(Baodatviet) - Không chỉ phê duyệt dự án mà kể cả công tác sắp xếp nhân sự cũng được nhiều vị lãnh đạo thực hiện trước khi rời 'ghế'.
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia đã đưa ra nhận định trước tình trạng "lót ổ, dọn đường" của một số quan chức tại Việt Nam.
Dọn đường, lót ổ - hiện tượng phổ biến!
PV: - Thưa ông gần đây dư luận rộ lên câu chuyện của ông Hồ Nghĩa Dũng - nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về hưu nhưng lại tham gia doanh nghiệp làm dự án hầm Đèo Cả - dự án mà chính ông Dũng ký duyệt khi còn đương chức. Câu chuyện này khiến dư luận đặt dấu hỏi về hiện tượng 'lót ổ' của các vị quan chức dường như đang bộc lộ ngày một rõ nét hơn. Ông nhận định như thế nào về hiện tượng này. Theo ông liệu đây có phải là trường hợp hy hữu hay phổ biến nhưng chưa được phát hiện?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Trước hết phải khẳng định đây không phải là trường hợp hi hữu tại nước ta. Không riêng gì chuyện ký duyệt dự án, trước khi nghỉ hưu nhiều vị lãnh đạo còn làm công tác nhân sự rất nhiều.Không khó để kể tên ra các vị quan chức khi biết mình chuẩn bị nghỉ hưu đã ra quyết định bố trí, sắp xếp lại một loạt nhân sự, bổ nhiệm, đề bạt... Có thể thấy việc “ưu tiên” nhân sự hay dự án trong các mối quan hệ thân hữu hoặc có lợi ích riêng là chuyện dễ xảy ra.
Thậm chí có nhiều vị đến sát ngày nghỉ hưu rồi nhưng lại muốn xin kéo dài thời hạn nên đã làm đơn với nhiều lý do được đưa ra kiểu như: giải quyết một số việc còn tồn đọng.
Do đó có thể khẳng định việc ký duyệt dự án hầm Đèo Cả không phải là hy hữu.
PV: - Theo ông việc sếp đương nhiệm hạ bút ký duyệt các dự án để rồi khi hạ cánh nghỉ hưu thì chính mình là người triển khai dự án đó, dư luận đặt câu hỏi cách làm như thế là có điều kiện, có dấu hiệu tham nhũng...ông có nhận xét gì về điều này?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Nói thật là chưa ai chỉ ra được bằng chứng của việc đút lót, hối lộ trong chuyện này dù chúng ta biết chắc rằng chuyện “cảm ơn” thì có lẽ cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Qua quan sát thấy tâm lý hiện nay các vị lãnh đạo ngành đang phổ biến hiện tượng tạo 'sân sau' cho mình. Ngược lại cũng có một số người không có năng lực thì ngại ký để giải quyết. Có bộ ngành hàng năm trời không ký gì mà Bộ trưởng chỉ chờ đến ngày rồi nghỉ hưu.
Hiện nay ở các cơ quan hành chính, cơ chế xin cho còn phổ biến cho nên để một dự án được ký duyệt thì chuyện ‘hoa hồng’ cũng là một yếu tố đáng để suy nghĩ.
Đây là một việc khá phổ biến mà ai cũng gặp phải nhưng lại không thể nói ra đó là chuyện cắt phần trăm, chi hoa hồng dự án...
Không cần trực tiếp làm vẫn...lợi
PV: - Dư luận đặt vấn đề hiện quy định về thời hạn không được kinh doanh của người thôi giữ chức vụ chỉ trên dưới 12 tháng mới được tham gia làm các dự án, để tránh việc tạo sân sau cho mình khi còn đương chức. Theo ông liệu quy định này đã đủ tầm bao quát bởi sẽ xảy ra tình trạng "mắc võng chờ thời". Liệu đây có thể xem là kẽ hở của luật pháp và cần thay đổi như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Các nước trên thế giới kể cả khi nghỉ hưu rồi, các vị lãnh đạo cấp cao cũng vẫn có thể phải hầu tòa nếu có thông tin khi đương chức bị sai phạm.
Câu chuyện về Roh Moo-hyun nguyên Tổng thống Hàn Quốc dù đã rời chính trường nhưng vẫn bị hầu tòa vì cáo buộc tham nhũng có thể xem như là một ví dụ.
Số là Cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun từng đề ra trong cương lĩnh hành động của ông những năm cầm quyền là chống tham nhũng, thế nhưng cũng chính ông khi nghỉ hưu lại bị điều tra về hành vi này.
Dù rằng cựu Tổng thống Roh thừa nhận vợ ông đã nhận một khoản tiền lớn của doanh nhân sản xuất giày và cho rằng đó không phải là khoản hối lộ mà là khoản giúp đỡ để vợ ông trả nợ, song do không chịu nổi sức ép ông Roh Moo-hyun đã tự vẫn.
Có những vị lãnh đạo đã chờ đến 58-59 tuổi chuẩn bị về hưu mới bắt đầu có những phi vụ tính toán cho riêng mình. Khi bị xử lý kỷ luật thì cũng không sao vì đã biết rõ hậu quả và họ cũng đã lựa chọn hy sinh đời bố để củng cố đời con rồi.
Do đó việc quy định thời gian dù ngắn hay dài cũng chỉ là một hình thức. Khi họ đã ký thì chẳng cần đứng ra làm cũng vẫn có cách để lách. Ít nhất là người được ký dự án đó sẽ phải có trách nhiệm lại. Cho nên những quy định kiểu này hoàn toàn không mang tính hiệu quả cao.
PV: - Đặt một giả thiết luật sẽ được điều chỉnh thời gian nhưng rất có thể có những trường hợp 'lách' bằng cách cho con cháu anh em họ hàng đứng tên dự án, còn bản thân thì điều hành dự án đó. Giống như việc kê khai tài sản cũng đã từng xảy ra tình trạng này. Theo ông với trường hợp này làm thế nào để kiểm soát?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Như tôi đã phân tích ở trên là kể cả trong trường hợp họ không cần trực tiếp làm thì anh em được ký cũng phải "nhớ" đến họ.
Chỉ khi nào cũng ta làm được như các nước, tức là phải giải quyết từ Luật và làm triệt để kể cả anh là quan chức hay dân thường cũng phải bình đẳng và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Còn hiện nay chúng ta vẫn có tình trạng ‘vùng cấm’ đối với các vị trí cao và có những cách giải quyết theo kiểu ‘nội bộ’. Ngược lại người dân bình thường thì có thể hầu tòa bất cứ lúc nào.
Đây là cách xử lý rất khác trong nền hành chính thấp của Việt Nam. Luật của chúng ta vẫn còn rất hạn chế cho nên nhiều cấp quản lý còn làm sai.
Do vậy nếu chúng ta không cải cách thực sự đưa ra những quy định rõ ràng thì sẽ khó tránh những trường hợp 'lót ổ' trước khi nghỉ hưu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)
No comments:
Post a Comment