Hầu hết những người chọn bán vé số làm nghề mưu sinh ở miền Tây đều là người nghèo khó, nhưng ít ai ở họ cũng thường trực nỗi lo bị cướp, giật, lừa đảo...
Người dân thương xót, tìm kiếm thi thể ông Hùng bán vé số ở Cà Mau bị lừa dẫn đến nhảy sông tự tử. (Hình: báo Lao động)
Cái chết của em Phùng Minh Tấn (12 tuổi), học sinh lớp 5, trường tiểu học Vĩnh Châu, vào ngày 10 tháng 10, khiến người dân Sóc Trăng bàng hoàng, chua xót. Cha lấy vợ khác, mẹ bỏ lên Bình Dương làm công nhân. Tấn sống với ông nội tại quê nhà, quyết tâm theo con đường học vấn để thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Hàng ngày sau giờ học, Tấn đến đại lý lấy vé số rồi đi bán khắp các nẻo đường thị xã Vĩnh Châu kiếm tiền, phụ giúp ông nội. Ai ngờ, ước mơ của em mãi mãi vùi sâu dưới đáy mộ khi ngày 12 tháng 10, người dân phát hiện xác em dưới chân cầu Vĩnh Châu.
Theo công an tỉnh Sóc Trăng, nhiều khả năng Tấn bị cướp vé số. Người dân cho biết, lúc mất tích, Tấn đã bán hết vé số và mang trong người khoảng 700,000 đồng.
Trước đó, vào ngày 30 tháng 9, người dân phường 6, thành phố Cà Mau, phát hiện một người đàn ông nhảy xuống kênh xáng Cà Mau-Bạc Liêu tự tử nên trình báo công an. Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Tiến Dũng (43 tuổi), quê huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, bán vé số dạo từ tháng 2, 2014 tại khu vực phường 6.
Những người bán vé số cùng ông Dũng cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc tự tử là do trước đó ông Dũng bị lừa đổi nhầm vé số giả mệnh giá 3 triệu đồng. Do phải mượn tiền đổi vé trúng thưởng và uất ức vì bị lừa, lại không bán được vé phải mượn tiền để trả tiền cơm hàng ngày. Trong lúc thiếu suy nghĩ, ông tìm đến cái chết như một cách giải thoát cho mình.
Người dân thành phố Cà Mau không lạ với ông Trần Văn Bùi (72 tuổi) hằng ngày đi khắp nơi để bán vé số kiếm tiền nuôi thân. Do lớn tuổi nên ông được nhiều người mua giúp đỡ. Ấy vậy mà ông không ít lần bị lừa đảo, cướp giật. Mới đây ông lại bị cướp mất 120 tờ.
Còn bà Nguyễn Thị Kiều, một người bán vé số bị hai thanh niên đổi vé trúng thưởng mệnh giá 2 triệu đồng. Khi đến đại lý đổi lại, chị mới phát hiện vé số giả và xem như mất 2 triệu đồng. Bà ngậm ngùi: “Mần cái nghề này phải chấp nhận rủi ro. Ai nói bán vé số là an toàn, tui cãi tới bến luôn!”
Trong khi đó, có một thực tế khác khiến nhiều người không khỏi đau lòng là các tổng giám đốc của những công ty xổ số kiến thiết ở Việt Nam có mức lương trên 1 tỷ đồng/năm.
Không biết có khi nào những ông, bà tổng giám đốc của các công ty xổ số kiến thiết ở Việt Nam nghĩ đến việc nhiều người nghèo trong nước phải cầm sấp vé số đi bán mỗi ngày mà thường trực nỗi lo bị cướp, giật, lừa đảo... trên từng bước đường để mưu sinh?! (Tr.N)
10-30-2014 5:08:57 PM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment