Monday, September 15, 2014

Tàu tiền tỷ bán sắt vụn:Máy Trung Quốc do... chủ đầu tư!

(Baodatviet) - "Để đưa ra kết luận khách quan và chính xác thì phải tìm hiểu nguyên nhân một cách kỹ lưỡng, đánh giá trên quan điểm toàn diện".

Đó là khẳng định của ông Đinh Khắc Minh – Viện Trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện khoa học công nghệ tàu thủy trước việc Cục đường thủy nội địa cho rằng dây chuyền tàu cuốc không sử dụng được là do khâu thiết kế.

Viện thiết kế dựa theo số liệu chủ đầu tư cung cấp

PV:- Dây chuyền tàu cuốc nạo vét gồm hai sà lan (SL-01 và SL-02), tàu trục thả phao, tàu lái, tàu cuốc có tổng trị giá 7,18 tỷ đồng, nằm trong dự án nâng cấp tuyến đường thủy nội địa Hải Phòng - Sơn La chỉ chạy thử vài lần đã hỏng. Là đơn vị thiết kế, ông giải thích như thế nào về sự cố đó? Nguyên nhân của sự việc trên đã được xác định là do đâu?

Ông Đinh Khắc Minh: - Năm 2004, Viện có nhận đơn đặt hàng thiết kế của Ban quản lý dự án đường sông thuộc Cục đường sông Việt Nam gồm 6 sản phẩm: hai sà lan (SL-01 và SL-02), tàu trục thả phao, tàu lai, tàu cuốc, xuồng cứu hộ.

Theo yêu cầu nhiệm vụ thư trong đơn đặt hàng của chủ đầu tư thì yêu cầu kỹ thuật đối với tầu cuốc là loại không tự hành, năng suất cuốc 50m3/giờ, chiều sâu cuốc là 3,5 mét, cấp tầu SII. (Quyết định 1899, ngày 28/10/2005 của Cục đường sông đã phê duyệt trên cơ sở văn bản thẩm tra phê duyệt thiết kế số: 017/TS.2005 ngày 19/1/2005 của cơ quan đăng kiểm).

Khi triển khai thiết kế phương tiện Viện phải căn cứ vào các số liệu điều kiện tự nhiên, môi trường, điều kiện khai thác, chiều sâu luồng lạch do chính chủ đầu tư cung cấp, vì vậy, nếu nói Viện lấy số liệu từ năm 2000 để thiết kế là không đúng.

Viện có thể khẳng định rằng không thể có lỗi kỹ thuật do thiết kế (chỉ chạy thử vài lần đã hỏng) nếu như tầu cuốc được đóng mới theo đúng thiết kế và đảm bảo chế độ làm việc trên các luồng lạch, sông ngòi thuộc cấp SII có chiều sâu nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 mét.

Sau khi tàu cuốc được đóng, xuất xưởng và đưa vào khai thác Viện không nhận được văn bản nào phản hồi về tình trạng và nguyên nhân hỏng hóc của phương tiện vì vậy sao lại có thể đổ lỗi do thiết kế được.

PV:- Được biết dây chuyền trên sử dụng máy Trung Quốc, vốn không được đánh giá là có chất lượng tốt, đây có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc dây chuyền vừa chạy thử đã phải đắp chiều hay không? Vì sao Viện Khoa học Công nghệ Tàu thủy lại lựa chọn máy Trung Quốc cho thiết kế của mình?

Ông Đinh Khắc Minh:- Việc lựa chọn dùng loại máy do Trung quốc chế tạo hay bất cứ nước nào khác cũng là do chủ đầu tư quyết định phụ thuộc túi tiền của họ, nhiều tiền thì họ dùng máy châu Âu, không có nên mới phải dùng máy TQ.

Trên cơ sở các thông số máy chính đó Viện tiến hành thiết kế phù hợp với những quy định, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Theo tôi việc dùng máy Trung Quốc chất lượng kém là điều không thể phủ nhận. Chất lượng máy kém sẽ dẫn đến năng suất cuốc thực tế của tầu sẽ kém không thể đảm bảo như thiết kế được.

Cũng như các đơn vị tư vấn thiết kế khác thôi Viện không bao giờ muốn tư vấn lắp máy của TQ do độ bền và tuổi thọ kém, mà chỉ muốn tư vấn dùng máy của Đức hoặc Nhật Bản, Mỹ hoặc của châu Âu để đảm bảo về chất lượng và an toàn cho phương tiện.

Dây chuyền tàu cuốc
Dây chuyền tàu cuốc

Vì lý do nào đó, có thể xuất phát từ yêu cầu mở rộng phạm vi khai thác hoạt động của phương tiện, sau đó Cục đường sông đã đề xuất với Viện xem xét sửa đổi thiết kế và tính toán phương án nâng chiều sâu cuốc từ 3,5 mét đến 9 mét.

Tuy nhiên với các lý do về thử tục pháp lý, các chỉ tiêu kỹ thuật, vốn... nên phương án đề xuất không thể thực hiện được ( Ban quản lý dự án đường sông đã ra thông báo kết luận cuộc họp số 195/QLDA ngày 22/6/2005 về việc không thực hiện sửa đổi thiết kế).

Như vậy khi thiết kế với mục tiêu đặt ra là tàu cuốc sẽ đủ khả năng làm việc với năng suất 50m3/giờ ở độ sâu luồng 3,5 mét, bây giờ nếu độ sâu luồng thực tế khác đi, nếu lớn hơn 3,5 mét thì ắt là năng suất cuốc phải giảm thậm trí bằng 0 m3/giờ chưa nói đến ảnh hưởng của chất lượng máy kém.

Đừng nhìn nhận theo quan điểm phiến diện

PV:- Từ khi xảy ra sự cố, đơn vị tiếp nhận dây chuyền là Ban Quản lý ĐTNĐ số 1 và Viện Khoa học công nghệ tàu thủy có làm việc với nhau để khắc phục sự cố, giảm thiểu thiệt hại không và vì sao?

Ông Đinh Khắc Minh:- Theo kết quả rà soát kiểm tra các công văn lưu trữ của Viện đối với các sản phẩm này thì Viện chưa nhận được văn bản phản hồi nào từ phía chủ đầu tư về tình trạng kỹ thuật con tầu hay chất lượng thiết kế.

Thông thường khi nhân được văn bản yêu cầu của bên đặt hàng thiết kế bao giờ Viện cũng chỉ đạo kịp thời giải quyết, hỗ trợ và đưa ra biện pháp xử lý ngay.

PV:- Hiện nay, sau 8 năm để không, đem bán đấu giá giá trị con tàu đã giảm xuống từ 7.18 tỷ đồng còn 562 triệu đồng. Cục ĐTNĐ khẳng định trách nhiệm này thuộc đơn vị thiết kế, cụ thể Viện khoa học công nghệ tàu thủy, quan điểm của Viện ra sao?

Ông Đinh Khắc Minh:- Thiết nghĩ, để đưa ra kết luận khách quan và chính xác thì phải tìm hiểu nguyên nhân một cách kỹ lưỡng đồng thời xem xét, đánh giá vấn đề trên quan điểm toàn diện không thể phiến diện được.

Những ý kiến trao đổi nêu trên đã làm sáng tỏ vấn đề rồi, cũng không nên vội vàng quy trách nhiệm cho Viện. Chắc sẽ nhiều người đồng quan điểm với tôi rằng là: cho dù thiết kế có hoàn hảo đến mấy, thi công chế tạo đạt chất lượng tốt đến mấy mà sau đó phương tiện không sử dụng hoặc sử dụng với tần suất thấp thậm chí chưa dùng “đắp chiếu để” đấy mà không có duy trì nghiêm ngặt, chế độ duy tu bảo dưỡng phương tiện thì ắt là không tránh khỏi xuống cấp nghiêm trọng, giá trị của phương tiện nhanh chóng trở thành giá trị của sắt vụn thôi.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Thứ Hai, 15/09/2014 14:33
Thanh Huyền

No comments:

Post a Comment