Sunday, October 26, 2014

Muốn phát triển, Việt Nam cần đổi mới thể chế

HÀ NỘI (NV) - Ðó là ý kiến của ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Kế Hoạch-Ðầu Tư Việt Nam, khi thảo luận với đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Lai Châu về tình hình kinh tế-xã hội trong nước.

Ông Vinh, người vừa có tư cách thành viên trong nội các của chế độ, vừa là thành viên trong đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Lai Châu, nhấn mạnh, chưa bao giờ chi tiêu cho đầu tư phát triển lại thấp như hiện nay. Chỉ khoảng 17% tổng chi!


Cảng cá Tư Hiền ở Thừa Thiên-Huế, ngốn hết 29 tỷ rồi bỏ hoang nhưng tất các các viên chức hữu trách “bình an vô sự,” đúng với kiểu “không hiệu quả chỗ này thì hiệu quả chỗ khác.” (Hình: Dân Việt)

Ông Vinh không phê phán trực tiếp nhưng đưa một dẫn chứng để chứng minh, chi tiêu của chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục tùy tiện. Trong khi Luật Ngân Sách nhà nước quy định bội chi chỉ dành cho đầu tư-phát triển thì 226,000 tỷ bội chi của năm 2015 sẽ chỉ có 195,000 tỷ dành cho đầu tư-phát triển.

Sở dĩ chi cho đầu tư-phát triển được quan tâm vì đó là cách nuôi dưỡng và phát triển các nguồn thu cho ngân sách, đặc biệt là trong bối cảnh ngân sách Việt Nam liên tục thất thu nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định, Việt Nam đang vi phạm ba nguyên tắc vốn là trụ cột của kinh tế trong chi tiêu. Thứ nhất là tăng chi tiêu cho lương bổng cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Thứ hai là tốc độ tăng cho chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách. Thứ ba, tốc độ tăng chi thường xuyên (chi tiêu để duy trì hoạt động của bộ máy công quyền, hiện nay là hơn 70% tổng chi) cao hơn tốc độ tăng chi cho đầu tư-phát triển, trong khi lẽ ra phải ngược lại.

Ông Vinh cảnh báo, các động lực phát triển đã tới hạn, nói cách khác Việt Nam đã hết động lực phát triển. Ông giải thích, trước đây, trong một thời gian dài, kinh tế của Việt Nam tăng trưởng là nhờ vốn vay, bán tài nguyên dạng thô (dầu khí, than đá, các loại quặng khác) và nguồn nhân lực giá rẻ. Cả ba động lực này giờ đã cạn kiệt. Nếu không thay đổi thì mức độ tăng trưởng sẽ giảm dần.

Cũng vì vậy, theo ông Vinh, “Việt Nam cần đổi mới thể chế để tìm ra những động lực mới.” Phải thực hiện tốt những đột phá về thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực.

Cũng cần nhắc lại, tại kỳ họp Quốc Hội Việt Nam hồi tháng 11 năm ngoái, ông Vinh từng cảnh báo, kinh tế Việt Nam sắp tới lúc “đào củ mài” để ăn

Lúc đó, những phân tích của ông Vinh cho thấy, kinh tế Việt Nam hết sức bi đát. Mâu thuẫn giữa một bên cho rằng phải cải tổ thể chế chính trị để tồn tại với bên còn lại, muốn giữ nguyên đang càng lúc càng gay gắt. Sự giằng co giữa hai khuynh hướng đã đấy kinh tế-xã hội Việt Nam tới đường cùng và rất khó có lối thoát.

Ông nhấn mạnh, “đất nước này vỡ nợ là do xây dựng cơ bản tràn lan.” Lãnh đạo chính quyền các địa phương mạnh tay phê duyệt các dự án hạ tầng, khuyến dụ các doanh nghiệp bỏ vốn, mượn vốn để thực hiện những dự án đó, cuối cùng chính quyền trung ương không có khả năng hoàn trả. Hàng loạt doanh nghiệp là chủ đầu tư, hàng loạt ngân hàng cho vay rơi vào tình trạng phá sản, chính quyền vừa không thu được thuế, vừa “giật gấu vá vai” để trả nợ.

Mới đây, ông Vinh kể rằng, do Quốc Hội yêu cầu ông phải cho biết những dự án nào kém hiệu quả hoặc không hiệu quả, Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư đã gửi công văn đề nghị các địa phương trong toàn quốc khảo sát-đánh giá các dự án đầu tư bằng ngân sách. Phản hồi trở lại từ các địa phương trong toàn quốc là “dự án nào cũng hiệu quả.” Khi bị ông Vinh chất vấn, yếu tố “hiệu quả” được đánh giá theo tiêu chí nào (?), lãnh đạo các địa phương trả lời “không hiệu quả chỗ này thì hiệu quả chỗ khác.” (G.Ð.)
10-24- 2014 1:58:57 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment