« Dậy mà đi » bài hát quen thuộc trong phong trào « Hát cho đồng bào tôi nghe » trước 1975, trớ trêu thay, nay lại được những người nông dân Dương Nội hát vang trên những nẻo đường Hà Nội, trước những cơ quan công quyền và báo chí nhà nước.
Suốt mấy tháng trời qua, những người dân mất đất đã rong ruổi khắp nơi kêu đòi giải quyết việc bị cưỡng chế đất và bắt người vô cớ. Mặc chiếc áo đỏ mang hàng chữ « Nông dân Dương Nội không chuyển đổi được nghề nghiệp kêu cứu », họ đã gõ hầu như mọi cánh cửa. Nhưng những cánh cửa công quyền đã đóng sập lại trước mặt họ, kể cả cuộc triển lãm về Cải cách ruộng đất.
Hôm qua tòa án đã xử hai người dân cuối cùng trong số bảy nông dân bị bắt và bị truy tố, đó là hai ông Trần Văn Miên và Trần Văn Sang. Bà Trần Thị Nhàn ở thôn La Sơn, tổ dân phố Trung Bình, vợ ông Trần Văn Miên phẫn nộ nói về tình trạng của hai người dân oan này khi ra tòa, cũng như tình cảnh của gia đình hiện nay.
Anh Trịnh Bá Phương, con của hai dân oan Trịnh Bá Khiêm và Cấn Thị Thêu kể lại diễn biến hôm diễn ra phiên tòa xử cha mẹ anh và ông Trần Văn Thanh trước đó.
Những người dân này có tội tình gì ? Bị truy tố vì tội chống người thi hành công vụ, nhưng thực ra họ lại chính là nạn nhân trong vụ cưỡng chế đất quy mô ở Dương Nội.
...Âm thanh trong bài được lấy từ băng video được quay hôm cưỡng chế trên cánh đồng Dương Nội ngày 25/04/2014. Được biết cuộn băng do bà Cấn Thị Thêu đứng trên chòi cao quay được. Trước đó, khi hai nông dân Trần Văn Miên và Trần Văn Sang bị bắt, bà đã đứng ra đấu tranh. Hôm cưỡng chế, đến lượt bà bị công an leo lên chụp thuốc mê và dùng gầu xúc xuống mang về trại giam. Trả lời phỏng vấn RFI ngày 30/03/2014, bà Cấn Thị Thêu bày tỏ nỗi bức xúc.
Theo anh Trịnh Bá Phương, bà con nông dân Dương Nội chỉ biết nghề làm ruộng, nay bị tước đoạt hết tư liệu sản xuất thì họ đều trở thành những người thất nghiệp.
Blogger Mai Xuân Dũng cho biết, khác với Văn Giang thuộc Hưng Yên - một địa phương khác cũng bị cưỡng chế đất bằng vũ lực – dân Dương Nội hoàn toàn không có nghề phụ nào khác để sinh sống. Hoàn cảnh bế tắc khiến một số người dân phải sống nhờ lòng từ thiện của những người hảo tâm, theo ông, thật là cay đắng.
Theo blogger Mai Xuân Dũng, nhờ một số lời kêu gọi trên mạng, người dân đã giúp đỡ cho bà con Dương Nội ít nhiều. Nhưng về lâu về dài, đời sống của họ đúng là bế tắc.
Ông Mai Xuân Dũng cho rằng, việc trấn áp người dân để lấy đất cho các dự án chỉ khiến lòng người bất mãn, hoàn toàn không có lợi cho chính quyền.
Theo báo cáo mới đây của Thanh tra Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm nay tại Việt Nam số vụ khiếu kiện đông người tăng đến hơn 12%, có những đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết trong số này, khiếu nại về đất đai chiếm đến 70%, và đặc biệt khiếu nại đông người đang diễn biến hết sức phức tạp.
Những người nông dân mất đất đang bị đẩy vào « Bước đường cùng », không khác những gì đã mô tả trong những tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường về cuộc sống nông dân trong thời kỳ thực dân Pháp trước đây. Lẽ nào chính quyền các địa phương lại không rút ra được kinh nghiệm từ những sự kiện Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết trước đây, hay vì sự gắn bó với các tập đoàn lợi ích khiến họ « đâm lao phải theo lao », cho dù thị trường bất động sản vẫn đang đóng băng ?
No comments:
Post a Comment