Dân nhập cư bán hoa mùa Tết ở Hà Nội. AFP photo
Nhóm phóng viên tường trình từ VN 2014-09-15
Hà Nội mùa Thu, những hàng cây vặn mình trút lá, mặt hồ liễu rũ, bầy sâm cầm xưa không bay về nữa, nhưng cái nếp ngàn năm Thăng Long vẫn phảng phất đâu đó trong gió mùa. Người dân Hà Nội bắt đầu lục lọi áo len năm cũ, mua sắm áo gió để dạo phố. Hà Nội trở nên trầm mặc và sâu lắng hơn, con người trở nên im lặng. Và đâu đó giữa lòng Hà Nội, có những góc khuất, những cuộc đời nhỏ bé với mùa thu nhỏ bé và buồn đến nao lòng!
Dân oan kiếm sống để khiếu kiện
Một thiếu nữ nghèo tên Hương, bán hoa quả dạo ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ:“Cái ngày mưa thì có vẻ người mua ít hơn. Nhưng đợt này Hà Nội mưa cũng không quá to, năm nay có vẻ hệ thống thoát nước tốt hơn thì phải, mấy năm trước nước ngập nổi lềnh bềnh nhưng năm nay không có. Người ta ở đây mấy mươi năm rồi mọi thứ nó thành cái nếp, mưa thì họ có cách của mưa. Giống như mấy đợt trước thì nó ngập lụt rất nhiều, tất cả mọi người vất vả hơn. Như năm trước em ở trong một căn nhà cũng ngập vào mùa mưa, nước cỡ thế này là ngập lềnh bềnh rồi, nhưng năm nay không ngập.”
Theo Hương, đa phần người bán hàng rong ở thành phố Hà Nội đều có hoàn cảnh khó khăn, sống xa quê và là dân oan, có người ở tít tận Thái Nguyên, Lào Cai hoặc Nghệ An, Hà Tỉnh ra thủ đô sống vật vạ qua ngày đoạn tháng bằng gánh hàng rong, xe hàng rong để tồn tại vì nhiều lý do, trong đó có lý do chờ ngày nhà nước giải oan về vấn đề đất đai bị lạm chiếm, gia đình rơi vào khủng hoảng ở quê nhà.
Thế nhưng đã có rất nhiều người rời quê lên thủ đô với niềm hy vọng rằng đến được đây, sẽ tiếp cận được các quan chức cấp cao, quan chức chính phủ để kêu oan, để họ lắng nghe tiếng nói oan ức của mình để rồi từ năm này sang năm nọ, hết ăn ngủ vật vạ chờ nộp đơn lại phải đi lượm rác, đi bốc vác thuê, rồi cuối cùng, họ trở thành những người vô gia cư giữa lòng Hà Nội lúc nào không hay.
Họ quen dần với đời sống sáng buôn thúng bán mẹt, chiều mua vài cọng rau, vài con tép khô, lưng lon gạo để nấu cơm qua bữa, gốc cây, gầm cầu, góc khuất trong công viên hoặc những đoạn lề đường vắng người trở thành nhà bếp, chỗ ăn và sau bữa ăn, đây là chỗ họ có thể lăn ra ngủ để quên đi sự đời, quên đi một ngày nhọc nhằn và đau khổ. Cứ như thế, ngày qua ngày, họ trở thành những người buôn bán kiếm sống và niềm hy vọng được kêu oan cũng nguội dần theo năm tháng. Cũng không còn gì để về quê, họ nghiễm nhiên làm người vô gia cư giữa thủ đô ngàn năm văn hiến.
Cũng theo Hương, hiện tại, nơi cô tá túc là một căn phòng tuềnh toàng rộng chưa đây tám mét vuông vốn là một nhà kho cũ của một gia đình người Hà Nội, vì thương tình cô và một số người phải vật vạ ngoài hành lang, lề đường, chủ nhà đã đánh tiếng mời cô và mấy người kia cùng tá túc qua đêm. Vì đây là một nhà kho và chẳng có giường chiếu gì, cứ tối về, mọi người trải một tấm bạt lăn ra ngủ chứ không dám trải chiếu.
Hỏi ra, Hương giải thích thêm là trải tấm bạt ít nguy hiểm cho chủ nhà bởi vì họ bí mật giúp đỡ cho cô và những người kia, chứ nếu đăng ký tạm trú, sẽ rất khó, chính vì vậy, mọi người trải bạt ra ngủ, nếu ngoài cổng có ai gõ cửa, thấy có biến động bất thường thì mọi người được báo động và lẻn ra ngõ sau, đi theo một con đường tương đối kín đáo để ra ngoài, xem như chủ nhà và khách đều không bị quấy rầy vì đã cho người tá túc bất hợp pháp.
Hương và những người bạn dân oan đi bán hàng rong đã tá túc ở đây gần ba năm nay, cũng nhờ người chủ nhà tốt bụng mà mọi người có chỗ để trú mưa, trú nắng.
Dân hàng rong thời khó
Một người bán hàng rong khác tên Nguyên, chia sẻ thêm:“Vì cái nghề này ngày nắng ngày mưa cũng không quan trọng. Làm thuê có nhiều việc để làm thuê, như mình đứng ở chợ người, chợ trời. Nhưng lao động ở bên xây dựng thì mùa mưa không có việc phải đi làm công việc khác thôi.”
Theo ông Nguyên, rất nhiều người bán hàng rong có thâm niên hơn ba mươi năm nay ở Hà Nội, buổi sáng họ đạp chiếc xe cọc cạch đi mua hàng như hoa tươi, trái cây, bông bí, đọt bí, các loại bánh cho trẻ nít, xôi, chè… để đến những địa điểm quen thuộc ngồi bán. Và trong gánh hàng rong, xe hàng rong của họ chứa cả một thế giới nghèo ở dưới quê, có người nuôi con ăn học đến đại học cũng nhờ hàng rong, có người nuôi mẹ già, nuôi chồng bị bệnh hoặc nuôi các con nhỏ đều dựa vào hàng rong.
Riêng ông Nguyên với thâm niên hơn mười năm bán hàng trái cây ở Hà Nội, ông phải thừa nhận người Hà Nội chuộng trái cây hơn bất kì nơi nào khác, nếu như người miền Nam có thói quen ăn hoa như hoa điên điển, hoa bèo, hoa súng, người miền Trung lại quen ăn cây như các loại rau cải thì người miền Bắc, đặc biệt là người Hà Nội có thói quen ăn củ quả. Và cũng nhờ vào thói quen này mà nghề bán trái cây dạo của ông chưa bao giờ thất nghiệp, chỉ có những ngày mệt và mùa mưa thì ế ẩm hơn đôi chút nhưng vẫn sống được.
Thế nhưng trong thời gian gần đây, do tình hình kinh tế nói chung, khách hàng mua trái cây của ông cũng có giảm đi ít nhiều. Nếu như trước đây người ta sẵn sàng vung tay mua ngay ba ký táo, hoặc vài ký nhãn thì bây giờ, có vẻ như họ lựa chọn, cân nhắc cẩn thận và cuối cùng chỉ mua từ một đến hai ký. Theo nhận định của ông Nguyên là do tình hình kinh tế đang ngày càng xấu đi nên sức mua sắm cũng giảm hẳn. Ngay ở thủ đô còn thế, huống gì những nới khác, có lẽ sức mua còn tệ hơn nhiều.
Nếu như trước đây, chuyện mỗi ngày kiếm được từ một trăm đến một trăm rưỡi ngàn đồng không khó lắm đối với ông Nguyên thì hiện tại, kiếm được một trăm ngàn đồng mỗi ngày là cả một sự may mắn lớn đối với người bán hàng rong, trong đó có ông Nguyên. Thậm chí, có ngày ông chỉ kiếm được chưa đầy ba chục ngàn đồng, chỉ đủ để mua một ký gạo, nửa lạng cá cơm khô, một bó rau muống và còn dư vài ngàn đồng để tích lũy phòng khi trái gió trở trời.
Dường như những người bán hàng dạo, hàng rong ở Hà Nội đều có cuộc sống kham khổ, tủi buồn giống nhau và cũng có ước mơ con cái thành đạt để đổi đời tựa giống nhau, nếu không muốn nói thêm là thấp cổ bé miệng, số tiền kiếm được cũng nhỏ như nhau và trên hết là họ giống như hiện thân của những kiếp cần lao rơi rớt giữa chợ đời, giữa phố thị sầm uất, phồn thịnh và xa hoa vào bậc nhất đất nước.
No comments:
Post a Comment