tiếp tục bàn về DOC.


Lính Trung Quốc tập trận chiếm đảo trên biển Đông. (Hình: Chinamil)

Để giải quyết những bất đồng về chủ quyền trên biển Đông, năm 2002, ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Tuy nhiên DOC không giúp giảm bớt căng thẳng trên biển Đông vì phạm vi áp dụng thiếu rõ ràng và các quy định thì thiếu cụ thể. Chưa kể DOC không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.

Đến năm 2011, ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thông qua Bản Quy tắc hướng dẫn DOC nhưng văn kiện này cũng không giải quyết được hết những hạn chế của DOC.

Tại hội nghị về DOC lần thứ 8 vừa diễn ra ở Bangkok, đại diện ASEAN và Trung Quốc chỉ đạt được thỏa thuận là tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác theo tinh thần DOC nhằm giải quyết các tranh chấp ở biển Đông một các hòa bình.

ASEAN và Trung Quốc dự trù thiết lập các đường dây nóng về tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu đại dương, bảo vệ môi trường và để Bộ Ngoại giao các bên có liên quan có thể liên lạc, ngăn chặn nguy cơ xung đột.

Trung Quốc vẫn khăng khăng bảo lưu ý kiến để các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông tự giải quyết tranh chấp với nhau (đàm phán song phương chứ không phải đa phương). Còn ASEAN thì sẽ cùng Trung Quốc giữ gìn hòa bình và ổn định của biển Đông.

Do DOC có nhiều hạn chế, nhiều chuyên gia về luật pháp quốc tế đã từng khuyến cáo ASEAN nên tự soạn thảo một Bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông (COC) trước khi đàm phán với Trung Quốc. Năm 1996, ASEAN đã từng đề cập đến việc xây dựng COC trên biển Đông nhưng bất thành. Cuối cùng, năm 2002, ASEAN và Trung Quốc thông qua DOC.

Người ta hy vọng nếu ASEAN có thể thông qua một COC cùng với Trung Quốc, các tranh chấp trên biển Đông có thể được phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế.  Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ tỏ ra đồng tình với giải pháp này và tìm nhiều cách để tạo bất đồng giữa các quốc gia trong khối ASEAN khi họ bàn luận về COC.

Cách nay vài tháng, ông Carl Thayer, Giáo sư Học viện Quốc phòng Úc khuyến cáo, đừng chú trọng vào đàm phán với Trung Quốc về COC.

Ông Thayer nhận định, việc ASEAN chỉ quan tâm đến đàm phán với Trung Quốc về COC trên biển Đông, không chú ý tới tự soạn COC trên biển Đông, bởi sợ Trung Quốc bác bỏ dự thảo tự soạn là một sai lầm.

ASEAN đã từng lặng lẽ bác dự thảo COC trên biển Đông do Indonesia soạn và hướng sự quan tâm vào quan điểm của Trung Quốc. Điều này khiến ASEAN bị tách thành hai nhóm: Nhóm có tranh chấp và nhóm không có tranh chấp.

Ông Thayer nhấn mạnh, điều đó khiến ASEAN khó đạt được một lập trường chung trong khi Trung Quốc có thể lợi dụng khác biệt trong ASEAN để kéo dài các cuộc đàm phán, có thêm thời gian để củng cố sự hiện diện và kiểm soát đối với các vùng biển và thực thể ở biển Đông.


Tàu hải giám TQ 46001 (trái) đang ngăn chặn tàu cảnh sát biển Việt Nam không cho tiến gần giàn khoan HD981 ngày 1/6/2014 ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. (Hình STR/AFP/Getty Images)

Do vậy, ASEAN cần phải tìm kiếm sự đồng thuận về dự thảo COC trên biển Đông để xác lập lập trường thống nhất trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Ông Thayer khuyến cáo, ASEAN nên chỉnh sửa và cập nhật dự thảo COC trên biển Đông của Indonesia thành bản thảo cuối cùng để Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN phê chuẩn, phát hành nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.

Ông Thayer đề nghị ASEAN nên nhìn xa hơn, xem COC là bộ quy tắc ứng xử cho những vấn đề chung trên biển của khu vực Đông Nam Á chứ không đơn thuần chỉ là COC cho biển Đông. Điều này sẽ giúp củng cố tư cách pháp lý của ASEAN và tăng cường khả năng đối phó với các cường quốc bên ngoài.

Tuy nhiên việc soạn thảo COC không có giới hạn về thời gian nên chưa rõ lúc nào ASEAN mới hoàn tất văn kiện này.

Bởi đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc liên tục bế tắc, tháng giêng năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc, đề nghị bác các yêu sách vô lối về chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông. Ông Albert del Rosario,  Ngoại trưởng Philippines vừa loan báo, có thể Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc sẽ ra phán quyết về vụ kiện vào quý một năm 2016, bất kể Trung Quốc có tham gia vụ kiện và đáp ứng các yêu cầu của tòa hay không.

Ngoại trưởng Philippines hy vọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc sẽ mở đường cho việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông. (G.Đ)

10-30-2014 2:11:06 PM
Theo Người Việt.

No comments:

Post a Comment